Sign In

Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2019

16/11/2018

Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2019
Sáng ngày 15/11/2018, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2019. 
 
Tham dự Hội nghị có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đồng chí Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và một số Bộ, Ban, Ngành có liên quan tham dự Hội nghị.
   
Năm 2018 là năm bản lề thực hiện các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Đây cũng là năm Hệ thống cơ quan THADS tiếp tục tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội. Thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án được Quốc hội giao, với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, Bộ Tư pháp đã tiếp tục chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, quyết liệt để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án được giao.
 
Báo cáo kết quả công tác thi hành án dân sự (THADS), hành chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Mai Lương Khôi cho biết: Năm 2018, Bộ Tư pháp đã tập trung, quyết liệt chỉ đạo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, cụ thể:
Kết quả thi hành án dân sự
- Về việc, đến hết tháng 9/2017, số cũ chuyển sang là 320.015 việc; từ 01/10/2017 đến 30/9/2018, thụ lý mới 607.234 việc. Như vậy, tổng số thụ lý là 927.249 việc, tăng 44.512 việc (5,04%) so với năm 2017.
Tổng số phải thi hành là 914.083 việc, trong đó: số có điều kiện thi hành là 711.990 việc (77,89%); số chưa có điều kiện thi hành là 202.093 việc (22,11%). Kết quả: Thi hành xong 571.708 việc, đạt tỉ lệ 80,30%.
- Về tiền, đến hết tháng 9/2017, số cũ chuyển sang là 128.415 tỷ 619 triệu 588 nghìn đồng; từ 01/10/2017 đến 30/9/2018, thụ lý mới là 67.585 tỷ 641 triệu 360 nghìn đồng. Như vậy, tổng số thụ lý là 196.001 tỷ 260 triệu 948 nghìn đồng, tăng 23.041 tỷ 536 triệu 021 nghìn đồng (13,32%) so với năm 2017.
Tổng số phải thi hành là 178.628 tỷ 202 triệu 056 nghìn đồng, trong đó: số có điều kiện thi hành là 90.009 tỷ 568 triệu 485 nghìn đồng (51,28%); số chưa có điều kiện thi hành là 85.500 tỷ 572 triệu 105 nghìn đồng (48,72). Kết quả: Thi hành xong 34.520 tỷ 915 triệu 718 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 38,35%.
 
Kết quả theo dõi thi hành án hành chính
Thực hiện Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Hệ thống THADS thường xuyên rà soát, theo dõi việc thi hành các bản án, quyết định của toà án về vụ án hành chính. Các cơ quan THADS đã thực hiện theo dõi 363 bản án, quyết định của Tòa án; ban hành văn bản thông báo về trách nhiệm tự nguyện thi hành án đối với 336 việc; đăng tải công khai 57 Quyết định buộc thi hành án; tổ chức làm việc với người phải thi hành án 128 việc; kiến nghị xử lý đối với 13 trường hợp. Bộ Tư pháp đã tham mưu Chính phủ thành lập Đoàn kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính và công tác THAHC của UBND và Chủ tịch UBND tại một số tỉnh, thành phố, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của UBND các cấp trong quá trình tham gia tố tụng hành chính, đặc biệt là trong các khâu đối thoại, tham dự phiên tòa và thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Năm 2018, Bộ Tư pháp đã tập trung, quyết liệt chỉ đạo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 với nhiều kết quả tích cực. Tuy số việc và tiền thụ lý mới tiếp tục tăng so với năm 2017 (tăng 5,06% về việc và 13,32% về tiền) và cao nhất từ trước đến nay về tiền (gần 200.000 tỷ đồng) song các cơ quan THADS đã thi hành xong gần 600 nghìn việc tương ứng với số tiền trên 34.000 tỷ đồng. Công tác xác minh, phân loại án được chú trọng, bảo đảm chính xác, đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác theo dõi thi hành án hành chính tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Việc thi hành các vụ việc liên quan đến thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ án trọng điểm, các vụ việc liên quan đến các khoản nợ của tổ chức tín dụng được tập trung chỉ đạo giải quyết. Hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2014 tiếp tục được hoàn thiện. Tổ chức bộ máy các cơ quan THADS tiếp tục được củng cố, kiện toàn; kỷ cương, kỷ luật hành chính được tăng cường. Có thể nói, công tác THADS tiếp tục có những tiến bộ, qua đó, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương.
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số những tồn tại, hạn chế như:
Một số địa phương kết quả thi hành án đạt thấp, nhất là về giá trị. Đặc biệt, tại một số địa phương, kết quả THADS của một số Chi cục đạt thấp, làm ảnh hướng lớn đến kết quả chung của Cục và toàn Hệ thống. Công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo một số đơn vị còn chậm được đổi mới và chưa thực sự quyết liệt.
Còn một số sai sót, vi phạm của Chấp hành viên, công chức trong thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án. Số công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật tuy giảm đáng kể so với năm 2017 nhưng còn nhiều, trong đó vi phạm về chuyên môn nghiệp vụ là 17 trường hợp.
Công tác quy hoạch và đào tạo nguồn cán bộ kế cận ở một số cơ quan THADS địa phương còn thiếu tính lâu dài; còn tình trạng thiếu cán bộ lãnh đạo Chi cục so với quy định.
Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành và chuyên môn còn chậm, chưa có đột phá.
Hội nghị cũng đã nghe một số các tham luận, nêu ra những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Qua đó trao đổi, thảo luận để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác THADS, thi hành án hành chính.
 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao các kết quả và thành tích của Bộ Tư pháp, Hệ thống THADS, tinh thần nỗ lực, vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành Tư pháp và Hệ thống THADS trong năm 2018. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS một số nội dung trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới.
Một là, tập trung tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về THADS để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sơ kết việc tổ chức thi hành Luật THADS và Nghị định hướng dẫn thi hành; rà soát các vướng mắc trong việc thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu; nghiên cứu giải quyết việc THADS chưa có điều kiện thi hành đã tồn đọng nhiều năm. Tôi hoan nghênh Bộ Tư pháp tổ chức kết hợp Hội nghị sơ kết Nghị định số 62/2015/NĐ-CP cùng với Hội nghị triển khai công tác trong buổi chiều nay.
Hai là, tập trung chỉ đạo và tổ chức thi hành án, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội. Ưu tiên các nguồn lực tập trung thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chức THADS, tập trung, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế theo yêu cầu Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị.
Ba là, tiếp tục tham mưu giúp Chính phủ triển khai hiệu quả Luật Tố tụng hành chính; nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành pháp luật tố tụng hành chính; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành án hành chính.  
Bốn là, tập trung xây dựng Ngành đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ công chức, Chấp hành viên, Quản tài viên, Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án có năng lực, trình độ, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, bản lĩnh nghề nghiệp. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong THADS. Bộ Tư pháp cần tiếp tục hoàn thiện, vận hành hiệu quả phần mềm quản lý THADS tại các cơ quan THADS trên toàn quốc, nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về thi hành án.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, Ngành có liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS thực hiện các nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả.
Đáp từ tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long cám ơn sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS và hứa sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Hội nghị.
Nguồn “Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp: thads.moj.gov.vn”
 

Các tin đã đưa ngày: