NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG VIỆC TỔ CHỨC THI HÀNH BẢN ÁN PHẠM TỘI ĐÁNH BẠC
1. Khái niệm Hình phạt
Theo Điều 30 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định khái niệm hình phạt như sau: “Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.”
Như vậy theo quy định của pháp luật hình phạt gồm hai hình thức: Hình phạt chính và hình phạt bổ sung.
- Hình phạt chính là hình phạt cơ bản được áp dụng cho một loại tội phạm được Tòa án tuyên. Hình phạt chính được áp dụng độc lập với hình phạt bổ sung.
- Hình phạt bổ sung là hình phạt không thể được áp dụng độc lập mà chỉ có thể kèm theo hình phạt chính.
Tại khoản 3 Điều 32 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định như sau: “Đối với mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.”
2. Khái niệm phạt tiền: Phạt tiền là hình phạt buộc người phạm tội phải nộp một khoản tiền nhất định vào ngân sách nhà nước.
Như vậy khi nào thì áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền và được thực hiện như thế nào?
3. Quy định của pháp luật hình sự về hình phạt tiền
3.1. Chủ thể thực hiện hành vi phạm tội
Căn cứ Điều 35 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017:
1. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp sau đây:
a) Người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định;
b) Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
2. Hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
3. Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả, nhưng không được thấp hơn 1.000.000 đồng.”
Trường hợp người phạm tội dưới 18 tuổi, căn cứ Điều 99 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017: “Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng. Mức tiền phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai mức tiền phạt mà điều luật quy định.”
Như vậy chủ thể của tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc có thể khẳng định là chỉ có cá nhân phạm tội đánh bạc mà không phải là pháp nhân thương mại.
3.2. Điều kiện áp dụng hình phạt tiền
3.2.1. Loại tội phạm:
Với hình phạt chính: Phạt tiền được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng; tội nghiêm trọng được Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định như: tội chiếm giữ trái phép tài sản (Điều 176); tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 177); tội tổ chức tảo hôn (Điều 183) v.v.. Đặc biệt, phạt tiền còn được áp dụng đối với người phạm tội rất nghiêm trọng như tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, các tội phạm về môi trường, tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng hoặc tội phạm khác được Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định v.v.. (Tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc nằm trong nhóm tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng).
Với hình phạt bổ sung: Phạt tiền được áp dụng đối với các tội phạm về tham những, ma túy hoặc một số tội phạm khác như: Các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, các tội phạm về chức vụ v.v..
3.2.2. Khả năng tài chính và điều kiện kinh tế của chủ thể thực hiện hành vi tội phạm
Trường hợp người phạm tội là cá nhân thì để áp dụng hình phạt tiền, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chứng minh các tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp cũng như các giấy tờ chứng minh quyền tài sản của người phạm tội. Việc chứng minh khả năng tài chính của cá nhân thực hiện hành vi phạm tội phụ thuộc nhiều vào yếu tố chủ quan, khách quan trong quá trình thực hiện chính sách quản lý tài sản của công dân của Nhà nước ta.
Trường hợp người phạm tội là pháp nhân thương mại thì thông qua toàn bộ hóa đơn, chứng từ đầu vào đầu ra, sổ sách kế toán, tài sản của doanh nghiệp, dư nợ chưa thu hồi được,… các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ chứng minh được điều kiện áp dụng hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
Tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội các chủ thể đã thực hiện, khả năng tài chính và biến động giá cả thị trường mà Tòa án có thể xem xét, cân nhắc ấn định mức phạt tiền phù hợp nhưng không được thấp hơn 1.000.000 đồng đối với chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là cá nhân (Điều 35), không thấp hơn 50.000.000 đồng đối với chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là pháp nhân thương mại (Điều 77). Đồng thời, mức phạt tiền còn phải đảm bảo nằm trong phạm vi khung hình phạt của mỗi loại tội phạm cụ thể.
Theo Điều 321 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định “Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ năm triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”
Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 tăng mức định khung hình phạt và tăng định lượng về số tiền phạt so với BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 từ 5.000.000 đồng lên 20.000.000 đồng và từ 50.000.000 đồng lên đến 100.000.000 đồng. Do đó hiện nay những bản án liên quan đến tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc được Tòa án nhân dân xét xử rất nặng, tuy nhiên việc áp dụng pháp luật của một số thẩm phán đối với bị cáo chưa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không chứng minh các tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp cũng như các giấy tờ chứng minh quyền tài sản của người phạm tội, mặc dù đã được pháp luật quy định.
Theo Điều 50 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định căn cứ quyết định hình phạt như sau:
“Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Khi quyết định áp dụng hình phạt tiền, ngoài căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội.”
Mặc dù pháp luật đã quy định tuy nhiên hiện nay đối với tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc một số thẩm phán của Tòa án vẫn chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật, việc quyết định áp dụng hình phạt tiền còn mang tính cảm tính, thiếu căn cứ, dẫn đến những bản án trên thực tế Tòa án tuyên nhưng gây khó khăn cho quá trình thi hành án, hoặc có những bản án, quyết định của Tòa án tuyên nhưng bị cáo không thể thi hành án được dẫn đến gây khó khăn cho Cơ quan thi hành án dân sự.
Ví dụ: Nghiên cứu hồ sơ vụ án khoảng 10 giờ ngày 20/3/2021 Vũ Ngọc Tuấn và Lê Hữu Thắng bàn bạc với nhau đến khu đất trống tại tổ 39B, khu phố 11A, phường tân Phong, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai để làm trọng tài, tổ chức cho các đối tượng tham gia cá cược đá gà thắng thua bằng tiền và thu xâu theo tỷ lệ 50.000đ/1.000.000đ tiền thắng cược.
Sau khi làm trọng tài 03 trận thì bị Công an thành phố Biên Hòa phối hợp với công an phường Tân Phong bắt quả tang. Vật chứng thu được 02 con gà đã tiêu hủy; 01 cái cân hiệu Nhơn Hòa loại 5kg dùng cân gà phục vụ việc đánh bạc;
Ngoài ra còn thu 4.500.000₫ (Bốn triệu năm trăm nghìn đồng) của Lê Hữu Thắng. Trong đó 850.000₫ (Tám trăm năm mươi nghìn đồng) là tiền thu xâu trận 1 và 3.650.000₫ (Ba triệu sáu trăm năm mươi nghìn đồng) do Thắng mang theo với mục đích dùng vào việc đánh bạc.
Thu 11.500.000₫ (Mười một triệu năm trăm nghìn đồng) của Vũ Ngọc Tuấn. Trong đó 570.000đ (Năm trăm bảy mươi nghìn đồng) là tiền Tuấn thu xâu, 10.930.000₫ (Mười triệu chín trăm ba mươi nghìn đồng) là tiền cá nhân của Tuấn không liên quan đến việc đánh bạc.
Thu 2.000.000₫ (Hai triệu đồng) của Nguyễn Ngọc Hùng. Trong đó: 500.000₫ (Năm trăm nghìn đồng) dùng vào việc đánh bạc, 1.500.000 ₫ (Một triệu năm trăm nghìn đồng) không dùng vào việc đánh bạc.
Thu 7.000.000₫ (bảy triệu đồng) của Nguyễn Hoàng Quốc Nhật là tiền cá nhân không dùng vào việc đánh bạc.
Thu giữ của Lưu Văn Bảo số tiền 700.000đ (bảy trăm nghìn đồng) dùng vào việc đánh bạc.
Tại Bản án số 137/2022/HSST Tòa án nhân dân TP. Biên Hòa tuyên bố các bị cáo Lê Hữu Thắng (Thắng Bân) và Vũ Ngọc Tuấn (Bao Công) phạm tội “Tổ chức đánh bạc"; Tuyên bố các bị cáo Lê Hữu Thắng (Thắng Bân), Phạm Văn Thanh (Thanh Râu), Nguyễn Ngọc Hùng (Hùng Mập) và Nguyễn Hoàng Quốc Nhật phạm tội “Đánh bạc”.
1/. Đối với bị cáo phạm tội “Tổ chức đánh bạc" và “Đánh bạc"
+ Áp dụng điểm e khoản 1 Điều 322, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 17, Điều 58 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Xử phạt bị cáo Lê Hữu Thắng 01 (một) năm 04 (bốn) tháng tù về tội “Tổ chức đánh bạc”.
+ Áp dụng Khoản 1 Điều 321, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17, Điều 55, Điều 58 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017): Xử phạt bị cáo Lê Hữu Thắng 06 (sáu) tháng tù về tội “Đánh bạc”. Tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội buộc bị cáo Lê Hữu Thắng phải chấp hành là 01 (một) năm 10 (mười) tháng tù.
+ Áp dụng điểm c khoản 1 Điều 322, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 17, Điều 58 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Xử phạt bị cáo Vũ Ngọc Tuấn 60.000.000₫ (sáu mươi triệu đồng).
2/. Đối với các bị cáo phạm tội “Đánh bạc",
+ Áp dụng khoản 1 và khoản 3 Điều 321; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52, Điều 17, Điều 58 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Phạm Văn Thanh 01 (một) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bất chấp hành án. Phạt bổ sung bị cáo Phạm Văn Thanh số tiền 10.000.000đ (mười triệu đồng).
+ Áp dụng khoản 1 Điều 321; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm g, h khoản 1 Điều 52, Điều 17, Điều 58 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Ngọc Hùng 01 (một) năm 04 (bốn) tháng tù.
+ Áp dụng khoản 1 và khoản 3 Điều 321; Điều 36; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 17, Điều 58 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Hoàng Quốc Nhật 01 (một) năm 02 (hai) tháng cải tạo không giam giữ. Giao bị cáo Nguyễn Hoàng Quốc Nhật cho UBND phường Tân Phong, thành phố Biến Hòa, tỉnh Đồng Nai giám sát và giáo dục bị cáo trong thời gian chấp hành án. Phạt bổ sung bị cáo Nguyễn Hoàng Quốc Nhật số tiền 10.000.000₫ (mười triệu đồng).
3/. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự và Điều106 của Bộ luật tố tụng hình sự:
Tịch thu tiêu hủy 01 cái cân hiệu Nhơn Hòa loại 5kg (Theo Biên bản giao nhận vật chứng, tài sản ngày 25/8/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Biên Hòa). Tịch thu sung ngân sách Nhà nước số tiền thu lợi bất chính của các bị cáo:
* Sau đó các bị cáo Lê Hữ Thắng, Phạm Văn Thanh, Nguyễn Ngọc Hùng có đơn kháng cáo.
Tại Bản án số: 282/2022/HSPT ngày 20/7/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai tuyên.
Chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Lê Hữu Thắng, Phạm Văn Thanh, Nguyễn Ngọc Hùng, sửa bản án sơ thẩm số 137/2022/HSST ngày 06/4/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa về phần quyết định hình phạt
+ Áp dụng điểm c khoản 1 Điều 322; khoản 1 Điều 321; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17, Điều 55, Điều 58 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017); xử phạt: Lê Hữu Thắng 01 (một) năm tù về tội “Tổ chức đánh bạc”; 06 (sáu) tháng tù về tội “Đánh bạc". Tổng hợp hình phạt buộc Lê Hữu Thắng phải chấp hành hình phạt chung của hai tội là 01 (một) năm 6 (sáu) tháng tù.
+ Áp dụng khoản 1 và khoản 3 Điều 321; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 36, Điều 17, Điều 58 Bộ luật hình sự; xử phạt bị cáo Phạm Văn Thanh 01 (một) năm cải tạo không giam giữ. Phạt bổ sung bị cáo Phạm Văn Thanh số tiền 10.000.000₫ (mười triệu đồng).
+ Áp dụng khoản 1 và khoản 3 Điều 321; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm h, khoản 1 Điều 52, Điều 17, Điều 58 Bộ luật hình sự; xử phạt bị cáo Nguyễn Ngọc Hùng 01 (một) năm tù.
Từ ví dụ nêu trên, thực tế hiện nay những vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng và trên cả nước nói chung. Khi xét xử một số thẩm phán của Tòa án không căn cứ hết các quy định của pháp luật hình sự, áp dụng pháp luật một cách chung chung, hoặc thậm chí là không xem xét áp dụng các điều khoản của BLHS để định khung hình phạt và quyết định hình phạt, nhiều khi quyết định hình phạt quá nặng dẫn đến bị cáo kháng cáo, hủy án hoặc sửa bản án của cấp sơ thẩm, hoặc thậm chí thay đổi cả hình phạt như ví dụ nêu trên.
4. Một số giải pháp và kiến nghị
4.1 Một số giải pháp
- Thứ nhất: Trong công tác tuyển dụng và quản lý cán bộ phải lựa chọn những người vừa có đức vừa có tài, những người “vừa hồng, vừa chuyên”, người có tâm với nghề, để thực hiện được điều đó ngay từ khi tuyển dụng, thi tuyển phải lựa chọn những người có năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, trong khi tuyển dụng và thi tuyển phải đảm bảo nghiêm túc, tránh tiêu cực. Đối với cán bộ cũng cần phải có chính sách đãi ngộ, quan tâm, trọng người tài, người có đức, cân nhắc bổ nhiệm những người có tài, có đức, có tâm với ngành với nghề để họ yên tâm cống hiến. Trong công tác quản lý điều hành thủ trưởng đơn vị cần xây dựng các quy chế, nội quy cơ quan, đơn vị, các chuẩn mực đối với cán bộ, công chức ngành tư pháp trong việc thực hiện thi nhiệm vụ. Bên cạnh đó cần phải tạo điều kiện thuận lợi để Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác được đảm bảo an toàn trong quá trình công tác và thực thi công vụ.
- Thứ hai: Trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và các chức danh tư pháp khác; Trong công tác đào tạo phải thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu để các Thẩm phán, thư ký, thẩm tra viên và các công chức khác không ngừng trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, trách nhiệm nghề nghiệp để phục vụ công tác xét xử được tốt nhất, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Bên cạnh đó cần giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, trình độ nhận thức pháp luật của đội ngũ Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên và Hội thẩm nhân dân.
Lập và xây dựng đội ngũ Thẩm phán, thư ký có kinh nghiệm, có kiến thức chuyên sâu để xét xử những vụ án khó khăn, phức tạp, những vụ án ảnh hưởng đến an ninh chính trị địa phương hay những vụ việc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Với điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thời kỳ công nghệ 4.0, 5.0 các loại tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng, không thể không kể đến tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc dùng công nghệ cao, dùng mạng intemet, mạng viễn thông để cá độ, đánh bạc trực tuyến... Cho nên đòi hỏi Thẩm phán và những người làm công tác tư pháp trong cơ quan Tòa án các cấp cần phải trau dồi thêm trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin, trình độ về ngoại ngữ để kịp thời đáp ứng với diễn biến của tình hình tội phạm hiện nay.
Tham gia phiên tòa ngoài Thẩm phán, thư ký còn có Hội thẩm nhân dân. Hội thẩm nhân dân tham gia phiên tòa hiện nay đa phần là những người kiêm nhiệm hoặc những người có uy tín trong cộng đồng dân cư được bầu làm Hội thẩm nhân dân để tham gia Hội đồng xét xử cùng Thẩm phán của Tòa án. Do yêu cầu về mặt tiêu chuẩn, khác với thẩm phán, tiêu chuẩn để trở thành hội thẩm không đề cao tính chuyên môn mà đề cao uy tín trong cộng đồng dân cư bên cạnh các phẩm chất đạo đức khác, về mặt chuyên môn, hội thẩm chỉ cần có kiến thức pháp luật và có hiểu biết xã hội, không cần có bằng cấp và chứng chỉ chuyên môn như thẩm phán cho nên cần phải thường xuyên tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn, nắm bắt những điểm mới của pháp luật để phục vụ công tác tham gia xét xử được tốt và đạt hiệu quả cao.
Theo tác giả cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn của Hội thẩm nhân dân, qua đó người được bầu hoặc cử làm Hội thẩm cần phải có trình độ chuyên môn về lĩnh vực pháp luật nhất định như phải có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn về pháp luật hoặc đã trải qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ pháp luật có thời hạn...). Bởi vì theo quy định của pháp luật hiện nay, Hội thẩm nhân dân chiếm đa số trong thành viên Hội đồng xét xử, (ví dụ như Hội đồng xét xử sơ thẩm thì chỉ có một Thẩm phán nhưng hai Hội thẩm nhân dân them gia) do đó theo tác giả cần tăng số lượng Thẩm phán tham gia Hội đồng xét xử ngang bằng số lượng Hội thẩm nhân dân hoặc tăng Thẩm phán và giảm Hội thẩm nhân dân.
- Thứ ba: Tăng cường công tác phối hợp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử giữa các cơ quan tiến hành tố tụng là góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng các quy định của pháp luật hình sự về tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc. Cơ quan Công an khi thực hiện chức năng điều tra, bắt giữ tội phạm phải nâng tinh thần, trách nhiệm, nắm chắc địa bàn, nắm chắc đối tượng để có những biện pháp đấu tranh, ngăn ngừa tội phạm xảy ra. Đối với Viện kiểm sát nhân dân khi thực hiện quyền công tố và kiểm sát việc chấp hành pháp luật của các cơ quan tư pháp phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của đơn vị mình trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, mặt khác Viện kiểm sát nhân dân phải thường xuyên phối hợp với các cơ quan tư pháp trong việc điều tra, truy tố, chuyển hồ sơ cho Tòa án nhân dân xét xử kịp thời đúng người, đúng pháp tội, đúng pháp luật. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, Tòa án nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng duy nhất có chức năng và nhiệm vụ xét xử tội phạm. Hay nói cách khác Tòa án nhân dân còn có nhiệm vụ đó là bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ công lý, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Cho nên trong việc thực thi pháp luật, tòa án nhân dân phải là người cầm cân, nảy mực, xét xử phải công bằng, công tâm, thấu tình, đạt lý, trong quá trình xét xử phải đảm bảo chấp hành đúng pháp luật, xử đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm. Thường xuyên phối hợp với cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát trong việc tuyên truyền và đấu tranh, phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm đánh bạc nói riệng.
- Thứ tư: Trong công tác tổ chức, chỉ đạo và áp dụng pháp luật khi xét xử cần phải đảm bảo tính độc lập khi xét xử, theo quy định tại khoản 2 Điều 103 Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”; Tuy nhiên trong công tác xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân thực tế hiện nay vẫn bị chỉ đạo, chi phối bởi nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, nhiều vụ án bị oan sai hoặc xét xử không công tâm là do có sự chỉ đạo của Chánh án hoặc những người có chức, có quyền ở cơ quan đảng, nhà nước, cơ quan cấp trên dẫn đến tình trạng hiện nay nhiều thẩm phán, hội thẩm bị áp lực phải xin chuyển ngành hoặc có nhiều trường hợp nghỉ việc. Theo tác giả cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động tư pháp, nhất là hoạt động xét xử của Tòa án, tạo mọi điều kiện, cơ chế cho Hội đồng xét xử được xét xử một cách độc lập và chỉ tuân thủ theo pháp luật.
- Thứ năm: Nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và nhận thức pháp luật là nhiệm vụ hàng đầu và quan trọng mà bất cứ các cơ quan tiến hành tố tụng nào cũng phải thực hiện, bởi vì thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật mà công dân nhận thức được đâu là hành vi vi phạm pháp luật để phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm đánh bạc nói riêng. Mặt khác chính những người tiến hành tố tụng cũng phải là những tấm gương người tốt, việc tốt trong việc tuyên truyền và phổ biến pháp luật đến với nhân dân, cần tăng cường công tác phối hợp với chính quyền địa phương trong việc đấu tranh phòng ngừa tội phạm và công khai trong hoạt động xét xử, đảm bảo việc định tội danh và quyết định hình phạt trong các vụ án hình sự luôn được khách quan, công bằng và đúng pháp luật.
Thường xuyên tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động tại địa phương để nâng cao công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính những phiên tòa xét xử lưu động là công tác tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa tội phạm hiệu quả nhất, bởi vì thông qua hoạt động xét xử lưu động nhân dân là những người được tiếp xúc với pháp luật gần nhất. Bên cạnh hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng thì nhà trường và gia đình cũng cần phải tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật đối với học sinh và con em mình, nâng cao vai trò đấu tranh, phòng chống và tố giác tội phạm nói chung và tội phạm đánh bạc nói riêng. Đối với tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc theo BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã tăng mức định lượng về mức tiền phạt và tăng mức định khung hình phạt cho nên khi xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng phải thật sự công tâm, khách quan trong việc điều tra, truy tố, xét xử, khi thẩm phán tiếp nhận hồ sơ vụ án phải chịu khó nghiên cứu, nhận xét đánh giá các tài liệu, chứng cứ, giấy tờ trong hồ sơ, các quy định của pháp luật, qua đó phân tích áp dụng khung hình phạt, áp dụng pháp luật và quyết định hình phạt được chính xác, đảm bảo mỗi bản án, quyết định của Tòa án khi tuyên trên thực tế phải được thi hành, không gây khó khăn cho quá trình tổ chức thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự.
4.2 Một số kiến nghị
- Kiến nghị đối với các nhà làm luật nên bỏ hình phạt chính là hình phạt tiền đối với tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc cần thiết áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với nhóm tội phạm cờ bạc để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
- Kiến nghị đối với Tòa án nhân dân, Thẩm phán khi áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền đối với các bị cáo phạm tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, Tòa án căn cứ vào Điều 50 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Ngoài ra Tòa án căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội. Có thể yêu cầu bị cáo tạm nộp tại Tòa án hoặc hướng dẫn bị cáo cho người nhà bị cáo lên tạm nộp tại Cơ quan thi hành án để đảm bảo việc Quyết định của Tòa án sau tuyên trên thực tế được thi hành.
- Kiến nghị Tòa án khi ban hành Bản án, quyết định của Tòa nên đưa đầy đủ các thông tin về cá nhân người phạm tội như số chứng minh nhân dân, số căn cước công dân, ngày cấp, nơi cấp, các thông tin về tài sản để đảm bảo việc thi hành án như số tài khoản, sổ tiết kiệm, nhà, đất, các tài sản có giá khác…
Trên đây là một số khó khăn vướng mắc trong việc thi hành án dân sự liên quan đến tội phạm đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc.
Biên Hòa, ngày 15 tháng 11 năm 2022
CHV Phạm Bá Văn-Chi cục THADS thành phố Biên Hòa