1. Về cưỡng khấu trừ tiền trong tài khoản
Cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản hiện nay được quy định tại Điều 76 Luật Thi hành án dân sự và Điều 21 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ. Biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản được bảo đảm thực hiện bằng việc Chấp hành viên ra quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án. Số tiền khấu trừ không được vượt quá nghĩa vụ thi hành án và chi phí cưỡng chế. Quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản phải ghi rõ ngày, tháng, năm ban hành quyết định; căn cứ ban hành quyết định; tên tài khoản, số tài khoản của người phải thi hành án; tên, địa chỉ Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản; số tiền phải khấu trừ; tên tài khoản, số tài khoản của cơ quan thi hành án dân sự nhận khoản tiền bị khấu trừ; thời hạn thực hiện việc khấu trừ. Trường hợp đối tượng bị cưỡng chế có mở tài khoản tiền gửi tại nhiều Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng khác nhau thì Chấp hành viên căn cứ số dư tài khoản để quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản đối với một hoặc nhiều tài khoản để đảm bảo thu đủ tiền phải thi hành án và chi phí cưỡng chế thi hành án, nếu có. Ngay sau khi nhận được quyết định về khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án, cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản phải khấu trừ tiền để chuyển vào tài khoản của cơ quan thi hành án dân sự hoặc chuyển cho người được thi hành án theo quyết định khấu trừ. Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng có trách nhiệm thực hiện ngay quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản; nếu không thực hiện ngay mà đương sự tẩu tán tiền trong tài khoản dẫn đến việc không thể thi hành được cho người được thi hành án thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Việc phong tỏa tài khoản được chấm dứt trong các trường hợp người phải thi hành án đã thi hành xong nghĩa vụ thi hành án; cơ quan, tổ chức đã thực hiện xong yêu cầu của Chấp hành viên về khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án; có quyết định đình chỉ thi hành án. Chấp hành viên ra quyết định chấm dứt việc phong tỏa tài khoản ngay sau khi có căn cứ quy định.
Về cơ bản các quy định hiện nay về cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản đã đáp ứng được yêu cầu về tính nhanh chóng của thủ tục và hiệu quả của cưỡng chế cũng như trách nhiệm pháp lý của các chủ thể trong cưỡng chế thi hành án dân sự. Theo Điều 76 Luật Thi hành án dân sự thì Chấp hành viên ra quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án. Số tiền khấu trừ không được vượt quá nghĩa vụ thi hành án và chi phí cưỡng chế. Ngay sau khi nhận được quyết định về khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án, cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản phải khấu trừ tiền để chuyển vào tài khoản của cơ quan thi hành án dân sự hoặc chuyển cho người được thi hành án theo quyết định khấu trừ. Điều 21 Nghị định 62/2015/NĐ-CP đã bổ sung nội dung về quyết định khấu trừ, phương án xử lý trong trường hợp đối tượng bị cưỡng chế có mở tài khoản tiền gửi tại nhiều Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng khác nhau, cũng như trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng trong việc thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự. Theo đó, trường hợp đối tượng bị cưỡng chế có mở tài khoản tiền gửi tại nhiều Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng khác nhau thì Chấp hành viên căn cứ số dư tài khoản để quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản đối với một hoặc nhiều tài khoản để đảm bảo thu đủ tiền phải thi hành án và chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự, nếu có. Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng có trách nhiệm thực hiện ngay quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản; nếu không thực hiện ngay mà đương sự tẩu tán tiền trong tài khoản dẫn đến việc không thể thi hành được cho người được thi hành án thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Hiệu quả của cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản phụ thuộc vào việc tiến hành phong tỏa tiền trong tài khoản trước khi cưỡng chế. Quy định tại Điều 67 Luật Thi hành án dân sự đã đáp ứng tốt hơn yêu cầu về tính nhanh chóng, hiệu quả của cưỡng chế thi hành án dân sự, trong đó đáng chú ý là quy định tại Điều 67 Luật Thi hành án dân sự về trường hợp cần phong tỏa ngay tài khoản, tài sản của người phải thi hành án ở nơi gửi giữ mà chưa ban hành quyết định phong tỏa thì Chấp hành viên có thể lập biên bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải thi hành án phong tỏa tài khoản, tài sản đó. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, Chấp hành viên phải ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản phải thực hiện ngay yêu cầu của Chấp hành viên về phong tỏa tài khoản, tài sản. Biên bản, quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản trong trường hợp này phải được gửi ngay cho VKDND cùng cấp. Điều 20 Nghị định 62/2015/NĐ-CP có quy định ràng buộc trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật hoặc người có trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản, tài sản; theo đó, trường hợp người đại diện theo pháp luật hoặc người có trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức không nhận quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ thì Chấp hành viên lập biên bản về việc không nhận quyết định, có chữ ký của người làm chứng hoặc chứng kiến và tiến hành niêm yết quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ của người phải thi hành án tại trụ sở cơ quan, tổ chức đó. Người đại diện theo pháp luật hoặc người có trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức không nhận quyết định phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và phải bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra.
Bên cạnh những ưu điểm trên thì quy định về cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản còn có những hạn chế nhất định:
- Quy định về thời hạn khấu trừ tiền trong tài khoản còn chưa đáp ứng yêu cầu về tính hiệu quả của cưỡng chế:
Khoản 2 Điều 67 Luật Thi hành án dân sự có quy định trường hợp cần phong tỏa ngay tài khoản, tài sản của người phải thi hành án ở nơi gửi giữ mà chưa ban hành quyết định phong tỏa thì Chấp hành viên lập biên bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải thi hành án phong tỏa tài khoản, tài sản đó. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, Chấp hành viên phải ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản. Quy định về thời hạn 24 giờ này cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn hiện nay. Đối với các trường hợp cần phải ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản theo khoản 3 của Điều 67 Luật Thi hành án dân sự thì “trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ, Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế…”. Quy định thời hạn 10 ngày như trên là không đáp ứng yêu cầu về tính hiệu quả của việc cưỡng chế thi hành án dân sự. Bởi vì, quy định trên có thể dẫn tới hậu quả là khi Chấp hành viên ra quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản và được tống đạt hợp lệ quyết định cưỡng chế thì người phải thi hành án có thể đã chuyển hết tiền trong tài khoản do khoảng thời gian xác minh, tống đạt quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản khá dài trong khi đó với sự phát triển của công nghệ và dịch vụ hiện nay thì sự tiện ích nhanh chóng của giao dịch điện tử chuyển tiền trong tài khoản có thể dẫn tới việc người phải thi hành án lợi dụng để trốn tránh việc cưỡng chế thi hành án dân sự.
- Quy định về thời hạn tự nguyện thi hành án và thời hạn cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản còn mâu thuẫn:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 67 Luật Thi hành án dân sự thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định phong tỏa tài khoản, Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc chấm dứt việc phong tỏa, nghĩa là việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự phải thực hiện chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày ra quyết định phong tỏa tài khoản (quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự). Quy định này có trường hợp mâu thuẫn với quy định về thời hạn tự nguyện thi hành án tại khoản 1 Điều 45 Luật Thi hành án dân sự, bởi vì thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án, nếu như khi quyết định thi hành án được ban hành và Chấp hành viên ra quyết định phong tỏa tài khoản, tống đạt được cho người phải thi hành án trùng ngày quyết định thi hành án được ban hành sẽ dẫn đến 02 thời hạn này trùng nhau nhưng Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự trong khoảng thời gian người phải thi hành án được quyền tự nguyện thi hành án, do đó làm triệt tiêu quyền tự nguyện thi hành án của người phải thi hành án; nếu Chấp hành viên không thực hiện trong thời gian đó thì vi phạm thời hạn áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự trong hợp đã ra quyết định phong tỏa tài khoản.
- Pháp luật chưa có quy định cụ thể về khoản tiền không được cưỡng chế trong tài khoản:
Pháp luật hiện hành chỉ quy định về tài sản không được kê biên mà không quy định rõ tiền có trong tài khoản của người phải thi hành án là tiền để thực hiện cho một nghĩa vụ bảo đảm khác thì có được áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản hay không. Chẳng hạn, tiền trong tài khoản của người phải thi hành án nhưng là tiền để đền bù, giải tỏa các dự án, khu công nghiệp hoặc phục vụ lợi ích công cộng thì có được áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản để thi hành nghĩa vụ theo bản án hay không. Hạn chế này của pháp luật sẽ dẫn tới những khó khăn, vướng mắc, lúng túng trong thực tiễn áp dụng pháp luật.
2. Về thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án
Biện pháp cưỡng chế thu hồi, xử lý tiền của người phải thi hành án được thực hiện thông qua hai giai đoạn là thu hồi và xử lý tiền của người phải thi hành án, được áp dụng trong 03 trường hợp: Một là, thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án, theo đó trường hợp người phải thi hành án có thu nhập từ hoạt động kinh doanh thì Chấp hành viên ra quyết định thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người đó để thi hành án; khi thu tiền, Chấp hành viên phải để lại số tiền tối thiểu cho hoạt động kinh doanh và sinh hoạt của người phải thi hành án và gia đình, Chấp hành viên cấp biên lai thu tiền cho người phải thi hành án. Chấp hành viên thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án theo định kỳ hàng ngày, tuần, tháng, quý hoặc năm tùy theo tính chất ngành nghề kinh doanh của người phải thi hành án. Khi xác định mức tiền thu từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án, Chấp hành viên căn cứ vào kết quả kinh doanh trên cơ sở sổ sách, giấy tờ và tình hình kinh doanh thực tế của người phải thi hành án. Mức tiền tối thiểu để lại cho người phải thi hành án phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà người đó có nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng. Việc xác định mức sinh hoạt tối thiểu của người phải thi hành án và người mà người đó có nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng được căn cứ vào chuẩn hộ nghèo của từng địa phương nơi người đó cư trú, nếu địa phương chưa có quy định thì theo chuẩn hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo từng giai đoạn cụ thể. Mức tiền tối thiểu để lại cho hoạt động sản xuất kinh doanh do Chấp hành viên ấn định căn cứ vào tính chất ngành, nghề kinh doanh; quy mô kinh doanh của người phải thi hành án và mức ấn định này có thể được điều chỉnh. Hai là, thu tiền của người phải thi hành án đang giữ trong trường hợp phát hiện người phải thi hành án đang giữ tiền mà có căn cứ xác định khoản tiền đó là của người phải thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định thu tiền để thi hành án; Chấp hành viên lập biên bản thu tiền và cấp biên lai cho người phải thi hành án, trường hợp người phải thi hành án không ký vào biên bản thì phải có chữ ký của người làm chứng. Ba là, thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ khi có căn cứ xác định tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án thì Chấp hành viên lập biên bản làm việc hoặc có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản giao nộp cho cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án. Chấp hành viên lập biên bản thu tiền, cấp biên lai cho người thứ ba đang giữ tiền và thông báo cho người phải thi hành án, trường hợp người thứ ba đang giữ tiền không ký vào biên bản thì phải có chữ ký của người làm chứng; tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên về việc giao nộp số tiền, tài sản đó thì bị áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế để thi hành án; chi phí cưỡng chế thi hành án do người phải thi hành án chịu. Trường hợp người thứ ba đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên mà giao tiền, tài sản đó cho người phải thi hành án hoặc người khác dẫn đến việc không thể thi hành được cho người được thi hành án thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân đang phải trả tiền, tài sản cho người phải thi hành án mà khoản tiền, tài sản đó đã được xác định bằng bản án, quyết định của Tòa án đang có hiệu lực pháp luật thì Chấp hành viên yêu cầu tổ chức, cá nhân đó giao nộp số tiền, tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án; nếu tổ chức, cá nhân đó không thực hiện thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự cần thiết đối với tổ chức, cá nhân đó để thu tiền, tài sản thi hành án; chi phí cưỡng chế thi hành án trong trường hợp này do tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế thi hành án dân sự chịu.
Trường hợp phát hiện người phải thi hành án hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân đang giữ giấy tờ có giá của người phải thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định thu giữ giấy tờ đó để thi hành án. Người phải thi hành án hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân giữ giấy tờ có giá của người phải thi hành án phải chuyển giao giấy tờ đó cho cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật. Trường hợp người phải thi hành án hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân giữ giấy tờ có giá không giao giấy tờ cho cơ quan thi hành án dân sự thì Chấp hành viên yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chuyển giao giá trị của giấy tờ đó để thi hành án.
Quy định về thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án còn những hạn chế, bất cập:
- Pháp luật về thi hành án dân sự hiện hành không có quy định cụ thể về thu tài sản không phải là tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án đang do chính họ nắm giữ:
Biện pháp cưỡng chế thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án do họ hoặc người thứ ba giữ được quy định từ Điều 79 đến Điều 83 Luật Thi hành án dân sự. Điều 22, Điều 23 Nghị định 62/2015/NĐ-CP cũng đã hướng dẫn bổ sung về thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án; thu tiền, tài sản của người phải thi hành án do người thứ ba giữ, trong đó Điều 22 của Nghị định này đã cụ thể hóa Điều 79 Luật Thi hành án dân sự về cơ sở xác định mức thu, cơ sở xác định số tiền tối thiểu cho hoạt động kinh doanh và sinh hoạt của người phải thi hành án và gia đình. Điều 23 của Nghị định đã khắc phục hạn chế của Luật Thi hành án dân sự bằng cách bổ sung quy định về thu tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ. Tuy nhiên, rất tiếc là Nghị định này đã không khắc phục được “khoảng trống” của Luật Thi hành án dân sự khi vẫn thiếu vắng quy định về thu tài sản khác (ngoài tiền, giấy tờ có giá, như: vàng, bạc, kim khí quý, đá quý) của người phải thi hành án đang do chính họ nắm giữ. Đây là hạn chế của pháp luật thi hành án dân sự cần phải được khắc phục để đáp ứng tốt hơn yêu cầu về bảo đảm hiệu quả của cưỡng thi hành án dân sự. Tuy nhiên, có thể cân nhắc để bổ sung biện pháp này vào nhóm cưỡng chế thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án (do tính chất đơn giản và hiệu quả của biện pháp) hoặc coi đây là một trường hợp cụ thể thuộc biện pháp kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án.
- Quy định về quyền hạn của Chấp hành viên trong thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá và tài sản khác của người phải thi hành án còn hạn chế:
Theo quy định từ Điều 79 đến Điều 83 Luật Thi hành án dân sự nếu người phải thi hành án có tiền, giấy tờ có giá do họ hoặc người thứ ba giữ thì Chấp hành viên ra quyết định thu để thi hành án. Chấp hành viên lập biên bản thu tiền, giấy tờ có giá và cấp biên lai cho người phải thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án không ký vào biên bản thì phải có chữ ký của người làm chứng. Quy định này trong nhiều trường hợp không khả thi trên thực tiễn bởi vì người phải thi hành án có tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý cất giữ hoặc mang theo người nhưng theo pháp luật hiện hành thì Chấp hành viên không có quyền khám người, khám địa điểm để thu giữ tiền, tài sản là vàng, bạc, kim khí quý, đá quý. Hạn chế này đã làm giảm đáng kể hiệu quả của hoạt động thi hành án dân sự do Chấp hành viên thiếu các quyền hạn cần thiết để thực hiện việc cưỡng chế thi hành án dân sự.
- Luật Thi hành án dân sự chưa có quy định về chế tài đủ mạnh đối với người thứ ba không thực hiện giao nộp tiền, giấy tờ có giá hoặc tài sản khác:
Điều 81 Luật Thi hành án dân sự quy định "trường hợp phát hiện người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định thu khoản tiền đó để thi hành án. Người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án có nghĩa vụ giao nộp tiền cho Chấp hành viên để thi hành án...". Quy định này tạo cơ sở pháp lý cho Chấp hành viên có thể chủ động hơn trong cưỡng chế thi hành án dân sự. Tuy nhiên, nhiều trường hợp quy định này không có tính khả thi và không thực hiện được trên thực tế, bởi khi Chấp hành viên ra quyết định thu khoản tiền đó để thi hành án thì người thứ ba không thực hiện giao nộp tiền và pháp luật cũng chỉ quy định người thứ ba có nghĩa vụ giao nộp tiền nhưng không quy định chế tài đủ mạnh đối với người thứ ba không thực hiện giao nộp tiền. Do vậy, không thể xử lý trách nhiệm của người thứ ba khi họ không thực hiện giao nộp tiền được, gây khó khăn cho việc thi hành án vì chưa có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với họ. Hạn chế này đã phần nào được khắc phục bởi quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thứ ba nếu họ không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên trong việc giao tiền, tài sản của người phải thi hành án. Tuy nhiên, xét về tổng thể thì pháp luật hiện hành vẫn không có quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thứ ba trong trường hợp họ không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên trong việc giao giấy tờ có giá của người phải thi hành án. Do vậy, cần nghiên cứu bổ sung trong Luật Thi hành án dân sự một quy định chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thứ ba trong trường hợp họ đang giữ tiền, giấy tờ có giá hoặc tài sản là vàng, bạc, kim khí quý, đá quý của người phải thi hành án nhưng không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên về việc giao tiền, tài sản, giấy tờ có giá đó.
- Luật Thi hành án dân sự chưa có quy định cụ thể như thế nào là trường hợp cưỡng chế thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ:
Theo quy định tại Điều 81 Luật Thi hành án dân sự, trường hợp phát hiện người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định thu khoản tiền đó để thi hành án. Người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án có nghĩa vụ giao nộp tiền cho Chấp hành viên để thi hành án. Chấp hành viên lập biên bản thu tiền, cấp biên lai cho người thứ ba đang giữ tiền và thông báo cho người phải thi hành án. Trường hợp người thứ ba đang giữ tiền không ký vào biên bản thì phải có chữ ký của người làm chứng. Tuy nhiên, Điều luật này còn một số hạn chế như không quy định cụ thể như thế nào là trường hợp người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án; không quy định rõ trường hợp người thứ ba là người phải thi hành án trong một việc thi hành án dân sự khác thì có thể thu tiền hoặc cưỡng chế tài sản của người thứ ba để thi hành án hay không và thủ tục trong những trường hợp này sẽ như thế nào.
Điều 23 Nghị định 62/2015/NĐ-CP đã mở rộng hơn biện pháp thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ bằng các quy định về cưỡng chế đối với cả thu tiền và thu tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ. Điều 23 Nghị định này đã phần nào khắc phục hạn chế của Điều 81 Luật Thi hành án dân sự bằng việc bổ sung quy định “trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân đang phải trả tiền, tài sản cho người phải thi hành án mà khoản tiền, tài sản đó đã được xác định bằng bản án, quyết định của Tòa án đang có hiệu lực pháp luật thì Chấp hành viên yêu cầu tổ chức, cá nhân đó giao nộp số tiền, tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án. Nếu tổ chức, cá nhân đó không thực hiện thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án cần thiết đối với tổ chức, cá nhân đó để thu tiền, tài sản thi hành án”. Tuy nhiên, nội dung của quy định này mới chỉ ở tầm nghị định nên cần được pháp điển hóa và bổ sung trong Luật Thi hành án dân sự.
Thực tiễn cho thấy có thể áp dụng được biện pháp cưỡng chế thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ khi người phải thi hành án đồng thời là người được thi hành án trong vụ việc khác và số tiền thi hành án thu được tạm giữ tại cơ quan thi hành án dân sự. Tuy nhiên, nhiều trường hợp rất khó khăn vì người phải thi hành án trong vụ việc này là người được thi hành án trong vụ việc khác về tiền nhưng họ không yêu cầu thi hành án. Có thể minh họa cho thực trạng này qua trường hợp thi hành Bản án số 15/2012/KDTM-ST ngày 10/9/2012 của Tòa án nhân dân thành phố P, tỉnh GL thì bà Lê Thị Bích L, địa chỉ ở phố Lê Đại Hành, thành phố P, tỉnh GL phải trả cho bà Đặng Thị Thùy T - Chủ XNTD HT, ở Tổ 2, phường Chi Lăng, thành phố P, tỉnh GL 8.445,1 kg cà phê rô xô thủy phần 13%; tạp chất 1%; đen, vỡ 1%. Quá trình thi hành án, hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà bà L không tự nguyện thi hành án. Xác minh điều kiện thi hành án tại địa phương và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố P, Chấp hành viên được biết bà L có tài sản chung duy nhất là căn nhà và đất tại phố Lê Đại Hành, thành phố P, tỉnh GL với chồng là ông Phan Phú P. Chấp hành viên đã thông báo về việc xác định phần tài sản trong tài sản chung của vợ chồng bà L và ông P. Trong trường hợp ông P, bà L không đồng ý với cách xác định phần tài sản trên thì có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày làm việc. Không đồng ý với cách xác định phần tài sản của Chấp hành viên nên ngày 09/7/2013, ông Phan Phú P có đơn khởi kiện chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân với bà Lê Thị Bích L. Ngày 06/9/2013, Tòa án nhân dân thành phố P, tỉnh GL có thông báo thụ lý vụ án số 370/TBTL-HNGĐ đối với việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Căn cứ vào thông báo thụ lý của Tòa án có thẩm quyền, Cục Thi hành án dân sự tỉnh GL đã ban hành quyết định hoãn thi hành án theo quy định để chờ quyết định giải quyết vụ việc của Tòa án. Ngày 15/11/2013, Tòa án nhân dân thành phố P ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 295/2013/QĐST-HNGĐ, theo đó ông P và bà L đã thỏa thuận được về việc phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như sau: Ông P được được nhận giá trị tài sản tương đương là 210.000.000 đồng, bà L được nhận giá trị tài sản tương đương là 144.000.000 đồng. Giao cho ông P được quyền sử dụng căn nhà trên và phải thanh toán lại cho bà L số tiền là 144.000.000 đồng. Kể từ ngày Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực đến nay bà L không nộp khoản án phí có liên quan và cũng không làm đơn yêu cầu thi hành án đối với ông Phan Phú P theo quy định. Mặc dù, trong quyết định của Tòa án đã công nhận thỏa thuận ông P phải thanh toán lại cho bà L số tiền 144.000.000 đồng nhưng Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ hay biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ.
Xét về thực chất và nếu mở rộng giải pháp đối với các trường hợp tương tự thì đây là trường hợp áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với người thứ ba có nghĩa vụ đối với người phải thi hành án. Cụ thể là có thể cưỡng chế thu hồi tiền, giấy tờ có giá, tài sản khác của người phải thi hành án (như: vàng, bạc, kim khí quý, đá quý) hoặc kê biên tài sản, xử lý của người thứ ba có nghĩa vụ đối với người phải thi hành án để thi hành án. Do vậy, cần bổ sung trong Luật Thi hành án dân sự một quy định có tính nguyên tắc về áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự đối với người thứ ba có nghĩa vụ đối với người phải thi hành án.
3. Về trừ vào thu nhập của người phải thi hành án
Thu nhập của người phải thi hành án gồm tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động và thu nhập hợp pháp khác. Việc trừ vào thu nhập của người phải thi hành án được thực hiện trong trường hợp: Theo thỏa thuận của đương sự; bản án, quyết định ấn định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; thi hành án cấp dưỡng, thi hành án theo định kỳ, khoản tiền phải thi hành án không lớn hoặc tài sản khác của người phải thi hành án không đủ để thi hành án. Mức cao nhất được trừ vào tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác; đối với thu nhập khác thì mức khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế của người phải thi hành án nhưng phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người đó và người được nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội nơi người phải thi hành án nhận tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp và các thu nhập hợp pháp khác có trách nhiệm thực hiện việc khấu trừ thu nhập của người phải thi hành án.
Các quy định về biện pháp cưỡng chế trừ vào thu nhập của người phải thi hành án tại Điều 78 Luật Thi hành án dân sự đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho Chấp hành viên có thể áp dụng để cưỡng chế thi hành nghĩa vụ trả tiền, bảo đảm quyền lợi của người được thi hành án. Điều luật này đã quy định rõ trường hợp có thể áp dụng biện pháp này, các loại thu nhập có thể trừ, mức tối đa có thể trừ để bảo đảm cuộc sống của người phải thi hành án và những người mà họ phải cấp dưỡng cũng như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội trong việc phối hợp cưỡng chế thi hành án dân sự. Về căn bản thì các quy định này đã đáp ứng được yêu cầu về tính hiệu quả, tính nhân đạo cần thiết trong pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự. Tuy nhiên, quy định trên cũng có những hạn chế nhất định.
- Quy định về điều kiện áp dụng còn chưa rõ ràng và mức khấu trừ còn chưa phù hợp:
Với mức cao nhất được trừ vào tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng, vì vậy đối với những người có thu nhập từ lương hưu thấp thì việc thi hành án bị kéo dài, còn trong trường hợp họ phải thi hành án với số tiền lớn mặc dù có thu nhập cao lẽ ra chỉ khấu trừ một lần với mức thu nhập từ tiền lương hoặc tiền công trên 30% cũng đủ để thi hành án dân sự nhưng vẫn phải cưỡng chế nhiều lần. Hơn nữa, pháp luật cũng chưa quy định rõ như thế nào là “khoản tiền phải thi hành án không lớn”, trong khi đó biện pháp cưỡng chế này có thể được áp dụng trong trường hợp đương sự không còn tài sản nào khác để thi hành án cũng gây rất nhiều khó khăn trong thực tiễn áp dụng. Bởi vì, có nhiều trường hợp nghĩa vụ thi hành án rất lớn nhưng khi áp dụng biện pháp này thì chỉ trừ một khoản tiền rất nhỏ nên hồ sơ thi hành án không thể sớm giải quyết dứt điểm, kéo dài qua nhiều năm, thậm chí nếu tính nghĩa vụ thi hành án và lãi suất chậm thi hành án thì người phải thi hành án “đến chết” cũng không thể thi hành án xong.
- Chưa có quy định cụ thể về việc khấu trừ thu nhập đối với trường hợp đặc thù:
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc khấu trừ thu nhập đối với trường hợp người phải thi hành án là thương binh, bệnh binh, người được hưởng chế độ chính của Nhà nước, thu nhập do Bảo hiểm xã hội chi trả tiền chế độ chính sách cho những đối tượng này, cho nên các cơ quan quản lý về các loại thu nhập này không khấu trừ vì sợ ảnh hưởng tới chính sách riêng đối với người có công với cách mạng.
- Quy định của Luật Thi hành án dân sự và Luật Bảo hiểm xã hội còn chưa thống nhất:
Việc nghiên cứu cho thấy khấu trừ lương hưu, trợ cấp gặp khó khăn nếu cơ quan Bảo hiểm xã hội không phối hợp, không thực hiện việc chuyển tiền lương hưu, trợ cấp của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự theo quyết định cưỡng chế của Chấp hành viên. Bởi vì, theo quy định của Luật Thi hành án dân sự thì cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý thu nhập của người phải thi hành án có trách nhiệm trong việc thực hiện khấu trừ thu nhập của người phải thi hành án theo quyết định cưỡng chế của Chấp hành viên. Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm xã hội quy định Tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm “thực hiện việc trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, thuận tiện và đúng thời hạn” cho người lao động. Sự thiếu thống nhất này có thể dẫn tới có nơi cơ quan Bảo hiểm xã hội chỉ thực hiện việc cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến thu nhập của người phải thi hành án mà không thực hiện việc khấu trừ thu nhập theo yêu cầu của Chấp hành viên.
- Luật Thi hành án dân sự chưa có quy định về chế tài cụ thể đối với cơ quan, tổ chức không thực hiện quyết định cưỡng chế trừ vào thu nhập của người phải thi hành án:
Luật Thi hành án dân sự đã có quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội trong việc phối hợp cưỡng chế nhưng chưa có chế tài cụ thể trong trường hợp các chủ thể này không thực hiện quyết định của Chấp hành viên. Do chế tài đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý thu nhập của người phải thi hành án không thực hiện quyết định cưỡng chế trừ vào thu nhập của người phải thi hành án chưa khả thi nên có trường hợp khó thi hành án.
4. Về khai thác tài sản của người phải thi hành án
Biện pháp cưỡng chế khai thác tài sản của người phải thi hành án được áp dụng trong hai trường hợp là: Tài sản của người phải thi hành án có giá trị quá lớn so với nghĩa vụ phải thi hành và tài sản đó có thể khai thác để thi hành án; người được thi hành án đồng ý cưỡng chế khai thác tài sản để thi hành án nếu việc khai thác tài sản không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Về cách thức tiến hành, Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế khai thác tài sản. Quyết định ghi rõ hình thức khai thác; số tiền, thời hạn, thời điểm, địa điểm, phương thức nộp tiền cho cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án. Quyết định cưỡng chế khai thác tài sản phải được gửi ngay cho cơ quan có thẩm quyền quản lý, đăng ký đối với tài sản đó và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản. Việc thực hiện giao dịch, chuyển giao quyền sở hữu tài sản đối với tài sản đang khai thác phải được sự đồng ý của Chấp hành viên.
Tài sản của người phải thi hành án bị cưỡng chế khai thác để thi hành án theo hình thức: Tài sản mà người phải thi hành án đang trực tiếp khai thác hoặc cho người khác khai thác thì người đang khai thác được tiếp tục khai thác; trường hợp tài sản, bao gồm cả quyền sử dụng đất mà chưa khai thác thì Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án ký hợp đồng khai thác tài sản với tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác tài sản. Người khai thác tài sản phải nộp số tiền thu được từ việc khai thác tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự, sau khi trừ các chi phí cần thiết. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày yêu cầu mà người phải thi hành án không ký hợp đồng khai thác với người khác thì Chấp hành viên kê biên, xử lý tài sản đó để thi hành án.
Chấp hành viên chấm dứt khai thác tài sản trong trường hợp việc khai thác tài sản không hiệu quả hoặc làm cản trở đến việc thi hành án; người phải thi hành án, người khai thác tài sản thực hiện không đúng yêu cầu của Chấp hành viên về việc khai thác tài sản; người phải thi hành án đã thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án và các chi phí về thi hành án; có quyết định đình chỉ thi hành án. Thủ tục chấm dứt cưỡng chế khai thác tài sản bằng việc Chấp hành viên ra quyết định chấm dứt việc cưỡng chế khai thác tài sản. Trường hợp việc cưỡng chế khai thác tài sản chấm dứt do tài sản không hiệu quả hoặc làm cản trở đến việc thi hành án; người phải thi hành án, người khai thác tài sản thực hiện không đúng yêu cầu của Chấp hành viên về việc khai thác tài sản thì tiếp tục kê biên và xử lý tài sản đó để thi hành án. Trường hợp việc cưỡng chế khai thác tài sản chấm dứt do người phải thi hành án đã thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án và các chi phí về thi hành án hoặc có quyết định đình chỉ thi hành án thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định, Chấp hành viên ra quyết định giải tỏa việc cưỡng chế khai thác tài sản và trả lại tài sản cho người phải thi hành án.
Trường hợp Chấp hành viên quyết định chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khai thác, sử dụng thì việc chuyển giao quyền nói trên phải phù hợp với các quy định về chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ. Việc định giá quyền sở hữu trí tuệ để thi hành án thực hiện theo quy định của pháp luật về giá và pháp luật về thẩm định giá quyền sở hữu trí tuệ. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu định giá quyền sở hữu trí tuệ phải thanh toán chi phí cho việc định giá.
Cưỡng chế khai thác tài sản của người phải thi hành án được quy định từ Điều 107 đến 109 của Luật Thi hành án dân sự. Các quy định này được thiết lập cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu về bảo đảm quyền lợi của cả người được thi hành án và người phải thi hành án, tránh được việc phải kê biên, bán đấu giá tài sản để thi hành án. Bên cạnh những ưu điểm thì các quy định hiện hành về vấn đề này còn có những hạn chế nhất định. Luật Thi hành án dân sự không quy định chế tài xử lý nghiêm khắc nếu người phải thi hành án hoặc người đang khai thác tài sản không nộp tiền theo quyết định cưỡng chế cho Chấp hành viên. Mặt khác, nguồn thu từ việc khai thác tài sản trên thực tế thường không ổn định nên Chấp hành viên không thể yêu cầu người phải thi hành án hoặc người đang khai thác tài sản phải nộp cụ thể, cố định số tiền bao nhiêu theo quyết định cưỡng chế. Việc xác định thu nhập từ khai thác tài sản trên thực tế khó thực hiện được, do đó có thể người phải thi hành án hoặc người khai thác tài sản khai thấp thu nhập, tẩu tán một phần khoản tiền từ việc khai thác tài sản để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án. Quy định tại khoản 2 Điều 108 Luật Thi hành án dân sự về người khai thác tài sản phải nộp số tiền thu được từ việc khai thác tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự, sau khi trừ các chi phí cần thiết là không hợp lý, bởi lẽ có trường hợp người phải thi hành án chỉ có thu nhập duy nhất từ việc khai thác tài sản để nuôi sống bản thân và gia đình họ, do đó cần phải trích lại cho người phải thi hành án một khoản tiền để họ sinh sống.
Trang Tuấn