Sign In

Hướng tới Kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác 19/5/2019 XÂY DỰNG Ý THỨC TÔN TRỌNG NHÂN DÂN, PHÁT HUY DÂN CHỦ, CHĂM LO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

17/05/2019

Hướng tới Kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác 19/5/2019 XÂY DỰNG Ý THỨC TÔN TRỌNG NHÂN DÂN, PHÁT HUY DÂN CHỦ, CHĂM LO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”
Là lời dạy nằm lòng của Bác mà mỗi Đảng viên, cán bộ, công chức đều ghi lòng tạc dạ.
Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân là nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo động lực to lớn cho công cuộc đổi mới; đồng thời là giải pháp quan trọng, cấp bách trong xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, năm 2019 là năm toàn Đảng, toàn quân và toàn dân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019); 70 năm Bác viết tác phẩm "Dân vận" (1949 - 2019); 50 năm tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" (1969 - 2019). Trong bối cảnh nêu trên, việc thực hiện có hiệu quả chủ đề xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân trong năm 2019 và các năm tiếp theo chính là góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Trong nội dung của chủ đề năm 2019, có ba nội dung lớn cần được thực hiện đồng bộ. Đó là: Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, hai là: phát huy quyền làm chủ của nhân dân, ba là: chăm lo đới sống nhân dân. Thực hiện đồng bộ ba nội dung trên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bộ phận một cửa hướng dẫn người dân về thủ tục thi hành án dân sự
Trước tiên, muốn phát huy quyền làm chủ của nhân dân hay chăm lo đời sống vật chất hay tinh thần của nhân dân, Bác Hồ cho rằng, chúng ta cần phải học cách tôn trọng nhân dân trước.
Trước hết, tôn trọng nhân dân là phải có thái độ đánh giá cao vai trò, vị trí của nhân dân.
Theo Bác, muốn thật sự tôn trọng nhân dân thì phải hiểu dân. Chính tài dân, sức dân, của dân, quyền dân, lòng dân, sự khôn khéo, hăng hái, anh hùng đã tạo nên "cái gốc" của dân. Cùng với thái độ đánh giá cao vai trò của nhân dân, ý thức tôn trọng nhân dân còn phải đặc biệt chú ý không xâm phạm đến lợi ích, quyền lợi hợp pháp, không xúc phạm nhân dân. Phải luôn luôn tôn trọng và giữ gìn của công, của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ rõ “làm cán bộ tức là suốt đời làm đầy tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a, b, c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được”. Về tư cách người đảng viên, lãnh đạo, Người nói: “Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: Mình vào Đảng để làm đày tớ cho nhân dân. Bác nhấn mạnh: Làm đày tớ nhân dân chứ không phải làm “quan” nhân dân, không ra lệnh, ra oai, không làm quan cách mạng. Quan điểm “mỗi đảng viên và cán bộ phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” cần được hiểu đích cuối cùng là phục vụ nhân dân. Bởi vì, “lãnh đạo là làm đầy tớ nhân dân và phải làm cho tốt”.
Phong cách tôn trọng nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện nhiều cách. Người chú ý lắng nghe ý kiến và giải quyết những kiến nghị chính đáng của quần chúng, sẵn sàng tiếp thu phê bình của quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình mình. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo quần chúng, đồng thời không ngừng học hỏi quần chúng, vì “quần chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta”; tôn trọng quyền làm chủ của quần chúng theo tinh thần lãnh đạo là đầy tớ, quần chúng là chủ. Người không bao giờ tự đặt mình cao hơn người khác để đòi hỏi một sự tâng bốc, suy tôn; không bao giờ tỏ ra vĩ đại để đòi hỏi Nhân dân thừa nhận mình là vĩ đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh có cách giao tiếp hoàn toàn mới giữa lãnh tụ và quần chúng Nhân dân, thể hiện thái độ yêu thương, quý mến, trân trọng con người. Người có sự độ lượng, khoan dung, nâng con người lên, chứ không phải hạ thấp, vùi dập con người.
Sau khi xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân chúng ta phải phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân là phát huy quyền của người dân về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe...; phải quan tâm phát triển năng lực, tiềm năng của mọi người dân.
Phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh phát huy dân chủ xuất phát từ chỗ tôn trọng Nhân dân, đề cao vai trò, vị trí của Nhân dân. Dù bận rất nhiều công việc đối nội, đối ngoại, nhưng về với dân, đến với quần chúng, những người “không quan trọng” để học dân, hỏi dân, hiểu dân, nghe dân nói, thấy dân làm, để nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý là nhu cầu thường trực của Bác. Người ra thao trường cùng bộ đội, “chống gậy lên non xem trận địa”, đến nhà máy, công trường, hầm mỏ, nông trường, hợp tác xã, trường học, bệnh viện. Người đến nhà giữ trẻ, lớp mẫu giáo, ra đồng ruộng, thăm nhà ở công nhân, cán bộ bình thường … Hàng trăm lần Hồ Chí Minh đi về cơ sở không đơn thuần chỉ là tác phong quần chúng, mà chứa đựng trong đó là phong cách phát huy dân chủ. Bởi vì, Người đến với quần chúng là để lắng nghe và thấu hiểu, thấu cảm cuộc sống của mọi tầng lớp Nhân dân miền ngược, miền xuôi, nông thôn, thành thị. Người muốn nghe được tiếng dân, đi vào lòng Nhân dân, hiểu được nhịp đập của cuộc sống xung quanh.
Ngày nay, cán bộ lãnh đạo chúng ta có thể không làm được tất cả những việc kể trên như Bác, nhưng việc gần gũi, tiếp xúc thường xuyên với nhân dân nơi mình trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, hiện thực hóa mong muốn chính đáng của người dân là đã tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở phạm vi địa phương.
Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân việc tiếp theo là chăm lo đời sống cho nhân dân.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân là vì con người, do con người, trước hết là vì dân và do dân. Người nói rằng "tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".
Theo Bác, muốn có sức dân, lòng dân thì phải chăm lo đời sống của dân. Trước lúc đi xa, Hồ Chí Minh vẫn quan tâm "đầu tiên là công việc đối với con người". Người dặn trong Di chúc "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".
Đạo đức Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân thể hiện rất rõ ở quan điểm khi Người nói về một trong những điều tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là: “Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Hồ Chí Minh quan niệm phẩm chất cao đẹp nhất của người cách mạng là “yêu nước, thương dân”, thương nhân loại bị áp bức, bóc lột, lấy điều đó là động cơ để làm cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc.
Vì thế mà nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã từng ca ngợi Bác trong bài thơ Quê Hương Việt Bắc:
… Nơi đây sống một người tóc bạc
Người không con mà có triệu con
Nhân dân ta gọi Người là Bác
Cả đời người là của nước non …

Việc thực hiện có hiệu quả chủ đề xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân chính là góp phần thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Chúng ta học Người cách tôn trọng nhân dân chân thành, phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân và chăm lo đời sống nhân dân từ những điều nhỏ nhặt nhất.
Với vai trò là Đảng viên, công chức thi hành án dân sự, bản thân thiết nghĩ học tập Người tôn trọng nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân từ những việc làm hàng ngày tại nơi cư trú và nơi công tác. Cụ thể như:
Tại nơi cư trú: thực hiện đúng đầy đủ theo Quy định 76-QĐ/TW ngày 15/6/2000 của Bộ Chính trị. Tham gia sinh hoạt khu phố, tổ dân phố, sẵn sàng giải thích những quy định pháp luật mà bản thân hiểu rõ khi người dân tại khu phố, tổ dân phố có thắc mắc, góp phần xây dựng khu phố, tổ dân phố an toàn, sạch đẹp, đạt chuẩn khu phố văn hóa.
Tại nơi công tác: Thực hiện đúng, đầy đủ trình tự, thủ tục thi hành án dân sự theo quy định, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động thi hành án, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân được phục vụ tốt nhất, hạn chế thấp nhất việc để người dân chờ đợi khi có việc liên hệ đến cơ quan thi hành án dân sự. Qua gần 03 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, bản thân nói riêng, đảng viên, công chức và người lao động tại đơn vị nói chung đã có sự chuyển biến rõ rệt từ nhận thức đến hành động, được thể hiện qua kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị: Chi bộ 03 năm liền được công nhận Chi bộ xuất sắc, cơ quan 03 năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được tặng cờ thi đua của Ngành Tư pháp. Trong 03 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị, đon vị có 01 cá nhân được khen thưởng cấp thành phố, 04 cá nhân được khen thưởng cấp quận, 18 cá nhân được tuyên dương khen thưởng tại cấp cơ sở.
Bản thân không ngừng phấn đấu, học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng tiến trình xây dựng Quận 7 thành đô thị kiểu mẫu, thành phố Hồ Chí Minh là thành phố thông minh nói riêng, góp phần từng bước xây dựng Chính phủ kiến tạo nói chung, từ đó tạo mọi điều kiện để phục vụ nhân dân tốt nhất trong tương lai./.
      Nguyên Hồng – Chi cục THADS Quận 7

Các tin đã đưa ngày: