Sign In

Thi hành án đối với các khoản thu ngân sách Nhà nước: Kịp thời rà soát, phân loại án

20/05/2019

Hiện nay, việc thi hành án đối với các khoản thu ngân sách nhà nước gặp một số khó khăn do đương sự không đủ điều kiện nộp án phí cũng như vướng mắc giữa các quy định của pháp luật. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến án tồn đọng, kéo dài.
Ông Nguyễn Thành Bắc, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP Bắc Giang cho biết: “Khi chúng tôi xác minh đối tượng phải thi hành các khoản thu nộp ngân sách nhà nước, phần lớn đương sự thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, nhiều tiền án, tiền sự. Tuy nhiên, họ lại có tài sản duy nhất là nhà đất hoặc nhà được xây dựng trên đất của bố mẹ nên thuộc diện án có điều kiện thi hành trong khi thực tế không có khả năng trả án phí”. Ngoài ra, nhiều trường hợp đương sự bỏ đi sinh sống ở nơi khác, cơ quan chức năng không xác định được địa chỉ cư trú mới nên khó đôn đốc và miễn, giảm thi hành án.
 
 
Chấp hành viên Nguyễn Thị Liên,  Chi cục Thi hành án dân sự TP Bắc Giang hướng dẫn thân nhân của đương sự thực hiện thủ tục nộp án phí.
 
Gia đình bà Nguyễn Thị Gái ở phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) là một trong số trường hợp trên. Bà Gái có hai người con trai là Dương Ngọc Kỳ (SN 1972) và Dương Ngọc Khôi (SN 1974) đang phải chấp hành án phạt tù. Bốn lần phạm tội đánh bạc, anh Kỳ phải thi hành khoản án phí 6,2 triệu đồng.
Đầu năm 2019, Khôi phải thi hành 7 năm 6 tháng tù vì tội cố ý gây thương tích, án phí là 400 nghìn đồng nhưng đến nay vẫn chưa thể nộp cho cơ quan thi hành án. Trong căn nhà ẩm thấp, chật chội, bà Nguyễn Thị Gái buồn rầu: “Gia đình tôi thuộc diện cận nghèo, hai con trai vào tù, tổng số tiền án phí gần 7 triệu đồng. Dù biết ảnh hưởng đến tiến độ làm việc của cơ quan chức năng nhưng gia đình chưa lo được tiền để nộp”.
Ở Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lục Nam, 6 tháng đầu năm 2019, đơn vị phải thi hành 560 việc có điều kiện, tương ứng với số tiền hơn 2,4 tỷ đồng thu cho ngân sách nhà nước. Trong số đó, nhiều việc kéo dài hơn 10 năm vẫn chưa giải quyết xong. Điển hình như việc ly hôn của ông Đặng Văn H ở xã Tiên Hưng diễn ra từ năm 2005. Đã 14 năm nay, ông H vẫn chưa thể thi hành khoản án phí 3,2 triệu đồng.
Ông Nguyễn Duy Tập, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện giải thích thêm, qua xác minh, ông H có tài sản duy nhất là nhà đất nhưng nếu kê biên tài sản này sẽ có sự chênh lệch giá trị quá lớn với mức án phí vài triệu đồng, làm ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội. Mặt khác, gia đình ông H thuộc diện hộ nghèo, chưa nộp được 20% số tiền trong tổng số án phí phải thi hành nên chưa đủ điều kiện xét miễn, giảm. 
Không những thế, quá trình thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cũng phát sinh nhiều vướng mắc, một số quy định mâu thuẫn với Luật Thi hành án dân sự gây khó khăn cho cơ quan thi hành án.
Nghị quyết quy định: Khi xử lý tài sản của người phải thi hành án, số tiền thu được ưu tiên thanh toán nợ xấu cho ngân hàng trước, án phí sau. Nhưng thực tế, đa số các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng đều có giá trị phải thi hành án lớn, tài sản thế chấp không đủ thanh toán nghĩa vụ với ngân hàng.
Ví dụ như Công ty cổ phần SNC (Khu công nghiệp Đình Trám) phải trả Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Việt Yên hơn 122 tỷ đồng, khoản án phí với Nhà nước là hơn 57 triệu đồng. Cơ quan thi hành án kê biên nhưng số tài sản đó không đủ để xử lý nợ xấu nên khoản án phí vẫn bị bỏ ngỏ.
Để khắc phục những khó khăn đó, ngay từ đầu năm, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã giao chỉ tiêu cho các chi cục phải phấn đấu thi hành án đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước cao hơn năm 2018, lấy kết quả này để bình xét thi đua, khen thưởng. Đồng thời, Cục đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên rà soát, phân loại án, giải quyết dứt điểm các án có điều kiện thi hành. Đối với các vụ việc đủ điều kiện về thời hạn miễn, giảm thi hành án, các chấp hành viên tích cực vận động người phải thi hành án hoặc thân nhân tự nguyện chấp hành một phần nghĩa vụ để bảo đảm đủ điều kiện xét miễn, giảm.
Theo báo cáo, từ đầu năm 2019 đến nay, cơ quan thi hành án dân sự hai cấp đã phối hợp với Viện KSND cùng cấp lập 29 hồ sơ với số tiền hơn 192 triệu đồng đều đã được tòa án xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, điều này thể hiện tính nhân văn, khoan hồng của pháp luật, giảm áp lực cho ngành thi hành án dân sự.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh cũng đã kiến nghị, đề xuất với Tổng cục cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có những sửa đổi, bổ sung một số quy định sao cho sát thực tiễn. Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp thường xuyên chỉ đạo, phối hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn; chỉ đạo các ngành hữu quan, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan thi hành án dân sự khi thực thi nhiệm vụ.
Sưu tầm


Theo baobacgiang.com.vn

Các tin đã đưa ngày: