Sign In

Triển khai thực hiện Nghị Quyết số 107/2015 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại

04/04/2016

Triển khai thực hiện Nghị Quyết số 107/2015 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại
Ngày 26 tháng 11 năm 2015, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 107/2015/QH13 về thực hiện chế định Thừa phát lại (sau đây gọi là Nghị quyết số 107/2015/QH13), theo đó, Thừa phát lại được thực hiện chính thức trên phạm vi toàn quốc kể từ ngày 01/01/2016. Việc thực hiện chế định Thừa phát lại có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện tốt chủ trương về xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự và bổ trợ tư pháp được Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Trên cơ sở đó, tạo tiền đề để giảm tải công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Mặt khác, với chức năng lập vi bằng của Thừa phát lại, việc thực hiện chế định này đã bổ sung nguồn chứng cứ, tạo thêm công cụ pháp lý để người dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế và trong giải quyết tranh chấp; đồng thời, người dân cũng có thêm sự lựa chọn phù hợp trong việc yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Ngày 14 tháng 01 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 101/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết 107/2015/QH13 của Quốc hội.
Để triển khai đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ký Quyết định số 1148/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch triển khai thực Nghị quyết 107/2015/QH13 trên địa bàn tỉnh.
Mục đích của kế hoạch là nhằm xác định các nội dung công việc và nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 107/2015/QH13; Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức trong việc triển khai thực hiện chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết.
Việc triển khai thực hiện chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh tập trung vào các nội dung: Tham gia xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật về Thừa phát lại; Tổ chức thực hiện chính thức chế định Thừa phát lại; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chế định Thừa phát lại; Thực hiện công tác hỗ trợ cho hoạt động chế định Thừa phát lại; Tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát nhằm kịp thời xử lý, chấn chỉnh, khắc phục những vi phạm trong tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại; Tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13 của Quốc hội trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị có liên quan chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả kế hoạch này. Trong đó, UBND tỉnh  đề nghị Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nghệ An và các ngành có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm chủ trì thực hiện các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch này, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để Thừa phát lại thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ công.
Sở Tài chính phối hợp với Sở Tư pháp và các sở, ban, ngành có liên quan cân đối ngân sách bảo đảm đủ, kịp thời kinh phí cho việc thực hiện chế định Thừa phát lại. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Tư pháp, các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện đưa tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về chế định Thừa phát lại.
 
                                                                                (Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Nghệ An)

Các tin đã đưa ngày: