Sign In

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự và thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh

15/06/2021

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự  và thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh
Ngày 17 tháng 5 năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Công văn số 141-CV/TU Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh.
                                                                                  
Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TU ngày 12/10/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đối với công tác thi hành án dân sự đã được nâng lên; Công tác thi hành án dân sự và thi hành án hành chính được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và các ban, ngành, sự nỗ lực, cố gắng của cơ quan Thi hành án dân sự hai cấp; Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự hai cấp trong tỉnh hoạt động ngày càng hiệu quả.
Năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp tác động trực tiếp đến tình hình các mặt của tỉnh, trong đó có công tác thi hành án dân sự và thi hành án hành chính. Song, công tác thi hành án dân sự và thi hành án hành chính đạt được một số kết quả quan trọng: kết quả thi hành xong về số việc và số tiền tăng so với năm 2019, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt cao; công tác tổ chức, cán bộ cơ quan Thi hành án dân sự hai cấp tiếp tục được quan tâm củng cố, kiện toàn… nhiều vụ việc tồn đọng, kéo dài được giải quyết dứt điểm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi hành án dân sự và thi hành án hành chính vẫn còn một số hạn chế, đáng lưu ý là: tình trạng vi phạm trình tự, thủ tục thi hành án trong một số vụ việc vẫn còn xảy ra: nhất là việc chậm giao thông báo, quyết định thi hành án; chậm xác minh, xử lý tài sản, hoàn trả tiền; chậm kê biên cưỡng chế; thời gian thi hành án còn kéo dài …; Kết quả thi hành án dân sự về số việc chưa đạt chỉ tiêu: năm 2020, đạt 78,26/80% chỉ tiêu được giao; tồn đọng 6.825 việc có điều kiện thi hành. Trong quý I/2021, về việc đạt 42,4% tổng số việc có điều kiện thi hành; về tiền đạt 18,7% tổng số tiền có điều kiện thi hành; Tỷ lệ thi hành án hành chính đạt thấp: đã thi hành xong 03/22 vụ việc (đạt 13,6%). Công tác phối hợp giữa cơ quan Thi hành án dân sự với các cơ quan, đơn vị liên quan trong tổ chức thi hành án có việc chưa tốt. Nhiều cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện chưa có kho vật chứng, phải sử dụng phòng làm việc để bảo quản vật chứng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn. Chất lượng đội ngũ công chức làm công tác thi hành án dân sự có mặt còn hạn chế…
Để kịp thời khắc phục các hạn chế nêu trên, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự và thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu:
Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chính sách, pháp luật của Quốc hội, Chính phủ và của tỉnh có liên quan đến công tác thi hành án dân sự và thi hành án hành chính: nhất là Nghị quyết số 96/2019/QH14, ngày 27/11/2019 của Quốc hội (khóa XIV) về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của viện kiểm sát nhân dân, của tòa án nhân dân và công tác thi hành án; Chỉ thị số 05/CT-TTg, ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác thi hành án dân sự; Nghị quyết số 85-NQ/BCSĐ, ngày 01/12/2020 của Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác thi hành án dân sự; Kế hoạch số 06-KH/TU, ngày 22/01/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2021; Thông báo số 03-TB/BCĐ, ngày 22/01/2021 về kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh tại Hội nghị tổng kết công tác cải cách tư pháp năm 2020, xác định phương hướng, nhiệm vụ năm 2021... và các văn bản có liên quan, góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò của công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Xác định công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh rà soát, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh; chỉ đạo tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự và thi hành án hành chính, nhất là những vụ việc phức tạp, tồn đọng, có số tiền thi hành án lớn. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng kho quản lý vật chứng của các cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện. Chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc việc thực thi pháp luật về thi hành án hành chính, không để kéo dài, làm phát sinh đơn, thư phản ánh, khiếu kiện, gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự tại các địa phương.
Cơ quan thi hành án dân sự hai cấp trong tỉnh tiếp tục chủ động đề xuất với cấp uỷ, chính quyền về các giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ thi hành án. Cục Thi hành án dân sự tỉnh: (i) Tăng cường làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trong nội bộ ngành, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành để nâng cao tỷ lệ thi hành, nhất là các vụ việc có liên quan đến các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, ngân hàng; việc thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, bảo đảm thi hành xong trên 81,5% về vụ việc và trên 40,1% về tiền trên tổng số vụ việc có điều kiện thi hành. (ii) Theo dõi chặt chẽ việc thi hành án hành chính; kịp thời báo cáo, đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm (nếu có). (iii) Tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh sớm chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài. (iv) Phối hợp chặt chẽ với Thường trực các huyện, thị, thành ủy làm tốt công tác tổ chức cán bộ của Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm trong quá trình thực thi công vụ của đội ngũ chấp hành viên; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, kiên quyết xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Các cấp, các ngành chức năng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; chú ý thực hiện tốt yêu cầu “Phải xác minh rõ, chính xác tài sản của người có hành vi tham nhũng; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Xử lý nghiêm minh những cán bộ không tích cực thu hồi tài sản tham nhũng”.
Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác giám sát hoạt động thi hành án dân sự, các trường hợp chậm thực hiện việc thi hành án hành chính của các cơ quan nhà nước ở địa phương, nhất là những vụ việc kéo dài, được dư luận xã hội quan tâm.
Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh lãnh đạo tăng cường kiểm sát công tác thi hành án dân sự và thi hành án hành chính để kịp thời phát hiện, kiến nghị, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót.
Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện cho cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường phối hợp với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp trong công tác cán bộ của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, đáp ứng tốt yêu cầu công tác cán bộ của địa phương.
Ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác thi hành án dân sự và thi hành án hành chính tại địa phương; rà soát, củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp, Ban chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc việc thực hiện, kịp thời báo cáo, tham mưu Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo./.
                                                                                                                      Văn phòng Cục Thi hành án dân sự

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: