Sign In

NHỮNG TỒN TẠI, VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XÁC MINH TRONG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

12/07/2023

Thi hành án dân sự là một lĩnh vực hết sức khó khăn, phức tạp, từ bản chất vốn dĩ của nó là lĩnh vực dân sự, được điều chỉnh bởi một hệ thống các quy định pháp luật gần như bao trùm mọi mặt của đời sống xã hội cho đến quá trình giải quyết được một vụ việc thi hành án dân sự. Quá trình thi hành án dân sự bao gồm rất nhiều hoạt động nghiệp vụ mang tính đặc thù (do pháp luật quy định buộc phải thực hiện và cả kỹ năng của Chấp hành viên) với nhiều trình tự, thủ tục rất phức tạp, trong đó việc xác minh điều kiện thi hành án là một trong những thủ tục đóng vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định trực tiếp đến kết quả giải quyết vụ việc thi hành án dân sự; là cơ sở để Chấp hành viên quyết định cách thức và biện pháp tổ chức thi hành vụ việc trong giai đoạn tiếp theo như: Có tài sản hay không có tài sản, là của cá nhân, tổ chức để thực hiện tổ chức thi hành án; thực hiện các biện pháp bảo đảm, kê biên, cưỡng chế thi hành án hoặc phân loại vụ việc sang diện chưa có điều kiện thi hành, ủy thác vụ việc, đình chỉ giải quyết hay lựa chọn khác,… việc xác minh chính xác sẽ giúp việc ra các quyết định về thi hành án có căn cứ, đúng pháp luật, đảm bảo cho bản án, quyết định được thi hành đầy đủ, kịp thời và đúng pháp luật. Tuy nhiên, việc xác minh điều kiện thi hành án hiện nay có rất nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc cả về quy định pháp luật lẫn thực tiễn dẫn đến những thiếu sót, vi phạm của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án; làm ảnh hưởng đến tiến độ tổ chức thi hành án, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án, người phải thi hành án, người mua tài sản trúng đấu giá, ảnh hưởng đến việc thu hồi tài sản cho nhà nước... Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin nêu một số vấn đề tồn tại, hạn chế, vướng mắc cơ bản để các cơ quan có thẩm quyền tham khảo để sớm sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi hành án dân sự và các văn bản pháp luật liên quan đảm bảo động bộ, thống nhất, rõ ràng, chặt chẽ và chính xác, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới.
          Thứ nhất, về chủ thể tiến hành xác minh, theo quy định tại khoản 4 Điều 20 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (sau đây gọi là Luật THADS), Chấp hành viên có nhiệm vụ: “Xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý vật chứng, tài sản và những việc khác liên quan đến thi hành án” Điều này có thể được xem như trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, pháp luật tố tụng dân sự bởi Luật Thi hành án dân sự cũng là một văn bản luật mang tính chất dân sự do đó cần phải phù hợp và dựa trên các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, pháp luật tố tụng dân sự. Theo quy định của pháp luật dân sự, khi thực hiện các giao dịch dân sự, các đương sự tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận với nhau, không ai có quyền ép buộc và khi xảy ra hậu quả thì các bên phải tự chịu trách nhiệm, tự chứng minh các điều kiện để khắc phục các hậu quả, thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên, không thể buộc cơ quan nhà nước phải đi chứng minh. Nghĩa vụ xác minh có hay không có tài sản thuộc về người được thi hành án phải thực hiện, họ là người cung cấp thông tin cho cơ quan thi hành án, Chấp hành viên chỉ phối hợp với các cơ quan nhà nước khác kiểm tra lại thông tin đó chính xác hay không, có hay không có tài sản trên thực tế để thực hiện kê biên bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thi hành án, chứ không có nghĩa vụ phải đi chứng minh người phải thi hành án có hay không có điều kiện thi hành án bởi khi thực hiện giao dịch dân sự người được thi hành án phải có nghĩa vụ thấy được điều kiện của người phải thi hành án khi họ thực hiện các cam kết, các hợp đồng giao dịch dân sự.

       
Tiến hành xác minh tài sản là đất đai trong thi hành án dân sự

          Thứ hai, về thời hạn tiến hành xác minh, Luật Thi hành án dân sự quy định rõ thời hạn phải tiến hành xác minh của Chấp hành viên, đối với từng trường hợp cụ thể như:  Đối với trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì tại Khoản 1 Điều 44 Luật Luật Thi hành án dân sự quy định: “Trong trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay”. Như vậy, xuất phát từ tính khẩn cấp của biện pháp áp dụng, sau khi được phân công giải quyết thì Chấp hành viên phải tiến hành xác minh ngay. Điều này thực tế được hiểu là ngay trong ngày được giao tổ chức thực hiện việc thi hành án, Chấp hành viên cần phải tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để xác minh. Nhưng việc xác minh phải tiến hành rất nhiều nhiệm vụ chuyên môn như liên hệ với ủy ban nhân dân cấp xã, với tổ trưởng tổ dân phố, với công an, hoặc cơ quan, tổ chức nơi tiến hành xác minh và việc liên hệ này phải đồng thời được thể hiện trong hồ sơ thi hành án bằng các lịch làm việc, công văn đề nghị, biên bản xác minh… mới đảm bảo không vi phạm thời hạn. Vấn đề này trên thực tế dẫn đến nhiều bất cập, gây áp lực lớn cho Chấp hành viên dẫn đến không tránh khỏi vi phạm pháp luật, đối diện với nguy cơ bồi thường cao nếu đương sự khởi kiện.
Còn đối với các trường hợp vụ việc thi hành án thông thường thì Khoản 1 Điều 44 Luật THADS quy định: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh”. Như vậy, trong 10 ngày kể từ khi hết thời hạn tự nguyện là thời gian tối đa để Chấp hành viên phải tiến hành xác minh và thời hạn này không được tính theo ngày làm việc. Điều này cung rất bất cập, bởi trong thực tế mỗi Chấp hành viên có rất nhiều việc phải thực hiện, nhất là đối với các đơn vị có số lượng việc phải thi hành án lớn thì thời hạn xác minh theo quy định trên rất khó thực hiện nên dễ dân đến vi phạm và theo quy định tại Điều 21 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì đối diện với nguy cơ bồi thường rất cao, thậm chí là cả vi phạm pháp luật hình sự.
          Thứ ba, về thẩm quyền, quyền hạn của Cơ quan thi hành án, Chấp hành viên trong xác minh, theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành thì hiện nay thẩm quyền, quyền hạn của Cơ quan thi hành án, Chấp hành viên trong xác minh tài sản là rất hạn chế, chủ yếu là phối hợp. Hay nói cách khác “tính buộc” của các văn bản của Cơ quan thi hành án, Chấp hành viên đề nghị các cơ quan, người có thẩm quyền cung cấp thông tin về tài sản, các loại giấy tờ, cung như các thông tin khác là không cao, không giống như trong việc xác minh, cung cấp thông tin đối với án hình sự bởi theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành thì việc cung cấp thông tin, xác minh tài sản là phối hợp nên các cơ quan phối hợp, đương sự họ “không bị buộc phải thực hiện” nên cung cấp, trả lời rất chậm, mất rất nhiều thời gian, thậm chí họ không trả lời mà cơ quan thi hành án, Chấp hành viên không thể “quy trách nhiệm cho họ” như trong vụ án hình sự.
           Ví dụ như trong việc cung cấp thông tin là bất động sản, đất đai, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hiện nay thực hiện rất chậm, có khi phải mất thời gian rất dài 2 -3 tháng mới cung cấp, thậm chí là không cung cấp (nếu không phối hợp tốt) vì họ cho rằng hồ sơ nhiều, không đủ người để làm. Trong trường hợp này, cơ quan thi hành án, Chấp hành viên đành phải chấp nhận mà không thể “quy trách nhiệm” cho họ vì họ chỉ có nhiệm vụ phối hợp, chứ không có nghĩa vụ buộc phải cung cấp, thực hiện trong thời gian nhất định. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan thi hành án, Chấp hành viên. Do đó, cần sửa đổi Luật Thi hành án dân sự theo hướng cụ thể, rõ ràng, nâng cao hơn về thẩm quyền của cơ quan thi hành án, Chấp hành viên, cũng như trách nhiệm của đương sự, các cơ quan có liên quan trong việc cung cấp thông tin về tài sản, giấy tờ, nguồn thu nhập và các thông tin có liên quan để bảo đảm cho hoạt động thi hành án dân sự được thuận lợi hơn; bên cạnh đó cần quy định rõ trách nhiệm bồi thường dân sự hoặc trách nhiệm hình sự đối với việc cung cấp thông tin không đúng…
           Thứ tư, về xác minh điều kiện thi hành án, trên cơ sở các quy định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành và thực tiễn thì hiện nay có rất nhiều vướng mắc:
          Theo quy định tại Điều 44 Luật Thi hành án dân sự và khoản 1 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Khi tiến hành xác minh, chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án,… Chấp hành viên phải nêu rõ trong việc đương sự kê khai hoặc không kê khai tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án”. Thực tế tổ chức thi hành án thì phát sinh một số khó khăn, vướng mắc như: Khi xác minh nhất thiết trong mọi trường hợp Chấp hành viên phải gặp được người phải thi hành án mới lập được biên bản xác minh; chờ việc kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án từ người phải thi hành án nhiều khi là một quy định mang tính hình thức, thực tiễn thi hành hầu như không thực hiện được, người phải thi hành án đa số thường không hợp tác với Chấp hành viên, trốn tránh trách nhiệm.
           Trong phối hợp cung cấp thông tin của các tố chức tín dụng, ngân hàng: Trường hợp xác minh tiền trong tài khoản ngân hàng của người phải thi hành án. Thực tế, Ngân hàng và các tổ chức tín dụng luôn bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình theo quy định. Vì vậy, không ít trường hợp khách hàng là người phải thi hành án chuyển hoặc rút hết tiền trong tài khoản khi biết Chấp hành viên xác minh hoặc áp dụng các biện pháp bảo đảm hoặc cưỡng chế.
           Trường hợp xác minh điều kiện thi hành án đối với tài sản là bất động sản thì cơ quan thi hành án gặp rất nhiều khó khăn khi yêu cầu cung cấp thông tin địa chính đối với cơ quan quản lý về đất đai; cung cấp hồ sơ vay, thế chấp tài sản đối với Ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Kết quả xác minh phụ thuộc chủ yếu vào trình độ, kỹ năng của Chấp hành viên, nhất là những vụ việc liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, kỹ thuật và công nghệ cao. Trong khi đó, am hiểu các lĩnh vực chuyên môn của Chấp hành viên là chưa thể đáp ứng yêu cầu như: xác minh vốn trong doanh nghiệp, các tài sản là các thiết bị, khoa học,… Mặc dù Luật THADS có quy định thuê chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh nhưng thực tế thuê chuyên gia hết sức khó khăn, vướng mắcvề cơ chế và kinh phí hiện nay cũng rất hạn chế. Bên cạnh đó, hiện nay các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất yêu cầu nộp phí khai thác thông tin liên quan đến đất đai, tuy nhiên Luật không quy định nguồn kinh phí này dẫn đến ảnh hưởng rất lớn trong việc xác minh tài sản là bất động sản.
          Mặc khác, hiện nay các bước, quy trình, thủ tục trong xác minh rất phức tạp, nếu Chấp hành viên không giỏi nghiệp vụ, không am hiểu tường tận quy trình, thủ tục xác minh rất dễ dẫn đến nhưng hậu quả pháp lý, dẫn đến vi phạm, bồi thường và thậm chí là cả trách nhiệm hình sự: Chấp hành viên phải xác định mục đích, yêu cầu xác minh để làm gì? Để phân loại hồ sơ hay để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản hay ủy thác về THA? Thành phần tham gia xác minh mỗi thành phần có chức năng và vai trò riêng, không thể thay thế và đại diện cho các thành phần khác, nếu Chấp hành viên bỏ sót thành phần việc xác minh xem như không phù hợp, vi phạm. Xác định rõ địa điểm cần xác minh cho phù hợp với đối tượng xác minh; Nội dung cần xác minh là gì? Là nhân thân hay điều kiện sinh song hay điều kiện tài sản;…
           Nói chung để thực hiện xác minh một vụ việc trong thi hành án dân sự trên thực tế rất phức tạp, trải qua rất nhiều bước, rất nhiều quy trình, thủ tục, rất nhiều thành phần tham gia và phải phối hợp với rất nhiều cơ quan, tổ chức liên quan nhưng hiện nay Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành đang có rất nhiều quy định vướng mắc, chồng chéo, không đầy đủ, làm giải hiêu lực, hiệu quả gây ra không ít khó khăn cho công tác thi hành án. Do đó, Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp, qua tổng kết cần sớm tham mưu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm sửa đổi, bổ sung, ban hành Luật Thi hành án dân sự mới thay thế Luật Thi hành án dân sự hiện nay; xây dựng mối quan hệ phối hợp rõ ràng, chặt chẽ; đảm bảo cho các bản án, quyết định của Tòa án được thực thi trên thực tế, đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân được  pháp luật bảo vệ; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và đảm bảo nâng cao hiệu quả  công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới./.


Theo Đào Trọng Giáp - Cục trưởng Cục THADS tỉnh Gia Lai

Các tin đã đưa ngày: