Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, nhận thức pháp luật của người dân cũng ngày càng được nâng cao nên thời gian gần đây việc đương sự yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng ngày càng nhiều. Về nguyên tắc, các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) phải có trách nhiệm tổ chức thi hành ngay các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tổ chức thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vẫn còn có những cách hiểu khác nhau, chưa thống nhất, còn vướng mắc nên cần có sự tổng hợp, khái quát lại để Chấp hành viên có được góc nhìn tổng quan về lý luận và thực tiễn thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật về THADS cũng như một số vấn đề cần lưu ý để hạn chế những vi phạm, thiếu sót khi thi hành quyết định này.
1. Một số vấn đề chung về biện pháp khẩn cấp tạm thời
a) Khái niệm về biện pháp khẩn cấp tạm thời
Trong quá trình giải quyết vụ án, Toà án có thể ra quyết định áp dụng một hoặc nhiều biện pháp cần thiết để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc thi hành án. Nếu không áp dụng các biện pháp này có thể dẫn đến những khó khăn, trở ngại cho việc giải quyết đúng đắn vụ án và quá trình thi hành án.
Biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự 2015 là chế định quan trọng, tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Mặt khác, nhiều Luật khác còn quy định những biện pháp khẩn cấp tạm thời đặc biệt như: Luật Phá sản, Luật Cạnh tranh, Luật Trọng tài thương mại hoặc Bộ luật hình sự quy định biện pháp cưỡng chế hình sự, biện pháp tư pháp. Bộ luật tố tụng dân sự 2015 dành một chương riêng (Chương VIII, từ Điều 111 đến Điều 142) để quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời; tuy nhiên, chưa có điều luật cụ thể nào nêu lên khái niệm về biện pháp khẩn cấp tạm thời. Căn cứ vào các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự cho thấy, về bản chất, biện pháp khẩn cấp tạm thời là công cụ mà các bên tranh chấp được sử dụng để bảo vệ các quyền và lợi ích của mình một cách tạm thời cho đến khi vụ án được giải quyết xong; có thể được áp dụng để hạn chế hoặc buộc các bên tranh chấp hoặc bên thứ ba thực hiện một hành vi nhất định nhằm giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, thu thập chứng cứ kịp thời, giữ nguyên hiện trạng, tránh những thiệt hại không thể khắc phục hoặc bảo đảm khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ trong tranh chấp.
Từ đó, có thể hiểu một cách chung nhất rằng:
“Biện pháp khẩn cấp tạm thời là biện pháp được Toà án áp dụng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ bằng chứng, bảo toàn tài sản, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án.”
b) Đặc điểm, ý nghĩa của biện pháp khẩn cấp tạm thời
*) Đặc điểm:
So với các biện pháp khác được Toà án áp dụng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự thì các biện pháp khẩn cấp tạm thời có những điểm khác biệt cụ thể, nổi bật đó là tính khẩn cấp và tính tạm thời:
- Tính khẩn cấp của các biện pháp khẩn cấp tạm thời được thể hiện ở chỗ: Toà án phải ra quyết định áp dụng ngay và quyết định này được thực hiện ngay sau khi Toà án ra quyết định áp dụng, nếu không sẽ mất hết ý nghĩa, tác dụng.
- Tính tạm thời được thể hiện ở chỗ: việc áp dụng các biện pháp này sẽ không giải quyết được triệt để vấn đề mà các đương sự đang gặp phải. Các biện pháp này được áp dụng để tạm thời giải quyết yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án. Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chưa phải là quyết định cuối cùng về giải quyết vụ việc dân sự, nếu lý do của việc áp dụng không còn nữa thì Tòa án có thể hủy bỏ quyết định này.
*) Ý nghĩa:
- Việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời với mục đích giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tình trạng tài sản, bảo vệ bằng chứng hoặc bảo đảm việc thi hành án. Do đó, việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ kịp thời các quyền và lợi ích hợp pháp và nhu cầu cấp bách của đương sự.
- Do những xung đột về lợi ích nên có những vụ việc đương sự đã tẩu tán tài sản, hảy loại chứng cứ, gây khó khăn trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ, đồng thời tạo ra những khó khăn nhất định trong việc giải quyết vụ án của Toà án. Vì thế, việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp này góp phần ngăn chặn các hành vi sai trái, bảo vệ bằng chứng, giữ nguyên được giá trị chứng minh của chứng cứ, giúp cho việc giải quyết vụ việc dân sự được chính xác.
c) Các biện pháp khẩn cấp tạm thời
*) Các biện pháp khẩn cấp tạm thời do Tòa án áp dụng:
Theo quy định tại Điều 114 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự bao gồm 16 biện pháp cụ thể và các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà luật có quy định:
1. Giao người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.
2. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng.
3. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm.
4. Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí cứu chữa tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
5. Tạm đình chỉ thi hành quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, quyết định sa thải người lao động.
6. Kê biên tài sản đang tranh chấp.
7. Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
8. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp.
9. Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác.
10. Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ.
11. Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ.
12. Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định.
13. Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ.
14. Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình.
15. Tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu.
16. Bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án.
17. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà luật có quy định.
Trên thực tế tổ chức thi hành các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho thấy, các biện pháp thường được Tòa án áp dụng và cơ quan THADS tổ chức thi hành là: (1) buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng; (2) buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm; (3) kê biên tài sản đang tranh chấp; (4) cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; (5) cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; (6) phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước, phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ; (7) phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ; (8) cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định.
*) Các biện pháp khẩn cấp tạm thời do Hội đồng trọng tài áp dụng
Ngoài các biện pháp khẩn cấp tạm thời do Tòa án quyết định áp dụng như phân tích trên, theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Trọng tài thương mại 2010:
“Các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài, Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Luật này và các quy định của pháp luật có liên quan, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác” thì Hội đồng trọng tài cũng có quyền áp dụng một số biện pháp khẩn cấp tạm thời (06 biện pháp được quy định tại
Điều 49 Luật Trọng tài thương mại 2010), cụ thể như sau:
- Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp;
- Cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài;
- Kê biên tài sản đang tranh chấp;
- Yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một hoặc các bên tranh chấp;
- Yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên;
- Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
d) Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Điều 111 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định cụ thể về quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau:
- Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
- Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này
đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó.
- Tòa án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp quy định tại Điều 135 của Bộ luật này. Điều 135 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:
“Tòa án tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 114 của Bộ luật này trong trường hợp đương sự không yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.”
e) Hiệu lực của quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 139 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì
“Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án có hiệu lực thi hành ngay”. Tòa án phải cấp hoặc gửi quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay sau khi ra quyết định cho người có yêu cầu, người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, cơ quan THADS có thẩm quyền và Viện kiểm sát cùng cấp.
2. Thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật về THADS
a) Các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được tổ chức thi hành:
Như trên đã phân tích, các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể do cơ quan Tòa án áp dụng (theo quy định tại Điều 114 Bộ luật tố tụng dân sự 2015) hoặc do Hội đồng trọng tài áp dụng (theo quy định tại Điều 49 Luật Trọng tài thương mại 2010). Tại khoản 1 Điều 142 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:
“Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời được thi hành theo quy định pháp luật về THADS” và khoản 5 Điều 51 Luật Trọng tài thương mại 2010 cũng quy định:
“Việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài được thực hiện theo quy định của pháp luật về THADS”. Do đó, căn cứ quy định tại Điều 2 Luật THADS thì các quyết định biện pháp khẩn cấp tạm thời do Tòa án hoặc Hội đồng trọng tài áp dụng sẽ được cơ quan THADS tổ chức thi hành. Đồng thời, để đảm bảo hiệu lực của quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tại khoản 2 Điều 2 Luật THADS cũng đã quy định: quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị.
Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án thường chiếm số lượng lớn và thường các cơ quan THADS cũng chủ yếu tổ chức thi hành các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án, còn các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài thường chiếm số lượng rất ít, nếu có chủ yếu chỉ tập trung tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương khác gần như không có.
b) Thủ tục nhận quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Theo quy định tại Điều 28 Luật THADS thì “
Tòa án, Trọng tài thương mại đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chuyển giao quyết định đó cho cơ quan THADS có thẩm quyền ngay sau khi ra quyết định”
. Ngay sau khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cơ quan THADS phải thực hiện các công việc sau: (i) Vào sổ nhận bản án, quyết định; (ii) Ghi rõ số thứ tự; ngày, tháng, năm nhận quyết định; số, ngày, tháng, năm của quyết định; tên của Tòa án, Trọng tài thương mại đã ra quyết định; tên, địa chỉ của đương sự và các tài liệu khác có liên quan; (iii) Ký vào sổ giao nhận nếu giao trực tiếp; gửi thông báo bằng văn bản cho Tòa án, Trọng tài thương mại đã chuyển giao biết nếu quyết định và tài liệu có liên quan được chuyển bằng đường bưu điện.
c) Ra quyết định thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
- Về thẩm quyền: Thẩm quyền thi hành của cơ quan thi hành án đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng tương tự như đối với thẩm quyền thi hành của các bản án, quyết định khác của Tòa án và Trọng tài thương mại (Hội đồng trọng tài). Do đó, khi nhận được Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do Tòa án chuyển giao, cơ quan THADS cần căn cứ quy định tại Điều 35 Luật THADS để xác định thẩm quyền tổ chức thi hành.
- Loại quyết định thi hành án: Theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật THADS, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là loại việc thuộc diện Thủ trưởng cơ quan THADS chủ động ra quyết định thi hành án.
- Về thời hạn ra quyết định thi hành án: Đồng thời, tại khoản 2 Điều 36 Luật THADS cũng quy định: Đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải ra ngay quyết định thi hành án. Như vậy, khác với các quyết định thi hành án chủ động khác (trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định, cơ quan thi hành án dân ra phải ra quyết định thi hành án), cơ quan THADS phải “ra ngay” quyết định thi hành án khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
- Soạn thảo quyết định thi hành án: Sử dụng biểu mẫu B01-THADS hoặc C01-THADS (Quyết định thi hành án chủ động) ban hành kèm theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP để soạn thảo quyết định thi hành án khi thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Khi ghi các nội dung vào quyết định thi hành án theo mẫu số B01-THADS hoặc C01-THADS, cần lưu ý một số vấn đề sau:
(i) Phần tên cơ quan ban hành: Khi soạn thảo phần này, cần áp dụng Thông tư 01/2011/TT-BNV hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính để thực hiện.
(ii) Phần địa danh và ngày, tháng năm ban hành quyết định: Ghi địa danh theo đơn vị hành chính nơi cơ quan THADS đóng trụ sở và ngày, tháng, năm là ngày ra quyết định thi hành án.
(iii) Phần căn cứ ra quyết định: Cơ quan thi hành án không căn cứ “Điều 45 Luật THADS” và ở phần quyết định không ghi nội dung “Người phải thi hành án có trách nhiệm tự nguyện thi hành án trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hoặc được thông báo hợp lệ Quyết định này” do loại quyết định này cần phải được thi hành ngay.
(iv) Phần nội dung quyết định: Cơ quan THADS tự soạn thảo Điều 1 theo nội dung Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời còn các điều khác tuân thủ theo đúng biểu mẫu. Khi soạn thảo Điều 1, cơ quan THADS cần lưu ý: đối với nội dung “Cho thi hành án đối với: … Địa chỉ:…”, cơ quan thi hành án cần xác định một cách cụ thể đối tượng phải thi hành án ở đây là
người phải thi hành án chứ không phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án. Quyết định thi hành án sau khi được soạn thảo phải được người có thẩm quyền ký và ghi rõ họ tên, chức vụ của người ký và phải được lấy số, ngày, tháng, năm và đóng dấu cơ quan THADS để ban hành.
d) Tổ chức thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Sau khi ra Quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan THADS phải phân công ngay Chấp hành viên để kịp thời tổ chức thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án. Trình tự, thủ tục thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định từ Điều 130 đến Điều 133 Luật THADS, đồng thời được hướng dẫn bởi Điều 35 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 33/2020/NĐ-CP). Cụ thể như sau:
- Thủ tục thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời:
Khoản 1 Điều 130 Luật THADS quy định trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định thi hành án, Chấp hành viên phải áp dụng ngay các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế phù hợp, tương ứng với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án. Cụ thể:
+ Đối với biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định; giao người chưa thành niên cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; tạm đình chỉ quyết định sa thải người lao động, Chấp hành viên sẽ lựa chọn áp dụng một trong các biện pháp cưỡng chế sau đây:
(i) Cưỡng chế thi hành nghĩa vụ buộc thực hiện công việc nhất định (Điều 118);
(ii) Cưỡng chế thi hành nghĩa vụ không được thực hiện công việc nhất định (Điều 119);
(iii) Cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định (Điều 120);
(iv) Cưỡng chế buộc nhận người lao động trở lại làm việc (Điều 121).
+ Đối với biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc thực hiện một phần nghĩa vụ cấp dưỡng; buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm; buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động, Chấp hành viên sẽ lựa chọn áp dụng một hoặc một số biện pháp cưỡng chế trong các biện pháp cưỡng chế sau đây:
(i) Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án (khoản 1 Điều 71);
(ii) Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án (khoản 2 Điều 71);
(iii) Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ (khoản 3 Điều 71);
(iv) Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ (khoản 5 Điều 71).
+ Đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản đang tranh chấp, Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế được quy định tại Điều 75 Luật THADS.
+ Đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ; phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ, Chấp hành viên lựa chọn áp dụng một trong các biện pháp bảo đảm sau:
(i) Phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ (Điều 67);
(ii) Tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự (Điều 68);
(ii) Tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản (Điều 69).
+ Đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm hàng hoá khác, Chấp hành viên tiến hành như sau:
(i) Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ (khoản 3 Điều 71);
(ii) Định giá tài sản kê biên, định giá lại tài sản kê biên, giao tài sản kê biên để thi hành án và bán tài sản kê biên (Điều 98, 99, 100 và Điều 101).
- Ủy thác thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời:
Khoản 2 Điều 130 Luật THADS quy định: Trường hợp người phải thi hành án cư trú hoặc có tài sản ở địa phương khác thì tùy từng trường hợp cụ thể, Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định ủy thác cho cơ quan THADS nơi người đó cư trú hoặc nơi có tài sản tổ chức thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tuy nhiên, khi ủy thác quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cần phải tuân theo quy định nhất định.
Theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 33/2020/NĐ-CP) thì cơ quan THADS tiến hành việc ủy thác thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo nguyên tắc sau đây:
+
Thứ nhất, Thủ trưởng cơ quan THADS chỉ được ủy thác cho cơ quan THADS nơi người phải thi hành án cư trú hoặc có tài sản đối với các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sau đây khi người phải thi hành án cư trú hoặc có tài sản ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác:
(i) Cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định; giao người chưa thành niên cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; tạm đình chỉ quyết định sa thải người lao động;
(ii) Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng; buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm; buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động;
(iii) Kê biên tài sản đang tranh chấp;
(iv) Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm hàng hóa khác.
Như vậy, trong rất nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng, cơ quan thi hành án chỉ được ủy thác thi hành án cho đối với 04 nhóm biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm giảm bớt các chi phí mà không làm mất đi tính khẩn cấp của quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Ngoài những trường hợp nêu trên, cơ quan THADS khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải tổ chức thi hành án ngay theo quy định tại khoản 1 Điều 130 Luật THADS.
+ Thứ hai, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Thủ trưởng cơ quan THADS phải xem xét việc ra quyết định thi hành án hay thực hiện ủy thác cho cơ quan THADS nơi người phải thi hành án cư trú hoặc có tài sản để tổ chức thi hành. Như vậy, trong vòng 24 giờ, cơ quan THADS phải ủy thác thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thẳng đến cơ quan THADS có điều kiện thi hành nếu có căn cứ ủy thác theo luật định.
+ Thứ ba, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được quyết định ủy thác, Thủ trưởng cơ quan THADS nhận ủy thác phải ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên áp dụng ngay các biện pháp theo quy định tại Điều 130 Luật THADS để tổ chức thi hành.
- Thi hành quyết định thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời:
Theo quy định tại Điều 131 Luật THADS thì trường hợp nhận được quyết định thay đổi hoặc áp dụng bổ sung quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án, Thủ trưởng cơ quan THADS ra ngay quyết định thi hành án, đồng thời thu hồi quyết định thi hành án đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã bị thay đổi.
Trường hợp quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã bị thay đổi đã thi hành được một phần hoặc đã thi hành xong thì Thủ trưởng cơ quan THADS thông báo cho Tòa án và giải thích cho đương sự quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời:
Theo quy định tại Điều 132 Luật THADS thì trường hợp Tòa án hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì ngay sau khi nhận được quyết định của Tòa án, Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi có quyết định đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Chấp hành viên làm thủ tục giải tỏa kê biên, trả lại tài sản, giải tỏa việc phong tỏa tài sản hoặc tài khoản của người có nghĩa vụ.
Trường hợp quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bị Tòa án hủy bỏ, nhưng cơ quan THADS đã thi hành được một phần hoặc thi hành xong thì việc giải quyết quyền lợi của đương sự được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 131 Luật THADS (Thủ trưởng cơ quan THADS thông báo cho Tòa án và giải thích cho đương sự quyền yêu cầu Tòa án giải quyết).
- Chi phí thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời:
Chi phí thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án được quy định tại Điều 133 Luật THADS, cụ thể như sau:
+
Thứ nhất, đối với trường hợp đương sự yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Trường hợp người yêu cầu Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đúng thì chi phí thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được tạm ứng từ ngân sách nhà nước và thực hiện theo quy định tại Điều 73 Luật THADS. Trường hợp người yêu cầu Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thì người đó phải thanh toán các chi phí thực tế do việc thi hành quyết định đó. Khoản tiền đặt trước được đối trừ, tài sản bảo đảm bị xử lý để thanh toán nghĩa vụ.
+
Thứ hai, đối với trường hợp Tòa án tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì chi phí thi hành án được thanh toán từ ngân sách nhà nước (Để xác định được chi phí thi hành án khi thi hành quyết định ADBPKCTT của Tòa án, Chấp hành viên cần căn cứ vào khoản 3 Điều 111, Điều 135, khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 để xác định quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nào do Tòa án tự áp dụng).
3. Một số lưu ý khi thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
a) Trong việc nhận Quyết định ADBPKCTT
- Do tính khẩn cấp của quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và yêu cầu cấp bách về thời gian thi hành nên công chức tiếp nhận của cơ quan THADS cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ công tác về thủ tục nhận quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trong đó, đặc biệt cần tuân thủ chặt chẽ về mặt thời gian để làm cơ sở cho cơ quan THADS ra quyết định thi hành án trong đúng thời gian luật định. Theo quy định, ngày vào sổ nhận bản án, quyết định là ngày được tính thời hạn ra quyết định thi hành án. Việc vào sổ phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời theo hướng dẫn tại Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và Biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự.
- Trên thực tế, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án và Hội đồng trọng tài được cơ quan THADS nhận từ 02 đối tượng: thứ nhất do Tòa án chuyển giao theo quy định, thứ hai do đương sự trực tiếp đưa đến cơ quan THADS và yêu cầu thi hành án. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về THADS (khoản 2 Điều 36), quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là loại việc thuộc diện Thủ trưởng cơ quan THADS chủ động ra quyết định thi hành án. Vì vậy, nếu cơ quan THADS nhận được yêu cầu thi hành từ đương sự nhưng vẫn chưa nhận được quyết định do Tòa án, Trọng tài thương mại chuyển giao thì trong trường hợp này, bên cạnh việc vào sổ nhận bản án, quyết định cần hướng dẫn đương sự khẩn trương liên hệ Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chuyển ngay cho cơ quan THADS để có cơ sở kịp thời ra quyết định và tổ chức thi hành.
b) Trong việc xác minh điều kiện thi hành án
Về nguyên tắc chung, theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật THADS, sau khi ra quyết định thi hành án, hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên mới tiến hành việc xác minh điều kiện thi hành án. Nhưng đối với việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì để đảm bảo tính khẩn cấp, tính nhanh chóng, kịp thời, Luật THADS quy định Chấp hành viên “phải tiến hành xác minh ngay”.
Trong khi đó, cơ quan THADS phải ra ngay quyết định thi hành án, đồng thời, khoản 1 Điều 130 Luật THADS cũng yêu cầu trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định thi hành án, Chấp hành viên phải áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế phù hợp. Do đó, trên thực tế, để đảm bảo về mặt thời gian khi thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tùy từng trường hợp cụ thể, Chấp hành viên cân nhắc việc có phải thực hiện việc xác minh trước khi áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế hay không?
- Ví dụ đối với trường hợp Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là “
Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng; buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm; buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động”: Trước khi tiến hành áp dụng các biện pháp cưỡng chế quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 71 Luật THADS thì Chấp hành viên buộc phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án. Bởi vì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chỉ ấn định nghĩa vụ của người phải thi hành án mà không xác định người phải thi hành án có tài sản hay thu nhập. Trong khi đó, để áp dụng biện pháp cưỡng chế trừ vào thu nhập hoặc kê biên, xử lý tài sản hoặc khấu trừ tiền trong tài khoản, Chấp hành viên buộc phải có kết quả xác minh thể hiện người phải thi hành án phải có điều kiện thi hành án, có nghĩa là phải có thu nhập, có tiền trong tài khoản hoặc có tài sản…
- Trường hợp kết quả xác minh cho thấy người phải thi hành án không có tài sản, thu nhập hoặc không có tiền trong tài khoản hoặc trường hợp Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về kê biên tài sản nhưng kết quả xác minh đó là tài sản hợp pháp của người khác, không phải là tài sản đang tranh chấp, họ có khiếu nại thì cơ quan THADS về nguyên tắc vẫn phải thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án. Tuy nhiên, cơ quan THADS cần giải thích cho người khiếu nại hiểu trường hợp quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có sai sót thì căn cứ theo quy định tại Điều 140 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, họ có quyền khiếu nại với Chánh án Tòa đang giải quyết vụ án về quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (thời hạn khiếu nại là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời); đồng thời, thông tin cho cơ quan kiểm sát, Tòa án đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời biết để xem xét lại.
c) Về thẩm quyền của cơ quan ra quyết định thi hành án
- Đối với trường hợp vụ việc đã có bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp huyện nhưng sau đó trong quá trình xét xử phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm, tái thẩm, Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Tòa án nhân dân cấp cao lại ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thì thẩm quyền thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó thuộc về cơ quan THADS cấp huyện (không thuộc thẩm quyền của cơ quan THADS cấp tỉnh).
Ví dụ: Ngày 19/2/2019, Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh B ban hành Bản án số 12/2019/DSST về giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Trần Tuấn H và bà Lê Thị Thu K. Sau đó, do ông H có kháng cáo nên Tòa án nhân dân tỉnh B đã xét xử phúc thẩm. Ngày 03/10/2020, Tòa án nhân dân tỉnh B đã ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-BPKCTT với nội dung:
“Cấm ông Trần Tuấn H chuyển nhượng, tặng cho đối với tài sản là quyền sử dụng đất có diện tích 78m2, thuộc thửa số 09, tờ bản đồ số 8, tọa lạc tại thôn X, xã Y, huyện A, tỉnh B do ông Trần Tuấn H đứng tên theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB01799 do UBND huyện A cấp ngày 01/9/2010…” Trong trường hợp nói trên, Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do Tòa án nhân dân tỉnh B ban hành trong quá trình xét xử phúc thẩm đối với Bản án số 12/2019/DSST của Tòa án nhân dân huyện A nên cần căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 Luật THADS, xác định thẩm quyền thi hành án thuộc Chi cục THADS huyện A (chứ không phải Cục THADS tỉnh B).
- Thẩm quyền thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài
chỉ thuộc về cơ quan THADS cấp tỉnh (theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật THADS).
d) Về thời hạn ra quyết định thi hành án
Căn cứ quy định khoản 2 Điều 36 Luật THADS thì, đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải “ra ngay” quyết định thi hành án. Hiện nay việc hiểu và áp dụng khái niệm “ra ngay” còn có nơi có sự chưa thống nhất. Theo cách hiểu thông thường ra ngay được hiểu là khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó thì cơ quan thi hành dân sự phải ra quyết định thi hành án “ngay sau khi nhận được” (tối đa là trong thời hạn 24h của ngày hôm đó); nhưng cũng có cách hiểu cho rằng chỉ cần ra quyết định “ngay khi có thể”. Chính vì còn có cách hiểu khác nhau mà có trường hợp do lý do khách quan, Thủ trưởng cơ quan THADS đã để “chậm trễ” trong việc ra quyết định thi hành án.
Tuy nhiên, xuất phát từ mục đích, yêu cầu và để đảm bảo tính khẩn cấp của loại quyết định này thì cần phải thống nhất áp dụng cách hiểu: sau khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì ngay sau đó (tối đa là trong thời hạn 24h của ngày hôm đó) thì cơ quan THADS phải ra quyết định thi hành án để đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Do vậy, cơ quan THADS cần lưu ý bố trí cán bộ trực cơ quan vào ngày thứ 7, Chủ nhật hoặc ngày nghỉ lễ để kịp thời tiếp nhận quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và báo cáo, trình Thủ trưởng cơ quan THADS ký ban hành “ngay” quyết định thi hành án, bảo đảm đúng quy định pháp luật.
e) Về thời hạn áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế
Theo quy định tại khoản 1 Điều 130 Luật THADS thì đối với trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Chấp hành viên phải áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế tương ứng ngay trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định thi hành án.
Cần lưu ý rằng, do thời hạn được tính bằng giờ nên thời điểm kết thúc thời hạn cũng tính bằng giờ, không phụ thuộc thời điểm kết thúc thời hạn đó vào ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ. Vì vậy, trường hợp cơ quan THADS nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vào chiều thứ 6 hay cuối ngày sát với ngày nghỉ lễ, Tết thì về nguyên tắc, Thủ trưởng cơ quan THADS phải ra ngay quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành án. Đồng thời, trong thời hạn 24 giờ (kể cả đó là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ), Chấp hành viên được phân công phải xem xét việc áp dụng ngay các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế tương ứng theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 130 Luật THADS.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định các cơ quan, tổ chức khác phải có trách nhiệm thực hiện quyết định thi hành án của cơ quan THADS trong ngày nghỉ lễ hay phải phối hợp thực hiện cưỡng chế trong ngày nghỉ lễ. Do đó, tùy từng trường hợp, Chấp hành viên phải chú ý đến thời hạn ra quyết định để báo cáo Thủ trưởng cơ quan THADS để có biện pháp xử lý cho đúng, kịp thời.
g) Trong việc áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế
- Lưu ý khi áp dụng các biện pháp bảo đảm:
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 130 Luật THADS, trường hợp Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là
“cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ; phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ”, Chấp hành viên lựa chọn áp dụng một trong các biện pháp bảo đảm sau: Phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ (Điều 67); Tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự (Điều 68); Tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản (Điều 69). Khi thi hành nhóm quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này, Chấp hành viên cần lưu ý những vấn đề sau:
+
Đối với biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp, Chấp hành viên sẽ áp dụng Điều 69 Luật THADS để thi hành. Nếu theo quy định tại Điều 69 Luật THADS, Chấp hành viên chỉ phải thực hiện công việc là gửi quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đó.
Nhưng theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tháo dỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đó. Mục đích của biện pháp khẩn cấp tạm thời này là giữ nguyên hiện trạng của tài sản, trong khi đó, thực tiễn hoạt động thi hành án cho thấy, nếu chỉ thông báo quyết định thì chưa hẳn người phải thi hành án đã dừng hành vi thay đổi hiện trạng tài sản của mình và cơ quan, tổ chức, cá nhân nào sẽ có trách nhiệm ngăn chặn hành vi thay đổi hiện trạng tài sản này là điều pháp luật chưa có quy định rõ.
Vì vậy, với tư cách là người có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm thay đổi hiện trạng tài sản, ngoài việc gửi quyết định cấm thay đổi hiện trạng tài sản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tạm dừng việc thay đổi hiện trạng tài sản đó thì Chấp hành viên cũng cần phải tiến hành lập biên bản xác định hiện trạng tài sản tại thời điểm thi hành án để làm căn cứ cho việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không thực hiện quyết định của Tòa án về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại Điều 64 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, THADS, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; đồng thời để tránh những khiếu nại của đương sự về việc cơ quan thi hành án không tổ chức thi hành án.
+
Đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ. Theo quy định tại Điều 126 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì “Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án”. Như vậy, mục đích của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ là để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án. Nói cách khác, việc phong tỏa tài sản là để tránh việc đương sự tẩu tán, hủy hoại tài sản. Tuy nhiên, tài sản ở đây bao hàm một nghĩa rất rộng, có thể hiểu tài sản là bất động sản hoặc là động sản nên Tòa án có thể tuyên phong tỏa tài sản là nhà đất, cũng có thể tuyên phong tỏa tài sản là một tài sản là động sản khác.
Vì vậy, Chấp hành viên có thể xem xét để lựa chọn áp dụng Điều 67 hoặc Điều 68 hoặc Điều 69 Luật THADS tùy thuộc vào nội dung tuyên của Tòa án để thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ.
- Lưu ý khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế:
Tại Điều 70 Luật THADS quy định:
“Căn cứ để cưỡng chế thi hành án bao gồm:
1. Bản án, quyết định;
2. Quyết định thi hành án;
3. Quyết định cưỡng chế thi hành án, trừ trường hợp bản án, quyết định đã tuyên kê biên, phong tỏa tài sản, tài khoản và trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án.”
Do đó, căn cứ theo quy định tại Điều 70 Luật THADS thì trong trường hợp này, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án và quyết định thi hành án của cơ quan THADS là căn cứ để cưỡng chế thi hành án. Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 130 Luật THADS, sau khi nhận được quyết định thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Chấp hành viên phải áp dụng ngay biện pháp cưỡng chế trong 04 trường hợp (điểm a, điểm b, điểm c, điểm đ). Tuy nhiên, khi áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong các trường hợp này trên thực tế cần lưu ý một số nội dung sau đây:
+ Trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành nghĩa vụ buộc thực hiện công việc nhất định, cưỡng chế thi hành nghĩa vụ không được thực hiện công việc nhất định, cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định, cưỡng chế buộc nhận người lao động trở lại làm việc (điểm a khoản 1 Điều 130 Luật THADS): Khi thi hành các quyết định cưỡng chế thi hành án trong trường hợp này Chấp hành viên cần lưu ý, mặc dù pháp luật bắt buộc Chấp hành viên phải tổ chức thi hành án ngay nhưng không có nghĩa là Chấp hành viên phải kết thúc việc cưỡng chế thi hành án trong vòng 24 giờ mà tùy từng biện pháp cưỡng chế để thực hiện các tác nghiệp thích hợp theo quy định của pháp luật về THADS.
Ví dụ: Chi cục THADS quận A, thành phố B phải thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 26/QĐ-BPKCTT ngày 19/6/2020 của Tòa án nhân dân quận A, thành phố B có nội dung: “Buộc anh Nguyễn Công X phải giao ngay cháu Nguyễn Ngọc Bảo Y cho chị Nguyễn Ngọc Thu Z nuôi dưỡng”. Đây là biện pháp khẩn cấp tạm thời giao người chưa thành niên cho cá nhân trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc. Trong trường hợp này, căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 130 Luật THADS thì cơ quan thi hành án phải áp dụng biện pháp cưỡng chế quy định tại Điều 120 Luật THADS để tổ chức thi hành. Tuy nhiên, đối tượng phải giao trong trường hợp này là một đối tượng đặc biệt (trẻ em) nên không thể nói giao ngay là đã có thể thực hiện được ngay vì nếu Chấp hành viên tổ chức cưỡng chế giao ngay nhưng không giao được thì không có căn cứ để đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự do không tiến hành phạt tiền đối với người phải thi hành án. Vì vậy, trong trường hợp này, để đảm bảo việc thi hành án được thực hiện đầy đủ, hiệu quả và trọn vẹn, Chấp hành viên cần thực hiện theo trình tự sau:
(i) Chấp hành viên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương đó thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án;
(ii) Nếu người phải thi hành án hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng;
(iii) Hết thời hạn ấn định mà người đó không thực hiện thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.
+ Trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế trừ vào thu nhập, khấu trừ tiền trong tài khoản hoặc kê biên, xử lý tài sản (điểm b khoản 1 Điều 130 Luật THADS) nếu Chấp hành viên không ra quyết định cưỡng chế thì rất khó được các cơ quan, tổ chức, cá nhân chấp nhận trên thực tế vì các biện pháp này đều liên quan đến người thứ ba đang quản lý tiền, tài sản của người phải thi hành án như Ngân hàng, bảo hiểm xã hội hoặc văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất... Mà với các cơ quan này, quyết định thi hành án hoặc quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chỉ định đoạt nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc bồi thường… không định đoạt vấn đề trừ vào thu nhập hay phong tỏa tài khoản hay kê biên. Do đó, để việc tổ chức cưỡng chế được thuận lợi, trường hợp này, Chấp hành viên cân nhắc việc ban hành Quyết định cưỡng chế.
+ Trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế quy định tại Điều 75 Luật THADS để thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời về kê biên tài sản đang tranh chấp (điểm c khoản 1 Điều 130 Luật THADS): Do Điều 75 Luật THADS chỉ quy định thủ tục thông báo cho đương sự, người có tranh chấp về quyền khởi kiện hoặc yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu khi tài sản của người phải thi hành án bị cưỡng chế thi hành án có tranh chấp hoặc khi có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án. Trong khi đó, căn cứ theo Điều 120 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì mục đích của biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản đang tranh chấp là ngăn chặn hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản để phục vụ cho công tác xét xử và thi hành án. Vì vậy, khi thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản đang tranh chấp thì Chấp hành viên cần tiến hành các công việc giống như kê biên tài sản được quy định trong Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể: Chấp hành viên sẽ tổ chức kê biên và lập biên bản kê biên theo quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật THADS; trường hợp cần thiết phải tiến hành cưỡng chế hoặc cưỡng chế có huy động lực lượng thì thực hiện theo quy định của pháp luật về THADS.
h) Trong việc xác định hiệu lực của Quyết định ADBPKCTT khi bản án sơ thẩm, phúc thẩm bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm
Trong vụ án có áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, sau đó bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm thì Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có đương nhiên bị hủy không? Thực tế cho thấy một số cơ quan THADS gặp lúng túng trong việc thi hành Quyết định áp dụng khẩn cấp tạm thời trong trường hợp này, tiếp tục thực hiện hay không?
Vấn đề về hiệu lực của Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp này đã được Tòa án nhân dân tối cao giải đáp tại Mục 6 phần III Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 với nội dung như sau:
Điều 112 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau:
“1. Trước khi mở phiên tòa, việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời do một Thẩm phán xem xét, quyết định.
2. Tại phiên tòa, việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời do Hội đồng xét xử xem xét, quyết định”.
Khoản 1 và khoản 3 Điều 138 của Bộ luật này quy định:
“1. Tòa án ra ngay quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị hủy bỏ;
b) Người phải thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nộp tài sản hoặc có người khác thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ đối với bên có yêu cầu;
c) Nghĩa vụ dân sự của bên có nghĩa vụ chấm dứt theo quy định của Bộ luật dân sự;
d) Việc giải quyết vụ án được đình chỉ theo quy định của Bộ luật này;
đ) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng theo quy định của Bộ luật này;
e) Căn cứ của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không còn;
g) Vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
h) Các trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện theo quy định của Bộ luật này…
3. Thủ tục ra quyết định hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực hiện theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này. Trường hợp đã có bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì việc giải quyết yêu cầu hủy quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do một Thẩm phán được Chánh án của Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phân công giải quyết”.
Căn cứ các quy định nên trên thì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được thể hiện ở một quyết định của Tòa án hoặc ghi nhận trong bản án và được thực hiện theo trình tự, thủ tục riêng biệt; quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có hiệu lực thi hành ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị. Do đó, việc bản án sơ thẩm, phúc thẩm bị hủy thì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đương nhiên bị hủy. Trường hợp bản án bị hủy, giao hồ sơ cho Tòa án cấp có thẩm quyền giải quyết lại vụ án thì việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực hiện theo quy định tại Chương VIII, từ Điều 111 đến Điều 142 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Vì vậy, nếu quyết định giám đốc thẩm chỉ có nội dung tuyên hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm không có nội dung hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đương nhiên bị hủy. Do đó, trong trường hợp này, cơ quan THADS cần chủ động liên hệ với Tòa án có quyền giải quyết lại vụ án và thông tin về việc Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vẫn chưa bị hủy để Tòa án xem xét việc tiếp tục duy trì hay thay đổi, hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trên cơ sở đó, tiếp tục tổ chức thi hành án, thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
4. Một số vướng mắc trong thực tiễn thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
-
Thứ nhất, Luật THADS mới chỉ quy định thủ tục thi hành đối với các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do Tòa án áp dụng được quy định tại Bộ luật TTDS năm 2015. Còn đối với một số biện pháp khẩn cấp tạm thời do Hội đồng trọng tài áp dụng (06 biện pháp được nêu theo quy định tại Điều 49 Luật Trọng tài thương mại 2010) thì hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
-
Thứ hai, theo quy định tại Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có tới 16 biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa án có thể áp dụng (chưa kể đến các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà luật có quy định) nhưng đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 130 Luật THADS thì có một số biện pháp khẩn cấp tạm thời chưa được Luật THADS quy định, hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục thi hành, dẫn đến cơ quan THADS gặp lúng túng trên thực tế nếu phải thi hành các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dạng này, ví dụ như: biện pháp cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ; cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình; tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu; bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án.
-
Thứ ba, thủ tục thi hành án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng mới chỉ dừng lại ở việc chỉ dẫn đến các điều luật khác để áp dụng mà không có quy định cụ thể, điều này dẫn đến việc các cơ quan THADS gặp lúng túng trong khi áp dụng.
Ví dụ: Để thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “kê biên tài sản đang tranh chấp” thì điểm c khoản 1 Điều 130 Luật THADS dẫn chiếu đến áp dụng Điều 75 Luật THADS. Trong khi đó, Điều 75 Luật THADS chỉ quy định về việc giải quyết tranh chấp, yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án chứ không phải là biện pháp cưỡng chế như dẫn chiếu trên nên cơ quan THADS rất lúng túng trong việc thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời này.
Để thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định, giao người chưa thành niên cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, tạm đình chỉ quyết định sa thải người lao động” thì điểm a khoản 1 Điều 130 Luật THADS dẫn chiếu đến Điều 118, 119, 120, 121 Luật THADS nhưng các điều luật này lại chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cưỡng chế nên trên thực tế, các cơ quan THADS khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế cũng đang gặp vướng mắc, còn có sự hiểu và vận dụng khác nhau, chưa thống nhất.
Việc tổ chức thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đòi hỏi phải tuân thủ yêu cầu hết sức “cấp bách” về mặt thời gian và có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong trường hợp phải áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế. Do đó, cần phải nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật THADS về việc tổ chức thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để thực hiện cho đúng, kịp thời về thời hạn ra quyết định thi hành án, thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế, bảo đảm được tính chất “khẩn cấp” của các biện pháp này, đồng thời, cần hết sức thận trọng để hạn chế, tránh những vi phạm, thiếu sót không đáng có xảy ra./.