Để đảm bảo bản án, quyết định của Tòa án được thi hành trên thực tế, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao cho ngành Thi hành án dân sự, ngoài biện pháp vận động, giáo dục thuyết phục, khuyến khích đương sự tự nguyện, thỏa thuận thi hành án, áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật còn phải
tập trung triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành và tổ chức thi hành án; Đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cơ chế một cửa trong thi hành án, đây là giải pháp đột phá trong công tác thi hành án dân sự
[1].
Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2017 ngày 23/12/2016 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo:
“…Năm nay chúng ta chưa đạt trình độ ASEAN 4 trong môi trường kinh doanh thì sang năm chúng ta phấn đấu đạt.
Tôi có nói với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là Phó Thủ tướng trình bày trước Hội nghị toàn quốc về Nghị quyết 19 mới để đảm bảo rằng năm 2017, Việt Nam đạt được trình độ ASEAN 4 nhất là khắc phục các khâu như: Bảo vệ nhà đầu tư, Thủ tục hành chính, Thời gian xâm nhập thị trường, Tiếp cận đất đai... Chính vì vậy, việc tạo môi trường, xóa bỏ rào cản trong nền kinh tế thị trường, đảm bảo quyền của người dân, doanh nghiệp cần thực hiện tốt hơn. Tôi nói ý này Ngành Tư pháp của chúng ta phải hướng vào cái này, tuy là tồn tại nhưng cũng chính là phương hướng của chúng ta…”[2]
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các khâu bảo vệ nhà đầu tư, thủ tục hành chính, tạo một trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, đảm bảo quyền của người dân, doanh nghiệp,... chưa thực hiện tốt. Theo đó trách nhiệm của toàn Hệ thống thi hành án dân sự phải làm gì trong việc cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và giảm chi phí thực thi phán quyết của tòa án để bảo vệ nhà đầu tư, đảm bảo quyền của người dân, doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 08/02/2017 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII, xác định:
“Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản biên chế gắn với cải cách công vụ, công chức, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đối với tỉnh Vĩnh Long, nhằm tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác thi hành án dân sự, ngày 12/8/2015 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long ban hành Công văn số 1646-CV/TU về
“Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự”; ngày 08/3/2016 Chủ tịch UBND tỉnh có Chỉ thị số 09/CT-UBND
về thực thiện các chỉ tiêu nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh. Ngày 22/4/2016 Ban chấp hành Đảng bộ khối Các cơ quan tỉnh ban hành Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK về “
Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng trực thuộc trong thực hiện cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020”; Ban chấp hành chi bộ Cục Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Kế hoạch cụ thể hóa Nghị quyết số: 02-NQ/ĐUK, ngày 22/4/2016 của Đảng ủy khối Các cơ quan tỉnh.
Trên cơ sở chủ trương của Đảng và Nhà nước, quan điểm chỉ đạo của trung ương về đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thi hành án dân sự để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được trong cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin năm 2015 và năm 2016, ngày 15/02/2017 Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Long đã ký Quyết định ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2017, với mục tiêu trọng tâm:
1) Rà soát, đánh giá các thủ tục hành chính trong thi hành án dân sự làm cơ sở đề xuất hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự theo hướng chặt chẽ về mặt pháp lý và đơn giản về thủ tục, giấy tờ; 2) Cải thiện chất lượng dịch vụ, quan tâm đánh giá sự hài lòng của người dân đối với chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính của cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn; 3)Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi sai phạm, nhũng nhiễu người dân; 4) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành thi hành án dân sự tỉnh.
Một số kết quả cụ thể
Về cải cách thể chế hành chính
Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã báo cáo cấp thẩm quyền kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu trình Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS, cụ thể: Hướng dẫn thi hành Điều 91, đối với bất động sản đang cho thuê với thời hạn lâu dài; Hướng dẫn thi hành Điều 92 về kê biên vốn góp, chưa thống nhất với Luật Doanh nghiệp; Điều 110, đối với bất động sản thuê lại của tổ chức kinh tế thuê của nhà nước trong khu công nghiệp; Hướng dẫn, sửa đổi Điều 118, Điều 162, Điều 163 theo hướng tăng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chấp hành viên lên mức 3.000.000đ hoặc sửa đổi Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 để Chấp hành viên quyết định phạt hành chính đối với hành vi không thực hiện công việc phải làm, theo bản án, quyết định theo điều 118.
(Điều 68 NĐ 110/2013/NĐ-CP quy định thẩm quyền của Chấp hành viên chỉ được phạt đến 500.000đ, trong khi đó Điều 52 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định hành vi không thực hiện công việc phải làm, theo bản án, quyết định, mức phạt 3.000.000đ); Kiến nghị Bộ tư pháp phối hợp với các ngành liên quan ban hành Thông tư liên tịch để ràng buộc người được thi hành án nhận tài sản sau 02 lần giảm giá.
Về cải cách thủ tục hành chính
Để tổ chức thực hiện chủ trương, quan điểm chỉ đạo và triển khai, tổ chức thi hành có hiệu quả Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2014 và Luật Tố tụng hành chính được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2015. Chính phủ đã ban hành 02 Nghị định và Bộ Tư pháp đã ban hành 11 Thông tư và thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Ngày 26/8/2015 Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1557/QĐ-BTP về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực thi hành án dân sự thuộc phạm vị chức năng quản lý của Bộ Tư pháp. Theo đó đối với cấp trung ương có 11 thủ tục HC, cấp tỉnh có 25 thủ tục và đối với cấp huyện có 24 thủ tục.
Công khai các thủ tục hành chính đảm bảo tính hiệu quả pháp lý, minh bạch; việc công khai các thủ tục hành chính đã thực hiện bằng những hình thức: niêm yết tại trụ sở, đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục và tích hợp trên cổng thông tin điện tử Tổng cục; Đã công khai số điện thoại đường dây nóng và địa chỉ hộp thư điện tử của đơn vị tại trụ sở cơ quan và trên trang thông tin điện tử của Cục Thi hành án và tích hợp trên cổng thông tin điện tử Tổng cục để tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị, yêu cầu, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
Về cải cách tổ chức bộ máy
Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện quyền tiếp cận thông tin theo quy định của Luật tiếp cận thông tin được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 06 tháng 4 năm 2016; đã lãnh đạo xây dựng và hoàn thiện các quy chế phối hợp, nâng cao thẩm quyền và trách nhiệm từng cơ quan theo lĩnh vực quản lý và phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị có liên quan; cải tiến phương thức quản lý, chấn chỉnh lề lối làm việc của cơ quan, phân công công việc rõ ràng, đúng sở trường, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cá nhân, các ngành, các cấp trong phạm vi trách nhiệm quyền hạn của mình.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Long đã thành lập Tổ thanh tra công vụ và thực hiện công tác thanh tra thực thi công vụ trong ngành, trọng tâm là thực hiện chức trách công vụ, giải quyết thủ tục hành chính, thái độ ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức,...Bước đầu mang lại hiệu quả cao.
Về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức
Thực hiện tốt công tác quy hoạch, gắn với xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, công chức. Thực hiện đúng quy định về tuyển dụng công chức đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng để chọn những người có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức, năng lực vào bộ máy nhà nước và có tỷ lệ nữ hợp lý trong ngành, đồng thời lãnh đạo thực hiện tốt chính sách tinh giản biên chế đúng quy định; tăng cường trách nhiệm, năng lực của người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị, nâng cao tính chuyên nghiệp, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ; tăng cường bồi dưỡng về nghiệp vụ hành chính, kỹ năng giao tiếp, thái độ phục vụ nhân dân. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi quan liêu, nhũng nhiễu, hách dịch, tham nhũng trong thực thi công vụ.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng Đề án vị trí việc làm, đã được phê duyệt và đang tiến hành triển khai thực hiện theo kế hoạch.
Về cải cách tài chính công
Thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí và biên chế quản lý hành chính; phân phối và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển của ngành và phát triển kinh tế xã hội. Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát tình hình chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý tài chính, tài sản công và đầu tư xây dựng cơ bản. Hàng năm đơn vị xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ và Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước
Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin; tăng cường vai trò phối hợp giữa các cơ quan trong việc triển khai chính quyền điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ; đơn vị có bộ phận công nghệ thông tin, đảm bảo sử dụng thư điện tử và chế độ báo cáo bằng thư điện tử trong toàn ngành. Xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin đồng bộ, hiện đại đảm bảo kết nối liên thông giữa Tổng Cục, Cục và các Chi cục Thi hành án trong toàn hệ thống thi hành án dân sự. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin rút ngắn thời gian gửi, nhận văn bản, giảm văn bản, giấy tờ hành chính trong cơ quan, tổ chức; chỉ đạo việc thực hiện tiếp nhận, xử lý văn bản trên mạng máy tính diện rộng (trừ văn bản mật); nhất là quy trình xử lý công việc của từng cơ quan, giữa các cơ quan với nhau và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân, trong hoạt động dịch vụ hành chính công. Thực hiện tốt quy chế văn hóa công sở, bảo đảm tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.
Tiếp tục duy trì, mở rộng và cải tiến việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 vào hoạt động của cơ quan hành chính.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Long đã và đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết triển khai cơ chế một cửa trong lĩnh vực thi hành án dân sự và triển khai việc hỗ trợ trực tuyến yêu cầu thi hành án dân sự trên địa bàn.
Chỉ đạo, điều hành
Tiếp tục tổ chức thực hiện các Kế hoạch, Đề án, Quy chế về cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin đã ban hành.
Rà soát, đánh giá, sửa đổi bổ sung các Kế hoạch, Đề án, Quy chế, quy trình về cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin đã ban hành nhưng thực hiện kém hiệu quả hoặc hiệu quả không cao.
Chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện và xây dựng Kế hoạch thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo hoạt động hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Tổ chức đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về chất lượng phục vụ của bộ phân một cửa tại cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn.
Hàng năm báo cáo sơ kết, tổng hợp những thủ tục hành chính rườm rà, không phù hợp thực tiễn, không đáp ứng yêu cầu công tác quản lý chỉ đạo, điều hành (từ Chi cục đến Cục) để kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung, góp phần xây dựng Chính phủ “kiến tạo, phát triển, liêm chính và phục vụ nhân dân”./.
------------------------------------------------------------------------------------------------
1 Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ
2 Nguyễn Xuân Tùng, “Trọng trách của thi hành án dân sự trước trăn trở của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về ASEAN 4”
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Long