Sign In

Nhiều nhiệm vụ đề ra từ kết quả đợt tổ chức đợt cao điểm thi hành án ở Sóc Trăng

19/05/2017

Nhằm hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự năm 2017, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 1692/KH-CTHADS ngày 15/12/2016 về việc “Tổ chức đợt thi hành án dân sự cao điểm năm 2017”. Sơ kết đợt cao điếm thi hành án đợt 1 theo Kế hoạch số 1692/KH-CTHADS nêu trên cho thấy nhiều kết quả đã đạt được nhưng nhiều nhiệm vụ đề ra cần tập trung thực hiện đối với các cơ quan thi hành án dân sự ở Sóc Trăng
Qua quá trình thực hiện đợt cao điểm thi hành án đợt 1 theo Kế hoạch số 1692/KH- THADS ngày 15/12/2016 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng nhìn chung các đơn vị trực thuộc đã bám sát Kế hoạch và khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải quyết án nên kết quả thi hành án về việc đạt tỷ lệ cao, điển hình như: Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cù Lao Dung (68,42% về việc), Chi cục Thi hành án dân sự Châu Thành (62,42% về việc). Bên cạnh đó, vẫn còn một số đơn vị chưa quyết liệt trong việc thực hiện các giải pháp theo Kế hoạch đã đề ra, do đó kết quả thi hành án về tiền đạt tỷ lệ còn thấp, điển hình như: Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Sóc Trăng (4,39%), Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành (6,99%), Chi cục Thi hành án dân sự huyện Mỹ Xuyên (7,59%)...
Kết quả thi hành các vụ việc thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng 06 tháng năm 2017 (số liệu tính từ 01/10/2016 đến 31/3/2017) về việc và về tiền còn thấp so với chỉ tiêu giao (10,26%/25% về việc và 7,69%/20% về tiền). Tổng số phải thi hành 484 việc, trong đó số có điều kiện thi hành 468 việc; số thi hành xong 40 việc, đình chỉ thi hành án 08 việc, số đang thi hành 407 việc, hoãn thi hành án 09 việc, tạm đình chỉ thi hành án 02 việc, đang chờ ý kiến của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự 02 việc; số chưa có điều kiện thi hành 16 việc. Tổng số tiền phải thi hành 550.153.966.000 đồng, trong đó số có điều kiện thi hành 542.128.130.000 đồng; số thi hành xong 6.030.667.000 đồng, đình chỉ thi hành 10.541.505.000 đồng, số đang thi hành 488.553.957.000 đồng, hoãn thi hành án 8.356.976.000 đồng, tạm đình chỉ thi hành án 5.575.324.000 đồng, đang chờ ý kiến của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự 68.346.000 đồng; số chưa có điều kiện thi hành 5.404.024.000 đồng.
Nhận diện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nổi lên là công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của một vài Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao; công tác phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan trong công tác thi hành án dân sự ở một số đơn vị có lúc chưa tốt, thiếu sự phối hợp hỗ trợ; một bộ phận Chấp hành viên chưa tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao; công tác phối hợp thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng có bước chuyến biến nhưng một số đơn vị, Chấp hành viên còn chậm kê biên, xử lý tài sản đảm bảo thi hành án theo quy định của pháp luật. Một số tố chức tín dụng, ngân hàng khi cho vay chỉ căn cứ trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không xác minh thực tế, có trường hợp tài sản thế chấp trên thực tế không đúng với giấy tờ hoặc người vay đã bán, tặng, cho người khác quản lý, sử dụng từ lâu, có nhiều trường hợp tài sản thế chấp có mồ mả, tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất nhưng thực tế trên đất có nhà hoặc tài sản khác gắn liền gây nhiều khó khăn cho cơ quan thi hành án dân sự trong việc kê biên, xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án. Một số tổ chức tín dụng, ngân hàng khi cho vay định giá tài sản cao hơn giá trị thực tế, do đó khi cơ quan thi hành án tiến hành xử lý tài sản thế chấp thì không đủ hoàn trả cho ngân hàng phần vốn gốc và tiền lãi. Một số tổ chức tín dụng, ngân hàng cho vay số tiền nhỏ nhưng tài sản thế chấp có giá trị lớn hơn rất nhiều lần số tiền vay và tiền lãi phát sinh, do đó khi đương sự không có khả năng thanh toán thì cơ quan thi hành án dân sự phải kê biên xử lý toàn bộ tài sản thế chấp để đảm bảo thi hành án vì nếu kê biên tương đương số tiền phải thi hành án sẽ làm giảm giá trị tài sản. Tài sản kê biên, bán đấu giá là đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thuỷ sản rất khó thi hành, nông dân thất mùa, kinh tế gặp nhiều khó khăn, do đó khi thông báo bán đấu giá không có người đăng ký mua, thị trường bất động sản trầm lắng, nhu cầu giao dịch bất động sản thấp, người dân có tâm lý e ngại khi mua tài sản liên quan đến thi hành án, đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ thi hành án về tiền đạt tỷ lệ thấp. Ý thức chấp hành pháp luật của một số người phải thi hành án chưa cao, còn có thái độ xem thường pháp luật, cố tình khiếu nại kéo dài nhằm trì hoãn quá trình tổ chức thi hành án.
Phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới được đề ra là tập trung tổ chức thi hành án đúng trình tự, thủ tục, rà soát, phân loại chính xác về việc, về tiền có điều kiện và chưa có điều kiện thi hành án, trên cơ sở phân loại đề ra hướng xử lý hồ sơ thi hành án đúng theo quy định của pháp luật. Đối với những vụ việc có giá trị lớn, các vụ việc thi hành án dân sự trọng điểm và án liên quan đến tín dụng, ngân hàng thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cần chỉ đạo Chấp hành viên xây dựng kế hoạch giải quyết án cụ thể đối với từng vụ việc, đề ra các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải quyết án. Phấn đấu kết thúc đợt 2 thi hành xong trên 72% về việc và trên 32% về tiền trên tổng số việc và tiền có điều kiện thi hành (đối với án tín dụng, ngân hàng phấn đấu thi hành xong trên 25% về việc và trên 20% về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành); giảm ít nhất 10% số việc và 8% số tiền có điều kiện thi hành chuyển sang năm 2018 so với số chuyển kỳ sau của năm 2016 chuyển sang năm 2017 trên số có điều kiện thi hành.
Giải pháp tập trung thực hiện được đề ra phải tiếp tục tăng cường phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng trong việc đề nghị các tổ chức tín dụng, ngân hàng xem xét có chính sách giảm một phần lãi cho người phải thi hành án, để tạo động lực cho người phải thi hành án tích cực trong việc thi hành án, trong việc tìm người mua tài sản thi hành án, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, kết thúc vụ việc; đối với tài sản đưa ra thông báo bán đấu giá nhưng không có người mua, tiếp tục lập thủ tục giảm giá, đưa ra thông báo bán đấu giá theo đúng quy định của pháp luật. Định kỳ hàng tháng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, huyện cần chủ động tổ chức họp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng để rà soát, tổng họp những khó khăn vướng mắc phát sinh, trên cơ sở đó cùng phối hợp tìm ra những giải pháp tổ chức thi hành án hiệu quả đối với từng vụ việc cụ thể, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết án. Đối với những vụ việc có giá trị lớn, các vụ việc thi hành án dân sự trọng điểm Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hai cấp chỉ đạo Chấp hành viên xây dựng kế hoạch giải quyết án, yêu cầu Chấp hành viên báo cáo tiến độ giải quyết án cho Lãnh đạo đơn vị hàng tuần để theo dõi, có hướng chỉ đạo giải quyết kịp thời. Tiếp tục rà soát, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để lập hồ sơ xét miễn, giảm thi hành án; đối với những vụ việc chưa dủ điều kiện xét miễn giảm thì tiếp tục rà soát, theo dõi xác minh, lập thủ tục xử lý tiếp theo, theo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình tổ chức thi hành án, gặp khó khăn, vướng mắc Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cần phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, các cơ quan chuyên môn có liên quan hoặc xin ý kiến Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cùng cấp để có hướng chỉ đạo giải quyết kịp thời, cần thiết báo cáo Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự để có hướng chỉ đạo.
Với những giải pháp đã đề ra, hy vọng rằng công tác thi hành án dân sự năm 2017 ở Sóc Trăng sẽ gặt hái được kết quả chuyển biến tích cực
Theo moj.gov.vn

Các tin đã đưa ngày: