1. Thủ tục ra quyết định thi hành án
1.1. Kiểm tra điều kiện ra quyết định thi hành án
Đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình tổ chức việc thi hành án dân sự. Nội dung công việc chính trong giai đoạn này bao gồm:
1.1.1. Tiếp nhận yêu cầu thi hành án hoặc bản án hoặc hồ sơ ủy thác thi hành án
- Việc tiếp nhận yêu cầu thi hành án, bản án do Thẩm tra viên hoặc Thư ký chịu trách nhiệm chính. Văn thư, công chức phụ trách bộ phận một cửa có trách nhiệm phối hợp thực hiện.
- Nội dung công việc bao gồm: Tiếp nhận trực tiếp (từ bộ phận một cửa). Viết Phiếu nhận đơn hoặc hướng dẫn cho người yêu cầu, lập biên bản ghi nhận yêu cầu thi hành án trong trường hợp người yêu cầu trực tiếp trình bày bằng lời nói. Trường hợp tiếp nhận trực tuyến thì thực hiện những công việc quy định tại Quy trình hỗ trợ trực tuyến thi hành án dân sự. Trường hợp tiếp nhận qua đường bưu điện thì Văn thư tiếp nhận, vào Sổ công văn đến rồi chuyển ngay cho Thẩm tra viên hoặc Thư ký được phân công.
Vào Sổ nhận yêu cầu thi hành án, Sổ nhận bản án, quyết định, Sổ nhận quyết định ủy thác. Thời hạn thực hiện ngay trong ngày tiếp nhận. Thực hiện các công việc cần thiết khác theo quy định.
1.1.2. Kiểm tra, xử lý yêu cầu thi hành án, bản án, hồ sơ ủy thác thi hành án
- Việc kiểm tra, xử lý yêu cầu thi hành án; bản án, hồ sơ ủy thác thi hành án do Thẩm tra viên hoặc Thư ký chịu trách nhiệm giúp Cục trưởng, Chi cục trưởng thực hiện.
- Nội dung công việc bao gồm: Kiểm tra, đối chiếu để làm rõ điều kiện ra quyết định thi hành án, rà soát việc Tòa án đã chuyển giao bản án, việc đã ra quyết định thi hành án chủ động, tài liệu ủy thác thi hành án, việc chuyển giao các giấy tờ liên quan đến vật chứng và các nội dung cần thiết khác. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, đối chiếu, rà soát, tiến hành dự thảo văn bản cần thiết để Cục trưởng, Chi cục trưởng ký, như: quyết định thi hành án; văn bản thông báo cho người yêu cầu, Tòa án, Trọng tài thương mại, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, cơ quan thi hành án đã ủy thác; văn bản đề nghị Tòa án bổ sung tài liệu còn thiếu, đề nghị Tòa án hoặc hướng dẫn đương sự đề nghị Tòa án giải thích, sửa chữa bản án.
Trình Lãnh đạo cơ quan thi hành được giao phụ trách kiểm tra, chỉnh sửa, ký nháy/tắt. Thời hạn thực hiện là 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án, bản án, quyết định ủy thác thi hành án. Trình theo thẩm quyền được phân công ký, phát hành Thông báo cho người yêu cầu, Tòa án, Trọng tài thương mại, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, cơ quan thi hành án đã ủy thác; văn bản đề nghị Tòa án giải thích, đính chính, bổ sung tài liệu còn thiếu; thời hạn thực hiện là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án, bản án, quyết định ủy thác thi hành án. Thực hiện các công việc cần thiết khác theo quy định.
- Trong việc kiểm tra, xử lý yêu cầu thi hành án cần đặc biệt lưu ý về thời hiệu yêu cầu thi hành án đúng quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn. Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn. Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.
Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án,ì đương sự có quyền đề nghị Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu thi hành án quá hạn. Sự kiện bất khả kháng là trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa. Trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn. Tuy nhiên, việc yêu cầu thi hành án quá hạn phải nêu rõ lý do, kèm theo tài liệu chứng minh lý do không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn. Tài liệu chứng minh đối với trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc do đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế hoặc do trở ngại khách quan xảy ra tại địa phương nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú cuối cùng hoặc nơi cư trú khi xảy ra sự kiện bất khả kháng. Đối với trường hợp tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có tóm tắt hồ sơ bệnh án được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp huyện trở lên xác nhận và tài liệu kèm theo, nếu có. Đối với trường hợp do yêu cầu công tác nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc giấy cử đi công tác của cơ quan, đơn vị đó. Đối với trường hợp do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của cơ quan đã ra bản án, quyết định, cơ quan thi hành án có thẩm quyền. Đối với trường hợp hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa đối với tổ chức phải thi hành án thì phải có xác nhận của cơ quan ra quyết định hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa. Đối với các trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan khác nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc tài liệu hợp pháp khác để chứng minh; xác nhận của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải thể hiện rõ địa điểm, nội dung và thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn.
Trong trường hợp đặc biệt, đối với trường hợp đã trả đơn yêu cầu thi hành án trước ngày 01/7/2015 mà đương sự yêu cầu thi hành án trở lại thì cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định trả đơn phải ra quyết định thi hành án và tổ chức việc thi hành án. Yêu cầu thi hành án thực hiện theo quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự và phải kèm theo tài liệu liên quan, quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án, nếu có; trường hợp không còn quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án, người được thi hành án có quyền đề nghị cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án xác nhận về việc đã trả đơn và thụ lý giải quyết việc thi hành án. Trường hợp phạm nhân là người phải thi hành án, thân nhân của họ hoặc người được họ ủy quyền yêu cầu thi hành án tự nguyện nộp tiền, tài sản thi hành án khi đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án; trường hợp này, cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án tương ứng với khoản tiền, tài sản họ tự nguyện nộp, đồng thời lập biên bản ghi rõ lý do, số tiền, tài sản do phạm nhân là người phải thi hành án, người được ủy quyền hoặc thân nhân của họ nộp và thông báo cho người được thi hành án đến nhận; hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà người được thi hành án không đến nhận tiền, tài sản thì cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục sung quỹ nhà nước, sau khi khấu trừ tiền, tài sản mà họ phải thi hành theo quyết định thi hành án khác, nếu có.
1.2. Soạn thảo quyết định thi hành án
Nhiệm vụ ra quyết định thi hành án do Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thực hiện. Thẩm tra viên, Thư ký, Văn thư có trách nhiệm tham mưu, đề xuất.
Nội dung công việc bao gồm:
Thủ trưởng cơ quan tiến hành kiểm tra, chỉnh sửa dự thảo, ký ban hành quyết định thi hành án; phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành, chuyển quyết định thi hành án cho Thẩm tra viên (bộ phận thụ lý) hoặc Thư ký.
Thẩm tra viên (bộ phận thụ lý) hoặc Thư ký thực hiện vào Sổ thụ lý, nhân bản; chuyển cho Văn thư đóng dấu; chuyển quyết định thi hành án và các tài liệu kèm theo cho Chấp hành viên được phân công và yêu cầu ký nhận vào Sổ thụ lý. Thời hạn thực hiện 02 ngày làm việc, kể từ ngày được trình ký dự thảo quyết định thi hành án.
Văn thư có trách nhiệm gửi các văn bản trên theo quy định. Các quyết định thi hành án phải được gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định, lưu ý gửi cho Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp; gửi Sở Tư pháp quyết định thi hành án đối với các bản án hình sự và gửi Trại tạm giam, Trại giam đối với các trường hợp thi hành án phạt tù. Trường hợp yêu cầu thi hành án trực tuyến thì việc trả kết quả thực hiện theo Quy trình hỗ trợ yêu cầu thi hành án trực tuyến. Thời hạn thực hiện 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, thông báo, văn bản. Thực hiện các công việc cần thiết khác theo quy định.
Sau khi đã xác định có đủ các điều kiện để ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án phải soạn thảo nội dung quyết định thi hành án.
1.2.1. Yêu cầu chung về cách thức soạn thảo quyết định thi hành án:
Soạn thảo quyết định thi hành án là một công việc vô cùng quan trọng, ảnh hưởng và quyết định đến quá trình thi hành án sau này. Khi soạn thảo quyết định thi hành án cơ quan thi hành án dân sự cần đảm bảo các yêu cầu chung sau:
Thứ nhất, không máy móc chép nguyên văn phần quyết định của bản án, quyết định; không được làm sai lệch bản án, quyết định. Đối với quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu, không được chép nguyên văn nội dung đơn yêu cầu thi hành án hoặc phần quyết định của bản án, quyết định; không đuợc làm sai lệch nội dung yêu cầu thi hành án cũng như nội dung của bản án, quyết định.
Thứ hai, nội dung các khoản cho thi hành cần được trình bày đủ ý, logic, dễ hiểu, dễ triển khai thực hiện.
Thứ ba, quyết định thi hành án được đánh máy vào những chỗ trống theo mẫu quyết định thi hành án. Tại Chi cục Thi hành án dân sự, đối với Quyết định thi hành án chủ động, soạn thảo nội dung quyết định theo mẫu số C 01-THADS ban hành theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/2/2016 của Bộ Tư pháp. Đối với Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu, soạn thảo nội dung quyết định theo mẫu số C 01a-THADS ban hành theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/2/2016 của Bộ Tư pháp.
Thứ tư, phải tuân thủ những quy định về ghi chép biểu mẫu nghiệp vụ thi hành án dân sự tại Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/2/2016 của Bộ Tư pháp, cụ thể:
+ Việc ghi chép nghiệp vụ thi hành án dân sự theo biểu mẫu phải chính xác, chữ viết phải rõ ràng, đủ nét, dễ đọc, không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, không tẩy xóa, không dùng từ ngữ địa phương, viết cùng một loại mực. Đối với những nơi đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi hành án dân sự, thì nội dung cần ghi trong các biểu mẫu nghiệp vụ thi hành án dân sự có thể được in qua máy vi tính.
+ Việc ghi chép nghiệp vụ thi hành án dân sự theo biểu mẫu phải liên tiếp, không được bỏ trống, đánh rõ số trang, kết thúc việc ghi chép, phần còn trống trong văn bản phải gạch chéo.
+ Nghiêm cấm việc tự ý tẩy xóa, sửa chữa, bổ sung làm sai lệch nội dung nghiệp vụ thi hành án dân sự được ghi chép trong biểu mẫu.
1.2.2. Nội dung quyết định thi hành án
Nội dung cụ thể của quyết định thi hành án được áp dụng cho cả các trường hợp bao gồm cả quyết định chủ động và theo yêu cầu. Cụ thể: quyết định thi hành án phải ghi rõ họ tên, chức vụ của người ra quyết định; số, ngày, tháng, năm, tên cơ quan, tổ chức ban hành bản án, quyết định; tên, địa chỉ của người phải thi hành án, người được thi hành; phần nghĩa vụ phải thi hành án; thời hạn tự nguyện thi hành án.
* Phần tên cơ quan ban hành:
Khi soạn thảo phần này cơ quan thi hành án dân sự lưu ý điểm khác biệt của biểu mẫu ban hành theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/2/2016 của Bộ Tư pháp, phần này bao gồm cả cơ quan ban hành và cơ quan cấp trên của cơ quan đó.
Ví dụ: Tổng cục Thi hành án dân sự
Cục Thi hành án dân sự tỉnh B
* Phần địa danh và ngày, tháng, năm ban hành quyết định:
Ghi địa danh theo đơn vị hành chính nơi cơ quan thi hành án dân sự đóng trụ sở và ngày, tháng, năm là ngày ra quyết định thi hành án.
Ví dụ: Huyện A, ngày 29 tháng 5 năm 2018
* Phần căn cứ ra quyết định:
Phần này cơ quan thi hành án dân sự tuân thủ theo biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/2/2016 của Bộ Tư pháp.
* Phần nội dung của quyết định:
Đây là phần rất quan trọng của quyết định vì thể hiện nội dung việc thi hành án, do đó phải thận trọng trong việc soạn thảo, tránh tình trạng ra thừa hoặc thiếu các khoản phải thi hành. Phần này ngoài Điều 1 là cơ quan thi hành án dân sự phải tự soạn thảo còn các điều khác tuân thủ theo đúng biểu mẫu. Khi soạn thảo Điều 1 cơ quan thi hành án dân sự cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Phải ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ của người phải thi hành án; ghi cụ thể nội dung các khoản thi hành án theo đúng quyết định của bản án, quyết định được thi hành và đúng phạm vi yêu cầu thi hành án, không máy móc ghi nguyên văn quyết định của Tòa án, nhưng không được làm sai lệch nội dung quyết định của Tòa án. Nếu là số tiền thi hành án thì phải ghi cả bằng số và bằng chữ.
Ví dụ: Ông A được chia 120m2 đất và nhận tiền chênh lệch 15 triệu đồng theo quyết định của bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng ông A chỉ yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành cho ông được nhận 120m2 đất và chưa yêu cầu số tiền 15 triệu đồng.
Trong ví dụ này, nội dung trong quyết định thi hành án chỉ ghi cho thi hành đối với 120m2 đất ông A đã yêu cầu thi hành án, còn 15 triệu đồng ông A chưa yêu cầu thi hành án, hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu ông A không yêu cầu thi hành án thì phần tiền đó hết thời hiệu yêu cầu thi hành án.
- Nếu một quyết định thi hành được ra chung cho nhiều người phải thi hành án, nên đánh số thứ tự “1….”; “2…”… theo thứ tự mỗi người phải thi hành án.
Ví dụ:
“Điều 1: Cho thi hành đối với:
1. Ông Nguyễn Văn A
Địa chỉ: Thôn C, xã M, huyện N, tỉnh B
Khoản phải thi hành: Án phí hình sự sơ thẩm 200.000 đ (Hai trăm ngàn đồng chẵn)
2. Ông Nguyễn Văn B
Địa chỉ: Thôn X, xã Y, huyện N, tỉnh B
Khoản phải thi hành: Án phí hình sự sơ thẩm 200.000 đ (Hai trăm ngàn đồng chẵn)”
- Nếu một quyết định thi hành án có một người phải thi hành án và người đó phải thi hành nhiều khoản thì cơ quan thi hành án dân sự nên đánh số thứ tự “1….”; “2…”… theo thứ tự các khoản phải thi hành.
Ví dụ:
“Điều 1: Cho thi hành đối với:
Ông Nguyễn Văn A
Địa chỉ: Thôn C, xã M, huyện N, tỉnh B
Các khoản phải thi hành:
1. Phạt tiền: 10.000.000 đ (Mười triệu đồng chẵn)
2. Án phí hình sự sơ thẩm: 200.000 đ (Hai trăm ngàn đồng chẵn)”
- Ngoài nội dung khoản phải thi hành, cơ quan thi hành án dân sự phải lưu ý ghi nội dung thời hạn tự nguyện thi hành án cho người phải thi hành án. Đây là nội dung mới được đưa vào biểu mẫu.
2.3. Ký tên, lấy số và đóng dấu cơ quan thi hành án dân sự vào quyết định thi hành án
Quyết định thi hành án sau khi được soạn thảo thì phải được Thủ trưởng cơ quan thi hành án ký, ghi rõ họ tên, chức vụ của người ký và phải được lấy số, ngày, tháng, năm và đóng dấu của cơ quan thi hành án dân sự để ban hành quyết định thi hành án.
2. Phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành quyết định thi hành án
2.1. Thời hạn phân công
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành quyết định thi hành án đó.
2.2. Cách thức phân công
- Do pháp luật chưa có quy định cụ thể về hình thức phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành quyết định thi hành án: bằng quyết định hay bằng văn bản phân công hay chỉ ghi vào sổ thụ lý, vì thế tùy từng trường hợp cụ thể để phân công một hoặc một số Chấp hành viên thi hành quyết định thi hành án và cũng không nhất thiết phải ra quyết định phân công Chấp hành viên thi hành vụ việc. Tuy nhiên, cần lưu ý phải theo dõi chặt chẽ việc phân công, thay đổi Chấp hành viên thi hành vụ việc.
Khi thực hiện Phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự có chức năng phê duyệt quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên thi hành quyết định thi hành án sẽ theo dõi, quản lý chặt chẽ vấn đề này.
- Trước đây, Tổng cục Thi hành án dân sự đã có Công văn số 1209/TCTHADS-NV1 ngày 27/5/2013 về giải đáp nghiệp vụ thi hành án có đưa ra phương án áp dụng thống nhất: “Điều 36 Luật Thi hành án dân sự quy định, sau khi ra quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành quyết định thi hành án đó. Thi hành án dân sự là công việc phức tạp, tác động trực tiếp tới tài sản, quyền tài sản, quyền nhân thân phi tài sản... hợp pháp của cá nhân, tổ chức có liên quan tới việc thi hành án. Trong lĩnh vực tư pháp, các chức danh tư pháp phải chịu trách nhiệm cá nhân về mọi quyết định của mình khi thực thi nhiệm vụ. Do tính chất quan trọng như vậy, lại dễ xảy ra sai phạm nên cần phải có sự xác định rõ ràng quyền và trách nhiệm của từng cá nhân trong khi tổ chức thi hành án. Hơn nữa, việc tổ chức thi hành án còn phải được thực hiện công khai để các đương sự biết, liên hệ giải quyết công việc, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát. Vì vậy, khi phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự nên thống nhất thực hiện dưới hình thức ra quyết định bằng văn bản. Hiện nay, theo mẫu Quyết định thi hành án đang được các cơ quan thi hành án dân sự thống nhất sử dụng theo quy định tại Thông tư số 09/2011/TT-BTP ngày 30/5/2011 của Bộ Tư pháp ban hành và hướng dẫn việc quản lý, sử dụng các loại biểu mẫu nghiệp vụ thi hành án dân sự, tại Điều 2 của Quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự nên ghi rõ họ tên Chấp hành viên cụ thể có trách nhiệm tổ chức thi hành án (Ví dụ: Chấp hành viên Nguyễn Văn A có trách nhiệm tổ chức thi hành Quyết định này). Khi có sự thay đổi Chấp hành viên thì ra quyết định thay đổi Chấp hành viên tổ chức thi hành án, thông báo cho đương sự và các cơ quan hữu quan biết.”
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, theo yêu cầu công tác nên Chấp hành viên thường được luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác, nghỉ chế độ; mặt khác mỗi Chấp hành viên thường phải thụ lý rất nhiều việc thi hành án (bình quân toàn quốc tính đến 07 tháng năm 2018 mỗi Chấp hành viên thụ lý 175 việc, với số tiền trên 41 tỷ đồng, nhiều nơi bình quân khoảng 20-300 việc/Chấp hành viên), do đó nếu ghi tên Chấp hành viên vào từng quyết định thì hành án thì khi có sự thay đổi Chấp hành viên sẽ phải ra quyết định thay đổi Chấp hành viên tổ chức thi hành án cho từng quyết định thi hành án sẽ mất nhiều thời gian, rất tốn kém kinh phí. Vì thế, biểu mẫu quyết định thi hành án ban hành kèm theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/2/2016 của Bộ Tư pháp không quy định đưa tên Chấp hành viên vào Quyết định thi hành án, do đó Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án đúng biểu mẫu, chỉ ghi bổ sung và những phần trống (....) của biểu mẫu quyết định thi hành án dân sự ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Thu hồi, sửa đổi, bổ sung, huỷ quyết định thi hành án
Xuất phát từ thực tiễn có rất nhiều trường hợp quyết định về thi hành án đã được ban hành nhưng vì nhiều các nguyên nhân khác nhau đã không thể được đưa ra thi hành. Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã dành riêng một điều luật (Điều 37), quy định về các hệ quả pháp lý phát sinh nếu việc ra các quyết định về thi hành án có sai sót, có vi phạm pháp luật hoặc căn cứ ra quyết định thi hành án không còn. Trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án phải ra rất nhiều loại quyết định về thi hành án khác nhau. Quyết định thi hành án là một trong các loại quyết định về thi hành án. Nội dung phần này chỉ đề cập đến việc thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy quyết định thi hành án.
3.1. Thu hồi quyết định thi hành án
3.1.1. Căn cứ thu hồi quyết định thi hành án:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì căn cứ ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án là:
- Quyết định thi hành án được ban hành không đúng thẩm quyền;
Trường hợp quyết định thi hành án được ban hành không đúng thẩm quyền có thể là trong các trường hợp sau: cơ quan thi hành án dân sự không có thẩm quyền ban hành (theo quy định tại Điều 35 Luật Thi hành án dân sự) hoặc người ra quyết định thi hành án không đúng thẩm quyền (theo quy định tại Điều 36 Luật Thi hành án dân sự).
- Quyết định thi hành án có sai sót làm thay đổi nội dung vụ việc;
- Căn cứ ra quyết định thi hành án không còn;
- Cá nhân, tổ chức được chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án làm đơn yêu cầu thi hành án đối với phần quyền, nghĩa vụ được chuyển giao.
3.1.2. Thẩm quyền thu hồi quyết định thi hành án:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì người có thẩm quyền ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án là người có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Theo quy định tại Điều 36 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự là người có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Vậy, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án có thẩm quyền ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án.
3.2. Sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án
3.2.1. Căn cứ sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì căn cứ để ra quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án là trường hợp quyết định thi hành án có sai sót mà không làm thay đổi nội dung vụ việc thi hành án.
3.2.2. Thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì người có thẩm quyền ra quyết định thi hành án (Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án), người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có quyền ra quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án.
3.3. Huỷ quyết định thi hành án
3.3.1. Căn cứ hủy quyết định thi hành án:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì căn cứ huỷ quyết định thi hành án là:
- Phát hiện ra các trường hợp quyết định thi hành án có căn cứ để thu hồi, sửa đổi, bổ sung mà Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới, Chấp hành viên thuộc quyền quản lý trực tiếp không tự khắc phục sau khi có yêu cầu;
- Quyết định thi hành án có vi phạm pháp luật theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
3.3.2. Thẩm quyền hủy quyết định thi hành án:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì người có thẩm quyền ra quyết định thi hành án (Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án), người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có quyền ra quyết định hủy hoặc yêu cầu hủy quyết định thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới
Các quyết định thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy quyết định thi hành án phải ghi rõ căn cứ, nội dung và hậu quả pháp lý của việc thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy quyết định thi hành án.
4. Một số lưu ý khác
4.1. Bỏ quy định “ra quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án”
Theo đó, trong trường hợp sau khi trừ đi thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà thời hiệu yêu cầu thi hành án vẫn còn thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án theo yêu cầu thi hành án (không cần ra quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án). Trường hợp đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự từ chối nhận yêu cầu thi hành án theo quy định tại Điểm c Khoản 5 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự.
4.2. Quy định giải quyết trường hợp phạm nhân là người phải thi hành án, thân nhân của họ hoặc người được họ ủy quyền yêu cầu thi hành án tự nguyện nộp tiền, tài sản thi hành án khi đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án
Tại Khoản 6 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP nhằm tạo điều kiện cho người phải thi hành án là phạm nhân có thể được xem xét giảm chấp hành hình phạt, xem xét đặc xá theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án mà chỉ ra quyết định thi hành án tương ứng với khoản tiền, tài sản họ tự nguyện nộp, đồng thời lập biên bản ghi rõ lý do, số tiền, tài sản do phạm nhân là người phải thi hành án, người được ủy quyền hoặc thân nhân của họ nộp và thông báo cho người được thi hành án đến nhận.Trường hợp người được thi hành án không đến nhận tiền, tài sản khi đã hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày được thông báo hợp lệ thì cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục sung quỹ nhà nước, sau khi khấu trừ tiền, tài sản mà họ phải thi hành theo quyết định thi hành án khác, nếu có.
4.3. Căn cứ cơ quan thi hành án dân sự từ chối yêu cầu thi hành án
Ngoài các căn cứ từ chối yêu cầu thi hành án đã được quy định tại Khoản 5 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, thì Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung căn cứ cơ quan thi hành án dân sự từ chối yêu cầu thi hành án trong trường hợp “bản án, quyết định không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các đương sự theo quy định của Luật này”. Cụ thể hóa nội dung này, Khoản 4 Điều 7 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP xác định đây là trường hợp “bản án, quyết định không xác định cụ thể người phải thi hành án và nghĩa vụ phải thi hành”.
Ví dụ: Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 165/2011/KDTM-ST ngày 15/9/2011 của Tòa phúc thẩm -Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã quyết định: “ Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn: Hủy Quyết định Đại hội đồng cổ đông thường niên đã được thông qua ngày 15/7/2010 của Công ty cổ phần Cung ứng tàu biển H”. Đồng thời, Bản án cũng tuyên Công ty phải chịu 200.000 đồng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm, xác định Công ty đã nộp 200.000đ tại Cục Thi hành án dân sự thành phố H theo Biên lai thu số AA/2010/2009 ngày 08/4/2011.
Xem xét nội dung bản án thì thấy rằng: Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 15/7/2010 của Công ty đã thông qua Nghị quyết về việc tổng kết công tác sản xuất kinh doanh năm 2009 và phương hướng, chỉ tiêu KT-XH năm 2010; đã bầu Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2010-2015 gồm các ông, bà: Đặng Thị Hồng H, Nguyễn Thị X, Ngô Văn T, Vũ Xuân, bà Nguyễn Thị Tuyết; đã bầu bổ sung ông Nguyễn Văn T vào Ban kiểm soát và thông qua một số các nội dung khác liên quan đến hoạt động của Công ty.
Như vậy, trong trường hợp cụ thể này, bản án chỉ tuyên chấp nhận yêu cầu của các nguyên đơn về việc hủy bỏ quyết định của Đại hội đồng cổ đông bất thường. Bản án không tuyên cá nhân, tổ chức nào phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản hoặc thực hiện một công việc cụ thể nào như bàn giao con dấu, tài sản, sổ sách, cấm giao dịch….
Theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 31 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự 2008 và khoản 4 Điều 7 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì trường hợp này cơ quan Thi hành án dân sự sẽ từ chối yêu cầu thi hành án.
4.4. Một số vấn đề cần lưu ý trong việc ban hành quyết định thi hành án
- Xác định chính xác căn cứ ban hành quyết định thi hành án:
Ngoài việc căn cứ khoản 1 Điều 23, khoản 2 Điều 35, khoản 1 Điều 36 và khoản 1 Điều 45 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, quyết định thi hành án phải được căn cứ vào đúng bản án, quyết định mà đương sự yêu cầu, trong đó xác định cụ thể số, ngày, tháng, năm và tên Tòa án hoặc Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc Trọng tài thương mại ra bản án, quyết định đó.
- Xác định và ghi chính xác các nội dung cơ bản của bản án, quyết định được đưa ra thi hành:
Thông tư của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc quản lý, sử dụng các loại biểu mẫu nghiệp vụ thi hành án dân sự đã xác định đầy đủ các nội dung của quyết định thi hành án. Tuy nhiên những phần trống của biểu mẫu đòi hỏi phải xác định đúng, đầy đủ, chính xác nội dung ghi trong quyết định. Cơ quan Thi hành án dân sự phải thận trọng trong việc xác định nội dung, phải ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ của đương sự. Phần “các khoản phải thi hành” phải ghi chính xác nội dung và đúng phạm vi, không được làm sai lệch nội dung quyết định của Tòa án, tránh tình trạng ra quyết định thừa hoặc thiếu các nội dung, các khoản phải thi hành án. Nếu là số tiền thi hành án thì phải ghi cả bằng số và bằng chữ.
Sau khi đã dự thảo quyết định thi hành án dân sự, người có thẩm quyền ban hành quyết định phải rà soát và ký quyết định để phát hành. Trước khi ký quyết định thì khâu rà soát dự thảo cực kỳ quan trọng để hạn chế sai sót. Mặc dù các vấn đề trên tưởng chừng là một vấn đề rất đơn giản nhưng vẫn có một số cơ quan thi hành án dân sự do chủ quan, do lỗi kỹ thuật, đánh máy ...dẫn đến có sai sót. Đây là những thiếu sót “rất không đáng có” được chỉ ra trong quá trình kiểm tra, kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự. Do đó, các cơ quan Thi hành án dân sự cần lưu ý, tránh mắc phải.
Ví dụ 1: Quyết định thi hành án số 332/QĐ-TĐYC.THA ngày 22/5/2008 của Thi hành án dân sự thành phố P tỉnh G có nội dung:
“Điều 1. Thi hành án đối với: Phạm Duy Tiến- Địa chỉ: 22B Lê Lai, thành phố P, tỉnh G.
Điều 2. Các khoản phải thi hành:
- Trả nợ số tiền là 2.045.966.199 đồng (Hai tỷ bốn mươi lăm triệu chính trăm sáu mươi ngàn một trăm chín mươi chín đống).
- Và lãi suất chậm thi hành án theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
Cho người được thi hành án: Công ty cổ phần kinh doanh và phát triển miền núi G- địa chỉ 22B Lê Lai, thành phố P, tỉnh G...”
Đối chiếu với bản án cho thấy tại quyết định trên đã ghi nhầm địa chỉ của người phải thi hành án, ghi trùng với địa chỉ của người được thi hành án (mặc dù người phải thi hành án theo bản án có địa chỉ khác).
Ví dụ 2: Kiến nghị số 217/KSTHADS-KN ngày 07/7/2015 của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố H về trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành án dân sự tại Chi cục THADS quận A, thành phố H đã chỉ ra trong 05/58 hồ sơ thi hành án xong, cơ quan Thi hành án dân sự đã ban hành quyết định thi hành án áp dụng căn cứ không đúng quy định.
Bên cạnh đó, trong một số hồ sơ việc ra quyết định thi hành án còn chậm, thiếu nội dung theo án tuyên, chưa đúng quyết định của bản án, chưa đúng với đơn yêu cầu thi hành án, nội dung quyết định thi hành án chưa rõ ràng, không đóng dấu công văn đến vào đơn yêu cầu và bản án, quyết định của Tòa án, chưa đảm bảo về thời gian theo quy định. Do đó, các cơ quan thi hành án dân sự cần rất chú ý các nội dung này để tránh những thiếu sót không đáng có trong việc ra quyết định thi hành án.
Ví dụ 3: có một số cơ quan thi hành án dân sự đã căn cứ vào trích lục bản án hoặc bản án được phô tô để ra quyết định thi hành án là không phù hợp.
- Đảm bảo thời hạn ra quyết định thi hành án
Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 về công tác phòng , chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công thi hành án năm 2013 (NQ37/2012/HQ13) của Quốc hội đã đặt trong các chỉ tiêu đối với hoạt động thi hành án dân sự là “Ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với 100% các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra, kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự, mặc dù có chuyển biến hơn so với trước đây nhưng vẫn còn tình trạng chậm trễ ra quyết định thi hành án, chưa bảo đảm đúng yêu cầu của Nghị quyết. Vì vậy, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương cần chú ý về thời hạn ra quyết định thi hành án, đảm bảo các bản án, quyết định sớm được đưa ra thi hành trên thực tế theo đúng quy định của pháp luật.
4.5. Ra quyết định quyết định thi hành án dân sự trên môi trường mạng
Thực hiện theo Quyết định số 791/QĐ-BTP ngày 02/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Quyết định số 427/QĐ-TCTHADS ngày 23/03/2018 của Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành Kế hoạch triển khai phần mềm Quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự trong Hệ thống thi hành án dân sự. Giai đoạn 1 thực hiện tại 15 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ 01/4/2018; giai đoạn 2 trên phạm vi toàn quốc từ 01/8/2018[1].
[1] . Tài liệu tham khảo:
- Giáo trình đào tạo Chấp hành viên, Chấp hành viên trung cấp, cao cấp - Học viện Tư pháp 201, 2016, 2017.
- Tài liệu tài liệu tập huấn triển khai các nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, các văn bản hướng dẫn thi hành và kỹ năng rà soát, chỉ đạo, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự - Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, tháng 12/2015.
- Luật Thi hành án dân sự ngày 24/11/2008.
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự ngày 25/11/2014.
- Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
- Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT/BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 19/5/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao “hướng dẫn hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự”.
- Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự.
- Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự
- Quyết định số 273/QĐ-TCTHADS ngày 22/02/2017 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành Quy trình Tổ chức thi hành án trong nội bộ cơ quan Thi hành án dân sự.