Sign In

Chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thừa Thiên Huế

29/06/2015

       Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thừa Thiên Huế là cơ quan trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự, thực hiện chức năng thi hành án dân sự, có nhiệm vụ giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự quản lý một số mặt công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan thi hành án dân sự địa phương và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
     Cục Thi hành án dân sự tỉnh có các Phòng chuyên môn, gồm:
- Văn phòng;
- Phòng Tổ chức cán bộ;
- Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án dân sự;
- Phòng Kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
     Cục Thi hành án dân sự tỉnh có Cục trưởng đồng thời là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự; Phó Cục trưởng đồng thời là Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự; Chấp hành viên cao cấp; Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên sơ cấp; Thẩm tra viên; Thẩm tra viên chính; có thể có Thẩm tra viên cao cấp; Thư ký thi hành án và các công chức khác.
     Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Thi hành án dân sự tỉnh được thực hiện theo quy định tại Điều 14 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, cụ thể như sau:
          1. Quản lý, chỉ đạo về thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm:
                a) Bảo đảm việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự;
             b) Chỉ đạo hoạt động thi hành án dân sự đối với cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện; hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự cho Chấp hành viên, công chức khác của cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn;
              c) Kiểm tra công tác thi hành án dân sự đối với cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện;
                    d) Tổng kết thực tiễn thi hành án dân sự; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo công tác tổ chức, hoạt động thi hành án dân sự theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp.
          2. Trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định theo quy định tại khoản 2, Điều 35 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, cụ thể:
                a)  Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án cấp tỉnh trên cùng địa bàn; 
                b)  Bản án, quyết định của Toà án nhân dân tối cao chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh; 
               c)  Bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài được Toà án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam; 
               d)  Quyết định của Trọng tài thương mại; 
               đ)  Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh; 
               e)  Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự nơi khác hoặc cơ quan thi hành án cấp quân khu ủy thác; 
               g)  Bản án, quyết định thuộc thẩm quyền thi hành của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện quy định tại khoản 1 Điều này mà thấy cần thiết lấy lên để thi hành; 
               h)  Bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp về thi hành án.  
          3. Lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự; phối hợp với cơ quan Công an trong việc lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm chấp hành hình phạt tù và đặc xá cho người có nghĩa vụ thi hành án dân sự đang chấp hành hình phạt tù.
          4. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008.
          5. Thực hiện quản lý công chức, cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự tại địa phương theo hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp.
          6. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện trách nhiệm, quyền hạn trong việc: Chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn và chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
          7. Thực hiện báo cáo công tác thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.