Sign In

Bàn về quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thi hành án dân sự.

05/11/2021

Luật thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 và được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật cạnh tranh năm 2018 (sau đây gọi chung là Luật thi hành án dân sự) đã quy định về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như sau:
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự ( Điều 3)
Tại Điều 3 cũng nêu khái niệm về đương sự trong thi hành án dân sự:
Đương sự bao gồm người được thi hành án, người phải thi hành án.
Người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành.
Người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành.
Như vậy, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không phải là đương sự trong thi hành án dân sự.
 
Luật Thi hành án dân sự cũng quy định quyền và nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại Điều 7b như sau:
Điều 7b. Quyền, nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
1. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có các quyền sau đây:
a) Được thông báo, tham gia vào việc thực hiện biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà mình có liên quan;
b) Yêu cầu Tòa án xác định, phân chia quyền sở hữu, sử dụng tài sản; yêu cầu Tòa án giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót; khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp có tranh chấp về tài sản liên quan đến thi hành án;
c) Khiếu nại, tố cáo về thi hành án.
2. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh các quyết định, yêu cầu của Chấp hành viên trong thi hành án; thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú.”
  Tuy nhiên, trong các quy định cụ thể của pháp luật về thi hành án dân sự, thì quyền lợi của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thật sự được pháp luật bảo đảm hay không, chúng ta cùng phân tích qua một tình huống thi hành án dân sự điển hình:
 
Tình huống:
Ông A phải thi hành khoản thi hành án: Ông A trả cho ông B số tiền 500.000.000 đồng. Đã hết thời hạn tự nguyện thi hành án nhưng A không nộp tiền thi hành án.
Qua xác minh tài sản: ông A có chung tài sản với ông C là anh ruột ông A, tài sản là quyền sử dụng đất ở đô thị 50 m 2 và căn nhà gắn liền với đất (sở hữu chung, theo phần mỗi người ½ giá trị tài sản), nguồn gốc tài sản là thừa kế từ cha mẹ, tài sản không thể phân chia. Ông A và ông C hiện đang sinh sống trong căn nhà này. Ngoài tài sản trên, ông A không còn tài sản nào khác.
Chấp hành viên tổ chức thi hành án áp dụng biện pháp kê biên tài sản nêu trên.
Xác định tư cách chủ thể tham gia quan hệ pháp luật thi hành án dân sự:
  • Người được thi hành án: B
  • Người phải thi hành án: A
(A và B là đương sự)
- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan : C.
 
Theo quy định tại Điều 98 Luật thi hành án dân sự:
“Điều 98. Định giá tài sản kê biên
1. Ngay khi kê biên tài sản mà đương sự thỏa thuận được về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên lập biên bản về thỏa thuận đó. Giá tài sản do đương sự thỏa thuận là giá khởi điểm để bán đấu giá. Trường hợp đương sự có thỏa thuận về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá đó.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản, Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản kê biên trong các trường hợp sau đây:
a) Đương sự không thỏa thuận được về giá và không thỏa thuận được việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá;
(…)”
 
Khoản 1 Điều 98 Luật thi hành án dân sự chỉ đề cập đương sự thỏa thuận về giá và/hoặc tổ chức thẩm định giá mà không đề cập đến người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là chủ sở hữu chung của tài sản được tham gia vào việc thỏa thuận này.
Trong tình huống nêu trên, thực tế sẽ xảy ra 3 trường hợp:
Trường hợp 1:
Ông A, ông B (đương sự), ông C (người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) cùng thỏa thuận và thống nhất giá tài sản hoặc không thống nhất thỏa thuận được giữa A và B về giá nhưng cả ba thỏa thuận thống nhất được tổ chức thẩm định giá để định giá tài sản.
Đây là trường hợp thuận lợi nhất trong quá trình thi hành án. Khi mà người phải thi hành án, người được thi hành án và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thống nhất được giá của tài sản/tổ chức thẩm định giá được lựa chọn.
Trường hợp này, chấp hành viên áp dụng khoản 1 Điều 98 để thực hiện việc xử lý tài sản.
Trường hợp 2:
Ông A và ông B không thỏa thuận được về giá và không thỏa thuận được việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá
Trường hợp này Chấp hành viên áp dụng khoản 2 Điêu 98 để xử lý vụ việc.
Trường hợp 3.
  1. Ông A và ông B thống nhất thỏa thuận được về giá nhưng ông C không đồng ý giá này và yêu cầu mời tổ chức thẩm định giá để định giá tài sản.
Trường hợp này Chấp hành viên có phải sử dụng giá do ông A và ông B thỏa thuận để xử lý tiếp theo hay không? Câu trả lời là có. Việc này được quy định rõ tại khoản 1 Điều 98 đã viện dẫn ở trên.
Tuy nhiên, việc sử dụng giá này để xử lý tài sản khi không có sự thống nhất của ông C có hợp lý và có tước đi quyền định đoạt tài sản của ông C hay không? Câu trả lời là cũng là : có.
Phân tích thêm về quyền của C trong trường hợp này: Tại Điều 7b quy định: người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được tham gia vào việc thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành án mà mình có liên quan.
Vì thế, việc ông C được tham gia vào việc thực hiện biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản đối với tài sản mà mình là chủ sở hữu, sử dụng nhưng không được thỏa thuận về giá tài sản là một sự vô lý. Trong khi đó ông A là người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thì lại có quyền này.
  1. Ông A và ông B không thống nhất thỏa thuận được về giá nhưng thống nhất thỏa thuận được việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá và ông C lại không đồng ý lựa chọn tổ chức thẩm định giá mà ông A và ông B đã lựa chọn.
Tương tự như trên, trường hợp này Chấp hành viên phải ký hợp đồng với tổ chức thẩm định giá do A và B lựa chọn mà không thể cân nhắc đến ý kiến của C.
Trong khi đó, giá tài sản ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của C: quyền được ưu tiên mua phần tài sản của A, quyền được thanh toán lại giá trị phần tài sản của mình nếu tài sản được bán đấu giá…
Như vậy, với việc quy định bó hẹp về thành phần được thỏa thuận về giá, lựa chọn tổ chức thẩm định giá quy định tại Điều 98 Luật thi hành án dân sự, vô hình trung, pháp luật về thi hành án dân sự đã hạn chế quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ  liên quan là chủ sở hữu chung của tài sản kê biên trong thi hành án dân sự.
Kiến nghị: Từ những phân tích ở trên, việc sửa đổi nội dung Điều 98 là cần thiết, bảo đảm cho chủ sở hữu chung của tài sản kê biên được tham gia vào quá trình thỏa thuận giá, lựa chọn tổ chức thẩm định giá.
 
                                                                      Hồng Nguyễn
 
 
                                                                                                                                     Địa chỉ liên hệ:
                                                                                                                                     Nguyễn Thị Hồng
                                                                           Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận
 

Các tin đã đưa ngày: