Ngày 12/02/2017, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp ban hành Nghị quyết số 10-NQ/BCSĐ về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác thi hành án dân sự năm 2017 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 10-NQ/BCSĐ). Để kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết trên, Tổng cục Thi hành án dân sự có văn bản số 1475/TCTHADS ngày 27/4/2017 chỉ đạo triển khai thực hiện trên toàn hệ thống thi hành án dân sự; Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre có văn bản số 1673/UBND-NC ngày 24/4/2017 chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự triển khai thực hiện trên phạm vi tỉnh. Ngày 9/5/2017, Cục Thi hành án dân sự đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết số 10-NQ/BCSĐ cho toàn thể công chức tại Cục và lãnh đạo các Chi cục Thi hành án dân sự huyện, thành phố và Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tiếp tục chỉ đạo các nhóm giải pháp để tập trung thực hiện đó là:
Tăng cường công tác triển khai, quán triệt đầy đủ, các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực tư pháp, đến từng cán bộ, đảng viên, thuộc quyền quản lý cùng với việc tiếp tục thực hiện nghiêm Luật thi hành án dân sự; thực hiện nghiêm Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về công tác Tư pháp và cải cách Tư pháp; Chỉ thị số 26/TTg ngày 5/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; Chỉ thị số 05/TTg ngày 6/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác thi hành án dân sự; Chương trình công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực thi hành án dân sự, coi đây là yếu tố quyết định nâng cao chất lượng, hiệu quả, công tác thi hành án dân sự.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp đã đề ra từ đầu năm, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn, nghiệp vụ về thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính; lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự thực hiện tốt phương châm “hướng về cơ sở” sâu sát tới cấp Chi cục và Chấp hành viên, để trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn một cách kịp thời và quyết liệt trong giải quyết các vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc về thi hành án dân sự mà chấp hành viên và Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện gặp phải; kiểm tra, đôn đốc và giám sát thường xuyên về quá trình tổ chức thi hành án của chấp hành viên; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tăng cường vận động, giáo dục, thuyết phục các bên đương sự thực hiện việc thỏa thuận thi hành án; nâng cao tỷ lệ việc án thi hành xong bằng “hòa giải thi hành án thành”, “thỏa thuận thi hành án thành” trong tổng số việc án thụ lý được thi hành xong, đây cũng là một trong các chỉ tiêu thi hành án mới được giao trong năm 2017.
Tập trung “cao điểm thi hành án dân sự” từ ngày 3/5/2017 đến 30/6/2017 và kéo dài đến 30/9/2017 với tinh thần quyết liệt, quyết tâm cao độ để sớm hoàn thành 11 nhiệm vụ với 37 đầu việc cụ thể được giao; trong đó phấn đấu hoàn thành 4 chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng là đạt 70% về việc, 33% về tiền, giảm 8% về việc và giảm 7,5% về tiền. Theo đó, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự, chủ động phân công, điều phối chấp hành viên, thư ký tại chỗ giải quyết án cho phù hợp trong phạm vi huyện, thành phố; tập trung cao độ và quyết liệt hơn trong giải quyết án tại địa bàn phụ trách. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo triển khai thực hiện và báo kết quả việc thực hiện Kế hoạch số 957/KH-UBND ngày 14/3/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 6/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác thi hành án dân sự.
Nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm mọi khiếu nại, tố cáo được giải quyết với tinh thần trách nhiệm cao, đúng pháp luật; người đứng đầu cơ quan thi hành án dân sự phải trực tiếp tiếp công dân, kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là tiêu chí đánh giá năng lực, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan thi hành án dân sự và người đứng đầu. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với chấp hành viên, đặc biệt là cấp Chi cục Thi hành án dân sự, làm tốt công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật nhằm xây dựng đội ngũ công chức thi hành án dân sự trong sạch, vững mạnh.
Tập trung lãnh đạo, nhận diện, đánh giá đúng tình hình tổ chức, hoạt động của các Chi cục Thi hành án dân sự, kịp thời điều động, thay thế cán bộ lãnh đạo yếu kém về phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ và uy tín giảm sút. Tiếp tục tổ chức thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ, công chức trong quy hoạch cấp trưởng đã giữ chức vụ cấp phó một nhiệm kỳ; cán bộ, công chức cấp trưởng đã giữ chức vụ 2 nhiệm kỳ trở lên nhưng vẫn đủ điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm lại thì xem xét luân chuyển, bổ nhiệm vị trí mới, đơn vị mới; tăng cường điều động, biệt phái chấp hành viên về các địa bàn án tăng, còn nhiều việc án lớn, phức tạp; thực hiện việc đánh giá xếp loại công chức đúng thực chất, nghiêm túc không xuề xòa; đánh giá xếp loại đơn vị gắn với đánh giá người đứng đầu và gắn với xắp xếp, bố trí cán bộ.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thi hành án dân sự; triển khai thực hiện đầy đủ cơ chế một cửa, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ hai, giảm dần các thủ tục hành chính không cần thiết cho người dân. Kịp thời đăng tải thông tin về người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trên Trang Thông tin điện tử theo đúng quy định.
Nguyễn Văn Nghiệp, Cục Thi hành án dân sự