Sign In

Tỉnh ủy Bắc Kạn ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh

27/11/2015

          Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới, ngày 11/11/2015, Ban Thường vụ tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Chỉ thị số 01-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự
           Trong thời gian qua công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã đạt được một số kết quả tích cực góp phần quan trọng trong việc ổn định tình hình an ninh chính trị, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.. Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền chưa thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác này; hoạt động phối hợp giải quyết một số vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài chưa chặt chẽ; công tác kiểm tra, giám sát có lúc chưa sâu sát, còn xảy ra tình trạng vi phạm quy định về trình tự, thủ tục thi hành án; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác thi hành án chưa được thường xuyên.
           Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới, Ban Thường vụ tỉnh ủy yêu cầu:
          1. Cấp ủy, chính quyền các cấp chủ động lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự ở hai cấp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Xác định rõ công tác thi hành án dân sự là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, gắn với việc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự ở từng địa phương, đơn vị.
          2. Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, các huyện, thành ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cùng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự hai cấp; tăng cường phối hợp giữa các đơn vị có liên quan với cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, nhất là đối với các vụ việc phải tổ chức cưỡng chế, các vụ việc phức tạp, kéo dài. Quan tâm chỉ đạo hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho cơ quan thi hành án dân sự các cấp trên địa bàn tỉnh.
          Chỉ đạo Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật hai cấp làm tốt công tác tuyên truyền về công tác thi hành án dân sự đến cán bộ, đảng viên, công chức viên chức và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với công tác thi hành án dân sự, đảm bảo tất cả các bạn án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành kịp thời, đúng quy định.
          3. Cơ quan thi hành án dân sự hai cấp cần làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, trực tiếp là Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cùng cấp tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả kế hoạch công tác thi hành án dân sự hàng năm; thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thi hành các bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, các vụ việc có điều kiện thi hành. Việc quản lý, sử dụng tiền thu được qua hoạt động thi hành án phải thực hiện đúng quy định của pháp luật; Tăng cường biện pháp giáo dục thuyết phục các tổ chức, cá nhân tự nguyện thi hành án; kiên quyết tổ chức cưỡng chế đối với những đối tượng cố tình trốn tránh, chống đối việc thi hành án.
          Đối với các vụ, việc có số tiền thi hành án lớn, có yếu tố nước ngoài; các vụ, việc phức tạp có ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội... Cơ quan thi hành án dân sự phải chủ động báo cáo với cấp ủy địa phương để chỉ đạo thực hiện; đối với các vụ việc cần tổ chức cưỡng chế, trước khi thực hiện phải báo cáo cấp ủy cùng cấp, đồng thời làm tốt công tác chuẩn bị về lực lượng, phương tiện tiến hành theo đúng quy định của pháp luật.
          Làm tốt công tác quản lý, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan thi hành án dân sự có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới. Tiếp nhận, giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo; Tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ quan thi hành án dân sự các cấp. Chủ động phối hợp với tòa án cùng cấp, kịp thời có kiến nghị đối với các bản án tuyên không rõ ràng để tổ chức thi hành đúng quy định.
          4. Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tăng cường hoạt động giám sát đối với công tác thi hành án dân sự, nhất là việc thực hiện kiến nghị sau giám sát nhằm kịp thời chấn chỉnh, xử lý và khắc phục các sai phạm, tạo sự chuyển biến căn bản công tác thi hành án dân sự ở địa phương. Chú trọng giám sát việc chấp hành pháp luật của lực lượng chấp hành viên, công chức cơ quan thi hành án dân sự và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự.
          5. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ thực hiện các biện pháp thi hành án và cung cấp thông tin, tài liệu kịp thời khi có yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự, đảm bảo các quyết định của cơ quan thi hành án dân sự được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Gắn kết quả thực hiện công tác thi hành án dân sự là một tiêu chí để đánh giá thi đua hàng năm của các cấp ủy, chính quyền và cơ quan thi hành án dân sự các cấp.
          Ban Thường vụ tỉnh ủy giao Ban Nội chính tỉnh ủy theo dõi việc triển khai và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo kết quả với Ban Thường vụ tỉnh ủy./.

Các tin đã đưa ngày: