Tiếp công dân là việc thường xuyên ở một cơ quan, đơn vị, người đến khiếu nại, tố cáo thường cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm nên khi đến cơ quan thường có thái độ nóng nải, thiếu bình tĩnh nên đòi hỏi cán bộ tiếp dân phải có tính kiên nhẫn, tận tụy, nhiệt tình, khéo léo và tính thuyết phục trong việc tiếp công dân. Bởi khi giao tiếp chúng ta cần có thái độ tôn trọng, lắng nghe và phải hiểu hết nội dung mà người trình bày nói gì, bức xúc về vấn đề nào? Và giải thích như thế nào để thuyết phục công dân cảm thấy tin cậy, để khi ra về công dân hiểu và cảm thấy hài lòng với những gì mình đã được giải thích. Đó mới là những kỹ năng ưu tiên hàng đầu mà cán bộ tiếp công dân cần phải thấm nhuần.
Thực tiễn xảy ra:
Theo bản án số 217/2014/DSPT ngày 22/10/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang tuyên buộc: ông Ngô Văn T trả cho bà Trần Thị C; cùng địa chỉ ấp Mỹ Phước, xã Mỹ L, huyện H, tỉnh Q số tiền 235.900.000 đồng và nộp 11.795.000 đồng án phí.
Sau khi bản án có hiệu lực; ngày 07/12/2014 bà Trần Thị C làm đơn yêu cầu thi hành án được Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện H ra Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của bà C và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành.
Trong quá tổ chức thi hành án, Chi cục THADS huyện H đã tống đạt các thủ tục và xác minh điều kiện thi hành án của ông Ngô Văn T theo quy định, được biết ông T có điều kiện và tài sản để đảm bảo thi hành án nhưng Chấp hành viên chưa kê biên tài sản vì khi đó là thời điểm giáp Tết Nguyên đán.
Ngày 08/3/2015 bà C làm đơn gửi Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện H khiếu nại ông T có tài sản nhưng Chấp hành viên trì hoãn chậm tổ chức thi hành.
Ngày 28/3/2015 Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện H ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 22/QĐ-CCTHA nội dung không chấp nhận khiếu nại của bà Trần Thị C bởi việc khiếu nại của bà không có cơ sở.
Cán bộ tiếp công dân trao quyết định cho bà C và hướng dẫn nếu không đồng ý với quyết định, bà có quyền khiếu nại đến Cục trưởng Cục THADS tỉnh Q. Nhận quyết định, bà C tỏ thái độ không đồng tình, ra về với nhiều nỗi bức xúc. Cùng ngày bà đến Cục THADS tỉnh Q khiếu nại về việc Chi cục THADS huyện H không chấp nhận đơn khiếu nại của bà. Lý do vì sao ông T có tài sản mà Chấp hành viên không tổ chức việc thi hành án và trì hoãn kéo dài làm thiệt hại đến tinh thần và đời sống của gia đình bà? Mà Chi cục trưởng còn “bao che” cho cấp dưới.
Giải thích pháp luật:
Tại đây cán bộ tiếp công dân đã giải thích cho bà C rõ về vấn đề bà khiếu nại Chấp hành viên chậm tổ chức thi hành án không phải là vì Chấp hành viên quan liêu, hay Chi cục trưởng có hành vi “bao che” nên trì hoãn kéo dài việc thi hành án cho bà mà do Luật có quy định trước và sau Tết Nguyên đán 15 ngày thì không được tổ chức cưỡng chế và thực hiện việc thi hành án. Trường hợp của bà đã rơi vào thời điểm trên; đồng thời giải thích cho bà C hiểu rằng: Chi cục THADS huyện H đã tiến hành tổ chức kê biên tài sản của ông T và thông báo bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ cho bà. Nếu trong thời gian tổ chức thi hành án mà đương sự có khiếu nại thì việc thi hành án sẽ tạm dừng trong thời hạn luật định để chờ kết quả giải quyết khiếu nại xong mới tiến hành việc thi hành án tiếp. Sau đó bà C phấn khởi ra về và còn cảm ơn Cán bộ tiếp công dân đã hướng dẫn nhiệt tình và giải thích cặn kẽ những vướng mắc bấy lâu của bà để bà hiểu và bà cũng không gửi đơn khiếu nại nữa.
Bài học kinh nghiệm:
Qua thực tiễn tình huống xảy ra, ta rút được kinh nghiệm rằng: cần phải xem trọng trong việc tiếp công dân, giải thích rõ những vấn đề thắc mắc của công dân; không giải thích “qua loa” mà phải giải thích nhiệt tình, cặn kẽ để công dân hiểu, tránh nói dài dòng, không rõ ràng; đặc biệt là không gây phiền hà, sách nhiễu và làm mất niềm tin trong nhân dân, khiến cho công dân phải đi khiếu nại nhiều nơi, vượt cấp kéo dài và không đúng thẩm quyền làm mất thời gian, tiền bạc và công sức của nhân dân; đồng thời làm ảnh hưởng đến uy tín cho bản thân người tiếp công dân nói riêng và cơ quan đơn vị nói chung cũng như chất lượng công việc hiệu quả không cao./.
Lê Thị Ý - TTV