Sign In

Nâng cao vai trò công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan trong hoạt động thi hành án dân sự

14/03/2018

 
 
   
 
Thi hành án dân sự là công việc khó khăn và phức tạp. Bởi vì, hoạt động này liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích về tài sản và nhân thân của các bên đương sự. Để giải quyết việc thi hành án cơ quan thi hành án dân sự - Chấp hành viên phải tiến hành nhiều thủ tục như: tống đạt, xác minh, áp dụng các biện pháp đảm bảo, biện pháp cưỡng chế thi hành án... Theo quy định của pháp luật, thì cơ quan thi hành án dân sự không thể tự mình thực hiện được các công việc trên mà cần có sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Ví dụ: liên quan đến quyền sử dụng đất thì cần sự phối hợp của cơ quan quản lý tài nguyên và môi trường, cơ quan đăng ký giao dịch đảm bảo; liên quan đến tài khoản cần sự phối hợp của Ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, trong trường hợp tiến hành cưỡng chế thi hành án, thì tùy vào tính chất và mức độ phức tạp của vụ việc mà có thể phải cần đến sự phối hợp, hỗ trợ cùng một lúc của nhiều cơ quan, tổ chức như Viện kiểm sát, Công an, Ủy ban nhân dân cùng cấp, các cơ quan chuyên môn... Do đó, việc phối hợp tốt với các cơ quan hữu quan là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của công tác thi hành án dân sự.
Có thể thấy mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự với các cơ quan hữu quan trong thi hành án dân sự thực chất là mối quan hệ mang tính pháp lý. Cơ sở của các mối quan hệ phối hợp, hỗ trợ này được thiết lập dựa trên các quy định của pháp luật và được pháp luật điều chỉnh: Điều 11 Luật THADS quy định về trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân với cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên. Bên cạnh đó, để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân trong việc phối hợp thi hành án dân sự, Điều 10 LTHADS quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại “Cơ quan, tổ chức và cá nhân vi phạm quy định của Luật này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Đặc biệt, Luật thi hành án dân sự dành hẳn 01 chương (Chương VIII) quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức trong thi hành án, trong đó quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan ở Trung ương như: Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an... (từ Điều 166 đến Điều 172); Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức ở địa phương như: UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã... (từ Điều 173 đến Điều 180). Căn cứ quy định trên các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự.
Ngoài ra, trong quá trình tổ chức thi hành án Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự phải áp dụng các Điều luật quy định về thủ tục thi hành án trong Luật thi hành án dân sự, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan để phối hợp với các cơ quan hữu quan như:
+ Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự.
+ Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 19/5/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự.
Công tác phối hợp giữa cơ quan Thi hành án và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể khác ngày càng được chú trọng, tăng cường; nhất là nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp Ủy đảng, chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của các Ban ngành góp phần tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan thi hành án hoàn thành nhiệm vụ. Song đối với một vài trường hợp, việc chỉ đạo của chính quyền chưa thực sự quyết liệt, vai trò phối hợp thực hiện công tác thi hành án của các ngành còn xem nhẹ, coi nhiệm vụ thi hành án dân sự chỉ là nhiệm vụ riêng của cơ quan thi hành án vì thế hiệu quả hoạt động thi hành án còn hạn chế. Việc phối hợp, hỗ trợ trong công tác xác minh và cung cấp xác minh đôi khi chưa kịp thời, chưa đầy đủ và chính xác. Công việc của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Phòng Tài nguyên và Môi trường quá tải nên việc phối hợp đôi lúc còn hơi chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ chung. Bên cạnh những thuận lợi trong công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan vẫn còn những tồn tại nên cần có giải pháp tháo gỡ để đạt hiệu quả cao hơn. Do vậy, để xây dựng được mối quan hệ phối hợp tốt giữa cơ quan thi hành án với các cơ quan hữu quan khác thì người đầu tiên thiết lập quan hệ phải có một kỹ năng giao tiếp tốt. Thông thường, người đầu tiên đặt viên gạch để xây dựng các mối quan hệ này là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự. Nếu thủ trưởng cơ quan thi hành án có quan hệ tốt với thủ trưởng của cơ quan khác thì sẽ tạo điều kiện tốt cho cấp dưới khi liên hệ công tác và ngược lại.
Nhận thức tầm quan trọng của việc phối hợp tốt với các cơ quan, tổ chức, ban ngành liên quan trong thi hành án dân sự là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của công tác thi hành án dân sự. Do đó, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, bản thân tôi đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan hữu quan để giải quyết việc án, vận động thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án hoặc đã thỏa thuận xử lý tài sản để thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Đồng thời, vận dụng kết quả xác minh tại cơ quan đăng ký quyền sở hữu đã tham mưu, đề xuất lãnh đạo ban hành quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, một số việc án thu cho ngân sách nhà nước qua xác minh người phải thi hành án bỏ địa phương, chưa có điều kiện thi hành án và đủ điều kiện được xét miễn nghĩa vụ thi hành án Chấp hành viên đã phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân huyện xét miễn nghĩa vụ thi hành án theo luật định.
Cùng với những quy định hiện nay của Luật Thi hành án dân sự đã quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức trong việc hỗ trợ, thực hiện yêu cầu của chấp hành viên trong thi hành công vụ đã giúp cho chấp hành viên trong quá trình tác nghiệp cũng khá thuận lợi hơn và đạt kết quả tốt, phần nào nâng cao hơn ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án. Đồng thời chính bản thân cá nhân từng chấp hành viên, cán bộ nghiệp vụ và cả lãnh đạo cơ quan thi hành án dân sự phải tự thân vận động. Bằng tất cả những quan hệ và kỹ năng trong quan hệ, giao tiếp của mình để tạo được mối quan hệ thật tốt, lấy được tình cảm, sự nhiệt tình của các cán bộ, lãnh đạo ở các đơn vị hữu quan. Đó là cơ sở để tạo tiền đề thuận lợi khi cần quan hệ công tác, hoàn thành được nhiệm vụ của mình.
Trong tất cả những mối quan hệ mà chấp hành viên, cơ quan thi hành án cần phải có mối quan hệ, không xem nhẹ mối quan hệ nào hay chú trọng mối quan hệ nào vì tùy tính chất của từng vụ việc mà cần xác định liên hệ cơ quan nào. Tất cả các khâu, giai đoạn đều quan trọng. Phải xác định là phải tạo được quan hệ bằng mặt cả bằng lòng, phối hợp tương trợ là vì nhiệm vụ chung của Nhà nước giao, không đặt nặng vấn đề tư lợi, cá nhân. Và vì thế ngoài nâng cao năng lực kỹ năng nghiệp vụ, trình độ chính trị…chấp hành viên còn phải nâng cao kỹ năng trong quan hệ giao tiếp với các cơ quan hữu quan trong quá trình tác nghiệp của mình.
Tóm lại, mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự với các cơ quan hữu quan là mối quan hệ mang tính pháp lý. Những mối quan hệ này đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự và dù muốn hay không thì cơ quan thi hành án dân sự cũng phải thiết lập các mối quan hệ đó để đảm bảo cho việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án được diễn ra đúng trình tự thủ tục do pháp luật quy định. Để các mối quan hệ này diễn ra một cách nhịp nhàng, phát huy hiệu quả cao nhất, thì yêu cầu thực tế đặt ra cho cơ quan thi hành án dân sự, cho mỗi cán bộ, công chức ngành thi hành án dân sự đó là phải có kỹ năng phối hợp với các cơ quan hữu quan. Mặc dù, các mối quan hệ này đã được luật hóa. Tuy nhiên, như đã trình bày, mối quan hệ giữa các cơ quan với nhau cũng nằm trong phạm trù của các mối quan hệ xã hội và con người là nhân tố chính tạo nên các mối quan hệ này. Do vậy, để thiết lập, duy trì và phát huy hiệu quả các mối quan hệ, thì người thực hiện phải có những kỹ năng nhất định, phù hợp với từng điều kiện cụ thể.
Nguyễn Thị Huỳnh- Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thạnh Phú

Các tin đã đưa ngày: