Tọa đàm có sự tham gia của 20 điểm cầu tại trụ sở Bộ Tư pháp và tại 19 Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố (An Giang, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Đăk Lắc, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Long An, Nghệ An, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, Vũng Tàu, Cần Thơ). Tại điểm cầu Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự chủ trì Tọa đàm, tham dự buổi Tọa đàm còn có đại diện Lãnh đạo Vụ 11- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; đại diện Vụ Pháp chế và quản lý khoa học - Tòa án nhân dân tối cao; Vụ Giám đốc kiểm tra 2 - Tòa án nhân dân tối cao; Cục Thi hành án - Bộ Quốc phòng và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Thanh tra Bộ; Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm; Cục Bổ trợ tư pháp; Vụ Pháp luật hình sự - hành chính; Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Học viện tư pháp). Tại điểm cầu các Cục THADS, thành phần bao gồm: Lãnh đạo Cục THADS, Lãnh đạo Chi cục thủ phủ và một số Chi cục khác; Lãnh đạo phòng nghiệp vụ và tổ chức thi hành án; Lãnh đạoPhòng kiểm tra và giải quyết khiếu nại; Hội đồng Chấp hành viên của Cục và đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Sơn cho biết, ngày 25/11/2014, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2015. Trên cơ sở đó, năm 2015, 2016 là năm hoàn thiện cơ bản thể chế về thi hành án dân sự. Việc ban hành Luật, Nghị định và các Thông tư liên tịch, Thông tư đã tạo ra hệ thống pháp luật thi hành án cơ bản đồng bộ, từ chức năng, nhiệm vụ; cơ cấu tổ chức bộ máy; trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án…, tạo điều kiện rất thuận lợi để các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sau hơn một năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự (Luật) và các văn bản hướng dẫn thi hành, thông qua quá trình chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn nghiệp vụ, giải quyết khiếu nại, tố cáo; các cơ quan thi hành án dân sự địa phương phản ánh cho thấy: Một số nội dung của Luật chưa cụ thể, chưa phù hợp với thực tế, thiếu thống nhất với các lĩnh vực pháp luật có liên quan, chưa có sự điều chỉnh kịp thời những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn thi hành án dân sự.
Việc giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình áp dụng Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành có ý nghĩa rất quan trọng và là việc làm cấp bách. Đó sẽ là cơ sở, là căn cứ để các cơ quan thi hành án dân sự áp dụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Tuy nhiên, do thi hành án dân sự là một hoạt động đặc thù, có liên quan đến nhiều các quy định của pháp luật như về dân sự, về công chứng, đăng ký giao dịch, về xử lý tài sản (đặc biệt là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất)… Bên cạnh đó, việc Tổng cục xây dựng Công văn hướng dẫn chung cũng là vấn đề rất nhạy cảm vì ranh giới giữa việc “hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật” với “các hướng dẫn có tính quy phạm pháp luật” là rất mong manh…
Tại Tọa đàm, các đại biểu tại cả 20 điểm cầu đã đóng góp rất nhiều ý kiến góp ý đối với Dự thảo Công văn hướng dẫn nghiệp vụ với 15 nhóm vấn đề do Tổng cục dự thảo. Tọa đàm cũng là cơ hội để các cơ quan thi hành án dân sự phát biểu thêm về những khó khăn, vướng mắc mà các địa phương gặp phải trong quá trình áp dụng Luật thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng chí Lê Thị Kim Dung - Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, và đồng chí Nguyễn Văn Tuấn - Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 2 đã phát biểu giải trình đối với một số ý kiến của các đại biểu.
Kết thúc Tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Sơn đã đánh giá cao ý nghĩa và chất lượng của buổi Tọa đàm. Đồng thời ghi nhận, gửi lời cảm ơn và hứa sẽ nghiên cứu những ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện Dự thảo Công văn hướng dẫn của Tổng cục Thi hành án dân sự, trên cơ sở đó, góp phần giải quyết vấn đề trước mắt đối với những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan Thi hành án dân sự.