Sign In

MỘT SỐ QUY ĐỊNH MỚI TRONG VIỆC THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH CỦA TÒA ÁN ĐÃ CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT

05/07/2016

Trong thời gian qua việc thi hành án các bản án, quyết định hành chính của TAND đã được các cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) đưa ra tổ chức thi hành đạt kết quả tương đối và đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên bên cạnh đó trong thực tế vẫn còn nhiều bản án, quyết định hành chính của Tòa án chưa được thực thi nghiêm túc và chưa đúng quy định do đó đã ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả của công tác thi hành án hành chính và ảnh hưởng tới quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người được thi hành án. Từ những bất cập, tồn tại hạn chế trong thực tiễn thi hành, yêu cầu đặt ra cần phải có sự sửa đổi, bổ sung và đưa vào các quy định mới cho phù hợp và đảm bảo tính khả thi cao đối với công tác này. Từ những vấn đề trên tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) năm 2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016 để nâng cao hiệu quả trong thực tế đối với các vụ việc thi hành án hành chính trong thời gian tới. Đáng chú ý có những nội dung mới quan trọng có liên quan đến việc thi hành án hành chính, cụ thể như sau:
Quy định về cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thi hành bản án, quyết định của Tòa án về Bản án, quyết định hành chính: Tại khoản 3 Điều 311 Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) năm 2015 quy định “Quá thời hạn quy định tại khoản 2 điều này mà người phải thi hành án không thi hành thì người được thi hành án có quyền gửi đơn đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 312 của Luật”, theo quy định trước đây (Luật Tố tụng hành chính năm 2010) thẩm quyền ra quyết định thi hành án thuộc cơ quan THADS. Như vậy thẩm quyền ra quyết định thi hành bản án, quyết định hành chính đã được chuyển giao từ cơ quan THADS sang TAND nơi đã xét xử sơ thẩm, điều này khắc phục được những hạn chế, tồn tại trước đây và phát huy vai trò trách nhiệm của Tòa án trong thi hành án hành chính, đảm bảo việc thi hành án được nghiêm minh, hiệu quả.
Quy định về thời hạn yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc thi hành án và nơi nhận yêu cầu thi hành án: “Trong thời hạn 1 năm kể từ ngày hết thời hạn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 311 của Luật mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì người được thi hành án có quyền gửi đơn kèm theo bản sao Bản án, quyết định của Tòa án và tài liệu có liên quan đề nghị Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định hành chính của Tòa án”, theo quy định mới thời hạn tự nguyện thi hành án là 30 ngày kể từ ngày bên phải thi hành án nhận bản án, quyết định hành chính, (Luật Tố tụng hành chính năm 2010 là 15 ngày), cơ quan, người phải thi hành án phải thông báo bằng văn bản cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm và cơ quan THADS cùng cấp với Tòa án xét xử sơ thẩmvề kết quả thi hành án. Về nơi tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành bản án, quyết định hành chính là Tòa án nơi đã xét xử sơ thẩm (quy định trước đây là cơ quan THADS).
Quy định mới về ra quyết định để thi hành bản án, quyết định hành chính: Theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đã ra thêm một loại quyết định do Tòa án ban hành, đó là “Quyết định buộc thi hành bản án, quyết định” quyết định này thay cho “Văn bản đôn đốc thi hành án” của cơ quan THADS và từ đó đã bỏ cơ chế cơ quan THADS ban hành văn bản đôn đốc thi hành án. Việc Tòa án ban hành quyết định thi hành bản án, quyết định hành chính có yêu cầu thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm của người phải thi hành án theo quy định của pháp luật (Quyết định thi hành bản án, quyết định hành chính của Tòa án được gửi cho thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án). Bên cạnh đó các quyết định thi hành bản án, quyết định hành chính của Tòa án cũng đồng thời được gửi cho cơ quan THADS nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm để theo dõi việc thi hành án hành chính theo quyết định của Tòa án, quy định này nhằm phục vụ cho việc báo cáo thống kê theo dõi về các vụ việc thi hành án hành chính.
Như vậy theo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi năm 2015) thì thẩm quyền về việc thi hành án hành chính đã được giao cho cơ quan Tòa án thay cho cơ quan Thi hành án dân sự và hình thức thi hành là ra quyết định chứ không phải văn bản đôn đốc thi hành, từ đó sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hơn nữa trong công tác thi hành án hành chính và tạo được sự nghiêm minh, công bằng trong việc thi hành, chấp hành pháp luật.
                                                                                
Phạm Cao Đài
                                                                     Chi cục THADS thị xã Hà Tiên
 

Các tin đã đưa ngày: