Sign In

KỸ NĂNG CỦA NGƯỜI CHẤP HÀNH VIÊN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

15/03/2018

    Chấp hành viên thi hành án dân sự (THADS) là một chức danh tư pháp do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm theo trình tự nhất định khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chuyên môn; có nhiệm vụ tổ chức thi hành các bản án, quyết định theo quy định của pháp luật[1]. Hoạt động của cơ quan THADS được thông qua chủ yếu hoạt động áp dụng pháp luật của đội ngũ chấp hành viên. Chính vì vậy, các hoạt động tác nghiệp của đội ngũ chấp hành viên phải tuân thủ  đúng các quy định của pháp luật như về: nguyên tắc, thủ tục THADS. Tuy vậy, trong thực tế, nếu áp dụng pháp luật một cách giản đơn, cứng nhắc thì khó đạt được hiệu quả như mong muốn, đôi khi dẫn đến tình trạng bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền[2] đã có hiệu lực pháp luật nhưng không thể thi hành được trên thực tế hoặc thi hành được thì hậu quả để lại cho xã hội rất khó khắc phục. Như vậy, không có nghĩa là phải hiểu theo kiểu “lách luật”, mà thực tế đòi hỏi người chấp hành viên phải vừa có năng lực chuyên môn, mà còn phải biết vận dụng pháp luật một cách linh hoạt, khéo léo.
 
[1] được quy đinh tại các điều 17, 18, 19, 20 và 21 của Luật THADS đã được sửa đổi bổ sung năm 2014.
[2] bao gồm bản án, quyết định (cả trong và ngoài nước) của Tòa án, Trọng tài thương mại, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, thaeo Điều 2 của Luật THADS đã được sửa đổi bổ sung năm 2014.
 
          Để có kỹ năng nghiệp vụ trong công tác THADS thì chấp hành viên, ngoài kiến thức, hiểu biết pháp luật chung, phải có trình độ chuyên môn, đây là những kiến thức chuyên sâu về THADS, đây là những kiến thức bắt buộc phải có đối với đội ngũ chấp hành viên khi thực hiện các nhiệm vụ được giao. 

          Hoạt động THADS là lĩnh vực hoạt động có tính chất nghề nghiệp chuyên biệt, chuyên sâu nên đòi hỏi đội ngũ chấp hành viên phải có kiến thức nghiệp vụ vững vàng. Theo quy định của pháp luật, để được bổ nhiệm làm chấp hành viên thì ngoài tiêu chuẩn phải có trình độ cử nhân luật trở lên và có thời gian công tác nhất định trong lĩnh vực pháp luật, người đó còn phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ ngạch chấp hành viên (trừ một số trường hợp đặc biệt). Việc tham gia học tập đầy đủ, nghiêm túc các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ hoặc tự học sẽ giúp đội ngũ chấp hành viên có khả năng áp dụng thành thục các nguyên tắc, chế độ, thủ tục về nghiệp vụ THADS. Vì vậy, chấp hành viên cần phải thường xuyên tìm hiểu, cập nhật, tích luỹ kiến thức về kỹ năng nghiệp vụ bằng nhiều hình thức khác nhau. Ngoài trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chấp hành viên còn cần có sự hiểu biết rộng rãi về các lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội.
 
          Để hỗ trợ đắc lực cho hoạt động nghiệp vụ, chấp hành viên còn cần có thêm trình độ về ngoại ngữ và tin học. Tùy theo yêu cầu công việc của từng ngạch chấp hành viên mà yêu cầu, kỹ năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ và tin học là khác nhau.
 
          Kỹ năng nghiệp vụ của chấp hành viên được biểu hiện trên nhiều lĩnh vực, như: xây dựng, soạn thảo văn bản, các quyết định về THADS; kỹ năng xây dựng kế hoạch tổ chức THADS, tính độc lập tổ chức thực hiện công việc được giao; kỹ năng vận động, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án; kỹ năng hòa giải những mâu thuẫn giữa các bên đương sự; kỹ năng phối hợp với các đồng nghiệp và cơ quan có liên quan như: cơ quan VKS, TA, CA, CSPCCC, TN và MT, các tổ chức tín dụng…  trong giải quyết THADS; kỹ năng lập kế hoạch và phương án cưỡng chế, triển khai việc cưỡng chế và chỉ huy lực lượng cưỡng chế THADS; kỹ năng tham mưu cho thủ trưởng đơn vị, Ban chỉ đạo THADS địa phương... Trong số những kỹ năng nghiệp vụ cụ thể nêu trên thì chấp hành viên cần quan tâm nhất là vận động, thuyết phục đương sự và xây dựng kế hoạch, tổ chức cưỡng chế.

          Việc vận động, thuyết phục người phải thi hành án một cách có hiệu quả trên thực tế đòi hỏi chấp hành viên phải biết kết hợp hài hòa giữa và “cái lý” “cái tình” (một trăm cái lý không bằng một tí cái tình) làm sao cho “thấu lý đạt tình” trong quá trình giải quyết từng vụ việc. Kỹ năng đặc biệt quan trọng này được coi là “chiếc chìa khóa vàng” trong quá trình THADS nói chung.

          Thông thường, để giải quyết một vấn đề hay công việc nào đó, mỗi cá nhân con người cần nhờ sự hợp tác, giúp đỡ, hỗ trợ từ người khác. Trong THADS đòi hỏi giữa các bên phải có sự thống nhất về quan điểm. Nhưng thực tế việc tổ chức THADS cho thấy, giữa chấp hành viên với người phải thi hành án và các bên đương sự thường không cùng chung “tiếng nói”, quan điểm với nhau; bởi vậy, để việc THADS đạt được hiệu quả như mong muốn thì rất cần kỹ năng vận động, thuyết phục của chấp hành viên đối với các bên đương sự nhằm tìm kiếm sự đồng thuận giữa các bên, chấp hành viên cần đưa ra được những “câu chuyện”, tình tiết, sự kiện, lý lẽ để định hướng, phân tích, giải thích cho đối tượng thấy sự hợp lý, hợp tình mà tin tưởng và làm theo. Để thực hiện tốt kỹ năng vận động, thuyết phục không phải là vấn đề đơn giản, đòi hỏi chấp hành viên thi hành án dân sự phải thực sự nhiệt tình, tâm huyết với công việc được giao, phải chịu đọc và chịu học. Việc vận động, thuyết phục đương sự chấp thuận không chỉ là gặp gỡ, làm việc riêng với đương sự, mà trong nhiều trường hợp chấp hành viên còn phải tìm cách tác động đến gia đình, người thân của đương sự…, bàn bạc với chính quyền địa phương nơi đương sự đang cư ngụ, với cơ quan nơi đương sự đang làm việc để cùng phối hợp vận động, thuyết phục... Chấp hành viên có lúc còn phải đảm nhận vai trò tư vấn, trao đổi, gợi ý… nhằm nâng cao hiệu quả vận động, thuyết phục đối với đương sự.

          Vận động, thuyết phục là một “thủ tục” không thể thiếu trong thực tiễn công tác THADS. Vì vậy, để thành công chấp hành viên phải có kiến thức chuyên môn, đúc kết được kinh nghiệm thực tiễn, có sự kiên trì và linh hoạt, khôn khéo trong giải quyết từng vụ việc cụ thể. Có thể nói THADS là lĩnh vực có độ khó nhất định, liên quan đến quyền lợi của nhiều bên nên tùy từng vụ việc cụ thể chấp hành viên phải lựa chọn phương pháp, hình thức vận động, thuyết phục khác nhau. Người chấp hành viên cần có sự cảm thông, chia sẻ với các bên đương sự. Nhưng nếu vận động, thuyết phục không thành thì chấp hành viên cần phải cương quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế, không nên tìm lý do đề cao hòa giải để trì hoãn, kéo dài thời gian THADS. Khi bắt buộc phải tiến hành cưỡng chế không có nghĩa là chấm dứt việc vận động, thuyết phục. Vận động, thuyết phục phải được tiến hành ở mọi lúc, mọi nơi, trong nhiều trường hợp ngay cả trước, trong và sau thời điểm tổ chức cưỡng chế.

          Thứ hai làkỹ năng tổ chức cưỡng chế THADS

          Chính Chấp hành viên là người đưa ra quyết định tạo cơ hội cho người phải thi hành án tự nguyện thi hành án trong thời gian luật định hoặc quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án - biện pháp cứng rắn và cương quyết nhất đối với người phải thi hành án, buộc họ phải thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền. Điều đó có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, tài sản, cuộc sống, uy tín, danh dự... của người phải thi hành án. Cho nên, khả năng hành động khéo léo, mạnh mẽ, dứt khoát là tố chất cần thiết mà chấp hành viên phải có trong kỹ năng cưỡng chế thi hành án. Khi áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng khác phối hợp, chấp hành viên phải lên phương án huy động lực lượng bảo vệ và yêu cầu cơ quan công an cùng cấp lập kế hoạch tham gia bảo vệ hoạt động cưỡng chế.

          Để có được các kỹ năng nghiệp vụ trong công tác thi hành án, chấp hành viên phải luôn có ý thức học tập và tự học tập không ngừng nhằm nâng cao trình độ về mọi mặt hoặc nếu thấy chấp hành viên khác chưa có nhiều kinh nghiệm thì cần “giúp sức” vì “cho là được”, chấp hành viên phải biết rèn luyện phong cách, tư duy, xây dựng cho mình phương pháp làm việc khoa học, phải có kế hoạch, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt; luôn cầu thị thông qua trao đổi, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ các đồng nghiệp... Có như vậy, chấp hành viên mới có khả năng hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Ngoài các chức năng, nhiệm vụ chính, chấp hành viên còn phải thực hiện những nhiệm vụ khác theo sự phân công của thủ trưởng đơn vị như: tổng hợp, báo cáo, xây dựng các văn bản, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác THADS, tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc THADS của đơn vị, tiếp nhận, xử lý tang vật... Nếu không thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ kiến thức, hiểu biết pháp luật, tri thức và kỹ năng nghiệp vụ công tác THADS thì chấp hành viên sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và hiệu quả công việc của cơ quan THADS.
 
 


Theo Ths. Nguyễn Duy Quốc - Phó Cục Trưởng Cục THADS

Các tin đã đưa ngày: