Sign In

Tăng cường hoạt động phối hợp giữa Cục Thi hành án dân sự và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bến Tre trong thi hành án tín dụng, ngân hàng năm 2018

19/01/2018

 
         
          Ngày 29/12/2017 Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự và Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bến Tre ký ban hành kế hoạch liên ngành số 1546/KHLN-CTHADS-NHNN nhằm tăng cường hơn nữa công tác phối hợp chỉ đạo thực hiện Quy chế số 41/QCLN/CTHADS-NHNN ngày 25/5/2015 giữa Cục Thi hành án dân sự và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh; đồng thời cường chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong thi hành án cho các tổ chức tín dụng và phối hợp trong thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
          Việc ban hành kế hoạch liên ngành, là nhằm tăng cường trách nhiệm của mỗi bên để kịp thời và nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự có liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng;  xác định nội dung, thời gian, phân công nhiệm vụ cụ thể để thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa Cục Thi hành án dân sự và Ngân hàng nhà nước tỉnh, đẩy nhanh tiến độ thi hành các vụ việc án thi hành cho tổ chức tín dụng, ngân hàng, giúp tổ chức tín dụng ngân hàng thu hồi nợ, giảm nợ xấu; góp phần thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội hàng năm của Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh và Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Trách nhiệm của Cục Thi hành án dân sự trong phối hợp là: i) quán triệt đến toàn thể cán bộ công chức làm công tác thi hành án dân sự trên địa bàn, chủ trương của đảng, nhà nước về giải quyết nợ xấu; tăng cường chỉ đạo Phòng nghiệp vụ và Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện thường xuyên rà soát, phân loại các việc thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng; đối với các vụ việc có điều kiện thi hành, chỉ đạo Chấp hành viên và các Chi cục Thi hành án dân sự xây dựng kế hoạch chi tiết, đề ra các giải pháp, nêu rõ thời gian tổ chức thực hiện từng vụ việc đúng quy trình pháp luật để giải quyết có hiệu quả, sớm kết thúc việc án; ii) chỉ đạo Chấp hành viên được phân công tổ chức thi hành việc án của Ngân hàng, tổ chức tín dụng tăng cường công tác phối hợp và chủ động phối hợp thường xuyên với các tổ chức tín dụng, ngân hàng và mời đại diện các tổ chức tín dụng, ngân hàng tham gia ngay từ khi tiến hành xác minh, xác định thực tế tính pháp lý, vị trí, diện tích, giá trị tài sản thế chấp tại thời điểm thi hành án, để kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh nếu có; chủ động mời đại diện các tổ chức tín dụng tham gia vận động giáo dục thuyết phục, thỏa thuận thi hành án theo quy định và làm công tác dân vận liên tục từ khi thụ lý đến khi thi hành án xong, kể cả các việc án đang áp dụng biện pháp cưỡng chế, bán đấu giá tài sản; iii) chỉ đạo Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng rà soát, tổng hợp báo cáo tiến độ kết quả thi hành các vụ việc án đang thi hành cho tổ chức chức tín dụng, ngân hàng; những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành án liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng, để kịp thời hướng dẫn chỉ đạo thực hiện; iv) tổ chức tập huấn và hướng dẫn nghiệp vụ, quán triệt đầy đủ các quy định của pháp luật về thi hành án và pháp luật có liên quan cho cán bộ, Chấp hành viên để nâng cao năng lực tổ chức thi hành án, đặc biệt là án tín dụng ngân hàng; v) cũng cố kiện toàn Tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc án có liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng do Phó Cục trưởng phụ trách nghiệp vụ làm Tổ trưởng; v) Chỉ đạo các Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện rà soát, lập danh sách xác định chính xác số vụ việc án đang thụ lý thi hành cho tổ chức tín dụng, tổng hợp theo từng tổ chức tín dụng, đề xuất hướng giải quyết từng trường hợp cụ thể, báo cáo gửi về Cục Thi hành án dân sự tỉnh để cho ý kiến chỉ đạo.
          Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh là: i) chỉ đạo các tổ chức tín dụng, trên địa bàn tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thi hành án dân sự trong quá trình tổ chức thi hành án; cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin và các tài liệu có liên quan đến tài sản thế chấp, bảo lãnh để việc xử lý tài sản được nhanh chóng, đảm bảo đúng quy định pháp luật, kể cả trong trường hợp tổ chức tín dụng, ngân hàng là bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thi hành án dân sự; kịp thời phản ánh những khó khăn vướng mắc để được hướng dẫn giải quyết; các tổ chức tín dụng, ngân hàng cử người đại diện có đủ thẩm quyền quyết định phối hợp với chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành việc án và xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ; trường hợp tài sản đã kê biên bán đấu giá, các tổ chức tín dụng cần chủ động tìm, giới thiệu người đăng ký mua đấu giá, từng trường hợp cụ thể, xem xét nhận tài sản để khấu trừ nợ, nhằm có tác động tích cực trong việc xử lý tài sản thế chấp thu hồi nợ xấu; ii) trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, tổ chức tín dụng, ngân hàng cần có biện pháp thẩm định, kiểm tra thực tế và chi tiết số lượng chủng loại tài sản thế chấp, kịp thời có biện pháp xử lý khi có vấn đề vướng mắc xảy ra. Đồng thời, nếu vụ việc đã khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết thì tổ chức tín dụng, Ngân hàng cần phối hợp chặt chẽ với Tòa án và cơ quan có thẩm quyền trong quá trình tố tụng để đảm bảo bản án, quyết định có tính khả thi, nhất là đối với các quyết định công nhận hòa giải thành, việc xử lý tài sản thế chấp bảo lãnh để ưu tiên thanh toán nợ vay phải nêu cụ thể rõ ràng, đầy đủ trong bản án, quyết định, tránh trường hợp bản án tuyên chung chung không rõ, khi tổ chức thi hành án, phát sinh khiếu nại của chủ sử dụng tài sản, làm cản trở việc thực hiện quy trình giải quyết thi hành án; iii) chỉ đạo các tổ chức tín dung tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thi hành án dân sự trong việc xác minh, thông báo thi hành án, kê biên và thẩm định giá tài sản; ngoài ra, các tổ chức tín dụng được thi hành án cần xem xét có chính sách miễn, giảm tiền lãi chậm thi hành án, hỗ trợ tiền tạo điều kiện nơi ở mới cho người phải thi hành án, người có nghĩa vụ liên quan khi xử lý tài sản thế chấp, bảo lãnh thu hồi nợ mà họ không còn nơi ở nào khác, để khuyến khích người phải thi hành án tự nguyện thi hành án hoặc thỏa thuận các phương thức thi hành án nhằm sớm giải quyết dứt điểm việc án; đồng thời, trước khi cho vay cần xác minh, thẩm định, kiểm tra thực tế và chi tiết số lượng chủng loại tài sản thế chấp, bảo lãnh nợ vay, hợp đồng vay, thế chấp phải nêu rõ quyền và nghĩa vụ của các bên đúng quy định, nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại trong quá trình xử lý tài sản thế chấp để thi hành án; iv) Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cử cán bộ tham gia Tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc án có liên quan đến hoạt động tín dụng; tiếp tục quan tâm hơn nữa trong việc phối hợp thực hiện Quy chế phối hợp, duy trì và tăng cường việc chỉ đạo, giám sát, đôn đốc các đơn vị trực thuộc, các tổ chức tín dụng, trên địa bàn thực hiện tốt các quy định trong Quy chế phối hợp và các quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt là Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự và các quy định khác có liên quan, nhằm tập trung cao độ vào việc giải quyết các việc thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế, xử lý dứt điểm nợ xấu của các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn toàn tỉnh; v) chỉ đạo các tổ chức tín dung phối hợp chặc chẽ với cơ quan Thi hành án dân sự trong thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Về việc phối hợp đôn đốc, kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ thi hành án ngân hàng: trên cơ sở báo cáo kết quả rà soát tổng hợp của các Chi cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh tổ chức đối thoại, làm việc trực tiếp tại từng Chi cục Thi hành án dân sự và các tổ chức tín dụng về việc thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, qua đó chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tổ chức thi hành từng việc án để nâng cao kết quả thi hành án cho tổ chức tín dụng, ngân hàng.
          Về thời gian được thực hiện xuyên suốt trong năm 2018, định kỳ 03 tháng làm việc 01 lần, tại 09 Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện thuộc địa bàn tỉnh Bến Tre; thành phần làm việc gồm Tổ công tác, lãnh đạo Chi cục, chấp hành viên phụ trách án và đại diện các tổ chức tín dụng, ngân hàng được thi hành án hoặc có quyền lợi liên quan; nhằm chỉ đạo thống nhất giải pháp, thời gian tổ chức thi hành án đối với từng vụ việc án;  
Sơ kết, tổng kết thực hiện kế hoạch: hai cơ quan thống nhất tổ chức sơ kết 06 tháng, tổng kết năm để đánh giá kết quả việc thực hiện kế hoạch phối hợp và xây dựng kế hoạch năm tiếp theo. Theo quy định của mỗi ngành và thành tích của tập thể, cá nhân đạt được, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự hoặc Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh xét khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích nổi trội, xuất sắc trong tham mưu đề xuất và tổ chức thực hiện Quy chế số 41/QCLN/CTHADS-NHNN ngày 25/5/2015 và kế hoạch phối hợp này giữa hai ngành, nhằm khuyến khích động viên tinh thần các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phối hợp.
          Để theo dõi việc tổ chức thực hiện, phản ánh, giải quyết kịp thời các kiến nghị của cơ sở, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh và Cục Thi hành án dân sự thống nhất giao cho Tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc án có liên quan đến hoạt động tín dụng (Phòng Nghiệp vụ tổ chức thi hành án, Cục Thi hành án dân sự và Phòng Thanh tra pháp chế Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh) làm đầu mối thường trực, giúp lãnh đạo liên ngành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch, định kỳ 6 tháng tổ chức họp sơ kết tình hình thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện kế hoạch phối hợp, đề xuất giải pháp thực hiện tiếp theo, báo cáo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự và Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cho ý kiến chỉ đạo. Với tinh thần đó, mục tiêu để tăng tốc trong thi hành án dân sự, quyết tâm tiến công vượt bậc, nổ lực không ngừng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện quyết liệt các chỉ tiêu nhiệm vụ trong đó có chỉ tiêu kết quả thi hành án dân sự cho các tổ chức tín dụng năm 2018 phải cao hơn cùng kỳ năm trước.
                                                                                                     Nguyễn Văn Nghiệp

Các tin đã đưa ngày: