Như chúng ta đã biết, trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta từ đây tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng cuộc sống mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chiến thắng 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Để nêu cao lòng tự hào của dân tộc, ý chí tự lực tự cường; niềm tin tuyệt đối vào sự Lãnh đạo của Đảng; ý thức sống đẹp sống có ích, phát huy vai trò trách nhiệm của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa, Chi đoàn Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang phối hợp với Chi đoàn thị trấn Vĩnh Thuận tổ chức tham quan khu di tích Ranh Hạt và thăm hỏi các mẹ Việt Nam anh hùng ở địa bàn.
Bắt đầu chuyến đi của Chi đoàn là đến Khu di tích Ranh Hạt – Vĩnh Thuận. Địa danh Ranh Hạt – nơi đã trở thành địa chỉ quen thuộc và là một mốc son trong lịch sử Đảng bộ tỉnh Kiên Giang. Giữa những năm 1931, để tránh giặc truy lùng, nhiều đồng chí cách mạng từ Vĩnh Long, Mỹ Tho, Bến Tre… đã xuống kinh xáng Chắc Băng, Vĩnh Thuận. Mùa khô năm 1932, tại Ranh Hạt, Chi bộ Đảng được thành lập, do đồng chí Quản Trọng Linh (quê Bến Tre) làm Bí thư. Đây là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Kiên Giang. Để ghi dấu sự kiện này, khu di tích Ranh Hạt được xây dựng năm 2009 và khánh thành ngày 17/02/2010. Trong bút tích ghi vào sổ lưu niệm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã viết: “Uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ người trồng cây. Chúng ta mãi mãi ghi nhớ và biết ơn những chiến sĩ Cộng sản tiền bối”.
Đây là công trình ghi lại một mốc son lịch sử của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang nói chung và Đảng bộ huyện Vĩnh Thuận nói riêng; là biểu tượng, minh chứng cho ý chí quật cường, tinh thần dũng cảm và nghĩa cử hy sinh của biết bao chiến sĩ cách mạng, những người cộng sản đã sống, chiến đấu và ngã xuống trên mảnh đất này. Khu di tích Ranh Hạt là địa chỉ đỏ để thế hệ trẻ noi gương, học tập, sống, chiến đấu, lao động cho xứng đáng với những người đi trước.
Trong chuỗi hoạt động tại khu di tích, đại diện cho Chi đoàn đồng chí Nguyễn Trọng Cần - Bí thư chi đoàn Cục đã ghi lại bút tích để ghi nhớ vào sổ lưu niệm. Sau đó tặng quà và thắp nhang tại Khu di tích.
Mẹ Nguyễn Thị Xinh ở ấp Vĩnh Đông 2 và Mẹ Nguyễn Thị Hiếu ở ấp Vĩnh Đông 1
Rời Khu di tích Ranh Hạt Chi đoàn tiếp tục đến thăm hỏi các mẹ Việt nam anh Hùng (mẹ Nguyễn Thị Xinh ở ấp Vĩnh Đông 2, mẹ Nguyễn Thị Hiếu ở ấp Vĩnh Đông 1) và tặng quà cho các mẹ. Khi đến cánh cửa nhà của các mẹ, mỗi đoàn viên chúng tôi không thể không chạnh lòng trước nỗi khó khăn và đơn côi của các mẹ. Bởi ở họ đã mất mát đi người thân của mình, đó là những người con đã hi sinh vì đất nước, để đổi lấy hòa bình, ấm no và hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam, những người chiến sĩ ấy đã ra đi. Kết thúc năm tháng chiến tranh, họ là những người anh dũng của dân tộc Việt Nam. Giờ đây, để lại các mẹ sống một mình trong sự cô đơn và hơn thế nữa các mẹ phải tự mình lo mọi việc.
Qua chuyến đi về nguồn, các đoàn viên thanh niên đã hiểu được sâu sắc hơn, cảm nhận đầy đủ hơn về những gian khổ và sự kiên cường, không ngừng sáng tạo của quân và dân ta trong chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Là thế hệ trẻ mỗi thành viên nhận thức được rằng mình sẽ có gắng rèn luyện cho bản thân, không ngừng học tập để không phụ lòng những người anh hùng hy sinh ngã xuống cho chúng ta có cuộc sống tươi đẹp ngày hôm nay.
Nguyễn Thanh Thúy - Chuyên viên Phòng Kiểm tra, GQKN, TC