Từ ngày 25/10/2021 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid -19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trên địa bàn toàn tỉnh, với nhiều ca nhiễm được phát hiện trong cộng đồng, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan chức năng đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; tại một số địa phương đã thành lập Chốt kiểm dịch y tế liên ngành tạm thời hoặc thực hiện biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại, nhiều người dân trong đó có công chức, người lao động cơ quan thi hành án dân sự có tiếp xúc gần với trường hợp nghi ngờ mắc Covid -19 phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú để phòng, chống dịch. Tình hình trên đã ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ cũng như quá trình tác nghiệp, thực hiện trình tự, thủ tục trong tổ chức thi hành án tại các đơn vị thi hành án dân sự trong tỉnh.
Nhằm thực hiện nghiêm túc, đúng yêu cầu về quy định phòng, chống dịch bệnh của cấp có thẩm quyền, đồng thời đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án được giao đạt kết quả tốt, Ngày 04/11/2021, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Giang đã ban hành Công văn số: 1122/CTHADS-VP về việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, Cục Thi hành án dân sự yêu cầu Trưởng Phòng chuyên môn thuộc Cục, Chi cục trưởng Chi cục THADS các huyện, thành phố quán triệt, tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ như sau:
1. Về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19:
- Chi cục trưởng các đơn vị chủ động xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và các Phương án xử lý khi có trường hợp mắc Covid-19 của đơn vị theo hướng dẫn chi tiết ban hành tại văn bản số: 6666/BYT-MT, ngày 16/8/2021 và Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021 của Bộ Y tế; chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của cấp có thẩm quyền về công tác phòng, chống dịch Covid–19 tại đơn vị mình, chủ động nắm bắt tình hình, đặc biệt là đối với tình huống công chức, người lao động trong đơn vị tiếp xúc gần hoặc là các trường hợp F0, F1, F2, F3 để có giải pháp ứng phó kịp thời và báo cáo ngay về Cục THADS khi có tình huống phát sinh trên địa bàn và tại đơn vị.
- Yêu cầu mỗi công chức, người lao động tại các đơn vị thi hành án dân sự cần chủ động cập nhật thông tin, tiếp tục bám sát và thực hiện nghiêm túc theo yêu cầu, văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về công tác phòng, chống dịch Covid–19 tại địa bàn, địa phương, nơi cư trú; chủ động, nâng cao ý thức bảo vệ, chăm lo sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng; không hoang mang, dao động, tích trữ lương thực thực phẩm khi không cần thiết; không chia sẻ thông tin chưa chính thống trên mạng xã hội; thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế; công chức, người lao động hiện đang ở tập thể cơ quan không về quê cho đến khi tình hình dịch bệnh ổn định, những trường hợp có nhà riêng cần chấp hành đúng nguyên tắc “một cung đường, hai điểm đến”, chấp hành quy định hạn chế đi lại, không ra khỏi địa bàn khi không cần thiết, trong trường hợp đặc biệt cần đảm bảo đủ điều kiện theo đúng quy định của địa phương và phải có ý kiến của đồng chí Cục trưởng.
Đối với trường hợp công chức, người lao động thuộc diện ở trong khu vực phong tỏa hoặc có Quyết định của cấp có thẩm quyền về việc thực hiện biện pháp tự cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà phải thực hiện nghiêm túc theo đúng hướng dẫn, yêu cầu về quy định cách ly, phong tỏa, thực hiện đúng trách nhiệm kiểm tra, xét nghiệm, khai báo y tế và thông báo tình hình sức khỏe với cơ quan y tế theo quy định. Trường hợp công chức, người lao động có tiếp xúc gần với người nghi nhiễm covid – 19 (F1, F2...) hoặc có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh (như ho, sốt, khó thở, đau họng, đau tức ngực...) có trách nhiệm báo cáo Thủ trưởng đơn vị và phải thực hiện ngay việc khai báo y tế, kiểm tra, xét nghiệm, nếu cấp có thẩm quyền không có Quyết định buộc phải thực hiện biện pháp cách ly thì tùy từng trường hợp do Thủ trưởng đơn vị quyết định về việc đi làm bình thường hay cho làm việc tại nhà.
2. Về giải pháp thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp:
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, yêu cầu lãnh đạo các đơn vị cần nhận thức, nhận định rõ những khó khăn, thách thức trong triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại cơ quan, đơn vị mình để có giải pháp chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu, duy trì mối đoàn kết trong nội bộ, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành, bám sát các chỉ tiêu nhiệm vụ, từng vụ việc thi hành án để có các giải pháp, khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, tuyệt đối không vì lý do dịch bệnh diễn biến phức tạp để tồn đọng hoặc chậm trễ giải quyết công việc, không vì để đạt chỉ tiêu nhiệm vụ mà bỏ qua các quy định, quy trình, thủ tục dẫn đến sai phạm trong quá trình tổ chức thi hành án. Theo đó, yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị triển khai thực hiện một số nội dung sau:
2.1. Từng đơn vị phải nghiên cứu kỹ, nắm chắc quy định về phòng chống dịch của cơ quan có thẩm quyền, nhất là những quy định có liên quan trực tiếp đến hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan THADS để có giải pháp tổ chức thi hành án đúng quy định pháp luật và đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh của địa phương.
2.2. Rà soát toàn bộ nội dung công việc liên quan đến chuyên môn nhiệm vụ được giao, quá trình tổ chức thi hành án đối với từng vụ việc để thực hiện các thủ tục giải quyết công việc phù hợp, đạt hiệu quả. Tại những nơi chưa phát sinh dịch bệnh hoặc có dịch nhưng ở phạm vi hẹp hoặc đã được khoanh vùng cách ly thì các đơn vị vẫn duy trì, tập trung thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, hoạt động tác nghiệp thi hành án, tiếp công dân...như bình thường, khi thực hiện nhiệm vụ cần hạn chế các hoạt động tiếp xúc trực tiếp và nghiêm túc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Tùy tình hình về yêu cầu phòng chống dịch của địa phương và điều kiện thực tế các đơn vị có thể phân công, bố trí công chức làm việc tại nhà, khuyến khích phát huy tối đa việc ứng dụng công nghệ thông tin, làm việc bằng hình thức trực tuyến hoặc sử dụng dịch vụ bưu chính... để giải quyết công việc.
2.3. Do yêu cầu phòng chống dịch bệnh tại từng địa phương khác nhau, vì vậy đối với những hoạt động tác nghiệp thi hành án, nhất là những công việc có quy định về thời hạn, thời hiệu, những việc ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của đương sự (như gửi thông báo, tống đạt, xác minh điều kiện, tổ chức cưỡng chế, thanh toán tiền, trả lại tài sản...) thì các đơn vị cần căn cứ quy định của pháp luật, yêu cầu về phòng chống dịch của cơ quan có thẩm quyền để thực hiện. Trường hợp có vướng mắc thì chủ động phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, các cơ quan có liên quan, Ban chỉ đạo THADS cấp huyện để thống nhất biện pháp giải quyết. Trường hợp sau khi trao đổi, phối hợp giải quyết nhưng vẫn còn vướng mắc thì kịp thời báo cáo Cục THADS (qua Phòng Nghiệp vụ) để được hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết kịp thời.
2.4. Yêu cầu các công chức (như Chấp hành viên, thư ký...) trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, vì hạn chế đi lại, không thể đi tác nghiệp, đôn đốc thi hành án tại cơ sở cần tập trung, rà soát, củng cố hồ sơ tài liệu, nghiên cứu văn bản, quy định pháp luật, chuẩn bị các nội dung cần thiết đối với từng hồ sơ vụ việc để khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát có thể thực hiện ngay các hoạt động tác nghiệp, thi hành dứt điểm vụ việc./.
Văn phòng Cục Thi hành án dân sự