Qua kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo theo Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 14/5/2012 của Thành ủy Hà Nội Về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thi hành án dân sự trong tình hình mới; Chương trình số 05-CTr/BCĐ, ngày 26/01/2016 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy về Trọng tâm công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy năm 2016 Đoàn kiểm tra đánh giá lãnh đạo các quận, huyện ủy được kiểm tra luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự, xác định công tác thi hành án dân sự là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, gắn công tác thi hành án dân sự với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô; Chủ động nắm tình hình, tham mưu với Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố triển khai thực hiện hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn Thành phố gắn với thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW và Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020. Hàng năm, UBND quận, huyện, thị luôn có ý kiến đối với Kế hoạch, Chương trình công tác thi hành án dân sự theo đúng quy định của pháp luật. Tổ chức quán triệt các văn bản pháp luật mới về thi hành án dân sự, ban hành nhiều văn bản triển khai công tác thi hành án dân sự.
Đ/c Nguyễn Quang Huy, UVBTV, Phó Trưởng ban Thường trực Chỉ đạo Cải cách tư pháp, Trưởng ban Nội chính Thành ủy phát biểu chỉ đạo |
Thường trực Quận ủy, Huyện ủy, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Quận, huyện ủy thường xuyên rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo THADS và ban hành quy chế hoạt động trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm của các thành viên; hàng năm có kế hoạch hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan THADS trong việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và trang, thiết bị cần thiết phục vụ công tác THADS; thường xuyên phối hợp với cơ quan quản lý thi hành án dân sự cấp trên trong công tác quản lý, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan thi hành án dân sự có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ và có tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Chi cục Thi hành án dân sự chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thi hành án; Công tác tự kiểm tra nghiệp vụ thi hành án được đơn vị thường xuyên thực hiện. Hàng năm lãnh đạo Chi cục đều yêu cầu Chấp hành viên lập kế hoạch tổ chức thi hành án các vụ việc, lập danh sách rà soát, phân loại hồ sơ thi hành án, thực hiện việc kiểm tra tính chính xác của việc phân loại và xây dựng kế hoạch để báo cáo Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự và Cục Thi hành án dân sự Thành phố; Công tác tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án thực hiện tốt; Công tác luân chuyển, điều động, kiện toàn tổ chức bộ máy thi hành án thực hiện có hiệu quả;Việc tiếp nhận Bản án và thụ lý, ra Quyết định thi hành án đảm bảo đúng quy định của pháp luật; Việc ra các Quyết định về hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án và ủy thác thi hành án có căn cứ, đúng quy định pháp luật; Công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành, tự nguyện thỏa thuận được thực hiện thường xuyên, liên tục, kể cả trước thời điểm cưỡng chế. Một số vụ việc đã huy động toàn bộ các ban, ngành, đoàn thê, hội cùng vào cuộc tham gia hòa giải, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành; Công tác cưỡng chế thi hành án đảm bảo an toàn về người và tài sản, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương;Việc ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đúng căn cứ; việc niêm yết thông tin của người phải thi hành án tại trụ sở cơ quan Thi hành án dân sự và UBND xã, phường, thị trấn thực hiện đúng quy định của Luật thi hành án dân sự và Thông tư số: 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự.
Tuy nhiên, về kết quả thi hành án 9 tháng năm 2016 nhiều đơn vị đạt thấp, đặc biệt là tỉ lệ thi hành về giá trị chưa đạt chỉ tiêu do Quốc hội, Bộ Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự giao; Số việc có điều kiện thi hành chuyển năm sau, đặc biệt là số tiền phải thi hành án chuyển sang năm sau lại tăng dần theo từng năm. Vẫn còn một số vụ việc tồn đọng nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm.
Kết luận chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Quang Huy, UVBTV, Phó Trưởng ban Thường trực Chỉ đạo Cải cách tư pháp, Trưởng ban Nội chính Thành ủy yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Đẩy mạnh thực hiện cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TW về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Các Cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự; xác định công tác thi hành án dân sự là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, gắn công tác thi hành án dân sự với việc đảm bảo an ninh trật tự ở từng địa phương.
2. Tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc Điều 106 của Hiến pháp 2013, bảo đảm “Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật phải được nghiêm chỉnh chấp hành”; tổ chức thi hành tốt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS và các Bộ luật, Luật vừa được sửa đổi như Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật tố tụng hành chính, bảo đảm các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành phát huy hiệu quả sâu, rộng trong thực tiễn, tạo chuyển biến căn bản trong công tác THADS; chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 107/2015/QH13 của Quốc hội.
3. Phối hợp xây dựng và tổ chức thực hiện tốt cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống thi hành án dân sự với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, đặc biệt là tăng cường phối hợp liên ngành để giải quyết các khó khăn, vướng mắc và các án tồn động trong thi hành án dân sự. Cơ quan Thi hành án dân sự hai cấp tập trung làm tốt chức năng, nhiệm vụ, các quy định của Luật Thi hành án dân sự. Duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng mối quan hệ phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan Thi hành án hình sự hai cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội và các cơ quan có liên quan để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự; thực hiện tốt quy chế phối hợp mà các bên đã ký kết.
4. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về công tác thi hành án dân sự. Kịp thời quán triệt các văn bản pháp luật, các hướng dẫn về công tác thi hành án dân sự cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là Luật Thi hành án dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan tới mọi tầng lớp nhân dân theo hướng hiệu quả, thiết thực với nội dung cụ thể, hình thức phong phú, phương pháp phù hợp với từng địa bàn và từng đối tượng, nhằm nâng cao nhận thức, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác thi hành án dân sự.
5. Phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của Hội đồng nhân dân, vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong đó chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy cơ sở trong việc thi hành án dân sự.
6. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho các cơ quan tư pháp Thành phố nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác./.
Đàm Thị Kiều Oanh