Cơ sở pháp lý, thẩm quyền, thời hạn ra quyết định thi hành án dân sự

30/05/2018

Ra quyết định thi hành án là một thủ tục rất quan trọng trong quá trình thi hành án dân sự. Thẩm quyền và trách nhiệm ra quyết định thi hành án thuộc về Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự. Vì vậy, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cần lưu ý về cở sở pháp lý, thẩm quyền, thời hạn ra các loại quyết định thi hành án dân sự, với những nội dung sau đây:



1. Cơ sở pháp lý để ra quyết định thi hành án dân sự
Cơ sở pháp lý để thực hiện ra quyết định thi hành án dân sự hiện nay gồm các văn bản chính sau đây:
1.1. Khoản 1
Điều 23, khoản 2 Điều 35, khoản 1 Điều 36 và khoản 1 Điều 45 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014.
1.2. Khoản 1 Điều 17 và khoản 1 Điều 120 Luật Phá sản.
1.3. Điều 4, Điều 6, Điều 7, khoản và khoản 5 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự.
1.4. Điều 1 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự.
1.5. Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/2/2016 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ thi hành án dân sự (phần Biểu mẫu quyết định thi hành án và Sổ thụ lý thi hành án dân sự).
1.6. Quyết định số 273/QĐ-TCTHADS ngày 22/02/2017 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành Quy trình tổ chức thi hành án trong nội bộ cơ quan thi hành án dân sự.
1.7. Quyết định số 791/QĐ-BTP ngày 02/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Quyết định số 427/QĐ-TCTHADS ngày 23/03/2018 của Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành Kế hoạch triển khai phần mềm Quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự trong Hệ thống thi hành án dân sự.
2. Các loại quyết định thi hành án
Theo Điều 36 Luật Thi hành án dân sự có hai loại quyết định thi hành án là quyết định thi hành án chủ động và quyết định thi hành án theo yêu cầu.
2.1. Quyết định thi hành án chủ động
Theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án đối với phần bản án, quyết định sau:

a) Hình phạt tiền, thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án (Lệ phí Tòa án là một khoản thu cho ngân sách nhà nước tương tự như án phí nhưng trước năm 2014 không được pháp luật quy định, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước).
b) Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;
c) Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước.
Các khoản thu khác cho Nhà nước (ngoài khoản tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản như Luật Thi hành án dân sự năm 2008) được cụ thể hóa điều này tại Nghị định số 62/2015/NĐ-CP  quy định các khoản thu khác cho Nhà thuộc diện chủ động ra quyết định thi hành án được xác định bao gồm: khoản truy thu thuế; khoản viện trợ cho Nhà nước và các khoản bồi thường cho Nhà nước trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; các khoản thu khác nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước.
Khoản 4 Điều 9 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình (các tội tham nhũng và Chương XVIII Bộ luật hình sự các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế).
Đây là quy định mới của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 nhằm đảm bảo những khoản thu nộp ngân sách nhà nước được thu hồi kịp thời, tránh thất thoát cho ngân sách nhà nước. Điển hình là một số vụ việc tham nhũng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế xảy ra những năm gần đây, sau khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật nhưng một số cơ quan hoặc tổ chức quản lý tài sản của nhà nước chưa chủ động, “đùn đẩy trách nhiệm” cho nhau, dẫn đến việc không kịp thời có đơn yêu cầu thi hành đối với khoản thu cho ngân sách nhà nước, gây thất thoát, lãng phí cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, thông thường đây là những khoản thu có giá trị rất lớn, do đó nếu quy định trường hợp này ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu như trước kia, ngoài việc không kịp thời thu hồi tiền cho ngân sách nhà nước thì còn phát sinh tiền phí thi hành án đối với các khoản thu này. Đồng thời, việc thu phí đối với các trường hợp này đôi khi gặp nhiều khó khăn do không có cơ chế giải quyết.
d) Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;
đ) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
e) Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
Theo quy định tại Điều 17 Luật phá sản thì bao gồm quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định tuyên bố giao dịch vô hiệu, quyết định tuyên bố phá sản và các quyết định khác theo quy định của Luật này (khoản 1); quyết định của Tòa án về phân chia tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã (khoản 5).
2.2. Quyết định thi hành án theo yêu cầu
Theo khoản 1 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự, trừ những trường hợp ra quyết định thi hành án chủ động thì tất cả các khoản còn lại trong các bản án, quyết định đều thuộc diện phải có đơn yêu cầu thi hành án của đương sự cơ quan thi hành án mới được ra quyết định thi hành án.
3.Thẩm quyền ra quyết định thi hành án
3.1. Thẩm quyền chung của cơ quan thi hành án dân sự
Căn cứ Điều 35 Luật Thi hành án dân sự để xác định thẩm quyền ra quyết định thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự, đó chính là thẩm quyền thi hành án, cụ thể là:

3.1.1. Các bản án, quyết định thuộc thẩm quyền thi hành của Chi cục thi hành án dân sự

a) Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở.
b) Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương nơi cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có trụ sở.
c) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở.
d) Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện nơi khác, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án cấp quân khu ủy thác.
3.1.2. Các bản án, quyết định thuộc thẩm quyền thi hành của Cục Thi hành án dân sự
a) Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cùng địa bàn.
b) Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao.
c) Quyết định của Tòa án nhân dân tối cao chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh.
d) Bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài được Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.
đ) Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại.
e) Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh.
g) Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự nơi khác hoặc cơ quan thi hành án cấp quân khu ủy thác.
h) Bản án, quyết định thuộc thẩm quyền thi hành của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện mà thấy cần thiết lấy lên để thi hành.
i) Bản án, quyết định mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp về thi hành án.
3.1.3. Các bản án, quyết định thuộc thẩm quyền thi hành của Phòng thi hành án cấp quân khu
a) Quyết định về hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự của Tòa án quân sự quân khu và tương đương trên địa bàn.
b) Quyết định về hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự của Tòa án quân sự khu vực trên địa bàn.
c) Quyết định về hình phạt tiền, tịch thu tài sản, xử lý vật chứng, tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự của Tòa án quân sự trung ương chuyển giao cho cơ quan thi hành án cấp quân khu.
d) Quyết định dân sự của Tòa án nhân dân tối cao chuyển giao cho cơ quan thi hành án cấp quân khu.
đ) Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện, cơ quan thi hành án cấp quân khu khác ủy thác.

3.2. Thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự trong việc ra quyết định thi hành án

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 23, Điều 36 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu, Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp huyện là những người có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Khoản 2 Điều 23 Luật Thi hành án dân sự quy định Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công hoặc ủy quyền của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự và chịu trách nhiệm trong phạm vi công việc được giao. Vì vậy, người có thẩm quyền ký quyết định thi hành án có thể là Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án khi được phân công hoặc ủy quyền.
Tuy nhiên, quyết định thi hành án dân sự có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở “khởi đầu” một việc thi hành án dân sự. Bởi thế, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự nói chung, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự nói riêng cần lưu ý trực tiếp ký ban hành quyết định thi hành án mà không phân công cho Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án. Trong trường hợp, Thủ trưởng cơ quan thi hành dân sự vắng mặt tại cơ quan hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể trực tiếp ký quyết định thi hành án được thì mới ủy quyền cho Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ký ban hành quyết định thi hành án để bảo đảm ra quyết định thi hành án đúng thời hạn pháp luật quy định.
4. Thời hạn ra quyết định thi hành án
4.1. Thời hạn ra quyết định thi hành án trong trường hợp chủ động thi hành án
Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án trong thời hạn phù hợp với các trường hợp sau đây:
4.1.1. Đối với phần bản án, quyết định về hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án; trả lại tiền, tài sản cho đương sự; tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước; thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định.
4.1.2. Đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì ra ngay quyết định thi hành án khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
4.1.3. Đối với quyết định của Tòa án giải quyết phá sản, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định.
Theo hướng dẫn tại Điểm a Mục 2.2 Công văn số 3089/BTP-TCTHADS  ngày 09/9/2016 của Bộ Tư pháp thì đối với quyết định của Tòa án giải quyết phá sản, theo quy định của Luật Phá sản năm 2014 thì: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố phá sản, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm chủ động ra quyết định thi hành, phân công Chấp hành viên thi hành quyết định tuyên bố phá sản” (khoản 1 Điều 120). Tuy nhiên, việc ra quyết định thi hành án phụ thuộc vào thời điểm mà Tòa án chuyển giao bản án, quyết định sang cơ quan thi hành án dân sự. Theo đó, Luật Thi hành án dân sự đã sửa đổi, bổ sung, quy định “Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án giải quyết phá sản, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án” (khoản 2 Điều 36). Do đó, cơ quan thi hành án căn cứ Điểm e Khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự đã sửa đổi, bổ sung để xác định thời hạn ra quyết định thi hành án đối với quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
4.2. Thời hạn ra quyết định thi hành án trong trường hợp thi hành án theo yêu cầu
- Thời hạn ra quyết định thi hành án theo yêu cầu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án.
- Thời hạn ra quyết định thi hành án trong trường hợp có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng
Theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự và khoản 2 Điều 7 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án. Sau khi trừ đi thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà thời hiệu yêu cầu thi hành án vẫn còn thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án theo yêu cầu thi hành án.
Trong trường hợp này, pháp luật chưa quy định cụ thể thời hạn ra quyết định thi hành án nhưng Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự lưu ý không nên để quá thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày xác định được thời hiệu yêu cầu thi hành án vẫn còn và cũng cố gắng thực hiện trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận yêu cầu thi hành án.
4.3. Thời hạn ra quyết định thi hành án trong trường hợp nhận ủy thác thi hành án
Theo quy định tại khoản 2 Điều 57 Luật Thi hành án dân sự trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án và thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác về việc nhận được quyết định ủy thác.
Quy định này được hiểu là sau khi ra quyết định thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác mới thực hiện thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác về việc nhận được quyết định ủy thác, vì thế lưu ý tránh tình trạng cơ quan thi hành án nhận ủy thác chưa ra quyết định thi hành án đã ra và gửi thông báo về việc đã nhận ủy thác thi hành án. Khi triển khai Phần mềm Quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự thì khi cơ quan thi hành dân sự nhận ủy thác đã ra quyết định thi hành án và kích vào điểm tiếp nhận ủy thác trên Phần mềm, khi đó mới chuyển số việc và tiền từ nơi ủy thác đến nơi nhận ủy thác (ủy thác xong), vì vậy các cơ quan thi hành án cần phối hợp chặt chẽ, liên hệ với nhau khi ủy thác để đảm bảo ủy thác, nhận ủy thác thi hành án kịp thời, đúng pháp luật.
4.4. Thời hạn ra quyết định thi hành án trong trường hợp tiếp tục thi hành án
- Theo quy định tại khoản 4 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi căn cứ hoãn thi hành án không còn, hết thời hạn hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị hoặc khi nhận được văn bản trả lời của người có thẩm quyền kháng nghị về việc không có căn cứ kháng nghị thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định tiếp tục thi hành án.
- Theo quy định tại khoản 3 Điều 49 Luật Thi hành án dân sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tiếp tục thi hành án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được một trong các quyết định rút kháng nghị của người có thẩm quyền hoặc quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án giữ nguyên bản án, quyết định bị kháng nghị hoặc quyết định của Tòa án về việc đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản, đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản.
- Sau khi có quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án, nếu người phải thi hành án có điều kiện thi hành án trở lại thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tiếp tục thi hành án theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
- Trong trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã chuyển sang sổ theo dõi riêng đối với việc chưa có điều kiện thi hành án, nếu người phải thi hành án có điều kiện thi hành thì cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức việc thi hành án.
5. Phạm vi ra quyết định thi hành án
Theo quy định tại Điều 36 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì quyết định thi hành án có hai loại, đó là quyết định thi hành án chủ động và quyết định thi hành án theo yêu cầu.
Hai loại quyết định thi hành án này có những đặc trưng pháp lý khác nhau, do vậy, phạm vi ra quyết định thi hành án đối với hai loại quyết định thi hành án này cũng có sự khác nhau. Vì thế Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cần lưu ý phân biệt trong 01 bản án, quyết định có thể phải ra 01 hoặc cả hai loại quyết định thi hành án.

