Sign In

Tuyên truyền về biển, đảo.

20/08/2015

    Thực hiện Hướng dẫn số 37 HD/CCQ ngày 02/4/2015 của Ban thường vụ Đoàn khối các cơ quan tỉnh, Ban chấp hành Chi đoàn Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng nội dung tuyên truyền về biển, đảo. 
1. Về Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982:
    Ngày 30/4/1982, Việt Nam là một trong 130 nước bỏ phiếu thông qua Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 tại New York sau 5 năm trù bị (1967-1972) và 9 năm đàm phán (1973-1982) với 11 khóa họp. Ngày 10/12/1982, Việt Nam và 118 nước khác bắt đầu tham gia ký kết Công ước. Tính đến 16/11/1993 đã có 159 nước tham gia ký kết Công ước và 60 nước phê chuẩn Công ước.
     Ngày 23/6/1994, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX kỳ họp thứ V đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và nộp lưu chiểu Liên hiệp quốc vào ngày 25/7/1994.
      Ngày 16/11/1994, Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 (gọi tắt là Công ước 1982) chính thức có hiệu lực với sự tham gia của 165 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự ra đời của Công ước 1982 đánh dấu một bước phát triển mới trong quá trình xây dựng hệ thống pháp luật quốc tế về biển và đại dương, là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng đề cập những vấn đề chính yếu về biển và đại dương. Nó quy định các quyền cũng như lợi ích chính đáng và các nghĩa vụ của tất cả các quốc gia đối với vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia cũng như đối với vùng biển ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia.
     Lần đầu tiên trong lịch sử, Công ước 1982 gồm 320 điều và 9 phụ lục đính kèm đã quy định một cách tổng thể các vấn đề pháp lý đối với biển và đại dương, được chia thành 3 vùng có chế độ pháp lý khác nhau: Vùng 1 là các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia bao gồm nội thủy và lãnh hải; vùng 2 là các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia tức là các vùng biển tiếp giáp lãnh hải và vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; vùng 3 là các vùng biển chung của cộng đồng quốc tế gồm có biển quốc tế và đáy đại dương.
     Công ước 1982 là cơ sở pháp lý quốc tế rất quan trọng để Nhà nước và nhân dân Việt Nam đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài, góp phần củng cố hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
     Quy định của Công ước 1982, tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 12/5/1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật được nhấn mạnh qua một số nội dung chủ yếu sau:
- Đường cơ sở: Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đường cơ sở dùng  để tính chiều rộng  của  lãnh hải Việt Nam ngày12/11/1982 “Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam là đường thẳng gẫy khúc” nối liền các điểm: Điểm xuất phát nằm trên ranh giới phía Tây Nam của Việt Nam và Campuchia ó Hòn Nhạn, quần đảo Thổ Chu  ó Tại hòn Đá lẻ, Đông nam Hòn Khoai ó Tại Hòn Tài Lớn, Côn Đảo ó Tại Hòn Bông Lang, Côn Đảo ó Tại Hòn Bảy cạnh, Côn Đảo ó Tại Hòn Hải, đảo Phú Quý ó Tại Hòn Đôi ó Tại Mũi Đại Lãnh ó Tại Hòn Ông Căn ó Tại đảo Lý Sơn ó Tại đảo Cồn Cỏ. Đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Vịnh Bắc Bộ do Pháp và nhà Thanh ký ngày 26/6/1887. Phần vịnh thuộc phía Việt Nam là vùng nước lịch sử theo chế độ nội thủy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
     Đường cơ sở Việt Nam là đường cơ sở chưa hoàn chỉnh, vì ở phía Nam là điểm A0 tiếp nối ranh giới đường cơ sở của Việt Nam và Campuchia trong vùng nước lịch sử chung Việt Nam  - Campuchia chưa xác định được, cũng như điểm cuối cùng của đường cơ sở Việt Nam là điểm A11 (đảo Cồn Cỏ) nằm ở cửa vịnh Bắc Bộ. 
Nội thủy: Nội thủy là một vùng biển gắn với đất liền, là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia, tại đó quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối. Chủ quyền này bao trùm cả lớp nước biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển và vùng trời trên nội thủy. Chính vì vậy,  trong vùng nội  thủy, quốc gia ven biển  sẽ  thực hiện đầy đủ quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp giống như trên đất liền. Mọi luật lệ do quốc gia ban hành đều được áp dụng cho vùng nội thủy mà không có một ngoại lệ nào.
     Chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển trong vùng nội thủy được quy định rõ ràng và chủ yếu trong các văn bản pháp luật quốc gia. Theo pháp luật Việt Nam, chủ quyền và  quyền tài phán của quốc gia trong  vùng nội  thủy được quy định trong nhiều văn bản pháp lý khác nhau, từ Hiến pháp năm 1982 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời” (Điều 1 – Hiến pháp 1982) đến các luật và các văn bản dưới luật như Luật hình sự Việt Nam năm 1999, Luật biên giới quốc gia năm  2003 - Điều 7 quy định: “Nội thủy của Việt Nam bao gồm: 1. Các vùng nước phía trong đường cơ sở; 2. Vùng nước cảng được giới hạn bởi đường nối các điểm nhô ra ngoài khơi xa nhất của các công trình thiết bị thường xuyên là bộ phận hữu cơ của hệ thống cảng”. Nghị định 30-CP ngày 29/01/1980 về quy chế hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam, Nghị định số 55-CP ngày 01/10/1996 về hoạt động của tàu quân sự vào thăm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nghị định 71/2006/NĐ-CP về quản  lý cảng biển và  luồng hàng hải, Nghị định 61/2003/NĐ-CP về quy chế khu vực biên giới biển...
Lãnh hải: Theo Điều 2 Công ước 1982: “Chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng ra ngoài lãnh thổ và nội thủy của mình, trong trường hợp quốc gia quần đảo, ra ngoài vùng nước quần đảo đến một vùng gọi là lãnh hải. Chủ quyền này được mở rộng đến vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển”. Lãnh hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam rộng 12 hải lý, ở phía ngoài đường cơ sở nối liền các điểm nhô ra xa nhất của bờ biển và các điểm ngoài cùng của các đảo ven bờ của Việt Nam tính từ ngấn nước thủy triều thấp nhất trở ra….Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chủ quyền đầy đủ và  toàn vẹn đối với  lãnh hải của mình cũng như đối với vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải.
Vùng tiếp giáp lãnh hải: Vùng tiếp giáp lãnh hải của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là vùng biển tiếp liền phía ngoài lãnh hải Việt Nam có chiều rộng là 12 hải lý hợp với lãnh hải Việt Nam thành một vùng biển rộng 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam. Việt Nam thực hiện sự kiểm soát cần thiết trong vùng tiếp giáp lãnh hải của mình, nhằm bảo vệ an ninh, bảo vệ các quyền lợi về hải quan, thuế khoá, đảm bảo sự tôn trọng các quy định về y tế, về di cư, nhập cư trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam.
Vùng đặc quyền kinh tế: Vùng đặc quyền kinh tế của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp liền lãnh hải Việt Nam và hợp với lãnh hải Việt Nam thành một vùng biển rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về việc thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và không sinh vật ở vùng nước, ở đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển của vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; có quyền và thẩm quyền riêng biệt về các hoạt động khác phục vụ cho việc thăm dò và khai thác vùng đặc quyền kinh tế nhằm mục đích kinh tế; có thẩm quyền riêng biệt về nghiên cứu khoa học trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; có thẩm quyền bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Thềm lục địa: Thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa Việt Nam mở rộng ra ngoài lãnh hải Việt Nam cho đến bờ ngoài của rìa lục địa; nơi nào bờ ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam không đến 200 hải lý thì thềm lục địa nơi ấy mở rộng ra 200 hải lý kể từ đường cơ sở đó. Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về mặt thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa Việt Nam bao gồm tài nguyên khoáng sản, tài nguyên không sinh vật và tài nguyên sinh vật thuộc loại định cư ở thềm lục địa Việt Nam.
     Các đảo và quần đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam ở ngoài vùng lãnh hải đều có lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng như đã quy định trong các điều 1, 2, 3, và 4 của Tuyên bố ngày 12/5/1977 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
     Cùng với các điều khoản định nghĩa các ranh giới trên biển, Công ước còn quy định các nghĩa vụ tổng quát cho việc bảo vệ môi trường biển và bảo vệ quyền tự do nghiên cứu khoa học trên biển. Công ước cũng tạo ra một cơ chế pháp lý mới cho việc kiểm soát khai thác tài nguyên khoáng sản tại các lòng biển sâu nằm ngoài thẩm quyền quốc gia, được thực hiệnthông qua Ủy ban đáy biển quốc tế.
Các nước không có biển được quyền có đường ra biển mà không bị đánh thuế giao thông bởi các nước trên tuyến đường nối với biển đó.
2. Về tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC):
     Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (viết tắt là DOC) được các nước ASEAN và Trung Quốc ký ngày 04/11/2002 tại Campuchia nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8. Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được có liên quan đến vấn đề Biển Đông và được coi là bước đột phá trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. DOC phản ánh nguyện vọng chung của các quốc gia trong khu vực về giữ gìn hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực Biển Đông, giúp thúc đẩy việc tăng cường hợp tác, xây dựng lòng tin và giảm căng thẳng, nguy cơ xung đột.
     Mục đích quan trọng nhất của DOC là tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm giải pháp hòa bình và lâu dài cho tranh chấp ở Biển Đông, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác hiện có giữa các bên ký kết. Ngoài ra, DOC còn tạo bước đệm cho việc tiếp tục xây dựng và tiến tới ký kết COC. Như vậy, có thể khẳng định rằng DOC không phải là một văn kiện để giải quyết tranh chấp, mà chỉ tạo điều kiện, cơ hội cho các bên tìm kiếm một giải pháp cho tranh chấp. Mục tiêu mà DOC đặt ra là phù hợp vì các bên đều hiểu rằng trước mắt chưa thể có một giải pháp nào giải quyết dứt điểm tranh chấp ở Biển Đông. Tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết từng bước một, vì vậy trước mắt là phải tạo ra được một môi trường hợp tác, thân thiện thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin và các hoạt động hợp tác, làm tiền đề cho một giải pháp lâu dài hơn.
Nội dung chính của DOC được chia thành 3 nhóm chính:
     - Nhóm các vấn đề liên quan đến luật pháp quốc tế: trong đó các bên khẳng định tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước 1982, Hiệp ước thân thiện và hữu nghị (TAC), năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, coi đây là các nguyên tắc nền tảng điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia; giải quýet các tranh chấp liên quan đến Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực.
     - Nhóm các vấn đề liên quan đến hoạt động xây dựng lòng tin: Các bên khẳng định sẽ nỗ lực trên tinh thần hợp tác và hiểu biết lẫn nhau nhằm tìm ra các phương cách xây dựng lòng tin bao gồm các biện pháp như: tiến hành đối thoại quốc phòng, đối xử nhân đạo với người bị nạn, trao đổi thông tin trên cơ sở tự nguyện. Sẵn sàng trao đổi, tham khảo ý kiến kể cả trao đổi ý kiến thường niên về việc tuân thủ DOC.
     - Nhóm các vấn đề liên quan đến hoạt động hợp tác: các bên cam kết trong khi chờ đợi một giải pháp lâu dài và toàn diện cho vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, các bên có thể thăm dò, hoặc tiến hành hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm như: bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học biển, an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia. Tuy nhiên, để tránh việc các bên có thể lợi dụng các hoạt động hợp tác để gây phương hại đến quyền lợi của các bên khác, DOC quy định thể thức, phạm vi và địa điểm liên quan đến hợp tác song phương và đa phương phải được các bên liên quan nhất trí trước khi thực hiện.
DOC đã cụ thể hóa yêu cầu hợp tác trong 5 lĩnh vực:
     - Bảo vệ môi trường biển;
     - Nghiên cứu khoa học biển;
     - An toàn và an ninh hàng hải;
     - Tìm kiếm cứu nạn trên biển;
     - Chống tội phạm xuyên quốc gia; bao gồm và không giới hạn ở hoạt động buôn bán ma túy, cướp biển và cướp tàu có vũ trang và buôn lậu vũ khí;
     Các lĩnh vực hợp tác này được coi là ít nhạy cảm và là các biện pháp hỗ trợ cho việc xây dựng lòng tin giữa các bên. Các lĩnh vực hợp tác này được quy định trong Công ước Luật biển 1982 và trên thực tế đã được triển khai song phương hoặc đa phương giữa các nước trong khu vực. Ban đầu các bên chỉ tập trung hợp tác trong các lĩnh vực này là hợp lý, vì phù hợp với khả năng của các bên và điều kiện, hoàn cảnh ở Biển Đông.
     Hiện nay, ASEAN và Trung Quốc đã xác định được một loạt các dự án hợp tác nhằm triển khai DOC. Đồng thời, ASEAN và Trung Quốc cũng đang hoàn tất việc soạn thảo Quy tắc hướng dẫn triển khai DOC làm cơ sở cho việc các bên tiến hành các hoạt động hợp tác triển khai DOC.
3. Về các nguyên tắc, thỏa thuận có liên quan đến biển, đảo đã ký giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Biển Đông:
     Nằm ven Biển Đông và là một trong những quốc gia có bờ biển dài trong khu vực (khoảng 3260 km), theo các quy định của Công ước Luật biển 1982, Việt Nam được mở rộng chủ quyền, các quyền thuộc chủ quyền và quyền tài phán của mình ra các vùng biển và thềm lục địa rộng khoảng 1 triệu km2. Việc mở rộng này đã làm xuất hiện những vùng biển và thềm lục địa chồng lấn cần phải được phân định với các nước láng giềng. Là thành viên Công ước Luật biển 1982, Việt Nam có nghĩa vụ phải giải quyết các tranh chấp này theo các quy định của Công ước. Với việc xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của các quốc gia ven biển trên cơ sở Công ước Luật biển năm 1982, Việt Nam có các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn với các nước láng giềng trong khu vực Biển Đông.
     Đến nay, Việt Nam đã thông qua đàm phán giải quyết được vấn đề phân định ranh giới thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế với Thái Lan (Hiệp định ký ngày 9/8/1997, có hiệu lực từ 26/02/1998); phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc (Hiệp định ký ngày 25/12/2000, có hiệu lực từ 30/6/2004); phân định ranh giới thềm lục địa với Indonesia (Hiệp định ký ngày 26/6/2003, có hiệu lực từ 29/5/2007).
4. Về chứng cứ lịch sử, căn cứ pháp lý và thực tiễn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của VN:
     Quần đảo Hoàng Sa gồm trên 30 đảo, đá, cồn, san hô và bãi cạn, nằm ở khu vực biển giữa vĩ độ 150 45’Bắc - 170 15’Bắc và kinh độ 1110Đông -1130Đông trên vùng biển rộng 30.000 km2, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi, Việt Nam) khoảng 120 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 140 hải lý. Diện tích toàn bộ phần nổi của quần đảo khoảng 8 km2 và đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất khoảng 1,5 km2.
     Quần đảo Trường Sa cách quần đảo Hoàng Sa tính đến đảo gần nhất là khoảng 350 hải lý, đảo xa nhất là khoảng 500 hải lý, cách Vũng Tàu 305 hải lý và cách Cam Ranh 250 hải lý, cách đảo Phú Quốc 240 hải lý, cách Bình Thuận (Phan Thiết) 270 hải lý. Quần đảo trải dài từ 6000’ vĩ Bắc đến 120 vĩ Bắc, từ kinh độ 111000’Đông đến 117000’ Đông trong vùng biển khoảng 410.000 km2. Biển tuy rộng nhưng diện tích các đảo, đá, bãi nổi trên mặt nước lại rất ít, chỉ tổng cộng 11km2. Về số lượng đảo theo thống kê của Vụ Biển thuộc Ban Biên giới Chính phủ năm 1988 bao gồm 137 đảo, đá, bãi; không kể 5 bãi ngầm thuộc thềm lục địa Việt Nam (gồm bãi Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Nguyên, Tư Chính).
     Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được người Việt khai thác từ rất sớm, gọi chung một tên nôm là Bãi cát Vàng. Vào nửa thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn tổ chức “Đội Hoàng Sa” lấy người từ xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phú Quảng Ngãi ra quần đảo Hoàng Sa thâu lượm hàng hoá, khí cụ trên các tàu mắc cạn và đánh bắt hải sản quí hiếm. Chúa Nguyễn lại tổ chức thêm đội “Bắc Hải” lấy người thôn Tư Chính hoặc xã Cảnh Dương, phủ Bình Thuận, cấp giấy phép ra quần đảo Trường Sa với cùng nhiệm vụ như đội Hoàng Sa. Các hoạt động này được ghi nhận trong nhiều tài liệu lịch sử như: “Toản tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá tự Công Đạo (1686), “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn (1776), “Lịch triều Hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú (1821), “Đại Nam thực lục tiền biên” (1844 - 1848), “Đại Nam thực lục chính biên” (1844 - 1848), “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử triều Nguyễn biên soạn (1910), Dư địa chí “Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ”, “Quốc triều chính biên toát yếu” (1910). Đồng thời hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các hoạt động của triều đình phong kiến Việt Nam  được nhắc đến trong các tác phẩm nước ngoài như: Nhật ký Batavia (1936), Hải ngoại ký sự (1696), An Nam đại quốc hoạ đồ (1838)...
     Thời kỳ Pháp xâm lược Việt Nam, trên cơ sở đại diện cho triều đình phong kiến An Nam, Pháp đã có nhiều hành động củng cố chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa bằng việc tiến hành tuần tra, kiểm soát và đưa quân ra chiếm đóng các đảo. Ngày 21/12/1933, Thống đốc Nam Kỳ J.krautheiner ra Nghị định số 4762 sát nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa (Nam Kỳ). Ngày 30/3/1938, Hoàng đế Bảo Đại ra Dụ số 10 (ngày 29/2 năm Bảo Đại thứ 13) tách quần đảo Hoàng Sa khỏi địa hạt tỉnh Nam Ngãi đặt vào tỉnh Thừa Thiên. Ngày 15/6/1938, Toàn quyền Đông Dương Jules Brévié ra Nghị định số 156 thành lập một đơn vị hành chính ở quần đảo Hoàng Sa, tỉnh Thừa Thiên. Trong năm 1938, Pháp đã tiến hành đặt bia chủ quyền ở đảo Hoàng Sa (Pattle) thuộc quần đảo Hoàng Sa, trên cột mốc có ghi dòng chữ: “Cộng hoà Pháp, Đế quốc An Nam, quần đảo Hoàng Sa – 1816, đảo Hoàng Sa (Pattle). Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, Pháp quay trở lại Hoàng Sa. Ngày 08/3/1949, Pháp công nhận độc lập thống nhất của Việt Nam và ngày 14/10/1950, Pháp chính thức trao việc phòng thủ quần đảo Hoàng Sa cho Việt Nam. Ngày 6/9/1951, tại Hội nghị San Prancisco, ông Trần Văn Hữu, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Chính phủ Quốc gia Việt Nam đã chính thức tuyên bố và khẳng định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo: “Và cũng vì cần phải lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Spratlys và Paracels, tạo thành một phần của Việt Nam”.
     Tiếp đó chính quyền Việt Nam Cộng hoà đã đóng quân trên hai quần đảo, đảm nhiệm việc quản lý hai quần đảo theo đúng trách nhiệm mà Hiệp định Geneve năm 1954 về Việt Nam trao cho quản lý tạm thời nửa nước Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào trong khi chờ đợi thống nhất đất nước bằng tổng tuyển cử tự do. Tháng 4/1956, chính quyền Việt Nam Cộng hoà đã đưa quân ra thay thế quân Pháp trên các đảo thuộc nhóm phía Tây thuộc quần đảo Hoàng Sa và trong khi chưa kịp triển khai trên các đảo thuộc nhóm phía Đông của quần đảo Hoàng Sa thì Trung Quốc đã bí mật ra chiếm đóng nhóm đảo này. Tháng 1/1974, Trung Quốc dùng không quân và hải quân đánh chiếm nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa  của Việt Nam, chính quyền Việt Nam Cộng hoà đã tố cáo Bắc Kinh vi phạm chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Ngày 14/02/1975, Bộ Ngoại giao chính quyền Sài Gòn công bố Sách trắng về các quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.  
     Tháng 4/1975, Hải quân nhân dân Việt Nam giải phóng các đảo Trường Sa, Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây, Sinh Tồn, An Bang do quân đội Việt Nam Cộng hoà đóng giữ.
     Ngày 2/7/1976, nước Việt Nam thống nhất dưới tên gọi là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với tư cách thừa kế quyền sở hữu các quần đảo từ các chính quyền trước, Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam có trách nhiệm duy trì việc bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; trong đó đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng liên quan trực tiếp đến hai quần đảo này như: Trong Hiến pháp 1980, 1992, Luật biên giới quốc gia năm 2003, Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam ngày 12/11/1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt nam, Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam ngày 12/11/1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam đều khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận lãnh thổ Việt Nam. Trong các năm 1979, 1981, 1988, Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà XHCN Việt Nam công bố Sách trắng về chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các tài liệu này đã chứng minh một cách rõ ràng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo trên tất cả các khía cạnh: Lịch sử - Pháp lý và thực tiễn quốc tế.
     Xuất phát từ nhu cầu quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ngày 9/12/1982, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà XHCN Việt Nam ra Nghị định tổ chức quần đảo Hoàng Sa thành huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và tổ chức quần đảo Trường Sa thành huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 28/12/1982, tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá VII đã ra Nghị quyết tách huyện đảo Trường Sa ra khỏi tỉnh Đồng Nai và sát nhập vào tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hoà). Ngày 6/11/1996, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá IX ra Nghị quyết tách huyện đảo Hoàng Sa ra khỏi tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, sát nhập vào thành phố Đà Nẵng.
     Lập trường của Việt Nam là chiếm hữu thật sự hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất từ thế kỷ XVII khi nó chưa thuộc chủ quyền bất cứ quốc gia nào và Nhà nước Việt Nam đã thực hiện thật sự chủ quyền của mình một cách liên tục và hoà bình cho đến khi nó bị nước ngoài dùng vũ lực xâm chiếm.
     Cho đến nay, Việt Nam đang thực sự quản lý 21 đảo, đá và bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa, không ngừng củng cố và phát triển cơ sở vật chất và đời sống kinh tế - xã hội nhằm xây dựng huyện đảo trở thành đơn vị hành chính ngang tầm vị trí, vai trò của huyện đảo trong hệ thống hành chính của Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.
     Đối với quần đảo Hoàng Sa mặc dù đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép hoàn toàn từ năm 1974, nhưng căn cứ vào lịch sử và luật pháp quốc tế, Nhà nước và toàn thể nhân dân Việt Nam khẳng định Hoàng Sa trước sau như một là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam, từ thế hệ này đến thế hệ khác, bằng mọi giải pháp, quyết tâm đấu tranh giành lại chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa thân yêu của dân tộc./.
                                                                                       Chi đoàn

Các tin đã đưa ngày: