Sign In

Mô hình, tổ chức hoạt động thi hành án tại Vương quốc Anh

13/09/2023

Bộ Tư pháp đã có các hoạt động nghiên cứu về mô hình tổ chức, quy trình, thủ tục thi hành án dân sự tại Vương quốc Anh.                                                      
  Sau đây là một số nội dung cơ bản:
1.Hệ thống tổ chức thi hành án tại Vương quốc Anh hiện nay
Tại Vương quốc Anh, việc thi hành các bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm, Toà án cấp hạt và Toà án cấp cao do các nhân viên, văn phòng thi hành án thực hiện, bao gồm:
- Nhân viên thi hành án được cấp chứng chỉ hoạt động (do Tòa cấp hạt cấp chứng chỉ hành nghề và được hoạt động trên phạm vi toàn quốc) thi hành các bản án, quyết định của Toà án cấp huyện (Toà án cấp sơ thẩm). Hiệp hội Thi hành Dân sự (CIVEA) là tổ chức nghề nghiệp đại diện cho nhân viên thi hành án được cấp chứng chỉ. 
- Công chức thi hành án của toà án cấp hạt (trước đây là Thừa phát lại- Bailiffs) do Toà án tuyển dụng và trả lương.
- Nhân viên thi hành án của Toà án cấp cao được Tổng Chưởng lý ủy quyền để thi hành các bản án, quyết định của Tòa án Cấp cao. Các nhân viên thi hành án này có thể có văn phòng/công ty của mình giải quyết các vụ việc, tuy nhiên họ phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với các hoạt động, kết quả thi hành các vụ việc được giao. Hiệp hội Thi hành án Tòa án cấp cao (HCEOA) là tổ chức đại diện và hỗ trợ các Nhân viên thi hành án của Tòa án Cấp cao, được thành lập vào năm 1887, trước đây gọi là Hiệp hội Cảnh sát trưởng. Tất cả nhân viên thi hành án Tòa án Cấp cao đều là thành viên của HCEOA và phải tuân thủ Bộ Quy tắc Thi hành tốt nhất (Code of Best Practice) ; Bộ quy tắc ứng xử và các quy định pháp luật về thi hành án . HCEOA ban hành Chiến lược hoạt động hàng năm để thực hiện tốt việc đại diện và hỗ trợ các thành viên. Hiệp hội tiếp nhận các khiếu nại về các nhân viên thi hành án, các hoạt động của Hiệp hội, các quyết định và lệnh thực thi, cũng như các khoản phí thi hành án qua phương tiện điện tử, trực tuyến.
2. Quy trình thủ tục tổ chức thi hành án của Hiệp hội Thi hành án Toà án cấp cao tại Vương quốc Anh
Tại Vương quốc Anh, nhân viên thi hành án được hoạt động trong toàn quốc và không bị giới hạn bởi phạm vi địa hạt. Quy trình thủ tục tổ chức thi hành án của nhân viên thi hành án Toà án cấp cao được chia theo 4 giai đoạn, cụ thể như sau:
- Giai đoạn Thông báo để tuân thủ: Bắt đầu khi nhân viên thi hành án nhận được chỉ thị thu hồi nợ và nhận được Lệnh Kiểm soát được niêm phong từ nguyên đơn. Nhân viên thi hành án cấp cao sau đó sẽ gửi 'Thông báo thi hành án' cho người mắc nợ. Sau đó, người phải thi hành có 07 ngày để thanh toán đầy đủ khoản nợ, mọi khoản lãi, phí tòa án và phí tuân thủ hoặc quy trình chuyển sang Giai đoạn Thi hành Một 
- Thi hành giai đoạn một: Bắt đầu nếu người phải thi hành không liên lạc được với Nhân viên thi hành Tòa án Cấp cao hoặc yêu cầu trả dần trong Giai đoạn Tuân thủ. Nhân viên thi hành án sẽ đến cơ sở của họ để kiểm soát hàng hóa và có thể thảo luận về các phương án thanh toán dựa trên hoàn cảnh ở giai đoạn này.
- Thi hành giai đoạn hai: bắt đầu nếu người phải thi hành từ chối thanh toán đồng thời cũng từ chối ký kết một thỏa thuận có thể chấp nhận được để trả nợ và phí theo từng đợt; hoặc thực hiện và sau đó phá vỡ một thỏa thuận pháp lý để trả nợ của họ theo từng đợt
- Giai đoạn xử lý tài sản nếu việc Thi hành đến giai đoạn mà hàng hóa của người phải thi hành cần được chuyển đi để trả nợ, thì giai đoạn 'Bán và thanh lý' sẽ bắt đầu.
Trong trường hợp cưỡng chế xử lý tài sản thi hành án là bất động sản, cổ phần, cổ phiếu… được cơ quan chức năng có thẩm quyền thực hiện theo lệnh của Toà án trên cơ sở xem xét đơn đề nghị của bên được thi hành án.
3. Phí và lệ phí thi hành án
Cơ chế về phí thi hành án có 04 mức độ tương ứng với 04 giai đoạn thi hành án của Nhân viên thi hành án của Tòa án Cấp cao nhằm khuyến khích con nợ trả tiền sớm, trả càng sớm thì số phí phải trả càng thấp. Các khoản phí này do người phải thi hành trả, và về cơ bản không có chi phí nào người được thi hành án phải nộp. 
Ở giai đoạn tuân thủ, người phải thi hành phải trả phí tuân thủ là £75; nếu khoản nợ được thu hồi ở Giai đoạn Thi hành Một thì người phải thi hành sẽ tiếp tục trả phí £190 và 7,5% giá trị khoản nợ trên £1.000; Giai đoạn thi hành hai là £495 và nếu thu hồi ở giai đoạn xử lý tài sản thì người phải thi hành án phải tiếp tục trả phí là £525 và 7,5% giá trị khoản nợ trên £1.000. Người phải thi hành thanh toán phán quyết và lệ phí của Nhân viên thi hành án cấp cao càng sớm thì tổng phí và tiền lãi sẽ càng ít. Nhân viên Thi hành Tòa án Cấp cao cũng có thể thu hồi các khoản giải ngân một cách hợp lý và thực sự phát sinh, chẳng hạn như: chi phí lưu kho hàng hóa đã được kiểm soát và xử lý; chi phí thuê thợ khóa để tiếp cận tài sản khi sử dụng vũ lực hợp lý để vào và bảo vệ chúng sau đó; bất kỳ chi phí đặc biệt nào khác có thể được cho phép theo đơn của tòa án; phí tòa án liên quan đến bất kỳ biện pháp nào được thực hiện bởi nhân viên thi hành án.


                        
 
4. Cơ chế giải quyết khiếu nại về thi hành án 
- Khiếu nại đối với hoạt động của nhân viên thi hành án: Đương sự có thể khiếu nại đến chính nhân viên thi hành án hoặc văn phòng thi hành án giải quyết vụ việc. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại, đương sự có thể khiếu nại tiếp đến Hiệp hội thi hành án. Trường hợp vẫn không đồng ý với viêc giải quyết của Hiệp hội, đương sự có thể tiếp tục khởi kiện ra Toà án giải quyết. Người phải thi hành án có thể thực hiện việc khiếu nại theo các trình tự như trên hoặc lựa chọn khiếu nại trực tiếp đến Toà án giải quyết.
Việc giải quyết khiếu nại của Hiệp hội thi hành án cũng được thực hiện qua 03 cấp, cụ thể: Trước tiên sẽ do một nhân viên giải quyết khiếu nại xem xét, giải quyết; trường hợp đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại sẽ do Hội đồng giải quyết khiếu nại xem xét; nếu đương sự vẫn không đồng ý với kết quả giải quyết và tiếp tục khiếu nại thì sẽ do Hội đồng độc lập gồm các trạng sư giải quyết.
Trên thực tế, năm 2022, tại Vương quốc Anh chỉ có 03 vụ việc khiếu nại do Hội đồng giải quyết khiếu nại Hiệp hội Thi hành án Toà án cấp cao xem xét và không có vụ việc nào phải lên đến Hội đồng độc lập gồm các trạng sư giải quyết.
- Các khiếu nại về hoạt động của công chức thi hành án của Toà án cấp địa hạt sẽ do Toà án giải quyết. 

      

5. Vấn đề số hoá hoạt động thi hành án

Như đã nêu ở trên, hiện nay hoạt động thi hành án tại Vương quốc Anh do cả công chức nhà nước (nhân viên toà án cấp hạt) và do tư nhân thực hiện. Đối với các vụ việc được thi hành bởi Hiệp hội thi hành án Toà án cấp cao - do phí đã cố định nên đặt ra yêu cầu cải tiến hiệu năng giải quyết công việc – và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là giải pháp sống còn, đảm bảo chi phí thấp và hiệu quả cao.
HCEOA đã đặc biệt chú trọng xây dựng các kế hoạch, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thực hiện việc thi hành án trên môi trường điện tử. Việc chuyển đổi số đã tạo ra sự nhanh chóng, thuận lợi trong tác nghiệp, kiểm soát chặt chẽ quy trình để công khai, minh bạch các hoạt động thi hành án. Và hiện nay, hầu hết các vụ việc giá trị nhỏ, đơn giản, rõ ràng, chỉ cần được yêu cầu thi hành và giải quyết toàn bộ vụ việc hoàn toàn trên môi trường điện tử mà không cần phải gặp gỡ trực tiếp. Nhân viên thi hành án có thể ra các quyết định trên cơ sở thông tin đã được số hoá trên hệ thống, phần mềm trực tuyến, cũng như đảm bảo các thông tin, căn cứ trong giải quyết, xử lý khiếu nại, vì các thông tin quan trọng trong qúa trình giải quyết vụ việc đã được ghi lại trên video - khi nhân viên thi hành án làm việc, áp dụng các biện pháp cưỡng chế với người phải thi hành án.
HCEOA đang tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc số hoá hoạt động thi hành án, trong đó, đang xây dựng Phần mềm ứng dụng (App) và cung cấp tài khoản sử dụng cho đương sự để có thể tra cứu thông tin vụ việc. Con nợ có thể thực hiện các thao tác để đề xuất các phương án trả nợ hoặc các yêu cầu để liên hệ, trao đổi với nhân viên thi hành án trên nền tảng số đã được cấp quyền truy cập.
Nhờ ứng dụng nâng cao hiệu quả giải quyết công việc nên từ năm 2014 đến nay, mặc dù không hề tăng phí thi hành án nhưng do số vụ việc giải quyết đươc tăng lên nên vẫn đảm bảo được thu nhập, kinh phí hoạt động cho các tổ chức thi hành án, đồng thời, vẫn phải đảm bảo cho quyền tiếp cận của người phải thi hành án, nhất là những đối tượng yếu thế.
6. Một số vấn đề có thể tham khảo 
- Đẩy mạnh xã hội hoá trong công tác thi hành án dân sự đối với các vụ việc có tính chất đơn giản, giá trị thấp, xử lý tài sản là hàng hoá nhằm sử dụng tối đa nguồn lực xã hội trong tổ chức thi hành án, giảm tải áp lực đối với cơ quan thi hành án dân sự và Chấp hành viên.
- Nghiên cứu áp dụng việc thu phí thi hành án ngay từ giai đoạn thông báo tự nguyện thi hành án và theo từng giai đoạn thi hành nhằm tạo cơ chế thúc đẩy người phải thi hành án sớm thi hành nghĩa vụ.
- Tiếp tục nghiên cứu cơ chế giải quyết khiếu nại theo hướng tăng cường trách nhiệm giải quyết khiếu nại của cấp cơ sở, trong đó, chú trọng nâng cao hiệu quả của việc tự xem xét, giải quyết các khiếu nại của chính Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp tổ chức thi hành (thực tiễn tại Vương quốc Anh cho thấy, với quy định cơ chế giải quyết khiếu nại được tự xem xét bởi nhân viên thi hành án, văn phòng thi hành án có hiệu quả trên thực tế, năm 2022 chỉ có 03 vụ việc phải do cơ quan cấp trên - Hội đồng giải quyết khiếu nại xem xét).
- Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động thi hành án dân sự, xác định đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và chuyên môn nghiệp vụ thi hành án, đảm bảo công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian thi hành án, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân, doanh nghiệp cũng như đáp ứng yêu cầu xây dựng chính phủ điện tử hướng tới xây dựng nền kinh tế số, xã hội số trong bối cảnh hội nhập hiện nay./.

Tác giả ảnh: Bộ Tư pháp
Theo Phan Huy Hiếu - Chánh Văn phòng TCTHADS

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: