Sign In

Tòa án nhân dân Tối cao thông báo kết quả giải đáp vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, dân sự và hành chính.

23/04/2019

Ngày 09-01-2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức buổi giải đáp trực tuyến toàn quốc về một số vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, dân sự và hành chính. Trên cơ sở các ý kiến phản ánh vướng mắc và giải đáp của Hội đồng Thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải đáp vướng mắc như sau:
 
Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự bán đấu giá tài sản của người phải thi hành án để thi hành án, nếu người phải thi hành án không đồng ý với kết quả bán đấu giá thì có quyền khởi kiện “tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản’’ không?
Theo quy định tại khoản 13 Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 102 của Luật Thi hành án dân sự thì chỉ có hai đối tượng, cụ thể là người mua được tài sản bán đấu giá và chấp hành viên, mới có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, nếu có căn cứ chứng minh có vi phạm trong quá trình bán đấu giá.
Như vậy, Luật Thi hành án dân sự không quy định người phải thi hành có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản. Do vậy, người phải thi hành án nếu không đồng ý với kết quả bán đấu giá tài sản thì họ không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết loại tranh chấp này.
Vấn đề đặt ra là tại sao Luật lại quy định như vậy? Vấn đề này có thể giải thích như sau:
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật Đấu giá tài sản thì đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục được quy định tại Luật này, trừ trường hợp quy định tại Điều 49 của Luật này. Theo quy định tại khoản 5 thì người có tài sản đấu giá là cá nhân, tổ chức sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền bán đấu giá tài sản hoặc người có quyền đưa tài sản ra đấu giá theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật; theo quy định tại khoản 6 thì người mua được tài sản đấu giá là người trúng đấu giá và ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá tài sản; theo quy định tại khoản 8 thì người trúng đấu giá là người trả giá cao nhất so với giá khởi điểm hoặc bằng giá khởi điểm nếu không có người trả giá cao hơn theo phương thức trả giá lên; hoặc là người chấp nhận mức giá khởi điểm hoặc mức giá đã giảm trong trường hợp đấu giá theo phương thức đặt giá xuống. Thực chất, đây là một giao dịch dân sự mà chủ thể tham gia là người có tài sản hoặc có quyền đưa tài sản ra đấu giá và người tham gia đấu giá và người trúng đấu giá theo quy định của pháp luật. Chỉ giữa những người này mới phát sinh quyền, nghĩa vụ có khả năng tranh chấp với nhau có liên quan đến kết quả đấu giá và chỉ người này mới có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy kết quả đấu giá nếu họ cho rằng có vi phạm pháp luật trong quá trình đấu giá làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của họ. Xem xét trường hợp cơ quan thi hành án bán đấu giá tài sản thì Cơ quan thi hành mà cụ thể là Chấp hành viên là bên có quyền đưa tài sản của người phải thi hành án ra bán đấu, mà không phải là người phải thi hành án có tài sản bị cơ quan thi hành án kê biên và đưa ra bán đấu giá để thi hành án, bên trúng đấu giá tài sản là người tham gia đấu giá trả giá cao nhất theo phương thức trả giá lên hoặc chấp nhận mức giá đã giảm theo phương thức đấu giá xuống. Vì vậy, chỉ có Chấp hành viên và người trúng đấu giá đã ký hợp đồng mua tài sản đấu giá mới có quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch bán đấu giá và có thể trở thành các bên tranh chấp với nhau về kết quả bán đấu giá tài sản. Người phải thi hành án không phải là người đưa tài sản ra bán đấu giá, tức là không tham gia, không phải là một bên trong giao dịch này nên không có quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch và do đó họ không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản. Chỉ trong trường hợp duy nhất là họ tham gia và trúng đấu giá thì lúc này với tư cách là người mua được tài sản đấu giá thì họ mới có quyền khởi kiện.
Thứ hai, nếu người phải thi hành án có căn cứ cho rằng cơ quan thi hành án có hành vi, quyết định kê biên, định giá và bán đấu giá đối với tài sản của họ để thi hành án trái pháp luật thì họ có quyền khiếu nại theo quy định tại khoản 1 Điều 140 của Luật Thi hành án dân sự. Việc giải quyết khiếu nại của họ được thục hiện theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục  quy định tại Mục 1 Chương VI của Luật Thi hành án dân sự.
Theo khoản 4 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì khi quyết định đình chỉ vụ án “Tòa án đồng thời phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan (nếu có)”, trường hợp nguyên đơn được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án có giải quyết việc thi hành án trong quyết định đình chỉ hay không?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì: “Đối với vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án thì Tòa án đồng thời phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan (nếu có); trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì việc đình chỉ giải quyết vụ án phải có sự đồng ý của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.”
Theo quy định nêu trên thì trong trường hợp vụ án đã có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm hủy án để xét xử lại, quá trình giải quyết lại sơ thẩm, nguyên đơn rút toàn bộ đơn khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt nhưng họ không đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì việc đình chỉ giải quyết vụ án phải được sự đồng ý của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do vậy, trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ đơn khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt nhưng họ không đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan, Tòa án phải hỏi ý kiến của bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan về việc có đồng ý đình chỉ giải quyết vụ án hay không, có yêu cầu giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan không và tùy từng trường hợp xử lý như sau:
– Trường hợp bị đơn không đồng ý đình chỉ giải quyết vụ án, yêu cầu giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan thì Tòa án ra quyết định đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn, xác định lại tư cách bị đơn trở thành nguyên đơn và nguyên đơn trở thành bị đơn.
– Trường hợp bị đơn đồng ý đình chỉ giải quyết vụ án nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không đồng ý đình chỉ giải quyết vụ án, yêu cầu giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan, yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn, đình chỉ yêu cầu phản tố của bị đơn (nếu có); người có quyền, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người nào bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan yêu cầu Tòa án giải quyết thì trở thành bị đơn. Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
– Trường hợp bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đồng ý đình chỉ giải quyết vụ án, không yêu cầu giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan thì Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án và giải quyết vấn đề án phí, không giải quyết vấn đề hậu quả của việc thi hành án.
– Trường hợp bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai để hỏi ý kiến về việc có đồng ý đình chỉ giải quyết vụ án hay không, có yêu cầu giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan không nhưng vẫn vắng mặt nhưng không vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì coi như đồng ý đình chỉ việc giải quyết vụ án.

Các tin đã đưa ngày: