ham dự buổi Tọa đàm, về phía Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) có đồng chí Nguyễn Văn Lực - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, đồng chí Hoàng Thế Anh - Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 3 và đại diện các đơn vị có liên quan thuộc Tổng cục THADS. Về phía dự án JICA có ông Onishi Hiromichi - chuyên gia dài hạn của Dự án JICA tại Việt Nam và các chuyên gia của Dự án. Về phía các cơ quan Trung ương có đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và một số đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp. Về phía các cơ quan THADS địa phương đại diện lãnh đạo Cục, phòng chuyên môn và Chi cục thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh: Nghệ An, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thanh Hóa.
|
|
Phát biểu khai mạc, đồng chí Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Lực khẳng định thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, quy định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành án hành chính. Trên cơ sở kết quả tổng kết thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật Tố tụng hành chính năm 2015, trong đó dành riêng một chương quy định thủ tục thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Sau 08 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP đã tạo hành lang pháp lý quan trọng đưa các mặt công tác về thi hành án hành chính, theo dõi thi hành án hành chính từng bước đi vào nền nếp, đạt được những kết quả nhất định từ công tác quản lý nhà nước đến sự chuyển biến trong kết quả thi hành án hành chính, qua đó góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, công dân, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ trong bộ máy hành chính nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 71/2016/NĐ-CP vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc, bất cập nhất định. Vì vậy, để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này, việc nghiên cứu thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về thi hành án hành chính, nhận diện các khó khăn, vướng mắc, bất cập nhằm đề xuất, kiến nghị hoàn thiện là hết sức cần thiết.
|
|
Thay mặt Lãnh đạo Tổng cục, đồng chí Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Lực đề nghị đề nghị các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm tích cực chia sẻ, thảo luận về những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật về thi hành án hành chính tại Việt Nam, xác định các nguyên nhân từ thể chế, từ thực tiễn, đồng thời nghiên cứu, tiếp thu các kinh nghiệm từ các chuyên gia của Chính phủ Nhật Bản. Từ đó, xem xét, kiến nghị, đề xuất những giải pháp để góp phần hoàn thiện pháp luật về thi hành án hành chính của Việt Nam.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã được nghe tham luận của đại diện Vụ 11 - Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tham luận của Vụ Nghiệp vụ 3 Tổng cục THADS, tham luận của một số Cục THADS đang có nhiều bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật như Cục THADS thành phố Hà Nội, Cục THADS, Thành phố Hồ Chí Minh và ý kiến chia sẻ kinh nghiệm trong việc tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong công tác tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về thi hành án hành chính và tổ chức thi hành các bản án hành chính của đồng chí Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An. Đặc biệt, các đại biểu đã được nghe các ý kiến chia sẻ kinh nghiệm của chuyên gia Nhật Bản và nhiều ý kiến phát biểu mang tính trao đổi, thảo luận rất chất lượng của các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm.
|
|
Tại buổi Tọa đàm, các ý kiến phát biểu đã tập trung vào các vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành các quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án ở Việt Nam, từ đó đưa ra các kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật về thi hành án hành chính. Với các kinh nghiệm hay từ Nhật Bản và các ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu, buổi Tọa đàm đã gợi mở nhiều giải pháp, định hướng để đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thi hành án hành chính và theo dõi thi hành án hành chính trong thời gian tới./.
Theo Cổng TTĐT Tổng cục THADS