5.1. Đối với quyết định thi hành án chủ động

5.1.1. Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án chung cho các khoản thuộc diện chủ động thi hành trong một bản án, quyết định, trừ trường hợp:
a) Trong một bản án, quyết định có khoản chủ động về trả lại tiền, tài sản thì ra một quyết định thi hành án đối với mỗi người được thi hành án.
b) Trong một bản án, quyết định có nhiều người phải thi hành nhiều khoản chủ động khác nhau thì ra một quyết định thi hành án chung cho các khoản thuộc diện chủ động thi hành án đối với mỗi người phải thi hành án.
Nội dung này trước đây tại Điều 5 Nghị định số 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự về ra quyết định thi hành án, có quy định: “1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án chung cho các khoản thuộc diện chủ động thi hành trong một bản án, quyết định, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 của Điều này. 2. Trường hợp trong một bản án, quyết định có các khoản chủ động về trả lại tiền, tài sản thì đối với mỗi người được thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án đối với các khoản đó. 3. Trường hợp trong một bản án, quyết định có nhiều người phải thi hành nhiều khoản chủ động khác nhau thì đối với mỗi người phải thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án chung cho các khoản thuộc diện chủ động thi hành án mà người đó phải thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 của Điều này”.            
Như vậy, quy định hiện nay theo Điểm b Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP về bản chất không khác với quy định tại Nghị định số 125/2013/NĐ-CP được hiểu là trường hợp trong một bản án, quyết định có nhiều người phải thi hành nhiều khoản chủ động khác nhau thì đối với mỗi người phải thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án chung cho các khoản thuộc diện chủ động thi hành án mà người đó phải thi hành và đương nhiên không thuộc trường hợp khác như: trả lại tiền, tài sản hoặc nhiều người phải thi hành 01 khoản chủ động hoặc 01 người phải thi hành nhiều khoản chủ động.
5.1.2. Trường hợp thi hành quyền, nghĩa vụ liên đới thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án chung cho những người có quyền, nghĩa vụ liên đới.
5.1.3. Đối với bản án, quyết định của Tòa án có tuyên tổng hợp hình phạt tiền của nhiều bản án mà việc tổng hợp hình phạt tiền không đúng quy định của Bộ luật hình sự thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định thi hành án mà có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đó.
Như vậy, sau khi xác định được các khoản thuộc diện chủ động thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải xác định đối với những khoản thuộc diện chủ động thi hành án đó thì cần phải ra bao nhiêu quyết định thi hành án chủ động và thực hiện trong trường hợp chung, thông thường với những trường hợp đặc biệt, cụ thể mà pháp luật quy định, cụ thể:
- Về nguyên tắc: Ra một quyết định thi hành án chung cho các khoản thuộc diện chủ động thi hành án trong một bản án, quyết định.
- Đối với trường hợp trong bản án, quyết định có các khoản về trả lại tiền, tài sản: Đối với mỗi người được thi hành án ra một quyết định thi hành án.
- Đối với trường hợp trong một bản án, quyết định có nhiều người phải thi hành án phải thi hành nhiều khoản: Đối với mỗi người phải thi hành án, ra một quyết định thi hành án chung cho các khoản mà người đó phải thi hành.
Ví dụ: Bản án số 23/2018/HSST ngày 15/03/2018 của Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh Y tuyên: Phạt tiền đối với Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn B mỗi bị cáo 4.000.000 đồng; truy thu của Nguyễn Văn A 50.000 đồng sung công quỹ nhà nước. Trả lại cho Trần Thị C 01 điện thoại di động Nokia màu đen và trả cho Lê Thị D 01 điện thoại di động Qmobile-Q12 màu tím. Các bị cáo Nguyễn Văn A, Nguyễn Văn B mỗi bị cáo 200.000 đồng án phí HSST. Với ví dụ này, các khoản thuộc diện chủ động thi hành án được xác định như sau: Nguyễn Văn A phải thi hành các khoản: Phạt tiền 4.000.000 đồng; Truy thu 50.000 đồng sung công quỹ nhà nước; Án phí HSST 200.000 đồng. Nguyễn Văn B phải thi hành các khoản: Phạt tiền 4.000.000 đồng; Án phí HSST 200.000 đồng. Trả lại Trần Thị C 01 điện thoại di động Nokia màu đen. Trả lại Lê Thị D 01 điện thoại di động Qmobile-Q12 màu tím. Căn cứ vào các quy định hiện nay thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra 04 quyết định thi hành án chủ động. Cụ thể: 01 quyết định thi hành án đối với Nguyễn Văn A; 01 quyết định thi hành án đối với Nguyễn Văn B; 01 quyết định thi hành án trả lại Trần Thị C 01 điện thoại di động Nokia màu đen; 01 quyết định thi hành án trả lại Lê Thị D 01 điện thoại di động Qmobile-Q12 màu tím.
- Đối với trường hợp thi hành quyền, nghĩa vụ liên đới: Ra một quyết định thi hành án chung cho những người có quyền, nghĩa vụ liên đới.

5.2. Phạm vi ra quyết định thi hành án theo yêu cầu

Theo quy định tại khoản1 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án chỉ ra quyết định thi hành án đối với các khoản thuộc diện theo đơn yêu cầu khi có yêu cầu thi hành án của đương sự. Để xác định được nội dung yêu cầu của người yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải nghiên cứu cụ thể nội dung yêu cầu thi hành án và nội dung của bản án, quyết định. Nội dung yêu cầu thi hành án phải phù hợp với nội dung phần quyết định trong bản án, quyết định theo các trường hợp sau đây:
5.2.1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án cho mỗi yêu cầu thi hành án. Điều này có nghĩa là trường hợp bản án, quyết định có một hoặc nhiều khoản thi hành án theo yêu cầu mà chỉ có 01 yêu cầu thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra 01 quyết định thi hành án đối với yêu cầu thi hành án ở thời điểm đó.
5.2.2. Trường hợp trong bản án, quyết định có một người phải thi hành án cho nhiều người được thi hành án và các đương sự yêu cầu thi hành án vào cùng thời điểm thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án chung cho nhiều yêu cầu.
Tuy nhiên, cần lưu ý trường hợp vào cùng một thời điểm cơ quan thi hành án dân sự nhận được nhiều yêu cầu thi hành án liên quan đến một bản án, quyết định thì tùy thuộc vào nội dung của bản án, quyết định của Tòa án; nội dung yêu cầu thi hành án; thời hạn ra quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc ra một hay nhiều quyết định thi hành án.
Ví dụ: Bản án số 59/2018/DSPT ngày 05/01/2018 của Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh M tuyên: A phải trả cho B 50 triệu đồng và lãi suất chậm thi hành án, A phải trả cho C 100 triệu đồng và lãi suất chậm thi hành án, A phải trả cho D 200 triệu đồng và lãi suất chậm thi hành án. Ngày 20/02/2018 B và C có đơn yêu cầu thi hành án các khoản theo bản án số 59/2018/DSPT; ngày 28/02/2018 D có đơn yêu cầu thi hành án các khoản theo bản án trên. Cơ quan thi hành án dân sự nhận được đơn yêu cầu trong ngày đương sự yêu cầu thi hành án.
Trong trường hợp này, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự huyện N ra 02 quyết định thi hành án: 01 quyết định thi hành án đối với đơn yêu cầu thi hành án của B và C; 01 quyết định thi hành án đối với đơn yêu cầu thi hành án của D vì các đơn yêu cầu thi hành án này cơ quan thi hành án dân sự nhận được cách nhau quá 05 ngày làm việc.
5.2.3. Trường hợp nhiều người được nhận một tài sản cụ thể hoặc nhận chung một khoản tiền theo bản án, quyết định, nhưng chỉ có một hoặc một số người có yêu cầu thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án đối với những người đã có yêu cầu, đồng thời thông báo cho những người được thi hành án khác theo bản án, quyết định đó biết để yêu cầu thi hành án trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Hết thời hạn trên, nếu người được thông báo không yêu cầu thi hành án thì Chấp hành viên tổ chức giao tài sản, khoản tiền đó cho người đã có yêu cầu hoặc người đại diện của những người đã có yêu cầu để quản lý. Quyền và lợi ích hợp pháp của những người được thi hành án đối với tài sản đó được giải quyết theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
5.2.4. Trường hợp thi hành quyền, nghĩa vụ liên đới theo yêu cầu thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án chung cho những người có quyền, nghĩa vụ liên đới. Nếu người được thi hành án chỉ yêu cầu một hoặc một số người trong những người phải thi hành án thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án đối với người đó.
5.2.5.  Đối với bản án, quyết định có ấn định thời hạn
