Việc đương sự tự giác thi hành án là yếu tố quan trọng thúc đẩy việc thi hành các bản án, quyết định dân sự, không chỉ giải quyết được thi hành án mà còn tạo sự đồng thuận, hàn gắn tình cảm giữa các đương sự, góp phần quan trọng trong việc ổn định tình hình, không phát sinh các vấn đề xã hội phức tạp liên quan đến việc thi hành án dân sự. Để đạt được điều này, công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục trong thi hành án dân sự là rất quan trọng, thực hiện thành công công tác này có thể rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án, hạn chế thấp nhất việc phải cưỡng chế thi hành án và đơn thư khiếu nại của người dân.
Tuy nhiên trên thực tế, ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành án mà chủ yếu là người phải thi hành án còn hạn chế. Nhiều đương sự khi được Chấp hành viên giải thích, vận động đã có thái độ thiếu tôn trọng, không hợp tác, nhiều trường hợp người phải thi hành án cố tình chây ỳ, tẩu tán tài sản, đi khỏi địa phương, khiếu nại vượt cấp, nhằm mục đích kéo dài việc thi hành án, chống đối quyết liệt việc cưỡng chế thi hành án. Do đó, để thi hành được những vụ việc này cần phải kiên trì vận động, thuyết phục và giải thích cho đương sự thấu hiểu, để từ đó đôi bên cùng thống nhất cách thức thi hành bản án sao cho đạt hiệu quả và lợi ích tối ưu của hai bên. Đây là một nhiệm vụ không dễ, vì trước đó, các bên đương sự đã không thể ngồi lại đàm phán với nhau để tìm ra tiếng nói chung, phải giải quyết bằng một bản án của Tòa án.
Nhận thức được điều đó, Lãnh đạo VKSND huyện và Chi cục THADS đã thống nhất phối hợp chặt chẽ giữa 2 đơn vị, quá trình kiểm sát thi hành án dân sự không chỉ là kiểm sát trên hồ sơ, giấy tờ mà còn đặt ra yêu cầu Kiểm sát viên phải làm tốt nhiệm vụ của mình trong quá trình phối hợp với Chấp hành viên khi tham gia kiểm sát việc tổ chức thi hành án dân sự. Công tác tuyên truyền, giáo dục phát luật bằng nhiều hình thức khác nhau để mang lại hiệu quả, trong đó chú trọng giải thích quyền và nghĩa vụ của người phải thi hành án, người được thi hành án và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
Có nhiều vụ việc, Chấp hành viên khi đến làm việc thì người phải thi hành án trốn tránh, không hợp tác, bởi họ cho rằng Cơ quan thi hành án đến để lấy tài sản của họ. Nhưng khi có Kiểm sát viên tham gia thì người phải thi hành án đã gặp, làm việc và tiếp thu những giải thích về nghĩa vụ và quyền lợi của họ trong quá trình Cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án.
Qua đôn đốc trực tiếp, một số vụ việc trước đây không có điều kiện nhưng nay thân nhân của người phải thi hành đã tự nguyện thực hiện thay nghĩa vụ về tiền góp phần tiến tới hoàn thành chỉ tiêu thi hành án của ngành giao./.
Nguyễn Trung chính