Sign In

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thừa Thiên Huế trả lời chất vấn tại kỳ Họp thứ 6, Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa VII

12/07/2018

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thừa Thiên Huế trả lời chất vấn tại kỳ Họp thứ 6, Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa VII
Kỳ họp thứ 6, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra trong hai ngày 11, 12/7/2018. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, giải pháp thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2018; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 3 và thứ 4, HĐND tỉnh khóa VII và dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế; thông qua một số Nghị quyết chuyên đề thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh trong năm 2018.
Về phía Cục Thi hành dân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, có sự tham dự của đồng chí Ngô Thanh Cường - Cục trưởng và Báo cáo kết quả công tác thi hành dân sự, hành chính 06 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2018 là tài liệu phục vụ kỳ họp.
Tại kỳ họp này, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã đưa ra câu hỏi chất vấn: Việc tổ chức thi hành án dân sự liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng đạt quá thấp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh cho biết nguyên nhân và giải pháp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành các Bản án dân sự trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng?
 Đồng chí Ngô Thanh Cường – Cục trưởng trả lời chất vấn như sau:
Ngoài những khó khăn chung của công tác thi hành án thì các vụ việc giải quyết tài sản thế chấp liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng đang còn gặp nhiều khó khăn mang tính đặc thù. Số lượng vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng được giải quyết thời qua quá ít, số tiền thu hồi quá thấp - đang ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng hoàn thành chỉ tiêu mà ngành thi hành án được giao. Khó khăn lớn nhất đối với cơ quan THADS là việc xử lý tài sản thế chấp, đặc biệt là bất động sản.
Những hạn chế, khó khăn đó xuất phát từ những nguyên nhân chính sau:
(1) Người phải THA không phối hợp, không tự giác chấp hành, cố tình chống đối, chây ỳ.
(2) Một số trường hợp tài sản bảo đảm trong Bản án, quyết định của Tòa án tuyên không phù hợp với hiện trạng tài sản tại thời điểm tổ chức thi hành án (không như thực tế). Ví dụ: Nhà, đất có diện tích chồng lấn, công trình xây dựng lấn chiếm đất công, cá nhân tự nhập thửa để xây dựng công trình, cá biệt có trường hợp tài sản thế chấp là nhà thờ của dòng họ. Có trường hợp, Tòa án tuyên không rõ ràng thứ tự xử lý tài sản bảo đảm, không xác định rõ phạm vi nghĩa vụ bảo đảm của từng tài sản thế chấp, bảo đảm cho một hợp đồng tín dụng. Có trường hợp, cơ quan THADS đang xử lý tài sản thì Tòa án ra quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ.
(3) Một số trường hợp ngân hàng thẩm định giá trị tài sản cao hơn rất nhiều so với giá trị thực tế của tài sản, vì vậy tiền thu về không đủ. Một số trường hợp tài sản bảo đảm là đất và công trình xây dựng trên đất được giao cho mục đích giáo dục không có người mua, mặc dù đã giảm giá trên 50% giá thẩm định ban đầu. Một số vụ việc tài sản thế chấp là ô tô, máy móc thiết bị, tổ chức tín dụng, ngân hàng không cung cấp được các động sản này ở địa chỉ cụ thể nào để kê biên, xử lý. Có trường hợp tài sản là ô tô, đương sự đưa sang Lào theo đường tiểu ngạch, không có căn cứ xác định địa chỉ để ủy thác sang cơ quan tư pháp của nước bạn Lào.
(4) Hoạt động ủy thác tư pháp theo con đường Bộ Ngoại giao, nhiều năm qua chưa có trường hợp nào nước bạn trả lời.
(5) Tâm lý người dân ngại mua tài sản bán đấu giá. Vì vậy, có khá nhiều trường hợp sau nhiều lần giảm giá nhưng không có người mua, các tổ chức tín dụng ngân hàng hầu hết lại không nhận tài sản bảo đảm để khấu trừ vào số tiền được thi hành án vì phải chịu thuế, phí thi hành án và các nghĩa vụ tài chính khác đối với tài sản. Do đó, cơ quan THADS phải tiếp tục hạ giá tài sản làm cho hoạt động đấu giá kéo dài. Đa phần mỗi vụ việc phải giảm giá đến lần thứ 7, thứ 8 mới bán được, cá biệt có trường hợp hiện nay đã giảm giá lần thứ 16 nhưng chưa bán được.
(6) Một số ngân hàng cho rằng Toà án đã tuyên, thì trách nhiệm cơ quan THADS phải thi hành, do vậy hoạt động phối hợp chưa chặt chẽ.
(7) Nguyên nhân sâu xa nhất xin thừa nhận với Hội đồng nhân dân tỉnh là vấn đề về con người. Hiện nay chất lượng và tinh thần trách nhiệm của nhiều cán bộ ngành THADS tỉnh nhà chưa tương xứng so với yêu cầu công tác trong giai đoạn hiện nay.
Giải pháp đặt ra trong thời gian tới mà ngành THADS tỉnh nhà hướng đến là:
(1) Tăng cường hoạt động phối hợp với các Ban, ngành, chính quyền địa phương để xử lý các trường hợp còn vướng mắc về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản, sự chênh lệch về mốc giới, diện tích để xử lý nhanh tài sản.
(2) Kiên quyết cưỡng chế các vụ việc phức tạp, kéo dài, chây ỳ để đảm bảo thi hành án.
(3) Giảm giá với tỉ lệ tối đa cho phép để nhanh chóng bán được tài sản phát mãi nhiều lần mà không có người mua.
(4) Tiếp tục rèn luyện đạo đức, nâng cao chất lượng cán bộ ngành THADS tỉnh nhà. Đồng thời, bố trí Chấp hành viên có kinh nghiệm thi hành các vụ việc có liên quan đến tín dụng ngân hàng để xử lý nhanh và đúng luật.
(5) Trước mắt, ngay trong tháng 8, cơ quan THADS sẽ đánh giá lại hoạt động phối hợp với Ngân hàng nhà nước và các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại để xác định rõ trách nhiệm của ngành THADS, trách nhiệm của Ngân hàng nhà nước, trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại; tìm giải pháp cụ thể, thích hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc và đề xuất cơ quan có thẩm quyền có cơ chế thích hợp để giải quyết các vụ việc có liên quan đến tín dụng ngân hàng sao cho đạt hiệu quả cao nhất./.

Các tin đã đưa ngày: