Tăng cường và bảo đảm trách nhiệm của Tòa án trong hoạt động thi hành án dân sự
-Thưa ông, được biết, quy định về vai trò của Tòa án trong quá trình sửa đổi Luật còn nhiều ý kiến khác nhau. Vậy quan điểm của Bộ Tư pháp như thế nào?
Thi hành án dân sự là công đoạn cuối cùng của hoạt động tố tụng, gắn liền với việc thực hiện quyền lực tư pháp của Toà án. Điều này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế, Tòa án là cơ quan xét xử, thi hành án là cơ quan, tổ chức chấp hành, tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự cần quy định cơ chế phối hợp, phân công trách nhiệm giữa Tòa án và cơ quan, tổ chức Thi hành án dân sự, bảo đảm trách nhiệm của Tòa án đối với hoạt động thi hành án dân sự.
Ngoài các loại quyết định thuộc thẩm quyền ban hành của Tòa án như quy định hiện hành (quyết định miễn, giảm thi hành án; quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp đã kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục Giám đốc thẩm, tái thẩm), Tòa án ra một loại quyết định mang tính chất quyền lực tư pháp, đó là quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành, các loại quyết định khác chỉ mang tính chất hành chính, thuộc về nghiệp vụ thi hành án dân sự thì để cơ quan, tổ chức Thi hành án dân sự thực hiện như hiện nay. Quy định này hướng tới việc bảo đảm sự gắn kết giữa giai đoạn xét xử và giai đoạn thi hành án, nâng cao tính khả thi của bản án, quyết định được ban hành; tăng cường vai trò, trách nhiệm của Tòa án trong việc giải thích, đính chính, kháng nghị và trả lời khiếu nại (nếu có) nhằm khắc phục kịp thời những sai sót trong các bản án, quyết định đã tuyên; tạo cơ chế thuận lợi để Tòa án theo dõi, kiểm soát, thống kê kết quả thi hành các bản án, quyết định của mình.
Đó là quan điểm của Bộ Tư pháp và đã được thể hiện trong dự thảo Luật.
Nhiều quy định mới thuận lợi cho dân
-Nhiều ý kiến cho rằng, một số quy định của Luật Thi hành án dân sự đang gây khó cho người dân. Ví dụ như về xác minh điều kiện thi hành án. Lần sửa đổi này sẽ khắc phục như thế nào thưa ông?
Dự thảo Luật có nhiều quy định mới, sẽ thuận lợi hơn cho dân như bổ sung các quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án và người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án để người dân dễ hiểu và thực hiện; bổ sung thêm các trường hợp được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án; bổ sung, sửa đổi các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục thi hành án...
Đối với vấn đề xác minh điều kiện thi hành án, khác với các Pháp lệnh Thi hành án dân sự trước đây, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định, trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án trước hết thuộc về người được thi hành án, nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu chấp hành viên, Thừa phát lại tiến hành xác minh và phải chịu chi phí xác minh. Thực tế cho thấy, để thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án, người được thi hành án gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi xác minh tại các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức tín dụng...; đây là quy định không thuận lợi cho đương sự, gây khó cho dân, cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng tồn đọng án hiện nay. Do đó, để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, đồng thời tạo điều kiện cho việc xác minh điều kiện thi hành án được tiến hành thuận lợi, thì cần quy định trở lại như Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, theo đó, phải sửa đổi Luật theo hướng trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án thuộc về chấp hành viên và đương sự không phải chịu chi phí xác minh.
Qua thực tiễn triển khai Luật Thi hành án dân sự cho thấy, trong điều kiện kinh tế - xã hội nước ta hiện nay, ý thức chấp hành và tuân thủ pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, tư duy quản trị xã hội còn nhiều bất cập dẫn đến người được thi hành án gặp nhiều trở ngại trong việc xác minh điều kiện thi hành án, ảnh hưởng tới việc bảo vệ các quyền, lợi ích của họ. Bên cạnh đó, việc quy định người được thi hành án có quyền cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cũng bảo đảm sự chủ động tham gia vào quá trình thi hành án của người được thi hành án. Đa số ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương đều nhất trí sửa đổi theo hướng quy định như Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, theo đó trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án thuộc về chấp hành viên, người được thi hành án không phải chịu chi phí xác minh.
Theo dự thảo thì chấp hành viên sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong khi tác nghiệp?
Vấn đề này cũng được thể hiện trong dự thảo Luật với nhiều sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những bất cập hiện nay. Cụ thể, dự thảo Luật quy định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên, cụ thể hơn về trình tự thủ tục, thời hạn chấp hành viên phải làm, đồng thời cũng quy định rõ về trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác phối hợp thi hành án. Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung quy định bổ nhiệm chấp hành viên trong trường hợp đặc biệt khi tiếp nhận về làm Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự; bổ nhiệm chấp hành viên không qua thi tuyển đối với một số trường hợp.
Dự thảo Luật cũng quy định Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thực hiện việc xã hội hoá trong hoạt động thi hành án dân sự. Cá nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì có thể được xem xét cấp giấy phép hành nghề thi hành án dân sự. Người được cấp giấy phép hành nghề được thành lập hoặc tham gia tổ chức hành nghề thi hành án dân sự để tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự hoặc thực hiện một số công việc thi hành án theo ủy quyền của chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự. Khi thực hiện việc thi hành án, người được cấp giấy phép hành nghề thi hành án có nghĩa vụ như chấp hành viên và có một số quyền hạn của chấp hành viên. Trường hợp cần áp dụng biện pháp cưỡng chế có huy động lực lượng để thi hành án thì phải có quyết định phê duyệt của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự. Chi tiết thi hành Điều này sẽ do Chính phủ quy định.
Xin cảm ơn ông!