Nhằm đáp ứng yêu cầu chung của tỉnh Thừa Thiên-Huế về việc thực hiện “Đề án Phát triển dịch vụ đô thị thông minh” đến năm 2020 định hướng đến năm 2025", thời gian qua, Cục thi hành án tỉnh đã chú trọng công tác ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai trên một số lĩnh vực.
Đến năm 2025, tất cả các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh được hiện đại hóa với máy móc, thiết bị chất lượng cao phục vụ nhiệm vụ chuyên môn
Trong các năm qua, được sự quan tâm của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, hạ tầng hệ thống công nghệ thông tin được triển khai một cách đồng bộ, 100% công chức được trang bị máy vi tính cá nhân có kết nối internet. Hệ thống ứng dụng được triển khai trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành. Các phần mềm đang được các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh triển khai, sử dụng khá ổn định như: Quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự; Kế toán; Quản lý văn bản đi - đến; Lưu trữ; Quản lý hồ sơ cán bộ; Hộp thư điện tử; Chữ ký số... Nhìn chung, đến thời điểm hiện nay cơ bản đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn về ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo Cục trưởng Cục thi hành án tỉnh TT- Huế Ngô Thanh Cường cho biết, hàng năm, Cục thi hành án dân sự tỉnh tổ chức mời chuyên gia tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin hoặc cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức công nghệ thông tin cho các lãnh đạo cấp phòng, Chi cục, công chức giữ chức danh Tư pháp, công chức phụ trách công nghệ thông tin. Đến nay, hầu hết công chức các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh đã sử dụng thành thạo các kỹ năng cơ bản về tin học. Tuy nhiên, do không có công chức chuyên trách công tác công nghệ thông tin, cho nên thiếu nguồn nhân lực trình độ cao, tỉ lệ qua đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin chưa cao.
Do đó, trong thời gian tới, Cục thi hành án tỉnh và các Chi cục thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh phối hợp với Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh phổ biến, quán triệt, tuyên truyền và đào tạo, bồi dưỡng chính sách, chương trình ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh cho đội ngũ công chức, người lao động đáp ứng yêu cầu đề án “Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 định hướng đến năm 2025”
Cụ thể, cần ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ, giải quyết kịp thời, hiệu quả yêu cầu của người dân và doanh nghiệp trong thi hành án dân sự. Cung cấp các dịch vụ công một cách nhanh chóng, thuận tiện. Đảm bảo mọi người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng và sử dụng các dịch vụ công trong thi hành án dân sự một cách nhanh chóng thuận tiện; giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, giảm các thủ tục và chi phí có liên quan. Qua đó, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Phục vụ tốt việc quản lý và điều hành của lãnh đạo các cơ quan thi hành án dân sự ở cả hai cấp trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính trên địa bàn. Quản lý đội ngũ công chức, người lao động một cách khoa học. Tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự an toàn cơ quan và phòng chống tội phạm. Tham gia khai thác, sử dụng tốt hệ thống thông tin phản ánh hiện trường để tiếp nhận, xử lý các phản ánh hiện trường của cá nhân, tổ chức…
Cũng theo Cục Trưởng Ngô Thanh Cường, các nhiệm vụ, giải pháp được đặt ra phải lấy tiêu chí hiện đại hóa các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh; chất lượng đội ngũ công chức, người lao động và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp để làm nền tảng. Đáp ứng cơ bản yêu cầu, tiêu chuẩn phát triển đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến năm 2020, đối với các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn phải đạt được 100% cơ quan thi hành án dân sự được trang bị camera giám sát an ninh, trật tự, an toàn cơ quan; 100% hoạt động tiếp công dân, doanh nghiệp của cơ quan thi hành án dân sự được giám sát chặt chẽ; 100% công chức, người lao động các cơ quan thi hành án dân sự tham gia vào hoạt động thông tin phản ánh hiện trường của tỉnh; 100% công chức, người lao động các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh được quản lý chặt chẽ.
Đối với đương sự (người dân và doanh nghiệp):100% đương sự (người dân và doanh nghiệp) cùng chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn tỉnh biết đến các dịch vụ công của các cơ quan thi hành án dân sự; 100% đương sự (người dân và doanh nghiệp) không sinh sống, làm việc hoặc hoạt động trên địa bàn tỉnh dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ công của các cơ quan Thi hành án dân sự.
Định hướng đến năm 2025, tất cả các cơ quan Thi hành án dân sự được hiện đại hóa với máy móc, thiết bị chất lượng cao phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. các công chức, người lao động sử dụng thành thạo ứng dụng dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên Huế phục vụ công việc và cuộc sống. Hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan Thi hành án dân sự được các ứng dụng phần mềm hỗ trợ. 100% đương sự (người dân và doanh nghiệp) tiếp cận được với các dịch vụ công trong thi hành án dân sự.
Tin từ http://m.baophapluat.vn