|
Bác Hồ và nhà thơ Tố Hữu thăm đồng bào Cao Bằng năm 1961. |
Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, muôn dân nô lệ lầm than dưới ách bóc lột của chế độ thực dân phong kiến; ngay từ thuở nhỏ, Tố Hữu đã chứng kiến cảnh cực khổ của nhân dân, những bất công, ngang trái của xã hội đương thời nên đã sớm hun đúc lòng yêu nước, căm thù giặc.
Người chiến sĩ cộng sản kiên trung của cách mạng Việt Nam
Sau khi mẹ mất, năm 13 tuổi Tố Hữu vào học tập tại Trường Quốc học Huế. Năm 1936, Tố Hữu tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản, được bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên Dân chủ Huế và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi. Tháng 4/1939, đồng chí bị địch bắt, tra tấn dã man và đày đi nhiều nhà lao. Ngục tù của thực dân đế quốc đã không khuất phục nổi ý chí cách mạng và niền tin tất thắng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi Tố Hữu. Trong lao tù, Tố Hữu vẫn làm thơ động viên tinh thần các chiến sĩ cộng sản. Mỗi bài thơ của Tố Hữu là một tiếng kèn thôi thúc, như lời mách bảo, nung nấu ý chí, cuốn hút thanh niên theo cách mạng, thôi thúc tuổi trẻ hành động, thể hiện nỗi niềm của hàng triệu người dân đất Việt tin tưởng vào độc lập tự do, tương lai tươi sáng.
Tháng 3/1942, đồng chí vượt ngục về Thanh Hóa hoạt động, được Trung ương phái vào tổ chức Ủy ban khởi nghĩa các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và được phân công tham gia tổ chức Xứ ủy lâm thời Trung Bộ, giữ chức Phó Bí thư Xứ ủy. Ngày 17/8/1945, theo sự chỉ đạo của Trung ương, Đồng chí đến Huế cùng các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Trinh thành lập Ủy ban Khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Thừa Thiên - Huế và chuẩn bị mọi mặt để giành chính quyền ở Huế. Ngày 23/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa gửi tối hậu thư cho Bảo Đại khuyên ông ta tự thoái vị; đến 14 giờ cùng ngày, trước 10 vạn đồng bào tại sân vận động Huế, đồng chí Tố Hữu nhân danh Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố “Xóa bỏ chính quyền Bảo Đại, lập chính quyền nhân dân toàn tỉnh, bảo đảm tính mạng và tài sản cho toàn thể đồng bào. Yêu cầu đồng bào tiếp tục sản xuất làm ăn và giữ vững trật tự an ninh. Từ nay, nước ta đã hoàn toàn độc lập tự do. Nhân dân được hoàn toàn làm chủ cuộc đời mình”.
Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa, Phó Bí thư Xứ ủy Trung Bộ, đồng chí Tố Hữu đã có đóng góp to lớn vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám (1945), khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Trong kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí Tố Hữu luôn có mặt ở tiền tuyến như một chiến sĩ xung phong, nhiều lần tham gia chiến đấu trong chiến dịch Tây Bắc. Khi đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, cùng với đồng chí, đồng bào cả nước, đồng chí Tố Hữu đã không quản ngại gian lao, nguy hiểm sẵn sàng lao vào chiến trường miền Nam, dọc theo tuyến đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh để viết nên những câu thơ hùng tráng về tiền tuyến lớn tạo sức lay động mạnh mẽ đến toàn quân, toàn dân ta, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa anh hùng cách mạng. Đất nước thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ mới, vừa nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội; đây cũng là thời điểm bắt đầu một cuộc đấu tranh không kém phần gian nan, vất vả, cực nhọc để từ đói nghèo đến ấm no, từ tụt hậu đến tiên tiến; đồng chí Tố Hữu luôn thể hiện là người dám chịu trách nhiệm, góp phần vào những quyết định táo bạo, đầy sáng tạo để xóa bỏ cơ chế đã không còn thích hợp với tiến triển thời cuộc, vận hội mới.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao nhiều trọng trách quan trọng, dù ở cương vị và lĩnh vực công tác nào, đồng chí Tố Hữu cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, một lòng, một dạ tận tụy vì sự nghiệp cách mạng, nêu cao truyền thống kiên trung, bất khuất, kiên cường của người cộng sản, giữ gìn đạo đức cách mạng trong sáng, gắn bó với đồng chí, đồng bào, với cơ sở.
Nhà hoạt động chính trị năng nổ, người lãnh đạo ưu tú của Đảng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa
Cuộc đời hoạt động cách mạng trải qua nhiều lĩnh vực công tác, đặc biệt trên lĩnh vực công tác tư tưởng - văn hóa, đồng chí Tố Hữu đã luôn thể hiện phẩm chất cao quý là nhà hoạt động chính trị năng nổ, người lãnh đạo ưu tú trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng.
Những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc, được giao phụ trách vận động văn hóa kháng chiến, lĩnh vực tuyên truyền và văn nghệ, đồng chí Tố Hữu đã hòa cùng công cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, truyền đạt các nghị quyết của Trung ương, động viên đội ngũ cán bộ tuyên huấn và văn nghệ sĩ sẵn sàng xông pha nơi chiến trường với niềm tin lạc quan mãnh liệt vào thắng lợi. Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, nhiệt huyết của Đồng chí đã lan tỏa, khích lệ các cán bộ tuyên huấn, văn hóa - văn nghệ bám sát các công trường, nông trường, nhà máy hầm mỏ, ruộng đồng, trường học, đơn vị quân đội… để tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, phản ánh và biểu dương người tốt việc tốt, các tấm gương tiêu biểu.
Cuối những năm 60, đầu những năm 70, đồng chí Tố Hữu đề nghị và được tập thể Ban Bí thư Trung ương Đảng chấp nhận mở rộng quy mô đào tạo cán bộ lãnh đạo và cán bộ lý luận, mở thêm Trường Đảng Trung ương tại chức, Trường Nguyễn Ái Quốc miền Nam ở vùng giải phóng miền Nam, hệ đặc biệt cho các cán bộ chuẩn bị làm nhiệm vụ tiếp quản các tỉnh, thành phố miền Nam. Với tinh thần chỉ đạo đó, các trường Đảng tỉnh cũng được củng cố về tổ chức, nội dung, chương trình đào tạo. Trước và sau các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc hoặc Hội nghị Trung ương, đồng chí Tố Hữu thường chủ động, đi trước truyền đạt nội dung, tinh thần các văn kiện, giúp các cơ quan Tuyên huấn, báo chí, trường Đảng sớm có thông tin, tài liệu phổ biến, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến với cán bộ, đảng viên và Nhân dân một cách nhanh nhất.
Đồng chí Tố Hữu là tấm gương mẫu mực thực hiện xuất sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Những tác phẩm của Đồng chí: Tổ chức cơ sở Đảng và nhiệm vụ, quyền hạn của đảng viên (1968), Tăng cường năng lực lãnh đạo của các huyện ủy (1968), Nâng cao chất lượng đảng viên…(1971), Quyết tâm thực hiện tốt cuộc vận động tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý nông nghiệp… (1976), Đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt theo gương các điển hình tiên tiến (1978), Công tác giáo dục và sự nghiệp bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau (1980), Nắm vững đường lối, giải quyết sáng tạo các nhiệm vụ kinh tế (1985)… giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu sâu sắc, đầy đủ hơn các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trên từng lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng đảng qua các thời kỳ cách mạng.
Trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, cả trong chiến tranh và thời bình, đồng chí Tố Hữu nổi lên như một vị tướng cầm quân, vừa như một người lính xung trận. Chính vì vậy, ngay cả khi không giữ cương vị lãnh đạo trực tiếp, Bộ Chính trị Trung ương Đảng vẫn tín nhiệm, phân công Đồng chí phụ trách công tác tư tưởng - văn hóa. Từ năm 1991, Đồng chí tiếp tục được mời tham gia nghiên cứu, tổng kết một số vấn đề tư tưởng - văn hóa, khoa học, giáo dục. Với tầm cao trí tuệ, sự xả thân cho lý tưởng cách mạng, đồng chí Tố Hữu đã trở thành một nhà lãnh đạo tài năng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng.
Không chỉ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, với cương vị là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của Chính phủ trong giai đoạn đầu chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế - xã hội, đồng chí Tố Hữu đã có những đóng góp vào việc hình thành nhiều chủ trương, chính sách đổi mới kinh tế quan trọng do Đảng ta khởi xướng từ Đại hội VI.
Một nhà thơ lớn có công khai sáng và dẫn dắt nền văn học cách mạng Việt Nam
Tố Hữu là nhà thơ cách mạng lớn nhất Việt Nam trong thế kỷ XX. Đồng chí đã đưa thơ chính trị đến trình độ rất trữ tình. Những tác phẩm của đồng chí Tố Hữu là những bài ca cách mạng, phản ánh chân thực các giai đoạn lịch sử, hừng hực tính chiến đấu và giàu tính trữ tình, có tính tư tưởng cao, sức động viên, lôi cuốn rộng rãi các tầng lớp Nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Những bài thơ của Tố Hữu vừa giản dị, gần gũi, vừa tinh tế, sâu sắc với lối tu từ và nghệ thuật diễn đạt phong phú, độc đáo và có sức truyền cảm lớn. Nội dung thơ chứa chan lòng yêu nước, thương dân và một lý tưởng cách mạng sáng ngời, một âm hưởng hừng hực, một khí phách hiên ngang của những con người Việt Nam đứng lên đánh giặc, giải phóng đất nước, quê hương. Nhân dân, quần chúng lao động gọi Tố Hữu là nhà thơ của mình, thuộc lòng thơ Tố Hữu, coi đó là phương châm suy nghĩ và hành động.
Trước cách mạng tháng Tám 1945, thơ của Tố Hữu thể hiện tình yêu thương đồng loại, tâm hồn nhân ái, thanh cao. Từ khi đến với cách mạng, thơ Tố Hữu cổ vũ tinh thần đấu tranh của các chiến sĩ cộng sản, tinh thần lạc quan, niềm tin vào Đảng, tương lai tươi sáng của đất nước; ngợi ca, kêu gọi, thúc giục con người hành động theo chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong thơ Tố Hữu không chỉ là trường ca khắc họa những chặng đường lịch sử đấu tranh cách mạng của toàn dân, mà còn thể hiện tình cảm thiết tha, đậm đà của Tố Hữu dành cho Tổ quốc, non sông, lòng kính yêu với Đảng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đó là sự gặp gỡ đẹp đẽ giữa thơ với đất nước, thơ với cách mạng và Đảng, thơ với Nhân dân, đúng như tâm sự của Tố Hữu “Suốt đời, tôi phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản. Cùng với hoạt động cách mạng, tôi làm thơ, cũng vì sự nghiệp cách mạng. Đối với tôi “Trăm năm duyên kiếp: ĐẢNG VÀ THƠ”.
Thơ Tố Hữu không chỉ góp phần tuyên truyền và tổ chức thực hiện đường lối cách mạng của Đảng ta, động viên các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, hăng hái nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội; mà còn đóng góp to lớn vào sự phát triển nền thơ ca Việt Nam Thời đại Hồ Chí Minh.
Năm 2020, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Tố Hữu, là dịp để chúng ta ôn lại về cuộc đời hoạt động và những cống hiến, đóng góp của đồng chí Tố Hữu cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc nói chung và trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của Đảng nói riêng; qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.
Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương