Hệ thống thi hành án dân sự nói chung và các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên nói riêng coi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nên việc quán triệt, triển khai thực hiện tốt công tác này được toàn thể cán bộ, công chức, người lao động nghiêm túc thực hiện.
Để việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả cao. Ngay sau khi Tổng Cục THADS ban hành Quyết định số 167/QĐ-TCTHADS ngày 28/02/2023 về ban hành Kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sai phạm trong Hệ thống THADS năm 2023 và UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 19/01/2023 về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023, Cục THADS tỉnh Thái Nguyên đã quán triệt, triển khai các kế hoạch trên đến toàn thể các cơ quan thi hành án dân sự thuộc tỉnh và đồng thời ban hành Quyết định số 51/QĐ-CTHADS ngày 13/3/2023 về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sai phạm trong các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và cũng yêu cầu từng Chi cục cấp huyện cũng phải quán triệt, triển khai và ban hành kế hoạch về công tác phòng, chống, tham nhũng, tiêu cực, sai phạm. Việc kịp thời ban hành, quán triệt, triển khai một cách sâu rộng, nghiêm túc, thường xuyên liên tục các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, cấp có thẩm quyền đã góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sai phạm trong các cơ quan THADS tỉnh. Kết quả từ năm 2020 đến nay công chức, người lao động trong các cơ quan THADS tỉnh không có trường hợp nào bị xử lý, phát hiện có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng có những khó khăn phức tạp nhất định, như hiện nay với số lượng việc và tiền phải thi hành án trên toàn tỉnh ngày càng tăng, cụ thể: Tổng số việc phải thi hành 7.415 việc, với số tiền phải thi hành là hơn 1.216 tỷ 608 triệu đồng. Đồng thời công tác thi hành án dân sự cũng là một trong những công việc nhạy cảm liên quan đến vật chất, quyền và nghĩa vụ đương sự, nên nếu không quan tâm chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nghiệp vụ cho công chức, người lao động trong hệ thống sẽ có nguy cơ dẫn đến các sai phạm.
Để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng hiệu quả hơn, đảm bảo việc công chức, người lao động trong hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên “không dám”, “không làm” các hành vi liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Cục THADS tỉnh Thái Nguyên đã có một số giải pháp để triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023 cụ thể như sau:
- Thứ nhất, thường xuyên phổ biến, quán triệt các văn bản của Đảng, Nhà nước, của ngành, của tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh; đồng thời tăng cường thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm thường xuyên, liên tục, kiên trì, kiên quyết, phòng ngừa từ sớm, từ xa để ngăn chặn, đẩy lùi; đấu tranh và xử lý nghiêm minh với các hiện tượng gây phiền hà, nhũng nhiễu, chủ nghĩa cá nhân trong thi hành nhiệm vụ; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện cam kết của công chức, người lao động về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ được giao.
- Thứ hai, công khai minh bạch về công tác tổ chức cán bộ; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; việc thực hiện chính sách pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của công chức, người lao động; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan THADS trên địa bàn.
- Thứ ba, công khai minh bạch về hoạt động, thủ tục hành chính của cơ quan; các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; cải cách hành chính; thanh toán không dùng tiền mặt; ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý.
- Thứ tư, công khai, minh bạch trong hoạt động tài chính; kiểm tra thường xuyên thu-chi ngân sách, thu- chi tiền thi hành án và các khoản tiền tạm thu chi thi hành án.
- Thứ năm, rà soát, nhận diện đầy đủ các biểu hiện, nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, sai phạm có thể xảy ra trên tất cả các lĩnh vực công tác tại đơn vị và thực hiện phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
- Thứ sáu, thực hiện nghiêm việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định pháp luật; tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin báo chí và các phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, tin báo về hành vi tham nhũng qua đường dây nóng và hòm thư góp ý của Cục THADS tỉnh và các Chi cục THADS trực thuộc; tăng cường đối thoại với công dân nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Với những giải pháp được triển khai, cùng với ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn thể công chức, người lao động trong hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ đạt được được hiệu quả cao, góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội ở địa phương và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong công tác thi hành án dân sự./.
Theo https://baophapluat.vn/