Các vụ việc thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng chiếm tỷ lệ nhỏ, tuy nhiên số tiền phải thi hành lại lớn. Thống kê năm 2022, toàn ngành phải thi hành 297 việc, tương ứng với số tiền gần 467 tỷ đồng (chiếm 2,08% về việc và 32,48% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành). Kết quả đã giải quyết 108 việc, thu hơn 129 tỷ đồng (tăng gần 48 tỷ đồng so với năm 2021).
Bà Nguyễn Thị Bích Tần, Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho: “Phần lớn tài sản thế chấp thi hành án là máy móc, công nghệ. Khi cơ quan chức năng xác minh, phối hợp thẩm định hầu hết tài sản đã xuống cấp, chênh lệch về giá, khó bán đấu giá vì người mua có tâm lý e ngại. Đối với tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền thường liên quan đến bên thứ ba (anh em, bạn bè cho mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp vay tiền ngân hàng). Khi thi hành án, người có nghĩa vụ liên quan không hợp tác, cho rằng bản án của tòa tuyên chưa rõ và yêu cầu khởi kiện lại”.
Như trường hợp Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Hồng Hải (TP Bắc Giang). Theo bản án, Công ty phải thi hành hơn 40 tỷ đồng để trả Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bắc Giang. Sau khi xác minh, cơ quan thi hành án lập danh sách tài sản thế chấp là 36 chiếc ô tô và quyền sử dụng đất của bên thứ ba. Chấp hành viên đã thông báo tập hợp các phương tiện về địa điểm theo yêu cầu để thẩm định, bán đấu giá nhưng hiện tại mới bán được 2 xe. Số còn lại vẫn rải rác ở nhiều nơi. Mới đây, Cục THADS tỉnh đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với người đại diện Công ty và đề nghị cơ quan công an khởi tố về tội không chấp hành án. Liên quan đến tài sản thế chấp của bên thứ ba, người có tài sản không hợp tác, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì cho rằng quá trình chuyển nhượng không hợp pháp. Cơ quan thi hành án đã hướng dẫn đương sự khởi kiện ra tòa.
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số vụ việc liên quan đến án phá sản và khai thác khoáng sản. Đây là loại việc mới, trước đây chưa từng xảy ra. Dẫn chứng vụ việc liên quan đến Công ty TNHH Việt Nga ở phường Đa Mai (TP Bắc Giang). Tháng 2/2022, TAND tỉnh ban hành quyết định tuyên bố doanh nghiệp này phá sản. Áp chiếu các quy định của pháp luật, việc xác định thẩm quyền thanh lý tài sản của doanh nghiệp vẫn gặp vướng mắc. Theo quyết định tuyên bố phá sản, số tiền sau khi thanh lý tài sản được ưu tiên trả bảo hiểm, nợ thuế, nợ có bảo đảm. Tuy nhiên, vấn đề chi phí phá sản có được xác định là khoản ưu tiên thanh toán không thì chưa được tòa tuyên rõ ràng nên chấp hành viên khó thực hiện.
Một trường hợp khác, Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Việt Hoàng được thực hiện dự án khai thác mỏ than nước vàng khu I tại xã Lục Sơn (Lục Nam) từ năm 2008 (thời hạn đến năm 2028). Do vay ngân hàng không có khả năng trả nên năm 2017, Công ty bị ngân hàng khởi kiện yêu cầu trả nợ hơn 38 tỷ đồng (chưa tính lãi suất). Tài sản thế chấp là quyền khai thác khoáng sản tại 4 thửa đất. Những vướng mắc trong vụ việc này là chưa xác định được thẩm quyền bán đấu giá, chưa tìm được đối tác chuyển nhượng và khó thống nhất về giá. Cục THADS tỉnh đang chờ hướng dẫn để giải quyết đúng theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Tân Yên cho biết thêm, về cơ bản, việc xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng thông qua cơ quan thi hành án khá phức tạp do các bên không thể tự giải quyết, nguồn gốc tài sản không rõ ràng, dự kiến kéo dài thời gian. Vì thế, ngay khi nhận được bản án của tòa án, đơn vị nhanh chóng phân công chấp hành viên thực hiện, tuân thủ trình tự, thủ tục trong xác minh điều kiện thi hành, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản. Xuyên suốt các khâu, chấp hành viên quan tâm giải thích, vận động, tuyên truyền đương sự tự nguyện thi hành án, cưỡng chế chỉ là giải pháp cuối cùng.
Ngày 13/1/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS đối với các bản án, quyết định kinh doanh, thương mại giai đoạn 2023 - 2028. Bám sát hướng dẫn mới nhất, toàn ngành tiếp tục duy trì phương châm công bằng, minh bạch. Khi xử lý tài sản, chấp hành viên đều thông báo cho chủ sở hữu, người liên quan; giải thích rõ quyền, nghĩa vụ, hậu quả của việc xử lý tài sản nhằm hạn chế khiếu nại, tố cáo về sau. Các tổ chức tín dụng, ngân hàng cần thẩm định chặt chẽ hồ sơ vay vốn, tăng cường giám sát hoạt động cho vay, trước, trong và sau đầu tư. Khi nhận tài sản thế chấp của bên thứ ba, phía ngân hàng giải thích rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm bên thứ ba phải chịu khi phía doanh nghiệp không có khả năng trả nợ để hạn chế tranh chấp, vướng mắc trong quá trình thi hành án.
Sưu tầm
Theo baobacgiang.com.vn