- Đối với bản án, quyết định có ấn định một thời hạn cụ thể để thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án khi nghĩa vụ đã đến hạn, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác. Đối với bản án, quyết định ấn định nghĩa vụ được thực hiện theo nhiều thời hạn khác nhau thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án đối với những nghĩa vụ đã đến hạn.
Trong trường hợp này, nếu người được thi hành án nộp đơn yêu cầu thi hành án cho thi hành toàn bộ bản án (với những khoản thi hành án đã đến hạn và những khoản thi hành án chưa đến hạn) thì cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án đối với những khoản thi hành án đã đến hạn, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác.
- Đối với bản án, quyết định về cấp dưỡng theo định kỳ hàng tháng thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án đối với những nghĩa vụ đã đến hạn hoặc sẽ đến hạn trong năm thi hành án (hiện nay tính từ 01 tháng 10 năm trước đến 30 tháng 9 năm sau). Quá trình thi hành án, người có nghĩa vụ chỉ phải thực hiện các nghĩa vụ đến hạn trừ trường hợp người có nghĩa vụ tự nguyện thi hành cả nghĩa vụ chưa đến hạn. Khi có bản án, quyết định của Tòa án chấp nhận yêu cầu của đương sự về thay đổi mức cấp dưỡng, người cấp dưỡng mà vụ việc đang được cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án đã ban hành và ra quyết định thi hành án theo bản án, quyết định mới. Việc thay đổi mức cấp dưỡng được thực hiện bắt đầu từ thời điểm được xác định tại bản án, quyết định mới của Tòa án, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
- Trường hợp các đương sự thỏa thuận về việc thi hành một lần đối với toàn bộ nghĩa vụ theo định kỳ hoặc theo nhiều thời hạn khác nhau thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án cho toàn bộ nghĩa vụ.
5.2.6. Trường hợp đương sự là pháp nhân hoặc là người chưa thành niên, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án theo yêu cầu của người đại diện theo pháp luật của đương sự.
Trường hợp đương sự là người mất năng lực hành vi dân sự hoặc là người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án theo yêu cầu của người giám hộ.
Trường hợp đương sự có ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án theo yêu cầu của người được uỷ quyền.
5.3. Đối với bản án, quyết định của Tòa án trong vụ án hành chính, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chỉ thụ lý và ra quyết định thi hành án đối với phần nghĩa vụ về tài sản như án phí, bồi thường thiệt hại, trả lại tài sản, giao lại đất đai được tuyên cụ thể trong bản án, quyết định của Tòa án. Những nội dung khác của bản án, quyết định được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính.
5.4. Khoản 7 Điều 1 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 quy định trường hợp cần thiết rút hồ sơ thi hành án từ cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện lên để tổ chức thi hành theo quy định tại Điểm h Khoản 2 Điều 35 Luật Thi hành án dân sự thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh ra quyết định rút hồ sơ thi hành án. Quá trình tổ chức thi hành án tiếp theo, căn cứ vào quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện và quyết định rút hồ sơ thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh và Chấp hành viên có trách nhiệm ra các quyết định về thi hành án theo quy định của pháp luật mà không phải ra quyết định thi hành án mới. Các quyết định về thi hành án, kết quả của quá trình tổ chức thi hành trước đó do cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện thực hiện nếu không vi phạm pháp luật vẫn có giá trị pháp lý, được công nhận và được sử dụng làm căn cứ để tiếp tục tổ chức thi hành vụ việc.

5.5. Ra quyết định thi hành án trong trường hợp chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án

Trong trường hợp chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án cho tổ chức, cá nhân khác thi hành quyền và nghĩa vụ theo bản án, quyết định của Tòa án theo khoản 1, 2 Điều 54 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án trước đó, đồng thời ra quyết định thi hành mới đối với cá nhân, tổ chức mới tương ứng với quyền, nghĩa vụ được chuyển giao.
5.5.1. Đối với tổ chức
- Hợp nhất tổ chức: Trong trường hợp này, tổ chức mới tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Vì vậy, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự sẽ ra quyết định thi hành án đối với tổ chức mới được hợp nhất, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Sáp nhập tổ chức: Trong trường hợp này, tổ chức sáp nhập tiếp tục phải thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Vì vậy, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự sẽ ra quyết định thi hành án đối với tổ chức sáp nhập, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Chia, tách tổ chức: Trong trường hợp này nếu quyết định chia, tách tổ chức xác định rõ cá nhân, tổ chức tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án đối với tổ chức, cá nhân được xác định đó. Nếu quyết định chia, tách không quy định nghĩa vụ của các tổ chức mới thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án yêu cầu các tổ chức mới có trách nhiệm liên đới thực hiện nghĩa vụ thi hành án của tổ chức bị chia, tách.
- Giải thể tổ chức: Về nguyên tắc, theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự thì người phải thi hành án là tổ chức đã bị giải thể, không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho tổ chức khác thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự sẽ ra quyết định đình chỉ thi hành án. Trong trường hợp quyền, nghĩa vụ thi hành án của tổ chức bị giải thể được chuyển giao cho tổ chức khác thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự sẽ ra quyết định thi hành án đối với tổ chức mới.
- Doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần: Trường hợp doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần mà trước đó chưa thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của mình thì sau khi chuyển đổi, doanh nghiệp đó tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án. Vì vậy, Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án đối với công ty cổ phần mới được chuyển đổi.
5.5.2. Đối với cá nhân
Trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án là cá nhân chết thì quyền và nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao cho người thừa kế theo quy định của pháp luật về thừa kế. Vì vậy, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án trước đây và ra quyết định thi hành án đối với những người thừa kế[1] (còn nữa).
Lê Anh Tuấn
 
Tài liệu tham khảo:
1. Giáo trình đào tạo Chấp hành viên, Chấp hành viên trung cấp, cao cấp - Học viện Tư pháp.
2. Tài liệu tài liệu tập huấn triển khai các nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, các văn bản hướng dẫn thi hành và kỹ năng rà soát, chỉ đạo, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự - Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, tháng 12/2015.