Tỉ lệ thi hành án dân sự tăng dần hằng năm
Theo kết quả nghiên cứu của Báo cáo về PCI công bố vừa qua, công tác THADS được đánh giá tại mục Thiết chế pháp lý (là mục đánh giá về chất lượng giải quyết các vụ việc thông qua tòa án và tình tình an ninh trật tự tại các địa phương), theo đó “79,1% doanh nghiệp cho biết: Phán quyết của tòa án được thi hành nhanh chóng trong khảo sát năm 2020, tăng so với 62,8% của năm 2016”.
Qua kết quả của PCI cho thấy sự chuyển động tích cực của công tác THADS trong giai đoạn 5 năm từ 2016 đến nay. Cụ thể, tăng 16,3% so với năm đầu tiên của nhiệm kỳ Chính phủ 2016. Qua đó đã phản ánh sự nỗ lực và kết quả đáng ghi nhận của Hệ thống THADS trong nhiệm kỳ qua dưới góc nhìn và đánh giá của doanh nghiệp.
Tại các Báo cáo hằng năm của Chính phủ trước Quốc hội, trong suốt nhiệm kỳ qua, kết quả THADS về việc và tiền đều tăng cả về tỉ lệ phần trăm và giá trị thi hành tuyệt đối, năm sau luôn cao hơn năm trước. Theo số liệu tại các Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thì năm 2016, thi hành xong trên 29.000 tỷ đồng (đạt tỉ lệ 33,74%); năm 2017, thi hành xong trên 35.000 tỷ đồng (đạt 38,31%); năm 2018, thi hành xong trên 34.000 tỷ (đạt 38,35%). Đặc biệt từ năm 2019 đến năm 2020 số thi hành xong tăng mạnh. Nếu như năm 2019, thi hành xong gần 53.000 tỷ đồng (đạt 35,46%) thì năm 2020 đã thi hành xong gần 54.000 tỷ đồng (đạt 40,10%). Các kết quả này cũng đã được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá hằng năm và đồng tình qua các Báo cáo thẩm tra về công tác THADS của Chính phủ.
Thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng, ngân hàng theo nghị quyết Quốc hội
Trả lời Cổng TTĐT Chính phủ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết, công tác THADS tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết quả THADS năm sau cao hơn năm trước, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển KT-XH của đất nước và từng địa phương.
Để hoàn thành công tác nặng nề này, ông Khôi cho rằng, cần củng cố, kiện toàn đội ngũ công chức, chấp hành viên, nêu cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu; thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với hoạt động này, gắn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực trong THADS, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm.
Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo thi hành án các vụ việc thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ án mà Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Tổ chức thu hồi khoản nợ của các tổ chức tín dụng, ngân hàng theo Nghị quyết số 42/2019/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Nhìn lại kết quả của cả nhiệm kỳ 5 năm (2016-2020), số việc và tiền thi hành xong năm sau luôn cao hơn năm trước; nhiệm kỳ này cũng cao hơn nhiệm kỳ trước. Cụ thể, các cơ quan THADS đã thi hành xong trên 2,8 triệu việc (tăng 20,33% so với nhiệm kỳ trước); về tiền đã thu được số tiền hơn 205.000 tỷ đồng (tăng 56% so với nhiệm kỳ trước). Riêng năm 2020, số tiền thi hành xong tăng trên 24.000 tỷ đồng (tăng 84,82% về tiền) so với năm 2016.
Những kết quả của công tác THADS thời gian qua theo khảo sát của PCI là đáng khích lệ, điều đó cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đã luôn đồng hành, mong muốn và tiếp tục kỳ vọng công tác THADS có những cải cách mạnh mẽ và thực chất hơn nữa để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình giải quyết các tranh chấp; đảm bảo bản án, quyết định của tòa án liên quan đến doanh nghiệp được thực thi nhanh chóng, thuận lợi từ đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Việc tiếp tục nâng cao kết quả công tác THADS sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện đột phá nhiệm vụ trên, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và năng động của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Lê Sơn
baochinhphu.vn