Tư tưởng Hồ Chí Minh - Tài sản vô giá của Đảng và dân tộc
Tư tưởng Hồ Chí Minh hình thành, phát triển gắn liền với quá trình lịch sử cách mạng Việt Nam và thế giới trong thế kỷ XX. Đây là tài sản vô giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Thế giới sẽ còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn sống mãi trong kho tàng văn hóa của nhân loại.
Nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành, phát triển trên cơ sở kế thừa, chọn lọc những tư tưởng, giá trị truyền thống của dân tộc, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đó là truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất; tinh thần cần cù, chịu khó, nhân nghĩa và ý thức cố kết cộng đồng; ý chí vượt khó; quý trọng hiền tài. Cùng với đó là sự tiếp thu và vận dụng sáng tạo tinh hoa văn hóa phương Đông, phương Tây trên nền tảng những tri thức được chắt lọc, hấp thụ, tích lũy qua thực tiễn, mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác - Lênin.
Tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành bởi chính khả năng tư duy và trí tuệ; phẩm chất đạo đức và năng lực hoạt động thực tiễn của Người. Đó là tư duy độc lập, sáng tạo trong nhận xét, đánh giá các sự vật, sự việc; là bản lĩnh kiên định; nhạy bén với cái mới; có phương pháp biện chứng, đầu óc thực tiễn. Đó là tâm hồn của một nhà yêu nước chân chính, hết lòng yêu thương nhân dân, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của đồng bào; đồng thời cũng là một chiến sĩ cộng sản nhiệt thành. Đó cũng là quá trình rèn luyện từ học tập, nghiên cứu đến trải nghiệm thực tiễn, khám phá các quy luật vận động xã hội, đời sống văn hóa và cuộc đấu tranh của các dân tộc để khái quát thành lý luận, đem lý luận chỉ đạo hoạt động thực tiễn, kiểm nghiệm trong thực tiễn nên mang giá trị khách quan, cách mạng và khoa học.
Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, với thiên tài của mình và khác với những nhà yêu nước tiền bối, Hồ Chí Minh đã nắm lấy tinh thần, bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin để vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam trong quá trình xây dựng lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người; phát huy sức mạnh dân tộc và thời đại; đề cao giá trị nhân văn, đạo đức; soi sáng quá trình nhận thức và giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam.
Hồ Chí Minh không chỉ nhìn thấy xu hướng phát triển tất yếu của lịch sử và khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”, mà còn nỗ lực hoạt động thực tiễn, nghiên cứu lý luận để sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam; cùng Đảng đề ra đường lối: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, với chiến lược và sách lược phù hợp. Cùng với đó, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại để tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng…
Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh chính là sự kết hợp các giá trị truyền thống của văn hóa phương Đông với thành tựu hiện đại của văn minh phương Tây và chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó còn là sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, đạo đức với phong cách, hiển hiện một tấm gương mẫu mực về bản lĩnh chính trị vững vàng, sự trung thành, kiên định lý tưởng cách mạng, đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, dân tộc lên trên hết; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc và nhân dân; yêu thương con người, đồng chí, đồng bào; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đó còn là phong cách tư duy độc lập, sáng tạo; phong cách làm việc dân chủ, khoa học, nói đi đôi với làm; ứng xử văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân văn; sống thanh cao, trong sạch, giản dị; phong cách quần chúng, dân chủ, tự mình nêu gương sáng về đạo đức cách mạng. Phong cách của Người có sức thu hút, cảm hóa diệu kỳ trong từng hoạt động và ứng xử hằng ngày.
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam
Trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng và dân tộc ta, tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh không hình thành ngay một lúc mà đã trải qua một quá trình tìm tòi, xác lập, phát triển, gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng phong phú của Người, để từ đó hoàn thiện một loạt vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam: Về đường lối chiến tranh nhân dân “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính”, về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một nước vốn là thuộc địa nửa phong kiến, quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội không trải qua chế độ tư bản chủ nghĩa, trong điều kiện đất nước bị chia cắt và có chiến tranh; về xây dựng Đảng với tư cách là Đảng cầm quyền; về xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân; về củng cố và tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế...
Soi sáng con đường cách mạng Việt Nam, cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng lý luận và định hướng để Đảng ta xây dựng đường lối đúng đắn, tổ chức lực lượng cách mạng và lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Khẳng định giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh, thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991) tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng. Trong đó khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của dân tộc và nhân loại, nắm vững quy luật khách quan và thực tiễn đất nước để đề ra cương lĩnh chính trị đúng đắn và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân”. Nghị quyết số 09-NQ/TƯ ngày 18-2-1995 của Bộ Chính trị (khóa VII) khẳng định: “Trong khi giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trên nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội ở các nước thuộc địa và phụ thuộc”.
Tiếp đó, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động… Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là di sản tư tưởng và lý luận vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”.
Phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TƯ ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong đó nêu rõ: “Tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, định hướng con đường đúng đắn của cách mạng Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử; thấm sâu vào trái tim, khối óc quần chúng nhân dân; trở thành ngọn cờ dẫn dắt cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đồng hành cùng dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh đang tiếp tục soi đường cho Đảng, nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vững bước hội nhập trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0.
TS. Văn Thị Thanh Mai
Nguồn: hanoimoi.com