hực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đà Bắc thực hiện cưỡng chế thi hành án vụ tranh chấp bò tại xã Nánh Nghê.
Chỉ cưỡng chế khi đương sự không tự nguyện thi hành án
Vào trung tuần tháng 3 vừa qua, Chi cục THADS huyện Đà Bắc đã thực hiện cưỡng chế thi hành án (THA) đối với người phải THA là ông Quách Công Hậu, trú tại xóm Cơi, xã Nánh Nghê.
Theo Bản án Dân sự sơ thẩm số 04/2022/DSST, ngày 25/11/2022 của Toà án nhân dân huyện Đà Bắc và đơn yêu cầu THA ngày 6/2/2023 của ông Bùi Văn Thượng, trú tại xóm Bưa Sen, xã Nánh Nghê, Chi cục THADS huyện đã ban hành Quyết định THA theo yêu cầu số 63/QĐ-CCTHADS, ngày 9/2/2023 buộc ông Quách Công Hậu phải trả cho ông Bùi Văn Thượng 1 con bò đực màu vàng, có từ 2-3 tuổi, vòng ngực 118 cm; trọng lượng khoảng 132 kg theo biên bản nhận dạng ngày 15/7/2022 và biên bản định giá ngày 10/8/2022 do ông Hậu quản lý. Trường hợp ông Hậu thực hiện giao dịch trái pháp luật, làm mất hoặc thiệt hại đến con bò thì phải đền bù bằng giá trị 10 triệu đồng.
Về chi phí tố tụng, ông Quách Công Hậu phải chịu 8 triệu đồng, bao gồm chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản 4 triệu đồng, chi phí thẩm định gen 4 triệu đồng. Số tiền này sau khi ông Quách Công Hậu nộp sẽ được hoàn lại cho ông Bùi Văn Thượng. Người phải thi hành án có trách nhiệm tự nguyện THA trong thời hạn 10 ngày để kể từ ngày nhận được thông báo hợp lệ quyết định này.
Đồng chí Bùi Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Đà Bắc cho biết: Theo quy định của Luật THADS năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014, quy định thời hạn tự nguyện THA là 10 ngày. Tuy nhiên đã hết thời hạn trên, người phải THA là ông Hậu cố tình không thực hiện nghĩa vụ THA mặc dù đã được thông báo hợp lệ quyết định THA và có điều kiện THA. Mặc dù chấp hành viên kiên trì thuyết phục, hòa giải nhiều lần, cuối cùng vụ việc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế THA. Sau khi tiến hành xác minh thấy có đủ căn cứ, Chi cục THADS huyện Đà Bắc đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện cưỡng chế THA đối với ông Hậu. Việc trao trả tài sản cho người được THA được thực hiện đúng quy định pháp luật. Viện kiểm sát nhân dân huyện Đà Bắc đã thực hiện kiểm sát việc cưỡng chế của Chi cục THADS huyện Đà Bắc đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Tại huyện Tân Lạc, chấp hành viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thường xuyên tuyên truyền các quy định của pháp luật về THADS, đất đai, hôn nhân và gia đình... đến với cán bộ, người dân, kiên trì tuyên truyền, vận động đương sự tự nguyện THA. Nhờ đó, thời gian qua, nhiều vụ việc THA phức tạp, phải chuẩn bị đến phương án cưỡng chế nhưng nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan THA và các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương trong việc vận động, thuyết phục nên người dân đã tự nguyện chấp hành. Cụ thể như vụ việc tranh chấp lối đi chung của 2 đương sự cùng trú tại xóm Mu Biệng, xã Ngọc Mỹ. Sau nhiều lần hòa giải không thành, chấp hành viên đã xây dựng kế hoạch cưỡng chế dự kiến thực hiện vào cuối tháng 3 vừa qua. Sau đó, cơ quan THADS huyện Tân Lạc đã phối hợp với chính quyền xã và huyện tiếp tục xuống tuyên truyền, vận động người phải THA là vợ chồng ông B (tên nhân vật đã được thay đổi) phải dành lối đi riêng qua bất động sản liền kề cho mẹ con chị A, phần đất dành làm lối đi riêng nằm trên đất của vợ chồng ông B có diện tích 44,8 m2. Gia đình ông B đã tự nguyện giao tài sản cho chị A. Vụ việc kết thúc không có khiếu nại, tố cáo.
Giải pháp nâng cao chất lượng Thi hành án dân sự
Theo báo cáo của Cục THADS tỉnh, trong 6 tháng đầu năm (từ ngày 1/10/2022 - 31/3/2023) đã nhận 1.800 bản án, quyết định; tổng số việc giải quyết là 2.729 việc, trong đó số cũ chuyển sang 984 việc (sau khi trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng), số thụ lý mới 1.745 việc, tăng 103 việc. Tổng số việc phải thi hành 2.697 việc, trong đó, số có điều kiện thi hành là 2.304 việc (chiếm 85,43%), số chưa có điều kiện 387 việc (trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng). Số việc thi hành xong là 1.379 việc; số việc chuyển kỳ sau là 1.318 việc.
Tổng số tiền giải quyết trên 383,1 tỷ đồng; trong đó số cũ chuyển sang trên 325,8 tỷ đồng (sau khi trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng), số thụ lý mới trên 57,3 tỷ đồng. Tổng số tiền phải thi hành trên 347,95 tỷ đồng; trong đó, số có điều kiện thi hành trên 214,44 tỷ đồng (chiếm 61,63% trên tổng số tiền phải thi hành); số chưa có điều kiện trên 128,6 tỷ đồng. Số tiền thi hành xong trên 48,28 tỷ đồng; tăng trên 18,84 tỷ đồng (chiếm 64,01%); số tiền chuyển kỳ sau trên 299,67 tỷ đồng..
Để bảo đảm kết quả phân loại án có điều kiện và chưa có điều kiện THA trung thực, chính xác, phản ánh đúng thực trạng điều kiện THA của đương sự, các cơ quan THADS đã thực hiện nghiêm việc ra quyết định về việc chưa có điều kiện THA và đăng tải công khai thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ phải THA của người phải THA chưa có điều kiện thi hành trên Trang thông tin điện tử của Cục THADS tỉnh, Tổng cục THADS và niêm yết tại địa phương, giúp người dân và đương sự giám sát tốt hơn việc phân loại án. Đồng thời, thực hiện nghiêm công tác tự kiểm tra, kiểm tra; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp xác minh điều kiện thi hành án không đúng thời hạn, phân loại án không chính xác gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan THADS đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế THA đối với 4 trường hợp, giảm 21 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022, có 1 trường hợp đã tổ chức cưỡng chế thành công, còn 3 trường hợp cưỡng chế không thành công, không có cuộc cưỡng chế có huy động lực lượng.
Từ số vụ việc trên cho thấy, áp dụng biện pháp cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế dứt điểm các vụ việc là rất khó khăn vì pháp luật trong cưỡng chế THADS là hoạt động mang tính đặc thù riêng. Thông qua hoạt động cưỡng chế THADS góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp về vật chất và tinh thần của công dân, của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế thi hành cho thấy, nhiều đương sự (người phải THA) bị cưỡng chế lợi dụng quyền dân chủ chống đối quyết liệt, khiếu nại, tố cáo vượt cấp, tố cáo sai sự thật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của chấp hành viên và cơ quan THADS. Việc xác định, truy tìm tài sản trong mối quan hệ đồng sở hữu hay qua hệ thống hồ sơ lưu trữ tại cơ quan có thẩm quyền và trên thực tiễn còn rất bất cập, mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, quá trình thi hành Luật THADS và các văn bản về pháp luật THADS đã phát sinh nhiều vướng mắc, hạn chế về trình tự thủ tục, áp dụng pháp luật cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Một số ít vụ việc cưỡng chế không có sự đồng thuận, phối hợp của các cơ quan chuyên môn… vì vậy ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ áp dụng biện pháp cưỡng chế, tổ chức cưỡng chế THA, chất lượng, hiệu quả công tác THADS tại địa phương.
Đồng chí Trần Văn Dũng, Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết: Để nâng cao hiệu quả công tác THA nói chung và cưỡng chế THA nói riêng, giải quyết căn bản tình trạng án tồn đọng, trong thời gian tới, ngành tập trung nâng cao năng lực áp dụng pháp luật của chấp hành viên; đổi mới thủ tục THA, đặc biệt là thủ tục cưỡng chế THA; xử lý nghiêm đối với những trường hợp cản trở không chấp hành án; xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ thông tin thường xuyên giữa cơ quan THA, người được THA với cơ quan đăng ký quyền sở hữu, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cơ quan công chứng các tổ chức tín dụng nhằm phối hợp công tác ngăn chặn kịp thời đương sự tẩu tán tài sản, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan THA trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đẩy mạnh công tác giáo dục thuyết phục đốitượng phải THA tự nguyện THA;rà soát phân loại án để có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
Đinh Thắng