Sign In

Những kết quả nổi bật trong lĩnh vực thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính năm 2017

07/11/2017

Năm 2017, các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã chủ động trong việc đánh giá, dự báo khả năng thụ lý việc án tăng trong năm do ảnh hưởng tình hình biến động giá heo hơi sụt giảm; các vụ việc vỡ hụi trong địa bàn dân cư, nợ tín dụng ngân hàng tiếp tục phát sinh nhiều; tình trạng ly hôn của các cặp vợ chồng gia tăng; tài sản là bất động sản bị kê biên, bán đấu giá để thi hành án, không bán được; biên chế thực hiện theo chủ trương chung, giảm 2 chỉ tiêu biên chế; chấp hành viên đủ điều kiện xin nghỉ theo quy định 108/2015/NĐ-CP nhiều; định biên chấp hành viên là 68 người, hiện có 50 người, còn thiếu 18 người; ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án dân sự thấp, luôn tìm mọi cách khiếu nại, cản trở, trì hoãn  việc thi hành án hoặc kiến nghị xem xét lại bản án có hiệu lực pháp luật theo trình tự giám đốc thẩm... sẽ kéo theo việc tổ chức thi hành án dân sự, xử lý tài sản bán để thi hành án sẽ gặp nhiều khó khăn.
Để thực hiện 11 nhiệm vụ với 37 chỉ tiêu đầu việc được giao năm 2017 cho hệ thống thi hành án dân sự trong tỉnh, ngay từ đầu năm, lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự đã chủ động triển khai, quán triệt sâu các chỉ tiêu, cụ thể hóa từng công việc, đồng thời tổ chức thực hiện nhiều giải pháp mang tính định hướng, tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ, cũng như những giải pháp mang tính cầm tay chỉ việc cụ thể cho Chi cục và chấp hành viên, trong đó nổi bật là các giải pháp tăng cường hướng về cơ sở, hỗ trợ cơ sở thực hiện nhiệm vụ như: i) tập trung chỉ đạo thực hiện đợt “cao điểm thi hành án dân sự” từ ngày 02/5/2017 đến 30/9/2017; ii) phân công các Phó Cục trưởng tăng cường “hướng về cơ sở” để trực tiếp chỉ đạo, hỗ trợ Chi cục giải quyết án lớn, án khó, vướng tài sản chung, án tín dụng theo định kỳ hàng tháng và đột xuất tại các Chi cục; iii) thành lập Tổ chỉ đạo thi hành án tín dụng, do một Phó cục trưởng làm tổ trưởng, mời lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh làm thành viên tổ, để hướng dẫn, chỉ đạo Chi cục Thi hành án dân sự tập trung tổ chức thi hành và đối thoại, trao đổi từng vụ việc án cụ thể của các tổ chức tín dụng, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh; iv) thực hiện dịch vụ công trực tuyến, công khai đăng tải thông tin về người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành lên Trang Thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự và thực hiện cơ chế một cửa tiếp nhận yêu cầu và trả kết quả cho đương sự; v) lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự, trực tiếp không né tránh trong tiếp công dân, tăng cường công tác đối thoại, giải thích, giải quyết kịp thời, dứt điểm đơn thư khiếu nại ngay từ khi mới phát sinh; vi) chỉ đạo tăng cường công tác “dân vận”, “hòa giải” trong thi hành án dân sự, nhưng  kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với các trường hợp có đủ điều kiện nhưng cố tình ”chây ỳ” né tránh việc thi hành án; vii) tăng cường công tác kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ thi hành án theo chuyên đề, đột xuất để kịp thời hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, chấn chỉnh các hạn chế thiếu sót, tăng cường phòng ngừa, không để xảy ra vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự. Với sự nỗ lực quyết tâm của các cơ quan Thi hành án dân sự và trong năm đã hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu được giao cụ thể như sau:
1. Kết quả thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ theo Nghị quyết số 111 của Quốc hội:
            - Về việc, tổng số thụ lý là 18.868 việc, tăng 33 việc (0.18%) so với cùng kỳ. Trong đó, thực hiện ủy thác thi hành án 247 việc; còn phải tổ chức thi hành 18.621 việc. Kết quả xác minh, phân loại thì có: 15.740 việc có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 84.53%), và 2.881 việc chưa có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 15.47%). Trong số có điều kiện, đã giải quyết xong 12.198 việc, đạt tỷ lệ 77.50%/ 70% chỉ tiêu được giao, vượt 7.50% chỉ tiêu Bộ Tư Pháp giao. Số việc chuyển kỳ sau là 6.423 việc, trong đó số việc có điều kiện nhưng chưa thi hành xong là 3.542 việc, so với số có điều kiện thi hành năm 2016 chuyển sang năm 2017 (3.581 việc), kéo giảm 1.09%.        
- Về tiền, tổng số tiền thụ lý là 914 tỷ 426 triệu 605 nghìn đồng, tăng 202.541.972.137đồng (28.45%) so với cùng kỳ. Trong đó,  thực hiện ủy thác thi hành án 34.918.862.485 đồng; còn phải tổ chức thi hành là 879.507.743.412 đồng. Kết quả xác minh, phân loại: 650.795.172.571 đồng có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 74%), và 228.712.570.841đồng chưa có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 26%). Trong số có điều kiện, đã giải quyết xong 244.163.636.227 đồng, đạt tỷ lệ 37.52%/ 30%/33%; vượt 7.52% chỉ tiêu Bộ giao và vượt 4.52% chỉ tiêu Tổng cục giao. Số chuyển kỳ sau là 635.351.229.185 đồng, trong đó số có điều kiện nhưng chưa thi hành xong là 406.631.536.344đồng, so với số có điều kiện thi hành năm 2016 chuyển sang năm 2017 (338.669.417.451đồng) tăng 20.09%.
- Về thi hành án thu nộp Ngân sách Nhà nước: là 8.862 việc, tương ứng với số tiền là  51.421.556.077 đồng. Kết quả, đã thi hành xong 6.442 việc, thu nộp ngân sách số tiền là 28.800.523.705 đồng, so với cùng kỳ tăng 19.764.527.000 đồng (344%), đạt tỷ lệ 85.89% về việc và 71.54% về tiền trên số có điều kiện thi hành của loại này.
        - Công tác xác minh điều kiện thi hành án được thực hiện nghiêm theo quy định của luật, đúng thực tế về điều kiện của đương sự, từ đó tỷ lệ phân loại về việc, về tiền có điều kiện giải quyết luôn chiếm tỷ lệ rất cao; số việc có điều kiện giải quyết chiếm tỷ lệ 84.53%, về tiền có điều kiện giải quyết chiếm tỷ lệ 74% . Số việc án có điều kiện thi hành còn chuyển kỳ sau được phân loại xác định theo từng nhóm, đang tiếp tục tổ chức thi hành án theo quy trình như hòa giải, thỏa thuận thi hành án, cưỡng chế kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá để thi hành án.
- Việc tổ chức cưỡng chế thi hành án, luôn được quan tâm, kiên quyết cưỡng chế đối với các trường hợp đã qua nhiều lần trực tiếp lập biên bản giáo dục, giải thích tuyên truyền pháp luật, hòa giải thi hành án, nhưng cố tình chây ỳ, tìm cách trì hoãn, né tránh, khiếu nại để làm chậm thi hành án. Trong năm, các cơ quan Thi hành án dân sự đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 445 trường hợp, trong đó có 40 trường hợp đương sự thi hành án trước ngày cưỡng chế, nên thực tế số việc phải tổ chức cưỡng chế là 405 trường hợp (tăng 276 trường hợp, tăng 313,9% so với cùng kỳ).
- Về giải quyết việc án tín dụng, ngân hàng: số việc phải giải quyết loại này là 273 việc, tương ứng với số tiền là 243.763.557.875 đồng (chiếm 1.46% về việc và 27.72% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành) tăng 56 việc (25.80%) và tăng 50.453.574.993 đồng (26.09%) so cùng kỳ. Kết quả xác minh phân loại có điều kiện thi hành là 243 việc, số tiền 230.927.203.621 đồng, chưa có điều kiện là 27 việc, số tiền 12.575.966.558 đồng. Trong số có điều kiện đã giải quyết được 37 việc, thu được số tiền là 70.522.490.584 đồng, đạt tỷ lệ 15,22 % về việc và 30,53% về tiền, giảm 2,29% việc và tăng 3,91% về tiền so cùng kỳ.
- Việc bán tài sản để thi hành án sau khi cưỡng chế kê biên, giảm giá bán đấu giá vẫn chưa khởi sắc, tài sản kê biên không bán được, hiện có 248 việc, tương ứng với số tiền là 77.498.382.825đồng (chiếm 0.15% về việc và 11.88% về tiền trong tổng số có điều kiện thi hành, đang giải quyết) đã và đang giảm giá, bán đấu giá; trong đó 173 việc với số tiền 57.152.511.000 đồng đã trên 3 lần giảm giá, bán đấu giá nhưng không có người mua, người được thi hành án không nhận để trừ tiền thi hành án.
- Về tổ chức thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự: là 710 việc, tương ứng số tiền 26.193.805.000 đồng. Các cơ quan Thi hành án dân sự tập trung xử lý tài sản thuộc quyền sở hữu riêng và sở hữu chung hộ gia đình, vận động gia đình họ nộp thay. Đã thi hành xong 373 việc, thu được số tiền 2.043.777.000 đồng. Số còn lại, sau khi xử lý hết tài sản hầu như không thể thi hành tiếp, không có điều kiện thi hành.
- Về công tác theo dõi thi hành án hành chính: tổ chức tập huấn Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính. Trong năm, Cục Thi hành án dân sự, lập hồ sơ theo dõi thi hành án hành chính, đối với 03 bản án hành chính (về lĩnh vực đất đai); ban hành thông báo thời gian tự nguyện thi hành. Kết quả Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố, đã thi hành xong 01 vụ, 02 vụ đang tổ chức thi hành
   2.  Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo
Triển khai thực hiện Quyết định số 993/QĐ-TCTHADS ngày 29/9/2016 của Tổng cục Thi hành án dân sự về việc thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính, tuy nhiên đến nay chưa ghi nhận phản ánh, kiến nghị nào qua điện thoại đường dây nóng. Trong năm, tiếp 62 lượt công dân, giảm 09 lượt (12,68%) so với cùng kỳ.
Đơn có nội dung khiếu nại thuộc thẩm quyền là 62 đơn. Đã giải quyết 62 đơn, đạt tỷ lệ 100%, bằng với cùng kỳ 2016. Số khiếu nại thụ lý giải quyết giảm 33 đơn (34,74%) so với cùng kỳ năm 2016. Đơn khiếu nại phát sinh phần lớn là các vụ việc cũ có khó khăn vướng mắc và gửi đơn trùng lắp nhiều lần đến nhiều cấp. Các cơ quan Thi hành án dân sự, đã thụ lý giải quyết kịp thời, đúng thời hạn, phần lớn đương sự không khiếu nại tiếp, một số ít khiếu nại lên Tổng cục Thi hành án dân sự và không có trường hợp nào Tổng cục hủy quyết định giải quyết của tỉnh.
Đơn có nội dung tố cáo thuộc thẩm quyền là 03 đơn (Chi cục Bình Đại 02 đơn và Thạnh phú 01 đơn). Đã giải quyết 03 đơn, đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, xác minh, kết luận nội dung tố cáo là không có cơ sở (1 đơn) và (2 đơn ) đương sự rút đơn, đã  đình chỉ.
3. Công tác kiểm tra:
Kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ về thi hành án dân sự là một trong những giải pháp quan trọng để đôn đốc, hướng dẫn, chỉ ra các hạn chế, vướng mắc và định hướng xử lý các vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ của chấp hành viên, phòng ngừa sai phạm. Ngay từ đầu năm, Cục Thi hành án dân sự có kế hoạch kiểm tra việc thực hiện chức trách nhiệm vụ; kiểm tra đột xuất công tác quản lý tài chính nghiệp vụ thi hành án dân sự tại các Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện. Kết quả đã kiểm tra toàn diện đối với 05 đơn vị; phúc tra 04 đơn vị; kiểm tra đột xuất 03 Chi cục, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Trong quá trình kiểm tra đã chỉ ra một số hạn chế, thiếu sót thuộc về lỗi kỹ thuật, trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, không có sai phạm phải xử lý kỷ luật.
4. Công tác tổ chức, cán bộ
Năm 2017, Tổng cục Thi hành án dân sự giao cho toàn tỉnh là 130 biên chế, (giảm 2 biên chế so với trước) đã thực hiện được 122, hiện còn thiếu 8 biên chế (đã cử thí sinh dự kỳ thi tuyển do Tổng cục tổ chức, chờ kết quả). Hiện có 50 Chấp hành viên (13 trung cấp, 37 sơ cấp), thiếu 18 chấp hành viên sơ cấp; tất cả công chức đều đủ chuẩn về chuyên môn, quản lý nhà nước theo chức danh, riêng về trình độ lý luận chính trị còn chưa đủ chuẩn, tiếp tục đưa đi bồi dưỡng trong thời gian tới.
Cơ cấu tổ chức bộ máy lãnh đạo, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng và bố trí cán bộ không ngừng được củng cố đã đi vào ổn định. Lãnh đạo Cục, 04 phòng chuyên môn và 09 Chi cục Thi hành án dân sự cơ bản bố trí đủ cấp trưởng, phó ( còn thiếu 1 Phó Cục trưởng, 2 Trưởng phòng, 2 phó Trưởng phòng, 4 Phó Chi cục trưởng).
5. Công tác tham mưu, phối hợp trong thi hành án dân sự
Tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh; họp định kỳ xem xét, cho ý kiến đối với các trường hợp người phải thi hành án có tài sản là tài sản chung và một số việc án khó khăn vướng mắc khác. Chủ động phối hợp các ngành, địa phương triển khai thực hiện 15 đầu việc Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Cục Thi hành án dân sự làm đầu mối chủ trì thực hiện theo kế hoạch số 957/KH-UBND ngày 14/3/2017 về triển khai thực hiện Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác thi hành án dân sự.
Ký kết và triển khai thực hiện 03 quy chế phối hợp liên ngành với Sở Tài nguyên và Môi trường; với Trại giam Châu Bình; sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp với Công an, Tòa án, Viện kiểm sát tỉnh. Thực hiện tốt việc phối hợp Viện kiểm sát, Tòa án cùng cấp đối chiếu, rà soát và tổng hợp số liệu báo cáo thống kê thi hành án dân sự, tổng hợp số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính để lập hồ sơ theo dõi thi hành án hành chính. Phối hợp Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tổ chức 6 buổi đối thoại với các tổ chức tín dụng, qua đó trao đổi giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án cho các tổ chức tín dụng, rà soát lại các vụ việc án của từng tổ chức tín dụng còn phải thi hành, để tập trung chỉ đạo một số giải pháp thực hiện. Phối hợp với Hội luật gia tỉnh tập huấn những điểm mới về Luật Thi hành án dân sự cho các đối tuợng là Chi hội luật gia các huyện, thành phố và các sở, ban ngành tỉnh.
6. Cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin:
Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ; thực hiện cơ chế một cửa tại các cơ quan Thi hành án dân sự hỗ trợ tốt cho người có yêu cầu liên quan đến công tác thi hành án dân sự, giảm thủ tục hành chính không cần thiết và triển khai dịch vụ công trực tuyến; cập nhật kịp thời thông tin về thi hành án dân sự; đăng tải các quyết định chưa có điều kiện thi hành và tên địa chỉ phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án lên Trang thông tin theo quy định tại Điều 44a Luật Thi hành án dân sự. Kết nối Trang Thông tin Cục Thi hành án dân sự với Cổng Thông tin điện tử của tỉnh.
Kết thúc năm công tác 2017, lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tập trung rà soát đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện kết quả các mặt hoạt động, xác định cho được những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân của hạn chế và rút ra những bài học kinh nghiệm thực tiễn. Qua đó, xác định những giải pháp cụ thể, trọng tâm cho từng mặt hoạt động; xây dựng phương án tổ chức thực hiện hợp lý, phù hợp đặc thù địa phương; đã triển khai nhanh một số nhiệm vụ năm 2018, tập trung tổ chức thi hành án năm 2018 ngay trong tháng 10/2017 nhằm đảm bảo cho công tác thi hành án dân sự được thực hiện liên tục và đạt hiệu quả ngay từ những tháng đầu năm.
Nguyễn Văn Nghiệp
 
 
 

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: