Sign In

CHI BỘ CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TỈNH LÂM ĐỒNG XÂY DỰNG NGHỊ QUYẾT CHUYÊN ĐỀ VỀ “NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐIỀU ĐỘNG, LUÂN CHUYỂN”

19/11/2018

CHI BỘ CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TỈNH LÂM ĐỒNG XÂY DỰNG NGHỊ QUYẾT CHUYÊN ĐỀ VỀ “NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐIỀU ĐỘNG, LUÂN CHUYỂN”
CHI BỘ CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TỈNH LÂM ĐỒNG XÂY DỰNG NGHỊ QUYẾT CHUYÊN ĐỀ VỀ
“NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐIỀU ĐỘNG, LUÂN CHUYỂN”
 Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn “cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Công tác cán bộ bao gồm nhiều khâu, từ tuyển chọn, nhận xét, đánh giá cán bộ đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức. Các khâu của công tác cán bộ là một thể thống nhất, có quan hệ mật thiết, chặt chẽ với nhau, tác động, thúc đẩy lẫn nhau vì thực hiện tốt khâu này sẽ là tiền đề và cơ sở để thực hiện tốt các khâu khác. Trong những năm gần đây công tác tổ chức cán bộ của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lâm Đồng đã được quan tâm, nên bộ máy tổ chức từng bước được kiện toàn, chất lượng đội ngũ công chức ngày một nâng cao. Tuy nhiên, công tác điều động, luân chuyển hiệu quả chưa cao. Để tăng cường sự chỉ đạo của đảng đối với công tác tổ chức cán bộ, năm 2018 Chi bộ Cục Thi hành án dân sự tỉnh xây dựng Nghị quyết chuyên đề về “Nâng cao hiệu quả công tác điều động, luân chuyển công chức trong hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Lâm Đồng”.
Một số nội dung cơ bản của Nghị quyết:
         1. Một số kết quả đạt được trong công tác điều động, luân chuyển
Trong thời gian qua đơn vị đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/BCSĐ của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã chú trọng, tập trung vào công tác xây dựng, kiện toàn tổ chức cán bộ. Cục đã xây dựng xong Đề án vị trí việc làm trình Tổng cục và Bộ Tư pháp phê duyệt làm cơ sở cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ công chức theo yêu cầu vị trí việc làm. Đến nay, ngành Thi hành án dân sự tỉnh đã kiện toàn cơ bản đảm bảo đủ các chức danh lãnh đạo, quản lý và chức danh tư pháp từ tỉnh đến huyện, cụ thể như sau:
- Về biên chế: Tổng số biên chế năm 2018 phân bổ là: 157 biên chế (trong đó biên chế của Cục là 27 biên chế và biên chế của Chi cục là 130 biên chế), đã thực hiện 153/157 biên chế. Về cơ cấu lãnh đạo có: 01 Cục trưởng  và 03 Phó Cục trưởng; 04 Trưởng phòng và 07 Phó Trưởng phòng; 12 Chi cục trưởng và 15 Phó Chi cục trưởng.
- Về cơ cấu ngạch công chức: có 77 Chấp hành viên (trong đó có 16 Chấp hành viên trung cấp, 61 Chấp hành viên sơ cấp); có 1 Thẩm tra viên chính và 14 Thẩm tra viên; có 27 Thư ký thi hành án. 
 Trong năm 2018, việc điều động và định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức cơ quan thi hành án dân sự đã được quan tâm thực hiện (06 công chức đã chuyển đổi vị trí công tác và điều động 05 công chức). Các công chức được điều động, biệt phái đã phát huy tốt năng lực, sở trường hoàn thành nhiệm vụ được giao.
          2. Những hạn chế, khuyết điểm
          - Việc thực hiện Kế hoạch luân chuyển còn chậm và không đồng đều, dẫn đến tình trạng bị động trong công tác cán bộ. Việc luân chuyển cán bộ và công tác quy hoạch chức danh lãnh đạo quản lý có lúc chưa đồng bộ.
          - Việc gắn luân chuyển với công tác đánh giá, quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiệu quả chưa cao. Việc luân chuyển chủ yếu là để giải quyết vấn đề cán bộ trước mắt mà chưa thật sự có tính chiến lược, có sự hài hòa giữa luân chuyển và phát triển nguồn cán bộ tại chỗ.
          - Công tác bổ nhiệm có lúc có nơi chưa thực sự gắn chặt với công tác luân chuyển, trước năm 2018 vẫn còn trường hợp đảm nhiệm một chức vụ trên hai nhiệm kỳ.
          - Chưa thực hiện có hiệu quả kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp và luân chuyển đối với các công chức trong quy hoạch đề nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, quản lý và kinh nghiệm thực tiễn.
3. Mục tiêu trong thời gian tới
-  Thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Ðảng về công tác cán bộ và luân chuyển cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Ðổi mới mạnh mẽ công tác luân chuyển cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen,...
- Bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các Cục và Chi cục. Kết hợp luân chuyển với điều động, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ trong toàn ngành; tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn có nhu cầu, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ. Tiếp tục thực hiện chủ trương cán bộ không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
- Kết hợp thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động luân chuyển với công tác bổ nhiệm. Luân chuyển cán bộ, công chức nhằm rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách cán bộ, giúp cán bộ trưởng thành nhanh hơn, vững vàng, toàn diện hơn, đáp ứng yêu cầu cán bộ trước mắt và lâu dài. Luân chuyển đảm bảo cho việc bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý hơn, tăng cường được cán bộ cho những nơi có nhu cầu cấp bách, các lĩnh vực và địa bàn cần thiết, có nhiều khó khăn.
 4. Một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác điều động, luân chuyển
- Tiếp tục củng cố các đơn vị trực thuộc; sắp xếp, bố trí, sử dụng công chức, người lao động theo đúng sở trường, chuyên môn để phát huy tối đa năng lực công tác; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức làm công việc thuộc danh mục các lĩnh vực, ngành, nghề phải định kỳ chuyển đổi.
          - Xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng công chức dài hạn và hàng năm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng phải bám sát chức năng, nhiệm vụ của ngành và điều kiện, tiêu chuẩn chức danh tư pháp; đáp ứng yêu cầu của từng vị trí việc làm và nhu cầu công việc hoạt động chuyên môn.
- Thủ trưởng đơn vị quản lý, sự dụng công chức cần bám sát quy định tại điều 5, Nghị định số 158/2007/NĐ-CP để thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức. Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của cán bộ, công chức và tính chất công việc để lựa chọn nội dung chuyển đổi vị trí công tác phù hợp.
- Kế hoạch điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức cần phải được xây dựng, thống nhất trong tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị từ đầu năm công tác; thông báo công khai tới toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị và thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác khi đã kết thúc năm công tác. Khi thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cần tham khảo ý kiến của người sử dụng công chức (Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự) và xem xét, cân nhắc nguyện vọng của công chức nếu có.
- Tạo điều kiện thuận lợi nhất để công chức được điều động, chuyển đổi vị trí yên tâm công tác; quan tâm, tìm các nguồn kinh phí để hỗ trợ cho công chức trong thời gian chuyển đổi vị trí công tác.
                                                                                 
                                                                          Đặng Thị Kim - Chi bộ Cục THADS tỉnh Lâm Đồng

Các tin đã đưa ngày: