Sign In

Hiệu quả áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án trong công tác thi hành án dân sự tại huyện Hạ Hòa

28/05/2021

Biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự lần đầu tiên được quy định ở nước ta tại Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Có thể nói đây là bước cải cách tư pháp trong thi hành án dân sự, tạo cơ sở pháp lý để Chấp hành viên tiến hành các hoạt động thi hành án nhằm mục đích kịp thời ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án của người phải thi hành án, đảm bảo các bản án, quyết định của Tòa án và cơ quan có thẩm quyền được thi hành một cách triệt để và hiệu quả, quy định và thực hiện các biện pháp bảo đảm thi hành án góp phần cải cách tư pháp trong thi hành án dân sự. Luật Thi hành án dân sự có quy định về các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự cho thấy sự cần thiết và quan trọng của các biện pháp này đối với công tác thi hành án dân sự nhằm ngăn chặn không cho đương sự tẩu tán tài sản như phong toả tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ; tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản, nhằm buộc người phải thi hành án có trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án của mình, làm cho công tác thi hành án ngày càng đạt hiệu quả cao. Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình thi hành án, ngay cả trong trường hợp chưa xác định được chủ sở hữu của tài sản, khi áp dụng biện pháp bảo đảm Chấp hành viên không cần phải thông báo trước cho đương sự, tránh được việc đương sự có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, góp phần nâng cao tỷ lệ thi hành án trong những năm qua. Trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án được quy định trong Luật Thi hành án dân sự nhanh chóng về thời gian, đơn giản về thủ tục tạo thuận lợi cho Chấp hành viên có thể thực hiện ngay việc, kịp thời ngăn chặn hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, đảm bảo cho cơ quan thi hành án áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thi hành án trong những trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án.
Hiện nay, Chi cục THADS huyện Hạ Hòa đang tiến hành giải quyết việc thi hành án đối với Bản án số 10/2010/DSST; Bản án số 11/2010/DSST ngày 28/06/2010 của Tòa án nhân dân huyện Phù Ninh và Bản án số 10/2018/DSPT ngày 05/03/2018 của Toà án nhân dân tỉnh Phú Thọ buộc ông Trần Quang Thu    (Khải) phải thanh toán trả nợ cho ông Phạm Ngọc Dậu và ông Nguyễn Anh Sơn với tổng số tiền nợ là 2.026.410.250đ và lãi suất. Sau khi ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án đã đến tại gia đình ông Thu ở Khu 4 xã Vô Tranh, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ để tiến hành đôn đốc, xác minh điều kiện thi hành án nhưng ông Thu luôn vắng mặt. Qua xác minh, ông Trần Quang Thu có tài sản là 03 quyền sử dụng đất tại Khu 4 xã Vô Tranh. Hiện ông Thu đang làm thủ tục chuyển nhượng 03 thửa đất trên cho ông Đỗ Ngọc Hoàn (Minh Tân – Yên Bái). Để bảo đảm cho việc thi hành án và ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án của ông Thu, Chi cục THADS huyện Hạ Hòa đã có Quyết định số 52/QĐ-CCTHADS ngày 23/04/2021 về việc tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu đối với 03 thửa đất trên gửi Phòng Tài nguyên – Môi trường, Văn phòng đăng kí quyền sử dụng đất. Hiện Chi cục Thi hành án đang làm các thủ tục giải quyết tiếp theo.
Như vậy, thông qua công tác thi hành án dân sự, một lần nữa khẳng định việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án giúp cho quá trình thi hành án diễn ra thuận lợi, hiệu quả hơn và đảm bảo được quyền lợi của người được thi hành án. Việc giải quyết nhanh gọn, đạt hiệu quả thực sự mang ý nghĩa to lớn, tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức; góp phần ổn định quan hệ xã hội, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đương sự./.
Chi cục THADS huyện Hạ Hòa

Các tin đã đưa ngày: