Tại hội nghị lấy ý kiến về TAND sơ thẩm khu vực và VKSND khu vực do Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương vừa tổ chức tại TP.HCM, nhiều đại biểu băn khoăn về mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tố tụng trong mô hình mới này...
Một hạn chế của mô hình tòa sơ thẩm khu vực mà có đại biểu băn khoăn là mối quan hệ phối hợp giữa VKSND khu vực với cơ quan điều tra, giữa tòa với cơ quan thi hành án sẽ gặp khó khăn hơn do xa cách về địa lý.
Đường xa, đi lại mất thời gian
Theo Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Yên Nguyễn Hữu Phúc, quan hệ phối hợp VKS và cơ quan điều tra trong tố tụng hình sự rất quan trọng. Từ việc phê chuẩn quyết định khởi tố đến khám nghiệm tử thi, hiện trường..., hai cơ quan này đều phải song hành với nhau. Tuy nhiên, thành lập VKSND khu vực mà cơ quan điều tra vẫn thuộc cấp huyện thì khoảng cách địa lý xa nhau. Án xảy ra mọi lúc mọi nơi bất kể giờ giấc sáng tối mà địa bàn xa thì anh em đi lại sẽ rất vất vả, khó đảm bảo yêu cầu phối hợp tốt trong hoạt động kiểm sát điều tra. Thậm chí tại các nhà tạm giam, nhà tạm giữ, hằng ngày phải có kiểm sát viên tham gia quá trình hỏi cung, lấy lời khai nhưng từ VKSND khu vực đi về công an huyện xa mà nếu đường lại khó đi cũng là một thách thức.
Việc tổ chức VKSND khu vực sẽ tạo điều kiện tốt hơn nhằm kiểm sát các hoạt động điều tra được hiệu quả. Ảnh: HTD
Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tiến Sơn đưa ra ví dụ: Khi xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, CSGT có mặt ngay để bảo vệ hiện trường. Nếu công an huyện lại phải đợi kiểm sát viên khu vực đi cả ngày trời mới đến để phối hợp điều tra thì có khi hiện trường đã bị xáo trộn, tâm lý của người chờ đợi cũng mệt mỏi. Ngoài ra, một khó khăn nữa là một kiểm sát viên của VKSND khu vực phải giải quyết nhiều thông tin tố giác tội phạm của công an nhiều huyện khác nhau. Lúc này kiểm sát viên phải đi xác minh, lấy lời khai ở nhiều huyện, có thể sai sót về chuyên môn hoặc vi phạm thời hạn điều tra.
Từ đó, ông Sơn đề xuất một số VKS nên giữ nguyên, không chuyển đổi thành khu vực để phù hợp với cơ quan điều tra và đảm bảo điều kiện là trụ sở hai cơ quan gần nhau. Vì cơ cấu giữa tòa sơ thẩm khu vực và VKS khu vực không cần thiết phải đồng nhất về số lượng mà có thể tổ chức linh hoạt khác nhau tùy từng địa phương.
Một số ý kiến khác thì đề cập đến khó khăn trong sự phối hợp giữa tòa sơ thẩm khu vực và các chi cục thi hành án vì tổ chức, cơ cấu về địa hạt cũng không còn đồng bộ.
Khó khăn không lớn
Tuy nhiên, theo đại diện Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, việc tổ chức VKSND khu vực sẽ tạo điều kiện tốt để tập trung cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, tăng cường cán bộ nhằm kiểm sát các hoạt động điều tra hiệu quả hơn. Sự khó khăn về phối hợp trong tố tụng hình sự do khoảng cách địa lý có thể giải quyết bằng các biện pháp khác như trang bị phương tiện đi lại, cải thiện chế độ chính sách cho cán bộ tư pháp. Chưa kể, án hình sự cũng chỉ là một loại án, trong khi hoạt động của VKSND khu vực sẽ gắn nhiều với hoạt động của tòa sơ thẩm khu vực hơn khi thẩm quyền của tòa ngày càng mở rộng về các lĩnh vực dân sự, lao động, hành chính.
Về mối quan hệ giữa tòa sơ thẩm khu vực và cơ quan thi hành án, Chánh án TAND tỉnh Vĩnh Long Lý Khánh Hồng cũng cho rằng không đáng ngại vì quá trình tiến hành tố tụng thì khâu thi hành án là đơn giản hơn do chỉ là việc thực hiện theo phán quyết của tòa. Theo đó, khi tòa sơ thẩm khu vực ra bản án có hiệu lực pháp luật thì bản án đó sẽ được chuyển về chi cục thi hành án huyện theo địa chỉ của đương sự. Lúc này giá trị của việc thi hành không thay đổi, dù là bản án của tòa huyện hay tòa khu vực thì cũng như nhau, cũng phải thi hành.
Cạnh đó, theo ông Hồng, nếu quá trình thực hiện có khâu nào còn trục trặc thì có thể nghiên cứu để điều chỉnh lại về mặt quy định. Những vấn đề này cần có thời gian và nhiều ý kiến góp ý hơn. Tốt nhất nên tiến hành xây dựng mô hình tòa, viện khu vực trước ở các thành phố lớn và các tỉnh đồng bằng có điều kiện kinh tế-xã hội, cơ sở vật chất tương đối tốt, sau đó mới đến các tỉnh khó khăn hơn.
Ai giám sát tòa sơ thẩm khu vực?
Nhiều ý kiến băn khoăn về việc giám sát của HĐND cấp huyện, tỉnh đối với hoạt động của tòa sơ thẩm khu vực vì không biết tòa sẽ báo cáo tại kỳ họp của HĐND huyện nào trong trường hợp sáp nhập nhiều huyện. Theo đại diện Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, các tòa sơ thẩm khu vực và VKSND khu vực sẽ báo cáo công tác với TAND và VKSND cấp tỉnh. Sau đó, chánh án TAND, viện trưởng VKSND cấp tỉnh sẽ báo cáo công tác của ngành với HĐND cấp tỉnh.
Về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các tòa sơ thẩm khu vực, theo Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, sẽ thành lập đảng bộ TAND và VKSND cấp tỉnh. Các đảng bộ này chịu sự lãnh đạo trực tiếp của đảng bộ cấp tỉnh và thực hiện lãnh đạo trực tiếp đối với tổ chức đảng của tòa sơ thẩm khu vực, VKSND khu vực. Mối quan hệ phối hợp giữa đảng bộ TAND, VKSND cấp tỉnh với đảng bộ cấp huyện trong việc lãnh đạo tòa, viện khu vực thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương được thực hiện theo Chỉ thị 15-CT/TW của Bộ Chính trị.
Dự kiến sẽ có 427 tòa sơ thẩm khu vực
Theo Ban Cán sự đảng TAND Tối cao, cả nước sẽ có 427 tòa sơ thẩm khu vực, trong đó 191 tòa được giữ nguyên từ tòa cấp huyện, 207 tòa sáp nhập từ hai tòa huyện, 25 tòa sáp nhập từ ba tòa huyện và bốn tòa sơ thẩm khu vực sáp nhập từ bốn tòa huyện. Về cơ sở vật chất, từ nay đến năm 2020, ngành tòa án sẽ xây thêm 347 trụ sở làm việc của tòa sơ thẩm khu vực với kinh phí dự tính là 7.500 tỉ đồng.
Còn theo Ban Cán sự đảng VKSND Tối cao, ngành đã xây dựng xong phương án thành lập VKSND khu vực trên cơ sở báo cáo của các địa phương. Dự kiến cả nước sẽ có 438 VKSND khu vực, trong đó 212 VKSND khu vực được giữ nguyên VKSND huyện hiện nay, 197 VKSND khu vực thành lập từ hai VKSND huyện, 26 VKSND khu vực thành lập từ ba VKSND huyện, ba VKSND khu vực thành lập từ bốn VKSND cấp huyện.
Đại diện Tòa án quân sự Trung ương cũng có báo cáo về tình hình thực hiện việc thu gọn đầu mối tòa án quân sự khu vực để phù hợp với xu hướng chung của ngành tòa án. Theo đó, đến năm 2015, tòa án quân sự sẽ thu gọn từ 17 tòa quân sự khu vực xuống còn chín tòa quân sự khu vực (giảm tám tòa). Tại mỗi quân khu sẽ tổ chức một tòa án quân sự khu vực, riêng Quân khu 5 do địa bàn rộng nên giữ nguyên hai tòa như hiện nay. Về phía VKS sẽ được tổ chức thành 28 VKS quân sự quân khu...
|