Sign In

Bàn về biện pháp cưỡng chế thu tiền từ hoạt động kinh doanh để thi hành án

26/07/2018

            Thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án là một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với tài sản là tiền của người phải thi hành án. Điều kiện, trình tự thủ tục áp dụng biện pháp này được quy định cụ thể tại Điều 79 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 (sau đây gọi tắt là Luật THADS) và Điều 22 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS (Nghị định số 62/2015/NĐ-CP). 
          Có thể thấy định về biện pháp cưỡng chế thu tiền từ hoạt động kinh doanh( HDDKD) của người phải thi hành án là một quy định rất tiến bộ và phù hợp với sự phát triển của xã hội, đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Áp dụng thành công biện pháp này sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức của Chấp hành viên và nâng cao hiệu quả THADS. Tuy nhiên, trên thực tế rất ít cơ quan THADS và chấp hành viên lựa chọn áp dụng biện pháp này. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do các quy định pháp luật còn bất cập dẫn đếnviệc áp dụng biện pháp cưỡng chế thu tiền từ HĐKD của người phải thi hành án còn gặp nhiều khó khăn.
          Thứ nhất, về điều kiện áp dụng biện pháp thu tiền từ HĐKD:
          Biện pháp thu tiền từ  HĐKD của người phải thi hành án được áp dụng khi người phải thi hành án có nghĩa vụ trả tiền (Nghĩa vụ trả tiền của người phải thi hành án là nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định của Tòa án hoặc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án) và người phải thi hành án có có thu nhập từ HĐKD. Điều 79 Luật THADS quy định trường hợp người phải thi hành án có thu nhập từ HĐKD thì Chấp hành viên ra quyết định thu tiền từ HĐKD của người đó để thi hành án. Người phải thi hành án ở đây có thể là cá nhân hoặc tổ chức có HĐKD. Tuy nhiên việc xác định thu nhập của người phải thi hành án từ hoạt động kinh doanh là rất khó khăn. Điều này xuất phát từ việc nền kinh tế nước ta vẫn chủ yếu tiêu dùng bằng tiền mặt, không dễ quản lý thu nhập từ HĐKD của người phải thi hành án, đặc biệt là đối với các đối tượng kinh doanh cá thể, doanh nghiệp tư nhân… nhiều trường hợp các đối tượng này không có báo cáo thuế hoặc có báo cáo nhưng không trung thực, rõ ràng. Mặt khác, việc xác định thu nhập từ HĐKD lại bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác như: ngành nghề kinh doanh, yếu tố thị trường, giá cả biến động …
             Thứ hai: Thiếu các căn cứ pháp lý để xác định mức thu tiền từ hoạt động kinh doanh:
             Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ chỉ hướng dẫn “Khi xác định mức tiền thu từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án, Chấp hành viên căn cứ vào kết quả kinh doanh trên cơ sở sổ sách, giấy tờ và tình hình kinh doanh thực tế của người phải thi hành án.” mà chưa hướng dẫn cụ thể là khoản thu từ HĐKD này là khoản thu sau thuế hay khoản thu từ lợi nhận ròng của cá nhân, tổ chức kinh doanh. Hơn nữa, nếu là HĐKD của doanh nghiệp thì khoản thu sau thuế sẽ được phân bổ cho nhiều loại quỹ, ví dụ: quỹ đầu tư và phát triển, quỹ dự phòng tài chính, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi,… Như vậy, nếu họ là người phải thi hành án thì có cho phép họ phân bổ khoản thu cho các loại quỹ đó hay không?
Để xác định mức thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án Chấp hành viên phải kiểm tra các loại sổ sách, báo cáo tài chính của doanh nghiệp, việc này đòi hỏi chấp hành viên phải có kiến thức chuyên môn về tài chính doanh nghiệp, đây cũng là một trở ngại lớn đối với Chấp hành viên. Hơn nữa, trong thực tiễn, rất khó để người phải thi hành án cung cấp các loại giấy tờ, sổ sách, chứng từ mua bán cho cơ quan THADS. Pháp luật THADS cũng chưa quy định chế tài pháp lý để xử lý đối với các trường hợp người phải thi hành án không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc không chính xác các loại sổ sách, giấy tờ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh cho cơ quan THADS.
            Thứ ba: Quy định về xác định mức tiền để lại cho người phải thi hành án còn chưa rõ ràng.
         Theo Điều 79 Luật THADS, khi ra quyết định thu tiền, Chấp hành viên phải để lại số tiền tối thiểu cho HĐKD và sinh hoạt của người phải thi hành án và gia đình. Mức tiền tối thiểu để lại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh do chấp hành viên ấn định căn cứ vào tính chất ngành, nghề kinh doanh; quy mô kinh doanh của người phải THA và mức ấn định này có thể được điều chỉnh. Về “Mức tiền tối thiểu để lại cho hoạt động sản xuất kinh doanh” của người phải thi hành án (Điều 79 Luật THADS và khoản 2 Điều 22 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP) có thể được hiểu là với mức tiền này thì doanh nghiệp có thể tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường, không dẫn đến tình trạng giải thể, phá sản.  Đây là một công việc đòi hỏi rất cao về chuyên môn. Hơn nữa, pháp luật hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể về mức tối thiểu cho hoạt động sản xuất kinh doanh. .Do vậy, mức tiền tối thiểu để lại cho hoạt động sản xuất kinh doanh là không có cơ sở xác định. Mặt khác, việc căn cứ vào “tính chất ngành, nghề kinh doanh; quy mô kinh doanh của người phải thi hành án” cũng phụ thuộc vào cảm tính của chấp hành viên. Việc này rất dễ dẫn đến các khiếu nại của đương sự về mức tiền tối thiểu để lại cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
       Thứ tư: Về việc thực hiện biện pháp cưỡng chế thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án
       Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định: Căn cứ vào nội dung quyết định cưỡng chế thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án, Chấp hành viên sẽ thực hiện quyết định cưỡng chế tại nơi quản lý tiền của người phải thi hành án. Chấp hành viên thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án theo định kỳ hàng ngày, tuần, tháng, quý hoặc năm tùy theo tính chất ngành, nghề kinh doanh của người phải thi hành án.
Trường hợp người phải THA không chấp hành quyết định thu tiền từ HĐKD của chấp hành viên, theo khoản 6 Điều 52 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, THADS, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì mức xử phạt đối với hành vi không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền THA về việc thu tiền từ HĐKD của người phải thi hành án là 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Tuy nhiên, mức phạt tiền này vẫn là quá thấp, chưa đủ sức răn đe, đặc biệt là đối với những trường  hợp người phải thi hành án phải thi hành án các khoản tiền lớn. Do đó bên cạnh hình phạt tiền, có thể bổ sung thêm các biện pháp xử lý hành chính khác để áp dụng đồng thời như: thu hồi giấy phép kinh doanh hoặc cấm hành nghề trong một thời gian nhất định để nâng cao hiệu quả thi hành đối với các trường hợp này.
         Từ những khó khăn trên có thể thấy việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thu tiền từ HĐKD của người phải thi hành án hiện nay chỉ mới có thể áp dụng đối với người phải thi hành án có các hoạt động kinh doanh đơn giản như cho thuê tài sản và các HĐKD mang tính ổn định với dòng lưu chuyển tiền tệ rõ ràng như kinh doanh nhà hàng khách sạn…còn đối với các HĐKD phức tạp như thương mại, dịch vụ, … thì việc áp dụng biện pháp cưỡng chế này còn rất hạn chế. Do vậy, cần phải tiếp tục nghiên cứu và có những quy định hướng dẫn cụ thể hơn đối với biện pháp cưỡng chế thu tiền từ HĐKD của người phải thi hành án để biện pháp này phát huy hiệu quả nhiều hơn nữa trong thực tiễn.


Theo Hoàng Thanh Hoa & Hồ Quân Chính

Các tin đã đưa ngày: