Sign In

Hội nghị giao ban về công tác phối hợp giữa các Cơ quan Thi hành án dân sự và các Văn phòng Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh

04/06/2015

Sáng ngày 08 tháng 4 năm 2015, Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị giao ban về công tác phối hợp giữa các Cơ quan Thi hành án dân sự và các Văn phòng Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh, do đồng chí Võ Minh Hòa – Phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự chủ trì. Tham dự Hội nghị có đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự, đại diện Cục Công tác phía nam – Bộ Tư pháp, đại diện Sở Tư pháp thành phố, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, đại diện Tòa án nhân dân thành phố, đại diện Sở Tài chính thành phố, Ban lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự, Trưởng các phòng chuyên môn, đại diện 24 Chi cục Thi hành án dân sự và đại diện 11 Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn thành phố.
Hội nghị đã đánh giá những việc đã làm được của các cơ quan Thi hành án dân sự và các văn phòng Thừa phát lại đã tác động tích cực đến xã hội, tạo niềm tin cho cá nhân, tổ chức. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng đã thẳng thắn chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế mà các cơ quan Thi hành án dân sự và văn phòng Thừa phát lại phải cùng nhau khắc phục để công tác phối hợp được tốt hơn.

Kết thúc Hội nghị, đồng chí Võ Minh Hòa, Phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự đề nghị các cơ quan Thi hành án dân sự và các văn phòng Thừa phát lại cùng nhau thực hiện các giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động Thừa phát lại trong thời gian tới, cụ thể:

1. Tiếp tục tích cực làm công tác tư tưởng. Các Chi cục thi hành án và các Phòng chuyên môn trực thuộc Cục Thi hành án tiếp tục tổ chức quán triệt nội dung Chỉ thị số 22/2011/CT-UBND và Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 thông qua các cuộc họp giao ban của đơn vị; tổ chức thực hiện chỉ đạo của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tại văn bản số 5621/CTHADS-VP ngày 10/3/2015 về triển khai Công văn số 1184-CV/TU ngày 09/3/2015 của Thành ủy về lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự.

2. Kiểm tra, rà soát và xử lý, kỷ luật một số lãnh đạo, chấp hành viên không chấp hành chỉ đạo của Ban lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự trong việc phối hợp với Văn phòng Thừa phát lại để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật.

3. Ban lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hơn; tăng cường kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện, khen thưởng những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt, xử lý tập thể, cá nhân chưa thực hiện tốt. Chi cục trưởng các Chi cục, Trưởng các Phòng chuyên môn thuộc Cục thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các Chấp hành viên chuyển giao văn bản cho Thừa phát lại tống đạt, đôn đốc việc đối chiếu và thanh toán chi phí tống đạt, đảm bảo việc chuyển giao văn bản tống đạt được thực hiện thường xuyên.

4. Xây dựng quy chế phối hợp trong việc chuyển giao văn bản tống đạt, việc xác minh và sử dụng kết quả xác minh, việc tổ chức thi hành án, việc giải quyết khiếu nại trong thi hành án. Cục Thi hành án dân sự phối hợp với các ban ngành, văn phòng Thừa phát lại xây dựng, ban hành quy chế mẫu; các Chi cục Thi hành án chủ động phối hợp xây dựng và ký quy chế trực tiếp với các văn phòng Thừa phát lại.

5. Xây dựng chế độ thông tin qua lại giữa Thừa phát lại và Thi hành án. Đặc biệt các Trưởng Văn phòng Thừa phát lại cần phản ánh kịp thời đến Cục trưởng Cục Thi hành án các thông tin có liên quan. Các Văn phòng Thừa phát lại thường xuyên phản ánh, cùng trao đổi với Ban lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự để giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; nếu không giải quyết được thì Chi cục trưởng kịp thời báo cáo hoặc Văn phòng Thừa phát lại phản ánh đến Ban lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự.

6. Các Cơ quan Thi hành án dân sự và các Văn phòng Thừa phát lại cùng nhau chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế. Từ nay đến tháng 7/2015 sẽ có rất nhiều đoàn kiểm tra, khảo sát về công tác thừa phát lại, do vậy đề nghị các văn phòng Thừa phát lại và các Chi cục Thi hành án dân sự chủ động phối hợp giải quyết những mâu thuẫn, khó khăn, vướng mắc; đồng thời phản ánh với các đoàn kiềm tra một cách toàn diện, trung thực, có số liệu chứng minh để các đoàn kiểm tra, khảo sát có thể đánh giá thực tế của hoạt động thí điểm.

 

7. Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan cho phù hợp. Kịp thời tổ chức, phối hợp với Sở Tư pháp tập huấn nghiệp vụ cho Thừa phát lại và Thư ký Thừa phát lại.

8. Tiếp tục tăng cường chuyển giao các văn bản cho các văn phòng Thừa phát lại tống đạt. Đẩy nhanh tiến độ đối chiếu và thanh toán chi phí cho các văn phòng Thừa phát lại. Khẩn trương thực hiện quyết toán các khoản tạm ứng, đối với các khoản chi phí do Ngân sách chịu, bắt buộc phải thanh toán, quyết toán vào cuối tháng, chấp hành viên nào không thanh toán, quyết toán kịp thời thì phải trực tiếp chịu trách nhiệm. Đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí được cấp, khi sử dụng hết kinh phí được cấp thì các Chi cục báo cáo lãnh đạo Cục Thi hành án để tổng hợp, xin Tổng cục bổ sung kinh phí và tiếp tục chuyển giao văn bản.

9. Thông qua việc tiếp nhận đơn tại Chi cục Thi hành án, tăng cường giới thiệu, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp đặc biệt là các ngân hàng và các tổ chức tín dụng đến nộp đơn và yêu cầu thi hành án tại các văn phòng Thừa phát lại. Tiếp tục thực hiện việc hướng dẫn, giới thiệu đương sự đến Văn phòng Thừa phát lại xác minh đồng thời chủ động phối hợp xác minh, không để việc thi hành án bị chậm tiến độ, chậm thời hạn theo quy định, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự. Nếu Thừa phát lại từ chối hoặc xác minh không có kết quả thì chấp hành viên tiếp tục xác minh.

10. Duy trì việc bố trí chỗ ngồi, tạo điều kiện cho nhân viên Thừa phát lại (cùng với công chức thi hành án làm công tác nhận đơn yêu cầu) giới thiệu, hướng dẫn, giải thích về các chức năng, thẩm quyền xác minh, tổ chức thi hành án của các văn phòng Thừa phát lại để người dân tự do lựa chọn đơn vị tổ chức thi hành án. Nhân viên văn phòng Thừa phát lại, công chức thi hành án phải tôn trọng sự lựa chọn của người dân. Đồng thời, ngoài các thông tin phổ biến về chế định Thừa phát lại đã thực hiện trước đây, tại trụ sở các Chi cục Thi hành án dân sự phải bố trí bảng hướng dẫn, giới thiệu về Văn phòng Thừa phát lại, tạo điều kiện để văn phòng Thừa phát lại tự giới thiệu về mình nhưng cũng phải đảm bảo không gây phiền hà, khó khăn cho người dân.

11. Các đơn vị thi hành án kịp thời hướng dẫn, trao đổi và giải quyết các yêu cầu của Văn phòng Thừa phát lại. Đối với các vụ việc có cưỡng chế thi hành án các Chi cục Thi hành án tạo điều kiện, mời Thừa phát lại tham dự để quan sát, trau dồi kỹ năng nghiệp vụ và thực tiễn thi hành án.


Theo Trang tin thihanhanhcm.gov.vn

Các tin đã đưa ngày: