Sign In

Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư số 01/2017/TT-BTP ngày 23 tháng 01 năm 2017 về việc quản lý kho vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự.

17/07/2017

           Thông tư quy định về nguyên tắc quản lý, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ; kho vật chứng, nội quy kho vật chứng, tài sản tạm giữ; trách nhiệm của Thủ trưởng của cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, Kế toán, Thủ kho vật chứng, Bảo vệ kho vật chứng và các cá nhân có liên quan khác trong quản lý, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự; tiếp nhận, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ trong một số trường hợp đặc thù.
           Nguyên tắc quản lý, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ
           Thông tư quy định  nguyên tắc quản lý, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ như sau:
           1- Vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự do cơ quan có thẩm quyền chuyển giao theo quy định của pháp luật hoặc tài sản do cơ quan thi hành án dân sự kê biên, tạm giữ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 58, Điều 68 và khoản 1 Điều 115 Luật Thi hành án dân sự phải được bảo quản tại kho vật chứng, tài sản tạm giữ (sau đây gọi chung là kho vật chứng) của cơ quan thi hành án dân sự. Đối với vật chứng, tài sản tạm giữ không thể vận chuyển, di dời về bảo quản tại kho vật chứng của cơ quan thi hành án dân sự thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ký hợp đồng thuê trông giữ, bảo quản theo quy định của pháp luật;
          2- Vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự phải được bảo quản an toàn và được xử lý kịp thời, theo quy định của pháp luật. Mọi hành vi xâm phạm, phá hủy niêm phong, sử dụng trái phép, chuyển nhượng, thêm bớt, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại và các hành vi khác làm hư hỏng hoặc thay đổi hiện trạng vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự đều bị xử lý theo quy định;
         3- Không sử dụng kho vật chứng của cơ quan thi hành án dân sự vào mục đích khác;
         4- Người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật mới được ra, vào kho vật chứng.
        Xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ trong một số trường hợp đặc thù
         Thông tư quy định, đối với vật chứng là chất độc, hóa chất nguy hiểm, ma túy (số lượng lớn) hoặc các loại vật chứng đặc thù khác phải tiêu hủy, nếu xét thấy việc tiêu hủy có thể dẫn đến mất an toàn và ảnh hưởng đến môi trường, cơ quan thi hành án dân sự phải lập kế hoạch (bao gồm cả kinh phí xử lý), phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan tiến hành thuê tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để tiến hành tiêu hủy theo quy định. Trường hợp có nhiều tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thì có thể tổ chức đấu thầu để lựa chọn.
          Đối với vật chứng, tài sản tạm giữ tồn đọng từ 01 năm trở lên, chưa xử lý (trừ trường hợp vật chứng, tài sản tạm giữ đang phải bảo quản theo quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền), cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát cùng cấp và các cơ quan chức năng để xác định tình trạng, lập danh sách vật chứng, tài sản tạm giữ còn tồn đọng, chưa xử lý và tiến hành xử lý như sau: Đối với các vật chứng, tài sản tạm giữ mà vụ án bị đình chỉ thì cơ quan thi hành án dân sự đề nghị cơ quan đã ra quyết định đình chỉ vụ án ra quyết định xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ để tiến hành xử lý theo quy định;  
         Đối với các vật chứng, tài sản tạm giữ mà Tòa án chưa chuyển giao bản án, quyết định; Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra chưa chuyển giao tài liệu liên quan đến vật chứng, tài sản tạm giữ thì cơ quan thi hành án dân sự đề nghị các cơ quan có liên quan nêu trên chuyển giao để tiến hành xử lý theo quy định; Đối với trường hợp không có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ hoặc không có tài liệu liên quan đến vật chứng, tài sản tạm giữ thì  tổ chức họp liên ngành với các cơ quan có liên quan ở địa phương (Công an, Kiểm sát, Tòa án, Tài chính) thống nhất phương án, biện pháp xử lý. Trường hợp không thống nhất được phương án, biện pháp xử lý thì báo cáo cơ quan thi hành án dân sự cấp trên trực tiếp hoặc cơ quan quản lý thi hành án dân sự để được chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết.
          Xử lý trường hợp vật chứng, tài sản tạm giữ bị mất, hư hỏng
         Khi phát hiện vật chứng, tài sản tạm giữ đang lưu giữ, bảo quản tại kho vật chứng bị mất, hư hỏng, không còn giá trị, biến chất nguy hiểm, có thể gây mất an toàn thì xử lý như sau: Đối với vật chứng, tài sản tạm giữ bị mất thì phải làm rõ trách nhiệm và phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xác minh làm rõ và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để xem xét, xử lý kỷ luật hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân vi phạm; Đối với tang vật, tài sản tạm giữ bị hư hỏng, không còn giá trị sử dụng thì thực hiện tiêu hủy theo quy định tại khoản 3 Điều 126 Luật Thi hành án dân sự và điểm b khoản 2, khoản 3 Điều 13 Thông tư 01/2016/TT-BTP; Đối với tang vật, tài sản tạm giữ bị biến chất nguy hiểm, có thể gây mất an toàn thì phối hợp với các cơ quan chuyên môn để trao đổi, thống nhất phương án và tiến hành xử lý, đảm bảo an toàn đối với con người và vệ sinh, môi trường.
        Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 3 năm 2017.
        THEO CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ TƯ PHÁP

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: