Qua theo dõi trong thời gian qua, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong đơn vị khá tốt nên đã giúp cho các Chi cục, các Phòng chuyên môn thuộc Cục phát huy được tinh thần đoàn kết nội bộ, sức mạnh tập thể góp phần nâng cao vị thế cũng như hiệu quả công tác, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được cấp trên giao, từng bước tạo dựng được niềm tin đối với Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, vẫn có đơn vị chưa quyết liệt, hiện tượng buông lỏng trong quản lý, chỉ đạo, điều hành vẫn còn xảy ra, tình trạng cán bộ, công chức, người lao động thực hiện không nghiêm nội quy, quy chế, giờ giấc làm việc.... dẫn đến kết quả công tác chưa cao, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của cơ quan Thi hành án dân sự tại địa phương.
Với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh phải không ngừng nỗ lực, cố gắng tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong, lề lối làm việc nhằm xây dựng cơ quan Thi hành án dân sự lớn mạnh, xứng đáng với sự quan tâm, kỳ vọng của Đảng và Nhà nước. Trên tinh thần đó, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã chỉ đạo Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thị xã, thành phố Huế, Trưởng phòng các Phòng chuyên môn thuộc Cục tiếp tục tăng cường chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, tác phong, lề lối làm việc để nâng cao hiệu quả công tác.
Một là, Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, đi đôi với việc chấp hành nghiêm túc chế độ Thủ trưởng đơn vị, phát huy và thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong các hoạt động của đơn vị. Chú trọng tính gương mẫu, đi đầu của lãnh đạo đơn vị, gắn với việc quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động tuân thủ nghiêm túc Nội quy, Quy chế đã ban hành và chấp hành đúng giờ giấc, thời gian làm việc. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động có tác phong, thái độ ứng xử chuẩn mực trong thực thi công vụ, giao tiếp với đồng nghiệp và quần chúng nhân dân.
Hai là, Tiếp tục quan tâm chấn chỉnh và chấp hành nghiêm các hoạt động về chuyên môn, nghiệp vụ thi hành án đã được lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và Cục Thi hành án dân sự tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn đảm bảo thực hiện đúng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm không ngừng giữ vững và tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nêu cao vai trò trách nhiệm của Chi cục trưởng trong việc kiểm tra, giám sát đối với các Chấp hành viên, Thẩm tra viên và công chức khác, nhất là kiểm tra về quy trình thụ lý vụ việc, thời gian tiến hành, thu chi thi hành án, quản lý tài chính. Kịp thời phát hiện và đưa ra xử lý nghiêm đối với những trường hợp có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, cố tình kéo dài, thiếu áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết mà pháp luật cho phép. Nơi nào để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong thi hành án dân sự và vi phạm nguyên tắc tài chính, thu chi thi hành án thì trước hết Chi cục trưởng nơi đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Cục trưởng.
Ba là, Đối với những đơn vị mà các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát (như Ủy ban kiểm tra thực hiện giám sát, kiểm tra đối với tổ chức Đảng và Đảng viên mà đối tượng là Lãnh đạo Chi cục hoặc Viện kiểm sát thực hiện kiểm sát) thì Lãnh đạo Chi cục cần báo cáo về Lãnh đạo Cục biết (gửi kèm Kế hoạch kiểm tra, giám sát… của các cơ quan chức năng). Trong quá trình các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, giám sát phải tạo mọi điều kiện và phối hợp chặt chẻ với cơ quan đó.
Bốn là, Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành khởi tố vụ án và khởi tố bị can để điều tra đối với công chức thi hành án thì Chi cục trưởng cần chủ động, phối hợp chặt chẽ với cơ quan có thẩm quyền để làm rõ, giải quyết vụ việc, đồng thời phải báo cáo ngay với Cục trưởng để biết, có hướng chỉ đạo.
Năm là, Đối với các Hội nghị, Tập huấn, cuộc Họp do Cục tổ chức, các đơn vị phải cử cán bộ, công chức tham gia đúng số lượng, thành phần, thời gian được ghi trong giấy mời và có trách nhiệm phát biểu ý kiến về những vấn đề liên quan. Trường hợp không thể đi dự được thì phải cử người đi dự thay nhưng phải xin phép và được sự đồng ý của người Chủ trì. Người đi dự thay phải được giao đủ thẩm quyền về mặt chuyên môn để thay mặt lãnh đạo cơ quan phát biểu ý kiến và Thủ trưởng đơn vị phải chấp hành nghiêm túc kết luận của Hội nghị, cuộc Họp đó.
Sáu là, Quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức việc bắt buộc mặc trang phục, đeo cấp hiệu, phù hiệu theo quy định của Nghành khi đến làm việc tại cơ quan, công sở, nhất là khi đi thi hành công vụ, dự Hội nghị, Tập huấn và các cuộc Họp.
Bảy là, Thực hiện các báo cáo định kỳ, đột xuất theo đúng yêu cầu của cấp trên. Kịp thời báo cáo Lãnh đạo Cục những vấn đề mới phát sinh liên quan đến công tác tổ chức thi hành án dân sự có thể gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương hoặc gây mất uy tín của ngành, đặc biệt là trước khi tổ chức cưỡng chế có huy động lực lượng đối với những vụ việc thuộc diện trọng điểm, khó khăn, vướng mắc, nổi cộm.
Chủ động báo cáo với Cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp để tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo đối với công tác thi hành án dân sự nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của ngành tại địa phương.
Tám là, Việc tổ chức cho cán bộ, công chức đi tham quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm là một việc làm cần thiết nhưng phải có kế hoạch cụ thể, trong đó xác định những nội dung cần trao đổi, học tập; thời gian; địa điểm; đối tượng tham gia, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí. Trước khi tổ chức, các đơn vị phải báo cáo xin ý kiến bằng văn bản và được sự chấp thuận của Cục trưởng mới thực hiện.
CỤC THADS TỈNH THỪA THIÊN HUẾ