Sign In

Cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn: "Trách nhiệm hình thức" vì luật thiếu cụ thể!

20/07/2012

Trên thực tế, rất nhiều trường hợp cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn chưa bảo đảm được "nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng".

Luật "cứng"!

Sau khi bố mẹ ly hôn, những đứa trẻ sẽ ở với bố hoặc mẹ. Chúng vốn đã chịu thiệt thòi về tình cảm khi có mẹ thì không có bố, xa cách với anh chị em, lại còn bị thiệt thòi về vật chất vì trên thực tế việc yêu cầu cấp dưỡng sau khi ly hôn đang tồn tại nhiều bất cập, thậm chí trở thành "món nợ khó đòi" đối với cả cơ quan thi hành án và người được cấp dưỡng.

Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định khi ly hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Mức cấp dưỡng cho con do cha, mẹ thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết.

Thực tiễn cho thấy, rất nhiều trường hợp, hai bên không thể tìm được tiếng nói chung. Lúc này, Tòa án căn cứ vào những quy định hiện hành và điều kiện khả năng thực tế của mỗi bên để quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng. Và không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không, người không trực tiếp nuôi con vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng, học hành của con và do các bên thỏa thuận.

Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tùy từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà Tòa án sẽ quyết định mức cấp dưỡng nuôi con. Luật cũng qui định phương thức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận định kỳ hàng tháng, hàng qúy, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng.

Còn tại Nghị định số 70/2001/NĐ-CP cũng quy định về mức cấp dưỡng nuôi con: "Nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng được xác định căn cứ vào mức sinh hoạt trung bình tại địa phương nơi người được cấp dưỡng cư trú, bao gồm các chi phí thông thường cần thiết về ăn, ở, mặc, học, khám chữa bệnh và các chi phí thông thường cần thiết khác để bảo đảm cuộc sống của người được cấp dưỡng"...

Và thực tế…

Trên thực tế, rất nhiều trường hợp cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn chưa bảo đảm được "nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng". Câu chuyện của chị Linh là một ví dụ: Sau 3 năm kết hôn, chị được TAND huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa xử cho ly hôn với chồng và chị được giao nuôi cậu con trai lúc đó vừa 2 tuổi. Tòa tuyên chồng chị có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 10kg gạo (tương đương với 38.000 đồng) từ tháng 5-1993 cho đến khi cháu bé tròn 18 tuổi (tháng 5-2009). Như vậy, tính đến thời điểm năm 2009, với giá trị 10kg gạo (tính giá gạo trung bình khoảng 150.000 đồng), cũng đủ cho thấy mức cấp dưỡng này "hợp lý" đến độ nào!

Hay trường hợp của anh Bàn và chị Hường ly hôn năm 2002. Tòa tuyên chị Hường nuôi dưỡng đứa con chung của hai vợ chồng lúc đó 12 tuổi và buộc anh Bàn cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 200.000 đồng đến khi cháu bé tròn 18 tuổi (năm 2008). Chị Hường cho rằng, vào thời điểm vợ chồng ly hôn, mức cấp dưỡng 200.000 đồng còn chấp nhận được, nhưng 6 năm sau, mức này phải tăng lên 10 lần mới đủ một nửa nhu cầu ăn học của cô con gái. Lúc này, chồng cũ kinh tế cũng khá giả, nhưng khi chị yêu cầu trợ cấp thêm cho con thì anh ta từ chối vì "Tòa chỉ yêu cầu tôi thế, cô lấy cớ gì mà đòi thêm?".

Đấy là với các trường hợp cấp dưỡng định kỳ, còn việc cấp dưỡng một lần cũng nhiều chuyện đáng bàn. Không muốn "dây dưa" thêm với nhau sau cuộc hôn nhân chẳng mấy ngày hạnh phúc, khi Tòa tuyên giao cho anh Hạnh nuôi con, chị My quyết định cấp dưỡng nuôi con một lần để tiện theo người mới đi định cư ở nước ngoài. Cậu con trai 8 tuổi sống cùng bố, nhận số tiền hơn 20 triệu đồng "trách nhiệm của mẹ" (180.000 đồng/tháng). Thế nhưng, cậu bé lại không khỏe mạnh, ốm đau triền miên khiến số tiền trên chỉ được một thời gian ngắn. Hiện tại, hai bố con sống khá chật vật với khoản thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng của anh Hạnh, nhưng cũng không thể trông chờ gì ở người mẹ vì chị My cho rằng mình đã "hoàn thành trách nhiệm" từ 10 năm trước!

 
1
Sau phiên tòa ly hôn, không ít người lẩn tránh trách nhiệm nuôi con.     Ảnh: minh họa

 
Anh Hạnh đưa ra lý do luật qui định người được cấp dưỡng một lần có thể được cấp dưỡng bổ sung, nhưng chị My vốn sống phụ thuộc chồng, và cho rằng, luật chỉ yêu cầu cấp dưỡng bổ sung khi người được cấp dưỡng "lâm vào tình trạng khó khăn trầm trọng do bị tai nạn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà người đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có khả năng thực tế để cấp dưỡng ở mức cao hơn, thì phải cấp dưỡng bổ sung theo yêu cầu của người được cấp dưỡng", mà đứa con lại chỉ ốm đau vặt vãnh, nên không có cớ gì "đòi thêm trách nhiệm" từ chị cả.


Cần qui định cụ thể

Theo luật, Tòa sẽ tuyên mức cấp dưỡng căn cứ vào mức thu nhập, giá cả thị trường tại thời điểm xét xử vụ án. Thế nhưng, những vụ ly hôn khi con cái còn nhỏ, phải mười mấy năm sau mới đủ 18 tuổi mà mức cấp dưỡng lại "bất di bất dịch" trong khi thị trường đầy biến động, giá cả leo thang đã khiến phần lớn mức cấp dưỡng trở thành "trách nhiệm hình thức" và đổ gánh nặng cho những người trực tiếp nuôi dưỡng con sau khi ly hôn. Luật sư Trương Văn Hải, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, đây là "lỗi" của luật khi đưa ra qui định quá chung chung. Chính qui định tùy vào "khả năng thực tế" của người phải cấp dưỡng mà mức cấp dưỡng ở mỗi trường hợp ly hôn mỗi nơi một kiểu.

Việc qui định một mức cấp dưỡng "cứng" mà không có sự điều chỉnh theo thời gian khiến mức cấp dưỡng trở nên lạc hậu. Đấy là chưa kể những trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ khiến người trực tiếp nuôi con phải có đơn đề nghị cơ quan thi hành án và cơ quan tổ chức trả tiền lương, tiền công cho người có nghĩa vụ cấp dưỡng thực hiện việc khấu trừ. Thế nhưng, thực tiễn công tác thi hành án cho thấy, việc yêu cầu các cơ quan, tổ chức khấu trừ tiền lương rất khó khăn. Hầu hết các cơ quan này từ chối phối hợp với cơ quan thi hành án và né tránh việc khấu trừ lương vì ngại va chạm và cho rằng đó không phải là nghĩa vụ của họ!

Vì vậy, để đảm bảo cho những đứa trẻ sau khi ly hôn "phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần" thì Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi sắp tới cần có quy định cụ thể về mức cấp dưỡng.

 Cụ thể, nên quy định mức cấp dưỡng tính trên phần trăm thu nhập của người phải cấp dưỡng, hoặc lấy mức tiền lương tối thiểu vào thời điểm xét xử làm định khung để quy định mức cấp dưỡng. Mỗi khi mức lương tối thiểu được điều chỉnh thì căn cứ vào đó, người trực tiếp chịu trách nhiệm nuôi con sẽ yêu cầu vợ/chồng cũ thay đổi mức cấp dưỡng. Nếu người kia không tự nguyện, họ có quyền đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật can thiệp để đòi "nợ". Đồng thời, luật cũng cần đưa ra chế tài với người trốn tránh, chây ỳ trong việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, để đảm bảo quyền lợi cho những đứa trẻ vốn đã chịu nhiều thiệt thòi khi không có một gia đình trọn vẹn.


 

Nguồn tin: phapluatxahoi.vn

Các tin đã đưa ngày: