Theo đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự huyện Phù Cừ cho biết: Có được kết quả đó, trên cơ sở chỉ tiêu, kế hoạch được giao hàng năm, Chi cục đã ra quyết định giao chỉ tiêu cụ thể cho từng Chấp hành viên, yêu cầu các Chấp hành viên trong đơn vị xây dựng kế hoạch giải quyết những việc có điều kiện chuyển kỳ sau với mục tiêu rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành; thường xuyên chỉ đạo, điều hành nhằm triển khai thực hiện chỉ tiêu. Bên cạnh đó, lãnh đạo đơn vị chỉ đạo Chấp hành viên thực hiện tốt công tác rà soát, phân loại án, tham mưu cho Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự huyện chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Chi cục để giải quyết một số vụ việc khó khăn phức tạp tồn đọng kéo dài. Hàng tháng các chấp hành viên báo cáo rõ các vụ án phức tạp, có số tiền lớn, khó thi hành để lãnh đạo Chi cục nắm được để có phương án chỉ đạo thực hiện, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh. Cùng với đó, đơn vị tăng cường công tác vận động, giáo dục, thuyết phục hòa giải trong thi hành án, đây được coi là biện pháp chủ yếu trong quá trình tổ chức thi hành án của đơn vị. Để làm tốt công tác này lực lượng cán bộ thi hành án phải nắm vững kiến thức pháp luật nói chung và kiến thức pháp luật về thi hành án nói riêng. Đồng thời tùy từng vụ việc, từng đối tượng, từng địa bàn để phân công cán bộ tổ chức vận động, giáo dục, thuyết phục hòa giải phù hợp. Nhờ đó, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn huyện có sự chuyển biến mạnh mẽ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho Nhà nước, công dân và tổ chức xã hội.
Trong tổ chức thi hành án, Chi cục đã tăng cường phối hợp có hiệu quả với các trại giam, trại tạm giam trong việc động viên, thuyết phục người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù, thân nhân của họ tự nguyện thi hành phần trách nhiệm dân sự trong bản án hình sự, xác nhận kết quả thi hành án dân sự để làm cơ sở cho việc xét miễn, giảm thi hành án. Phối hợp tốt với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp trong công tác xét miễn, giảm thi hành án, đặc biệt đã phối hợp với Tòa án nhân dân thực hiện tốt việc thu tiền tại phiên tòa trong quá trình xét xử các vụ án hình sự.
Trong việc xây dựng Quy chế dân chủ ở cơ sở, toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị luôn đề cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở đơn vị. Tiến hành đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của lãnh đạo chi cục, từng bước chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức. Đơn vị xây dựng quy chế, lịch tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật, bố trí một phòng làm việc để tiếp công dân. Yêu cầu của công dân được trả lời, hướng dẫn và giải quyết kịp thời, các đơn thư khiếu nại, tố cáo về hoạt động thi hành án thuộc thẩm quyền giải quyết của Chi cục đều được giải quyết dứt điểm. Thông qua hoạt động tiếp dân, thi hành án dân sự, Chi cục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản liên quan thi hành án dân sự nói riêng và pháp luật nói chung; tăng cường động viên thuyết phục những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến thi hành án dân sự để họ hiểu, tự giác thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án, từ đó hạn chế tối đa các vụ việc cưỡng chế thi hành án và đơn thư khiếu nại tố cáo liên quan đến công tác thi hành án dân sự.
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, lãnh đạo Chi cục THADS huyện thường xuyên trực tiếp xuống các thôn, xã nắm bắt tình hình. Động viên toàn thể công chức, đảng viên trong đơn vị hưởng ứng phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới do ngành phát động. Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên tham gia nhiều phong trào thi đua, đặc biệt là vào những đợt cao điểm giải quyết án do Cục THADS tỉnh tổ chức. Tất cả cán bộ, nhân viên, Chấp hành viên cơ quan đều tự nguyện ký kết giao ước, đăng ký thi đua. Phong trào thi đua đã thực sự đi vào nề nếp, là động lực cho việc hoàn thành các chỉ tiêu cấp trên giao cho. Mỗi cán bộ, chấp hành viên, nhân viên...đều được phân công nhiệm vụ một cách hợp lý, phù hợp với năng lực từng người như phân công theo địa bàn xã, thị trấn để cán bộ, chấp hành viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong công tác, đồng thời tạo sự gắn kết với cơ sở để tranh thủ sự ủng hộ, phối hợp, giúp đỡ của cơ sở. Qua đó giải quyết dứt điểm nhiều án tồn, phức tạp, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân
Theo Hồng Ngọc